Cù Lao Chàm ơi!

Thứ Hai, 21/08/2017, 08:01
Trong "Phủ biên tạp  lục", nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: "Phủ Thăng Hoa ở ngoài biển Cửa Đại Chiêm có núi to gọi là Cù Lao Chàm, ba ngọn nối nhau, hai ngọn lớn và xanh tốt, có dân cư ruộng nương… chạy từ bờ ra đó cách chứng hai  canh thì đến". 


Chúng tôi  đến bến tàu cửa Đại lúc 8h  xuống ca nô cao tốc có áo phao cứu sinh. Đặc biệt hướng dẫn viên người nào da cũng đen cháy, rất niềm nở và không quên dặn câu cửa miệng là: "Xin mời quý khách bỏ các thứ cần dùng vào túi vải chứ không được mang theo túi nilon".

Thì ra ở Cù Lao Chàm có một quy định rất nghiêm ngặt là khách du lịch và người dân trên đảo không được dùng túi nilon để bảo vệ môi sinh, môi trường. Sau khoảng 20 phút ca nô cao tốc chạy từ bến tàu Cửa Đại đến cầu cảng Cù Lao Chàm cách 15 hải lý. Do vị trí cách Hội An  không xa và thẳng góc một đường chiếu nên Cù  Lao Chàm còn được gọi là "bình phong" che trước thương cảng Hội An...

Lại nhớ có lần nói chuyện với nhà văn Thái Bá Lợi, người đã có cuốn tiểu  thuyết lịch sử "Minh Sư" khá nổi tiếng. Ông cho tôi biết: "Bàn về lịch sử vùng đất này nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng: Cù Lao Chàm suýt nữa trở thành một  Hồng Kong.

Chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm.

Chả là năm 1973, ba chiếm hạm lớn của Đặc mệnh toàn quyền Anh Mesathay bỏ neo tại cảng Đà Nẵng trong một tháng. Phái bộ Anh đã cử đoàn đi khảo sát Cù Lao Chàm và có tường trình kỹ về quần đảo này. Năm 1804 và sau đó năm 1821, người Anh nhiều lần xin các Vua nhà Nguyễn cho phép xây dựng ở đấy một căn cứ kinh tế để dễ bề tiếp xúc với thương buôn Quảng Châu và các quốc gia khác. Đến khi chiến tranh nha phiến nổ ra (1839 - 1942) và kết thúc là hiệp ước Nam Kinh đã giúp người Anh có được Hồng Kong. Vì vậy vấn đề buôn bán tại Cù Lao Chàm không có nữa. Như thế mới biết Cù Lao Chàm có một vị trí quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt.  Không chỉ bây giờ mà còn trong quá khứ. Gần đây qua các di chỉ của khảo cổ học, các hiện vật quý như tiền cổ, gốm Slam, nền tháp  Chăm … mới biết trong quá khứ Cù Lao Chàm là nơi tiếp xúc giao thông với người nước ngoài…

Bắt đầu  là bí  ẩn "giếng  cổ"  trên Cù Lao Chàm. Đó là giếng Xóm Cấm. Giếng cổ Chăm ở Cù Lao Chàm là giếng nước ngọt duy nhất ở vùng đất này. Người dân đã thử đào giếng ở nơi khác tuy nhiên đều không tìm được mạch nước ngọt. Cấu trúc giếng mang đặc trưng giống với nhiều kiểu giếng Chăm ở Hội An. Ở đây tôi gặp nhiều cặp trai gái khách du lịch dừng lại rất lâu và chia cho nhau từng ngụm nước ngọt múc từ cái giếng độc đáo này.

Thì ra ở đây còn lưu truyền câu chuyện uống nước giếng cổ  Cù Lao Chàm để cầu tình duyên. Trường hợp những người chưa có người yêu thì con trai uống 7 ngụm  nước, con gái uống 9 ngụm nước thì tình yêu sẽ đến. Và uống nước giếng còn có thể sinh con theo ý muốn. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì khi người ra  Cù Lao Chàm bị say sóng, lấy nước  giếng này nấu với lá rừng ở đây chỉ người dân địa phương biết, uống vào hết say.    

Điều bí ẩn thứ hai ở Cù Lao Chàm mà trước khi ra đây tôi được nghe nói nhiều về chùa Hải Tạng. Ở chợ Tân Hiệp trên cù lao có một đội xe ôm nghiệp dư. Họ trước đây là dân đánh cá biển chuyên đi bắt tôm hùm ốc vú nàng và cua đá là những thứ đặc sản ở các rạn san hô nhưng nay để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển đặc biệt này đã được UNESCO công nhận nên cấm đánh bắt họ chuyển sang làm nghề xe ôm.

Chỉ với cuốc xe 100 ngàn trong khoảng một giờ sẽ đi hết 7 điểm du lịch cần đến trên Cù Lao Chàm trong đó có chùa Hải Tạng. Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), ở vị trí cách nơi này khoảng 200m. Nhưng sau đó do bị bão gió hư hại nặng và để tiện cho các tín đồ là ngư dân trên đảo và thương thuyền các nước ghé vào hành lễ cung kính cầu xin thuận lợi làm ăn buôn bán nên đến năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa dời về đây tôn tạo lại khang trang hơn.

Ở vị trí  phong thủy lý tưởng này Chùa tọa lạc ở chân núi phía Tây hòn Lao, nhìn thẳng vào núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngự. Phía trước có thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất ở Cù Lao Chàm. Xung quanh câu chuyện xây chùa có nhiều huyền thoại bí ẩn.

Bác xe ôm cho tôi biết: Tương truyền các cây cột được vận chuyển từ ngoài Bắc đem vào làm một chùa nào đó ở trong Nam. Nhưng khi đi ngang qua Cù Lao Chàm, trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng mai thuyền tiếp tục lên đường nhưng thật lạ, biển tự nhiên dậy sóng, thuyền cứ xoay tròn lòng vòng không đi được ra khỏi Cù Lao Chàm, sau đó có người trong đoàn lên cúng xin keo cho hay số gỗ này không được đem đi mà phải để lại dựng chùa ở nơi này. Vì thế chùa dựng nên lấy tên là Hải Tạng.

Tên chữ Hải Tạng mang một hàm ý đẹp: Kinh tạng của  nhà Phật. Tên Hải Tạng còn được lý giải: Hải là biển, Tạng là tam tạng kinh điển - Với ý nghĩa đó chùa Hải Tạng là nơi hội tụ kinh tam tạng mênh  mông cho biển cả. Phía trước chùa có tượng Phật Quan Âm đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ, mặt hướng về Biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của người dân nơi đây. Đây là ngôi cổ tự biểu tượng bằng kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo tiêu biểu cho vùng đất linh thiêng nằm ở phía đông Tổ quốc.

Giếng cổ Chăm ở Cù Lao Chàm.

Cù Lao Chàm là một quần thể trong đó đảo hòn Lao lớn nhất có khoảng gần 3.000 người sinh sống mang trong mình một sự đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Trong chương trình một ngày ở Cù Lao Chàm, chúng tôi được ngắm san hô  ở bãi hòn Tai. Ca nô đậu cách bờ mấy chục mét cho khách du lịch khoác tấm áo phao mang ống thở úp mặt xuống làn nước trong xanh là có cảm giác như mình đang lạc vào cõi thủy cung. Ở đó có những rặng san hô rực rỡ sinh động, rập rờn như một phần cơ thể sống phập phồng dưới làn nước. Có những con cá lượn lờ bơi quanh những con sao, con ốc đủ hình thù màu sắc.

Tôi nhận thấy nước biển ở đây trong xanh có thể nhìn thấy đáy sâu hai chục mét, cát ở đảo sạch đến độ đặt lưng ướt xuống rồi nhổm dậy thì những hạt cát rơi không bám chút bụi đất nào trên da. Ở đây còn có bãi tắm thoai thoải cát mịn, trên bờ là những hàng dừa xanh tỏa bóng mắc những chiếc võng đung đưa hay những chiếc ghế bạt cho khách du lịch sau khi ăn trưa nghỉ thỏa mái.

Các môn thể thao như: Dù lượn lướt sóng hay đi bộ dưới biển ngắm kỳ quan của thiên nhiên cũng có sức hút với du khách nước ngoài và người trẻ. Chúng tôi được thưởng thức bữa trưa ngay tại bãi Hương lộng gió và rợp mát bóng dừa. Thực đơn gồm 11 món, mầm nào cũng giống nhau, tây cũng như ta, bao gồm các loại hải sản  tươi như cá, mực, nghêu, tôm và các loại rau củ sạch được trồng trên đảo.

Một không khí chan hòa cởi mở giữa mọi người không phân biệt màu da giọng nói rất thân thiện. Tú - hướng dẫn viên nói với tôi đây là bưa trưa có sẵn trong vé tour vì thế tuy phong phú nhưng khá đơn giản. Anh muốn thưởng thức đặc sản Cù Lao Chàm thì lát nữa nghỉ trưa xong ra chợ Tân Hiệp em sẽ chỉ cho. Chợ Tân Hiệp ở Cù Lao Chàm bán hải sản tươi rẻ mà không nói.

Đầu tiên là món ốc vú nàng. Đó là trên đỉnh đầu ốc có cái  nhúm nhỏ trong tựa như đầu vú của các cô gái dậy thì, vỏ ngoài màu đen xạm, mặt trong lấp lánh xà cừ. Ông chủ quán giải thích: Dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đen soi rọi vào tận kẻ đá dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá.  Khi luộc những con ốc vú nàng bắt đầu co dần thịt chuyển sang màu vàng mùi thơm tỏa ra là ốc chín. Tiếp đó chúng tôi được thưởng thức món cua đá hấp bia.

Người bắt cua đá ở đây thường bắt vào ban đêm vì ban ngày chúng ở trong hang. Ban đêm là thời gian cua đá ra khỏi hang để kiếm ăn, lúc đó chúng không nhìn thấy gì khi bị ánh sách rọi vào. Ở Cù Lao Chàm khi ánh nắng mặt trời tắt thì những người bắt cua đá chuẩn bị đồ nghề lên đường cho  một đêm thức trắng. Đây là một nghề bất trắc đòi hỏi phải có sức khỏe và sức chịu đựng bền bỉ. Cua đá hấp bia toàn thân ngấm một màu đỏ hồng như gạch, vỏ bóng loáng. Đặc biệt hai cái càng cua ngắn nhưng rất chắc, phải có cái chày hoặc kềm lớn để kẹp mới có thể lấy được phần thịt đầy bên trong, thớ thịt trắng xen những gân hồng nõn nà mà bùi ngọt, ăn thật thấm thía nhớ đời.

Tạm biệt Cù Lao Chàm tôi mang về theo cái vỏ ốc lấp lánh ánh xà cừ có những đường vân chìm, nổi rất đẹp. Ruột ốc xoắn lượn cuộn vào đó làn gió  nồng nàn của biển khơi. Và khi tôi giơ vỏ ốc lên thì bất ngờ thảng thốt vọng ra tiếng gió u u thổi ngân vang. Tú bảo: Đó là ốc gọi hồn. Gọi hồn: Cù Lao Chàm  ơi …

Nguyễn Ngọc Phú
.
.