Cõi tĩnh-thiền trong tập truyện đầu tay của một chiến sĩ Công an trẻ
1.Đọc “Màu vẽ cuộc sống”, với tâm thế thụ hưởng tập truyện ngắn, tôi không tin đó là một cây bút đã bước qua tuổi vị thành niên.
Chưa gặp tác giả ngoài đời thật nên tôi hình dung đó là một chú bé con được cha mẹ chăm bẵm, ăn học, giáo dục rất kỹ lưỡng. Bởi xuyên suốt 17 mẩu chuyện, tôi không tìm thấy cái “chất xã hội” trong bất kỳ câu văn nào, kể cả tình yêu trai gái - điều mà hầu hết các chàng trai mới đặt chân vào ngưỡng của ngôi làng văn chương đều nhắc tới.
Câu cú chỉn chu một cách lễ phép, từ tốn và ân cần đến mức tôi còn mường tượng rằng, tác giả đang tự sự với độc giả bằng âm thanh “vỡ giọng” của chú bé đang bước vào giai đoạn dậy thì. Tất nhiên, đó là một chú bé ngoan. Đọc xong, tôi cũng không đoán chắc rằng, “Màu vẽ cuộc sống” là một tập truyện ngắn. Bởi, ở trong “cõi ấy” còn thiếu cái chất văn chương bay bướm, lả lơi và những thủ pháp câu kéo vằn vặt chuyện đời - vốn là hồn cốt của thể loại truyện ngắn.
Tôi chỉ thấy trong “cõi ấy” những mẩu chuyện vụn mang tính gợi mở rồi khi kết thúc mạch chuyện, tác giả đúc kết lại thành một lời khuyên chân tình hoặc một lời nhắn nhủ mang tính giáo dục nhân cách sống.
Và khi đọc đến dòng cuối cùng của “Màu vẽ cuộc sống”, bất chợt tôi liên tưởng đến nhà văn Han Christian Andersen của xứ sở Đan Mạch và nhà thơ La Fontaine của Pháp. Ở dòng cuối cùng ấy, trong truyện “Tướng tài”, tác giả Nguyễn Đỗ Văn Quốc viết: “...
Tác giả - chiến sĩ Công an Nguyễn Đỗ Văn Quốc. |
Câu chuyện kết thúc có hậu. Tôi kể. Cũng chỉ hy vọng, trước một thử thách, bạn hãy là một người thông minh, khéo léo và đạt lấy thành công theo cách vẻ vang nhất”, để khép lại một câu chuyện “Ngày xửa, ngày xưa, xưa lắm rồi... Ở vương quốc Tính Cách có một vị vua mang tên Khó Tính”. Tôi đã tin chắc, “Màu vẽ cuộc sống” là một tập truyện ngụ ngôn. Chắc hẳn tác giả cũng đã thai nghén tập sách trong tâm thế đó chứ không nghĩ rằng đây là một tập truyện ngắn. Đây là truyện ngụ ngôn hiện đại.
Hẳn nhiên, truyện ngụ ngôn thì phải mang màu sắc lễ phép, từ tốn và ân cần chứ không thể đau đáu, sa sả, chua ngoa như cái chất của truyện ngắn.
Hẳn nhiên, ngôn văn của truyện ngụ ngôn phải sạch sẽ, chỉnh chu chứ không thể lên giọng “bố đời”, cay cú và thách thức tâm lý người đọc.
Hẳn nhiên, truyện ngụ ngôn không thể thả câu chữ bay ngoằn ngoèo trong không gian mộng mị mà phải trực ngôn để ẩn ý.
Và nếu đó là truyện ngụ ngôn thì tác giả đã đạt được một cảnh giới mà các cô gái trẻ mê đọc sách sẽ thốt “dễ thương quá!”; còn các chàng trai trẻ mê đọc sách sẽ thốt “ừ, được đấy!”. Cơ hồ tác giả viết trong trạng thái tĩnh - thiền. Trong trạng thái tĩnh - thiền đó, tác giả thả tâm hồn mình lơ lửng vào những cơn mơ thần thoại rồi ghép từng con chữ, kể lại. Tôi đã bắt gặp những dòng triết luận trong cơn mộng mơ đó. Những dòng triết luận nhỏ nhoi, xinh xắn như hạt hoa, chắc chắn sẽ nảy mầm thành cái đẹp trong tâm hồn người đọc.
2. Đồng điệu với tôi, Nhật Phi (tác giả “Người Ngủ Thuê” - Giải nhất Văn học Tuổi Hai mươi lần thứ 5) nhận xét rằng: "Có lẽ nên đọc “Màu vẽ cuộc sống” như một tập truyện ngụ ngôn hiện đại, được viết nên bởi những chiêm nghiệm rất trẻ và hồn nhiên. Rất nhiều màu sắc đã được trình hiện bằng một trí tưởng tượng phong phú và tươi mới. Và bạn sẽ cảm thấy như đang trải nghiệm một ly mocktail mát lành giữa tiết giao mùa này".
Nữ thi sĩ trẻ Ngô Thúy Nga thì nhận xét: "Giọng văn của Nguyễn Đỗ Văn Quốc tươi sáng, tinh khôi như chính cách nhìn đời của tác giả. Một giọng văn chưa nhuốm nỗi buồn, chưa nhuốm sự cô đơn và chưa nhuốm cách nhìn đời cay nghiệt của những người cầm viết nói chung. Ở Nguyễn Đỗ Văn Quốc có cái trong sáng, cái thiết tha yêu đời và cách giải quyết vấn đề tương đối ngọt ngào, đúng như lời mào đầu của tập truyện: Viết cho tuổi mới lớn. Hẳn rằng, lứa tuổi ấy, khi đọc những trang viết này của Quốc, sẽ phần nào đồng cảm, đồng điệu và dễ dàng tìm thấy mình đâu đó trong những câu chuyện Quốc gom nhặt từ cuộc sống của mình viết nên...
...Một cách tự nhiên, Quốc cài vào mỗi câu chuyện là một bài học cho bản thân và cho người đọc, nhẹ nhàng lắm, nhưng sẽ ngấm dần, ngấm dần khiến chúng ta cảm thấy yêu cuộc đời này hơn lên, thấy trong mỗi lần bế tắc đều có cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn, để không phải bỏ lại một vết thương lòng nào cả...".
3. Tôi lần tìm chân dung tác giả qua những mối quan hệ cá nhân.
Hóa ra, đó là một chiến sỹ Công an phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thuộc lực lượng Công an TP Đà Nẵng. Bút danh Nguyễn Đỗ Văn Quốc trên tựa sách cũng chính là tên "chính ngạch" trong sắc phục Cảnh sát mà anh đang vận trên người.
Hóa ra, "chú bé ngoan" ấy chỉ là phần ẩn bên trong cái vẻ chững chạc, kiên định, mạnh mẽ của một chiến sỹ Công an trẻ đã từng đối diện trực tiếp những đối tượng hình sự trên địa bàn phụ trách. Thành tích đáng ghi nhớ của "chú bé ngoan" ấy là cùng đồng đội trực tiếp đấu tranh triệt hạ một băng nhóm trộm cắp có tổ chức, gây án liên tỉnh hồi tháng 4-2016. Vụ án đó, "chú bé ngoan" và đồng đội được Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Trưởng Công an quận Hải Châu khen thưởng đột xuất.
Bìa tập truyện "Màu vẽ cuộc sống". |
Cuối năm 2016, "chú bé ngoan" lại tiếp tục lập thành tích khi trực tiếp phát hiện một đối tượng mua bán ma túy trong một chuyến tuần tra đêm. Và "chú bé ngoan" ấy nhiều lần đối diện nghiêm khắc với các nghi phạm hình sự để đấu tranh, khai thác lời khai ban đầu, giúp Cảnh sát hình sự quận củng cố hồ sơ đối tượng.
Cha của Quốc - một sỹ quan Công an kể, thuở bé Quốc đã rất nỗ lực trong những ca chiến thắng chính bản thân.
Thuở mẫu giáo, Quốc từng bị cô giáo loại khỏi danh sách lớp khi có đoàn thanh tra giáo dục chỉ vì tật nói ngọng. Vì chạy đua thành tích, cô giáo đã không muốn đoàn thanh tra biết trong lớp của cô có một đứa bé nói ngọng. Cú sốc xã hội đầu đời buộc Quốc phải quyết tâm luyện nói chuẩn giọng để không bị ném ra khỏi những "cuộc chơi" chung của cộng đồng. Quốc đã chiến thắng khiếm khuyết bản thân lần thứ nhất.
Vào cấp hai, Quốc bị béo phì, ục ịch nên trở thành tiêu điểm cười cợt, chọc ghẹo của bạn bè cùng lớp. Quốc nhận ra sự dị biệt cá nhân giữa đám đông cũng là điểm trừ trong xã hội. Quốc kiên quyết giảm cân. Ăn kiêng, đi bộ đến trường, tập thể lực liên tục mấy năm ròng, cuối cùng, Quốc bước vào cấp 3 với vóc dáng một thanh niên cường tráng.
Quốc hiền hậu, điềm đạm và nội tâm đến mức bố anh cũng đã từng e ngại khi anh mới đặt chân vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân. Thế nhưng, môi trường đào tạo chiến sỹ Công an đã giúp cái tính cách bẩm sinh của Quốc trở thành một lợi thế: Cương nghị. Anh cũng đã chứng minh năng lực đó bằng những thành tích kể trên. Tính cách bẩm sinh đó đã nuôi dưỡng một tâm hồn trong lành trong thể chất của một chiến sỹ Công an luôn đối mặt với các đối tượng phản diện của xã hội.
Tâm hồn trong lành đó đã kết tinh thành tập sách "Màu vẽ cuộc sống".
Nhà văn Trần Thanh Hà (Nhà xuất bản Công an Nhân dân) đánh giá: "Màu vẽ cuộc sống – như nhan đề mang màu sắc hội họa của cuốn sách - là những phác thảo đầu tiên của một người trẻ về cuộc sống. Những phác thảo ấy dù còn nhiều nét đơn sơ nhưng mang đến cho người xem cảm xúc về một tâm hồn trẻ trong trẻo tha thiết yêu đời, yêu người.
Không như một số người viết hiện nay cầu kỳ về kỹ thuật, Nguyễn Đỗ Văn Quốc chọn cách kể chuyện giản dị nhưng luôn biết cách để những câu chuyện ấy thành những ngụ ngôn nhỏ cho mọi người. Văn chương là một nghề khó nhọc. Một người trẻ nhiều đam mê mà lựa chọn viết văn, điều đó đã rất đáng quý. Một chiến sĩ Công an viết văn thì lại càng đáng quý hơn. Khi mà người cầm bút trong ngành Công an ngày mỗi hiếm đi, những trường hợp như Nguyễn Đỗ Văn Quốc cần được cổ vũ để có thể đi tiếp con đường của mình...".