Có một ranh giới mong manh của họa sĩ Lê Huy Hòa...

Thứ Năm, 07/03/2019, 15:00
Đó là cái ranh giới giữa hiện thực và siêu thực, giữa đời thường và những triết lý cao xa, giữa vẻ đẹp thuần khiết bên ngoài và vẻ đẹp sâu thẳm bên trong của thiên nhiên với con người trong góc nhìn của một nghệ sĩ...

Quả vậy, với Lê Huy Hòa, trong mỗi tác phẩm, trong mỗi giai đoạn sáng tác, để tìm ra đúng mình và hoàn thiện mạch tư tưởng của mình, những ranh giới mong manh đó lại rõ ràng, minh bạch. Trước hết, bức tranh “Bài ca ngã ba Đồng Lộc III” (Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990) đã nổi bật lên cái ranh giới đó.

Trong từng chi tiết: trăng, núi, đường ôtô, quả bom và cô gái... đều có vẻ rất “hiện thực”. Nhưng tất cả, khi đặt vào nhau, đi bên nhau để cất lên “Bài ca ngã ba Đồng Lộc” ( I và II), thì lại không còn là hiện thực bình thường nữa. Tất cả đều cùng nhau hóa thân, đan quyện, lãng mạn, trữ tình cất cánh bay lên để nói lên một điều gì đó lớn lao hơn, cao cả hơn, vĩ đại hơn, tầm vóc hơn, nhưng lại cũng thật sự bình dị hơn về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của cả một dân tộc.

“Tĩnh vật'' - tranh Lê Huy Hòa.

Ngay cả bức “Tĩnh vật” sơn mài trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như thế. Lọ hoa và chiếc ghế mây rất thực, nhưng cả tổng thể bức tranh lại không còn là hiện thực đơn thuần nữa, bởi lọ hoa trắng trong, tinh khiết đặt trên ô thổ cẩm dân tộc cùng chiếc ghế mây lại muốn nói lên một điều gì đó bình dị và thanh khiết của tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Một vài nét điểm xuyết về vài ba bức tranh nổi tiếng của Lê Huy Hòa nhằm nói lên một cái ranh giới mong manh ấy trong hội họa của ông. Tuy nhiên, ranh giới này không chỉ nằm ở phần sáng tạo nghệ thuật, mà đó cũng là một nét đặc biệt trong đời sống rất cá tính và bản lĩnh của Lê Huy Hòa. Vốn là người bẩm sinh hẹp van tim, cái ranh giới giữa “sống” và “chết”, “thọ” và “yểu” luôn luôn treo lơ lửng trên đầu ông và ông hoàn toàn ý thức được điều đó. Không ham mê bất kỳ một thú vui hay hưởng thụ gì khác, Lê Huy Hoà muốn giữ cho mình một trái tim thanh sạch, nguyên lành được bao nhiêu, để kéo dài niềm vui nghệ thuật bấy nhiêu. Bởi vậy, ông là một người trung thực, thẳng thắn đến mức cực đoan, mạnh mẽ của một nghệ sĩ, thành một phong cách hội họa rất riêng biệt.

 Nhưng cuối cùng, cái gì đến sẽ phải đến. Họa sĩ Lê Huy Hòa đã trút hơi thở cuối cùng vào tháng Chạp năm Bính Tý 1996 (10-1-1997), nhắm mắt thanh thản ra đi với cái ranh giới mà suốt nửa thế kỷ qua ông đã mải mê tìm kiếm.

Họa sĩ Lê Huy Hòa tuổi Nhâm Thân - 1932, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo dưới chính quyền cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được chính họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Trang Chước, Trần Văn Cẩn… giảng dạy. Đó là một thế hệ vàng của hội họa Việt Nam. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. Trong nền hội họa Việt Nam hiện đại, Lê Huy Hòa đã có một dấu ấn nổi tiếng riêng mình từ một ranh giới có vẻ rất mong manh như thế...
Lê Huy Quang
.
.