Cuộc chơi thú vị của nhóm nghệ sĩ tay trái
- Phát động Festival nhiếp ảnh trẻ năm 2019 "Việt Nam hôm nay"
- Nhiếp ảnh gia đi xe máy dọc bờ biển Việt Nam "săn rác"
- Con đường sáng tạo nhiếp ảnh không giản đơn
- Nhiếp ảnh nghệ thuật và những tồn tại xung quanh các cuộc thi
Nối tiếp thành công của triển lãm ảnh nghệ thuật “Tay trái I” vào năm 2014, những ngày giữa tháng 4 năm 2019 này, triển lãm ảnh nghệ thuật “Tay trái II” của nhóm 13 họa sĩ gồm Dũng Art, Bùi Việt Dũng, Hoàng Phương Liên, Tô Chiêm, Trần Quang Minh, Ngô Xuân Phú, điêu khắc Liên Vũ, Trịnh Vũ Hiếu, Nguyễn Tú, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Hoài Thanh, Bùi Hồng Thắng. Họ đã trình làng khoảng 100 bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng của đời sống và con người Việt Nam trên dải đất thân thương hình chữ S này.
Sáng kiến “Tay trái” bắt đầu từ thú say mê nhiếp ảnh của họa sĩ Nguyễn Quang Dũng (tức Dzũng Art). Anh từng bộc bạch rằng, với họa sĩ tay phải để vẽ, tay trái không làm gì thì chụp ảnh chơi, mà không ngờ đến một ngày tay trái bị dính với máy ảnh không dứt ra được.
Khi quy tụ những họa sĩ yêu nhiếp ảnh cho một cuộc triển lãm đầu tiên, chúng tôi muốn chia sẻ với khán giả cách nhìn về nhiếp ảnh của họa sĩ. Có thể đó là cách nhìn không giống ai, nó tự nhiên và nhi nhiên, không chịu áp lực từ bất kỳ một điều gì.
Mây hồng - Ảnh Ngô Xuân Phú. |
Bỏ qua mọi luật lệ, rào cản, thậm chí những gò bó khuôn vàng thước ngọc của kỹ thuật…đơn giản nó là cách nhìn của chúng tôi với cuộc sống thông qua nhiếp ảnh. Là cách nghĩ, cách cảm, là tình yêu, là thông điệp tự nhiên nhất của chúng tôi khi tiếp nhận và ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa mà cuộc sống phơi bày dưới ánh nắng mặt trời.
Tình yêu của Dzũng Art được tiếp thêm sức mạnh bởi những đồng cảm của họa sĩ Bùi Việt Dũng. Chính họ đã nung nấu và lên ý tưởng cho cuộc triển lãm ảnh “Tay trái I” đầu tiên, và thật may mắn khi họ đã quy tụ được các họa sĩ, nghệ sĩ làm về công việc nghệ thuật tạo hình nhưng có thú đam mê nhiếp ảnh cùng tham gia.
Cuộc chơi của những con người vì cái đẹp, yêu cái đẹp và dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật, chọn nghệ thuật như chọn cho mình một con đường của số phận. Vẽ hay nhiếp ảnh thì họ đều đặt cả tâm hồn mình trong sự sáng tạo ấy. Bởi vậy, dù khiêm tốn tự xưng là “Tay trái” nhưng những tác phẩm nghệ thuật họ tạo ra từ nhiếp ảnh đã mang lại cho khán giả những rung động, những khám phá bất ngờ về những vẻ đẹp của con người và cuộc sống mà họ đã ghi lại được trong từng bước chuyển của thời gian.
Nếu như những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, với kinh nghiệm và kỹ năng hoàn hảo trong “cuộc chơi ánh sáng”, thì với những người họa sĩ này, chiếc máy ảnh là bạn đồng hành trong những cuộc rong chơi trên mọi miền đất nước.
Chiếc máy ảnh đã giúp họ ghi lại những vẻ đẹp của thế gian, và hơn thế nữa, những vẻ đẹp đó một ngày nào sẽ bước vào thế giới hội họa và điêu khắc của họ như thể một ký ức được ghi chép lại. Cùng một thiên nhiên ấy, cảnh vật ấy và con người ấy, những nhiếp ảnh gia không chuyên này có thể dẫn người xem lúc này hay lúc khác bước vào nhiều không gian nghệ thuật khác nhau để chiêm ngưỡng và cảm nhận cái đẹp riêng biệt.
Có thể nói, triển lãm ảnh nhóm “Tay Trái I” lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như một cuộc khởi đầu cho những cuộc triển lãm tiếp theo nhằm thể hiện tình yêu và cái nhìn đằm thắm của những người trân trọng và coi chiếc máy ảnh như người bạn tâm giao với thế giới muôn màu muôn vẻ quanh ta.
Họa sĩ Trần Quang Minh đã thay mặt cho nhóm 13 họa sĩ chia sẻ thú đam mê nhiếp ảnh trong lễ khai mạc triển lãm “Tay trái II”: “Nghệ thuật luôn là sự tình cờ và trong một trạng thái như nhiên nào đó nó chạm vào tâm thức của mỗi cá nhân như một sự thức tỉnh và đồng hành vào một hành trình mà đôi khi đi mà không nhất thiết phải cần đích đến.
Trong nghệ thuật hôm nay thì phương tiện biểu đạt luôn phong phú và đa dạng, nó luôn tạo cho người nghệ sĩ đạt đến cảm xúc trọn vẹn trong sáng tạo. Vì vậy, khoảng cách giữa các môn nghệ thuật ngày càng được xóa bằng hay kết hợp đan xen như một sự đương nhiên.
“Tay trái” là cuộc chơi bên lề của cái sự đương nhiên đó. Mười ba họa sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau từ hội họa , điêu khắc, thiết kế đến kiến trúc… đã cùng hội ngộ với nhau trong một bản hòa tấu về thị giác. Họ là những người đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực của mình nhưng cùng có một niềm đam mê chung: Nhiếp ảnh.
Chiếc máy ảnh với khởi đầu là công cụ ghi chép tài liệu phục vụ cho những tác phẩm hội họa qua những hành trình đi thực tế hay những khuôn hình cần tìm cho thiết kế… nhưng tình yêu đối với nhiếp ảnh đã chuyển hóa những khoảnh khắc ghi chép ấy dần thành những tác phẩm mang tính độc lập.
Góc nhìn hội họa qua nét cọ “ống kính” đã định hình cá tính và cách nhìn của người họa sĩ một cách rất riêng. Với họ, Ảnh phong cảnh, ảnh đời thường, ảnh ý niệm hay ảnh báo chí... chỉ là những góc nhìn khác nhau trong một tinh thần trung nhất hướng về mỹ học hình ảnh”.
Có thể dễ dàng nhận thấy những phong cách đặc trưng của 13 họa sĩ trong cuộc triển lãm ảnh lần này. Từng thiên về chụp nuy, khai thác vẻ đẹp ngọt ngào và tinh khiết của thiếu nữ trong tà áo dài trắng, giờ đây là một Nguyễn Quốc Dũng bất ngờ với đầy những suy tư, chiêm nghiệm, thao thiết với những khoảnh khắc bình thường dung dị nhất của đời sống đang diễn ra hằng ngày quanh ta. Họa sĩ Bùi Việt Dũng khá ổn định với phong cách đen trắng của mình.
Từ “Tay trái I” đến Tay trái II, anh vẫn trung thành với ghi nhận những sắc thái đời thường qua tương phản đen trắng, cuộc sống được anh diễn giải nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ lại đắm mình trong những miền đất vùng cao với những khoảnh khắc của phong cảnh và con người mà anh yêu thương và đắm đuối.
Họa sĩ Tô Chiêm lặng lẽ gây ấn tượng khi giới thiệu những người bạn thân thiết của mình qua mảng chân dung. Anh ghi lại họ trong tâm thế trực họa hồn nhiên, không màu mè, không xếp đặt. Một chân dung Thành Chương với cái nhíu mày đầy “tâm thế” trong ánh nhìn vừa sâu, vừa sắc, vừa ẩn giấu trầm luân đã trải. Đó là một bức chân dung lột tả được hết tính cách và thần thái của Thành Chương.
Họa sĩ Thành Chương - Ảnh Phạm Tô Chiêm. |
Bức chân dung thứ hai mà Tô Chiêm vô cùng tâm đắc đó là nhà thơ Bùi Minh Quốc.Với mái tóc xù bông, râu ria lởm chởm dựng ngược trắng xóa dưới ánh sáng đổ ngược của mặt trời làm cho tất cả mọi thứ trên gương mặt có phần “đa đoan, đau khổ” của Bùi Minh Quốc như rực lên, phơi bày bằng hết mọi tâm trạng của thi sĩ - người như đã thu hết mọi dâu bể của nhân gian vào mình dưới ánh nắng trời. Một bức chân dung đầy tâm trạng.
Điểm nhấn đặc biệt và cũng là nét mới của “Tay trái II” lần này chính là những tác phẩm của Trịnh Vũ Hiếu. Hiếu đưa đến triển lãm một serri ảnh ý niệm. Ảnh ý niệm không thực, nó nửa hư nửa thực, nó khác hẳn với tất cả những bức ảnh được treo trong ở triển lãm. Một phong cách đan xen giữa hội họa và nhiếp ảnh, là sự áp đặt của tác giả khi đưa hội họa vào nhiếp ảnh, xóa nhòa mọi ranh giới giữa hội họa và nhiếp ảnh thành một tổng thể thông điệp thị giác hoàn chỉnh. Ảnh ý niệm của Hiếu bắt người xem phải nghĩ, và cũng lựa chọn người xem bởi người xem phải có gu văn hóa khác hơn thông thường một chút mới có thể thẩm được ý nghĩa sâu xa tác phẩm của Hiếu.
Bên cạnh Trịnh Vũ Hiếu là họa sĩ Ngô Xuân Phú với những tác phẩm độc đáo, riêng, thiên về ảnh báo chí phản ánh hiện thực đời sống. Có những tác phẩm của anh mới nhìn có thể hơi buồn cười, hơi ngớ ngẩn bởi khuôn hình, bố cục, và nhân vật trong ảnh, nhưng càng nhìn, càng duyên…càng yêu…
Họa sĩ Trần Quang Minh tự hào: “Mười ba họa sĩ, mười ba sắc thái hình ảnh là sản phẩm Tay trái của đời, là thực tiễn trải nghiệm đời sống và tinh thần mà họ đã đi qua. Không định hình, không đóng khuôn, nghệ thuật đôi khi là mũi tên đang bay chứ không hẳn là đích đến. Và họ, những họa sĩ gặp nhau, cùng chơi chung một cuộc chơi, không vụ lợi, cùng một mục đích chia sẻ những khoảnh khắc đẹp của cuộc đời, giản dị vậy thôi! … nhưng đôi khi những điều lớn lao lại luôn nằm trong cái sự giản dị ấy”.