Cuộc hành trình về phương Đông của tiểu thuyết “Búp bê”

Thứ Bảy, 13/01/2018, 20:35
Cuối tháng 11 năm 2017, Giáo sư Tokimasa Sekiguchi, chuyên ngành ngữ văn Ba Lan thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Tokyo viết thư cho tôi, vui mừng báo tin: Kiệt tác “Búp bê” của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus, do ông dịch đã rời nhà xuất bản để có mặt trong các hiệu sách trên toàn nước Nhật. 

Trước đó, trong quá trình chuyển ngữ bộ sách đồ sộ này, Giáo sư người Nhật có cùng tình yêu văn học Ba Lan với tôi, cũng đã nhiều lần trao đổi thư từ, chia sẻ niềm vui công việc và những khó khăn gặp phải.

Tôi vui mừng trước thành công to lớn của người đồng nghiệp từ nhiều năm đã trở nên thân thiết qua mấy lần Đại hội các nhà ngữ văn học Ba Lan. Vậy là cho đến cuối năm 2017, “Búp bê” của Boleslaw Prus, theo tôi được biết, đã đến với bạn đọc tại ít nhất 4 quốc gia châu Á, là Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản.

Với tư cách là một trong số những dịch giả “Búp bê” ở châu Á, tôi nảy ra ý định tìm hiểu kỹ hơn về cuộc hành trình đến với phương Đông của một trong những kiệt tác văn học Ba Lan mọi thời đại. Và tôi đã có được một kết quả khá thú vị.

“Búp bê” đến với độc giả Trung Quốc sớm nhất (năm 2005) nhờ bản dịch của Giáo sư Zhang Zhenhui, cán bộ Viện Văn học nước ngoài thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc. Bản dịch dày 900 trang, in kèm lời giới thiệu viết khá công phu, trong đó dịch giả đề cập đến thân thế, sự nghiệp nhà văn Boleslaw Prus, khoảng thời gian diễn ra các sự kiện được miêu tả trong tác phẩm. Sách được in với sự tài trợ của Viện Sách Ba Lan, nhưng số lượng cũng chỉ là 3.300 bản, khá khiêm tốn so với số dân Trung Quốc.

Bản dịch “Búp bê” ra tiếng Hàn và tiếng Việt cùng ra mắt bạn đọc vào năm 2016, với sự chênh lệch thời gian khoảng nửa năm. Sách cùng được xuất bản thành hai tập dày, trong khi bản tiếng Trung và tiếng Nhật được in trong một tập. Có điều bản tiếng Nhật dày tới 1.240 trang.

Các dịch giả “Búp bê” ở châu Á, họ là ai?

Đầu tiên có lẽ phải nêu ra một chi tiết khá thú vị là các dịch giả này đều là nam giới, cùng được đào tạo chuyên ngành ngữ văn Ba Lan. Bậc đàn anh của các dịch giả Búp bê ở châu Á chắc chắn là Giáo sư Zhang Zhenhui. Ông sinh năm 1934, đến Ba Lan học Đại học Tổng hợp Varsava, chuyên ngành ngữ văn Ba Lan trong thời gian từ 1954 đến 1960.

Người đứng thứ hai về tuổi tác là dịch giả Hàn Quốc Cheong Byung Kwon, sinh năm 1948. Dịch giả Nhật Bản Tokimasa Sekiguchi và dịch giả Việt Nam Nguyễn Chí Thuật cùng tuổi Tân Mão, 1951. Cả 4 dịch giả đều có học hàm giáo sư, trong đó ba người được phong giáo sư tại nước mình.

Một điều khá đặc biệt là ở thời điểm bản dịch của họ ra mắt bạn đọc, các vị đều không còn trẻ nữa. Giáo sư Zhang Zhenhui đón nhận đứa con tinh thần của mình khi đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm" (71 tuổi), Giáo sư Hàn Quốc Cheong Byung Kwon tận hưởng niềm vui mà “Búp bê” mang lại ở tuổi  68; Giáo sư người Nhật Tokimasa Sekiguchi - 66, còn tôi, … trẻ nhất hội ở thời điểm đó - 65.

Kiệt tác “Búp bê” của nhà văn Ba Lan Boleslaw Prus do dịch giả Nguyễn Chí Thuật chuyển ngữ đã được trao giải Hội Nhà văn Hà Nội 2017.

Quyết định dịch “Búp bê” được các dịch giả đưa ra đều xuất phát từ tình yêu cháy bỏng đối với văn học Ba Lan và mong muốn đem đến cho bạn đọc nước mình kiệt tác văn học của một đất nước mà mình mang nặng ân tình. Cả 4 người, tuy thời gian dài ngắn khác nhau, đều sống những năm tháng đáng nhớ trên quê hương Chopin và Adam Mickiewicz. Họ ý thức rất rõ rằng dịch “Búp bê” là sự dấn thân, là chấp nhận "con đường đau khổ".

Sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ… sẽ là những rào cản không dễ vượt qua trong quá trình chuyển ngữ. Nhưng rồi tình yêu dành cho văn học Ba Lan, nguyên tắc châu Á "lửa thử vàng, gian nan thử sức" đã giúp họ rèn luyện ý chí và đi đến đích cuối cùng.

Dịch giả Trung Quốc phải mất 8 năm cật lực mới hoàn thành bản dịch để nó trở thành đứa con tinh thần yêu mến một đời của dịch giả. Các đồng nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đã bỏ ra ít nhất 5 năm trong quỹ thời gian còn rất hạn chế của mình. Tôi bắt đầu dịch và in trích đoạn 5 chương đầu cuốn “Búp bê” vào năm 1999 trên tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam.

Đến năm 2010, tôi hoàn thành bản dịch và chờ thêm 6 năm nữa thì sách mới được in trọn bộ. Tính chi li thì thời gian "thai nghén" cũng là… 17 năm.

“Búp bê” kết nối

Tôi không có may mắn được kết thân với với tác giả bản dịch “Búp bê” tiếng Trung, Giáo sư Zhang Zhenhui, mặc dù trong thâm tâm tôi vô cùng kính trọng ông và mạnh dạn coi ông là đồng nghiệp. Chắc chắn tôi đã gặp ông trong Đại hội các nhà ngữ văn học Ba Lan và Đại hội Những người dịch Ba Lan trên thế giới. Nhưng có thể chúng tôi chưa có "duyên" với nhau nên mối quan hệ gần gũi chưa được thiết lập. Nhưng với hai dịch giả còn lại, Giáo sư Nhật Bản và Giáo sư Hàn Quốc, từ nhiều năm nay chúng tôi đã thành bạn thân của nhau. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vui mừng ôm hôn nhau thắm thiết như những người trong một gia đình.

Giáo sư Cheong Byung Kwon cách đây không lâu đã được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Tổng hợp mang tên Adam Mickiewicz tại Poznan. Ở đây có đào tạo ngành Ngữ văn Hàn Quốc nên việc hợp tác giữa Đại học Adam Mickiewicz và Đại học Ngoại ngữ Seoul, nơi Giáo sư Cheong sáng lập ngành Ngữ văn Ba Lan là rất chặt chẽ.

Lần nào đến Poznan, Giáo sư Cheong cũng sắp xếp thời gian để chúng tôi gặp nhau. Từ khi ông trở thành dịch giả tiểu thuyết “Búp bê”, chúng tôi càng có thêm lý do để thân thiết nhau hơn. Giáo sư Nhật Bản Tokimasa Sekiguchi thì vừa làm một việc khiến tôi cảm động vô cùng: Ông đã đặt mua một bộ “Búp bê” tiếng Việt ở Hà Nội và sau mấy tuần chờ đợi, bộ sách đã đến tay ông tại Tokyo. Ông còn nói với tôi rằng ông đã đề xuất với Giáo sư Cheong tổ chức tại Seoul cuộc gặp mặt các dịch giả “Búp bê” châu Á vào sang năm. Nếu giáo sư Zhang Zhenhui vì tuổi cao không sang được thì ba người còn lại gặp nhau.  

Ba dịch giả “Búp bê” ở châu Á, Shang Zhenhui, Cheong Byung Kwon, Tokimasa Sekiguchi đều là những người có thành tựu dịch văn học Ba Lan rất ấn tượng. Ngoài kiệt tác của Boleslaw Prus, họ còn là tác giả bản dịch các tác phẩm quan trọng nhất của văn học Ba Lan.

Chẳng hạn như trong bảng thống kê công trình dịch sang tiếng Trung của Giáo sư Zhang Zhenhui có: Tập thơ Adam Mickiewicz, tiểu thuyết Đất hứa của Wladyslaw Stanislaw Reymont, Hiệp sĩ thánh chiến và Quo vadis của Henryk Sienkiewicz, thơ Wislawa Szymborska và Tadeusz Rozewicz.

Không phải ngẫu nhiên mà khi đưa tin về việc “Búp bê” được dịch và xuất bản lần đầu ở Trung Quốc, báo chí Ba Lan đã không quên bình luận: "Như vậy là văn học Ba Lan không chỉ gây chú ý ở những người láng giềng gần gũi mà cả ở những đất nước xa xôi và ít nhiều xa lạ với chúng ta nữa".

Trong trường hợp các Giáo sư Hàn Quốc và Nhật Bản, việc xuất bản “Búp bê” do họ dịch được coi là công trình có ý nghĩa tiếp theo, khẳng định tài năng và những đóng góp to lớn đối với văn học Ba Lan của họ. Giáo sư Hàn Quốc cách đó một số năm đã được dư luận Ba Lan thừa nhận rộng rãi sau khi ông công bố bản dịch kiệt tác sử thi Pan Tadeusz của đại thi hào dân tộc Ba Lan Adam Mickiewicz (ở Việt Nam, tác phẩm này cũng đã đến tay bạn đọc nhờ bản dịch của Nguyễn Văn Thái).

Giáo sư Tikimasa Sekiguchi có công đặc biệt trong việc đưa thơ Ba Lan, từ cổ điển đến hiện đại, gần lại với độc giả nước mình. Mở đầu là Thơ điếu của Jan Kochanowski thế kỷ XVI, qua Adam Mickiewicz đầu thế kỷ XIX đến các nhà thơ hiện đại thế kỷ XX như Jaroslaw Iwaszkiewicz, Czeslaw Milosz, Zbigniew Herbert.

Các nhà văn lớn thế kỷ XX của Ba Lan như Witold Gombrowicz, Stanislaw Ignacy Witkiewicz và Stanislaw Lem cũng được ông dành nhiều công sức để giới thiệu với bạn đọc nước mình. Các dịch giả nêu trên cũng là những người quảng bá văn học Ba Lan hiệu quả và thiết thực ở nước mình. Phía Ba Lan đã thể hiện sự ghi nhận đóng góp của họ bằng những tấm huân huy chương, những tặng thưởng giá trị cao về mặt tinh thần.

Cái được vô giá

Dịch là công việc chưa bao giờ dễ dàng, song trớ trêu thay, nó cũng là loại hình công việc ít ra tiền nhất. Các dịch giả văn học Ba Lan, ở cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam ý thức rất rõ điều này. Khi đưa ra quyết định dịch một tác phẩm đồ sộ nhất nhì văn học Ba Lan như “Búp bê”, họ xác định từ đầu: dịch không phải để kiếm tiền. Niềm vui công việc, cơ hội nâng cao trình độ tiếng Ba Lan, hiểu biết thêm nền văn hóa Ba Lan… là những cái được vô giá.

Sau khi cuốn “Búp bê” do tôi dịch được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành, nhìn mức độ đồ sộ của nó, hình dung công sức dịch giả bỏ ra, nhiều bạn bè tò mò muốn biết tôi thu nhập được bao nhiêu từ cuốn đó. Tôi chỉ cười trừ và lảng tránh trả lời. Nhưng có một chuyện làm tôi quên đi những năm tháng lao động gian khổ, miệt mài. Chả là đầu năm 2017, tôi mời con gái tôi sang Ba Lan thăm bố mẹ.

Trước đấy không lâu “Búp bê” được in. Vì chưa nhìn thấy đứa con tinh thần quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc đời dịch giả của mình, tôi "lệnh" cho con gái bớt một ít hành lý lại, ưu tiên cho ba bộ “Búp bê”. Khi đến sân bay, hải quan cửa khẩu yêu cầu con gái tôi cho kiểm tra hành lý mang theo. Cái vali to nhất được mở ra và các nhân viên hải quan sân bay nhìn thấy ba bộ “Búp bê” (sáu cuốn) chiếm trọn một góc va-li.

Nhận ra sự ngạc nhiên của các nhân viên hải quan, con gái tôi giải thích đó là kiệt tác của Boleslaw Prus do bố dịch. Trưởng nhóm hải quan gọi các nhân viên của mình tập trung lại và nói lớn: "Các cậu xem đi, đây là tiểu thuyết “Búp bê” do bố cô này dịch ra tiếng Việt". Sau một hồi ngắm nghía với sự ngưỡng mộ bộ sách hai tập dày, in đẹp, trưởng nhóm hải quan tươi cười bảo con gái tôi đóng vali lại, không cần kiểm tra gì nữa.

Nguyễn Chí Thuật
.
.