"Cơn sốt" cổ phục trong giới trẻ: Hồi sinh cổ phục

Thứ Tư, 12/05/2021, 11:06
Không phải những trang phục truyền thống quen thuộc của các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc; cũng không phải những xu hướng thời thượng phương Tây..., trang phục đang tạo "cơn sốt" trong giới trẻ hiện nay lại là những cổ phục Việt mang đậm văn hóa truyền thống.


Điều đặc biệt này không chỉ làm hồi sinh những trang phục lâu nay chỉ bắt gặp thấy qua sách báo, phim ảnh, mà còn góp phần không nhỏ lưu giữ những nét đẹp của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

Cổ phục còn được các bạn trẻ chọn thành trang phục trong ngày cưới của mình.

Nhiều năm trước đây, tại những sự kiện như chụp ảnh cưới, chụp ảnh lưu niệm thì bên cạnh áo dài, nhiều bạn trẻ thường sử dụng các trang phục truyền thống đặc trưng của các nước như Kimono (Nhật Bản), Hanbok (Hàn Quốc) hay của phục trang cổ đại Trung Hoa... để có thêm trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, thời gian gần đây, điều này trở nên rất hiếm gặp. Thay vào đó, nhiều bạn trẻ chọn cho mình một bộ trang phục cổ xưa khi đi chụp ảnh nghệ thuật, chụp ảnh kỷ yếu, chưng diện trong dịp lễ Tết... Đặc biệt hơn, họ đã chọn cổ phục làm trang phục cưới trong ngày trọng đại của đời mình. 

Điều này giúp cho nhiều bộ cổ phục cả nửa thế kỷ qua chỉ có bắt gặp qua sách báo, phim ảnh hay các bảo tàng thì đã được sử dụng ngày càng nhiều trong đời thực, trên mạng xã hội. Từ nhu cầu đó, thiết kế cổ phục trở thành nguồn cảm hứng của không ít nhà thiết kế thời trang. Nhiều cuộc hội thảo về cổ phục cũng đã được tổ chức giúp các bạn trẻ hiểu hơn về kiểu dáng, xuất xứ của các trang phục. Với những người yêu những giá trị văn hóa truyền thống thì đó hẳn là một xu hướng đáng mừng và cần được ủng hộ.

Lâu nay, nhắc tới trang phục truyền thống của người Việt, chúng ta thường chỉ nhắc nhớ tới áo dài cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, trang phục truyền thống của người Việt còn phong phú và đặc sắc hơn nhiều. Trải qua mỗi triều đại phong kiến trong lịch sử, chúng ta đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc từng thời kỳ. Chính vì vậy, tìm về với trang phục xưa của người Việt, các bạn trẻ không chỉ thể hiện tình yêu với áo dài, mà còn ứng dụng với nhiều trang phục khác nữa như áo Nhật Bình, áo Tấc, áo ngũ thân, tứ thân... 

Cổ phục đầu tiên được giới trẻ hiện nay khá yêu mến đó là áo Nhật Bình. Theo tài liệu từ các chuyên gia về thời trang, áo Nhật Bình vốn là trang phục của Hoàng tộc Triều Nguyễn, là thường phục của Hoàng hậu, Phi tần và Công chúa. Áo được may từ  vải gấm hoa, in hoa với nhiều màu sắc như vàng, đỏ. 

Áo Nhật Bình có nguồn gốc từ áo Đối Khâm Phi Phong thời Minh, là dạng áo có cổ hình chữ nhật to bản, dùng 2 dây buộc vạt áo. Do hoa văn ở cổ áo ghép lại tạo thành một hình chữ nhật ngay trước ngực người mặc nên được gọi là Nhật Bình. Khắp thân áo trang trí theo thể thức hoa văn chính là dạng tròn khép kín, rải rác khắp áo đan xen với các hình phượng múa, hoa lá đính thêm các hạt tuyến lấp lánh... 

Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ qua, áo Nhật Bình gần như biến mất trong đời sống người Việt. Chỉ có thể nhìn thấy áo này ở các khu trưng bày tại các lăng, tẩm ở Huế hoặc tại các buổi trình diễn thời trang của Festival Huế. 

Còn áo Tấc là một trong những loại áo phổ biến nhất mà từ thiên tử đến thường dân đều mặc vào thời Nguyễn. Áo Tấc hay còn gọi là áo lễ, áo ngũ thân, thường gồm một áo ngũ thân dài quá gối với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy bên phải, áo lót trắng, quần trắng và khăn vấn. 

Khác với áo Nhật Bình chỉ dành cho nữ thì áo Tấc là trang phục cả nam và nữ đều có thể mặc được. Ngoài ra, còn nhiều loại cáo khác như áo đối khâm (thời Lý - Trần), áo giao lĩnh (thời Lý - Trần - Lê), áo ngũ thân, áo tứ thân... Những áo này đều có lịch sử ra đời với đặc điểm riêng dễ nhận biết.

Với giới trẻ, trang phục cổ thường được sử dụng trong các bộ ảnh chụp cá nhân, ảnh kỷ yếu. Có không ít học sinh cuối cấp chọn cổ phục Việt là trang phục chính album ảnh kỷ yếu của mình bên cạnh đồng phục áo dài trắng. Hình ảnh cổ phục Việt cũng liên tục được chia sẻ trên nhiều diễn đàn nhiếp ảnh lớn nhỏ. Không khó để tìm thấy những bộ ảnh mà trong đó, các cô gái trong những bộ áo tấc đủ màu, vấn đội đầu, guốc mộc, vòng ngọc... trở nên dịu dàng, đằm thắm như thiếu nữ xưa. 

Các nhiếp ảnh gia cho biết, họ liên tục nhận được yêu cầu chụp ảnh với cổ phục khiến cho các studio nhanh chóng bắt kịp xu hướng bằng việc mua, đặt may các bộ cổ phục để phục vụ nhu cầu giới trẻ. Những địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử giám, Việt Phủ Thành Chương, làng cổ Đường Lâm... là những nơi thường xuyên được giới trẻ lựa chọn để làm bối cảnh cho những bộ ảnh với cổ phục. Có cầu ắt có cung. Ngay tại những khu du lịch như Tràng An - Bái Đính, các cổ phục cũng được bán, cho thuê phục vụ du khách khá phổ biến.

Nhiều học sinh chọn cổ trang để chụp ảnh kỷ yếu.

Có thể nói, trào lưu sử dụng cổ phục bắt nguồn từ việc có nhiều bộ phim điện ảnh, nhiều MV ca nhạc được thực hiện theo phong cách cổ trang ra đời. Một loạt bộ phim như "Thiên mệnh anh hùng", "Tấm Cám chuyện chưa kể", "Quỳnh hoa nhất dạ",  "Kiều", "Trạng Quỳnh"... đã tạo nên những bàn luận không ngớt về trang phục của các nhân vật trong phim. Trên truyền hình cũng có những bộ phim như "Phượng Khấu" lấy bối cảnh cung đình xưa... 

Nhiều nhất phải kể tới các MV ca nhạc. Thậm chí, thực hiện MV theo phong cách cổ trang trở thành một xu hướng của không ít ca sĩ trẻ. Không thể không nhắc tới những MV như "Lạc trôi" (Sơn Tùng - MTP), "Anh ơi ở lại" (Chi Pu), "Không thể cùng nhau suốt kiếp" (Hòa Minzy), "Tự tâm" (Nguyễn Trần Trung Quân), "Hết thương cạn nhớ" (Đức Phúc)... Những MV này có được một lượng lớn người xem đồng nghĩa với việc cổ phục ghi một dấu ấn khá đậm nét trong lòng giới trẻ - những người vốn rất nhanh nhạy với cái mới, lạ. 

Điều đáng mừng là trong xu hướng sử dụng cổ phục của các bạn trẻ cũng sẽ thấy được sự thông minh, gu thẩm mỹ khá tinh tế của thế hệ này. Những  trang phục được chọn đều là những trang phục đẹp mắt, có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong kiểu dáng gọn gàng, tiện dụng.

Xu hướng làm phim, làm MV ca nhạc cổ trang cùng với trào lưu sử dụng cổ phục trong một số sự kiện của đời sống đã khiến thị trường cổ phục bất ngờ sôi động. Một số nhà thiết kế thời trang chọn cổ phục làm niềm đam mê, sáng tạo của mình. Trong số đó phải nhắc tới Nguyễn Đức Lộc. Người thiết kế trang phục cho không ít dự án phim, sân khấu cổ trang, cũng như trang phục cho MV ca nhạc của các ca sĩ Hòa Minzy, Bùi Lan Hương... Tình yêu với cổ phục của anh còn thể hiện ở việc tổ chức triển lãm ảnh cưới, nhiều buổi hội thảo để chia sẻ tình yêu, niềm đam mê cổ phục của mình ra cộng đồng cùng với thương hiệu "Ỷ vân hiên".

Trần Thị Trang và Nguyễn Thị Kiều Linh cũng được nhắc đến là những người trẻ say mê tìm hiểu và ứng dụng cổ trang cho các mẫu trang phục ngày nay. Mỗi người một xu hướng, một thế mạnh nhưng đều góp phần khiến cổ phục được hồi sinh. Hiện nay, thương hiệu V'style - Cổ phục cách tân của Trang với các sản phẩm văn hóa truyền thống phục vụ cưới hỏi, chụp ảnh, đi sự kiện và cả cổ phục cách tân phục vụ mọi người đi làm, đi chơi... 

Hay nhóm facebook Đại Việt Cổ Phong với trên 130.000 thành viên tập hợp các bạn trẻ yêu văn hóa cổ. Nhóm thực hiện được nhiều dự án tìm hiểu về văn hóa cổ nói chung cũng như cổ phục Việt nói riêng như dự án khôi phục đèn lồng xưa, dự án Hoa Văn Đại Việt, phục dựng chiếc áo giao lĩnh thời Lê, dự án Việt Nam cổ phục... đã có những ảnh hưởng tích cực không nhỏ tới cộng đồng.

Có thể nói, dù việc sử dụng cổ phục mới chỉ là một trào lưu trong giới trẻ nhưng đó là một xu hướng đáng mừng vì đã góp phần lan tỏa ý thức giữ gìn giá trị truyền thống trong cộng đồng. Nhiều bạn trẻ khi khoác trên mình bộ cổ phục đều cảm thấy rất đặc biệt và tự hào về mắt thẩm mỹ, sự sáng tạo của ông cha ta xưa. 

Các chuyên gia tìm hiểu về lĩnh vực này đều đánh giá cổ phục của Việt Nam hoàn toàn không thua kém các nước khác. Mỗi bộ trang phục đều mang đậm bản sắc văn hóa và đặc trưng của từng triều đại, từng giai đoạn lịch sử, cũng như kết tinh óc sáng tạo, khả năng thẩm mĩ của nhân dân ta.

Khánh Thảo
.
.