Chiếc sáo bầu của người K'Ho
Đôi dòng mô tả
Brê gồm một quả bầu (plai lêng) và một ống nứa (ding dơr). Quả bầu giữ vai trò làm hộp âm, còn ống nứa chính là đường âm. "Tôi là người biết chơi brê. Còn nếu như muốn tìm hiểu về cách thức chế tác brê thì phải đến ông K'Sót (89 tuổi, ở thôn 5B). Ông ấy mới là người biết tường tận nguyên lý loại nhạc cụ này", già Bro (66 tuổi, ngụ tại thôn 1B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), người duy nhất ở xã Đinh Trang Hòa biết chơi brê, phân trần.
Theo già K'Sót, cách thức chế tác một chiếc sáo bầu như sau: Trước hết, chọn quả bầu thật già, dày vỏ, kích thước vừa phải và tròn đều, đem thả xuống giếng nước cho ruột rữa ra trước khi loại bỏ ruột qua lỗ cắt ở phía cuống; làm sạch bằng nước suối, rồi mang đi phơi nắng. Phơi xong, cho vỏ quả bầu vào luộc với lá hoặc vỏ cây rừng có chất đắng chát để tránh mối mọt và co giãn sau này. Kế đến, gác quả bầu lên giàn bếp khoảng 1 tháng cho da lên màu nâu đỏ và săn, rồi lại phơi sương vài đêm nữa. Sau đó, khoét lỗ ở bên hông, kiểm tra âm để lắp ống nứa. Sáo brê chỉ có 4 nốt (lỗ thoát âm), nhưng vẫn tạo được 5 âm.
Thực ra, sáo brê có tất thảy là 8 lỗ thoát âm. Tuy nhiên, ngoài 4 lỗ thoát âm chính, 3 lỗ thoát âm (nằm cùng phía với 4 lỗ thoát âm chính và 1 lỗ thoát âm nằm phía bên kia quả bầu) chỉ đóng vai trò phụ trợ. "Theo âm nhạc phương Tây, 5 âm đó là nốt Sol, La, Si, Do, Ré. Brê thiếu hai nốt Mi và Fa", già K'Sót giải thích, rồi nói tiếp. "Ống nứa phải thon gióng, mỏng vừa độ. Ống nứa cũng phải trải qua các khâu kiểm tra âm và phải bảo đảm độ bền chất liệu. Lúc này, người chế tác mới dùng dao chuyên dụng khoét 4 lỗ ở phía bên ngoài hộp âm (quả bầu).
![]() |
Già Bro và chiếc brê truyền thống. |
Ngoài ra, người chế tác còn phải tính toán, đo đạc, căn chỉnh làm sao lấy được phần chính giữa của ống nứa ở phía trong hộp âm, rồi dùng dao khoét 1 lỗ dài chừng 2cm và gắn thêm 1 cái lưỡi gà bằng inox vào đấy để tạo độ rung. Khâu này rất quan trọng và cũng là khâu khó nhất. Bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn đường âm (ống nứa) vào hộp âm (quả bầu) và lấy sáp của con ong muỗi cố định ống nứa vào quả bầu. Chiếc brê hình thành. Tất nhiên, để âm sắc brê chuẩn, có hồn vía, còn phải tháo lắp, chỉnh sửa nhiều lần".
Thanh âm núi rừng
Tôi hỏi: "Vậy, ai là người dạy già chơi brê?". "Ông cậu K'Bồn. Ngoài chơi hay brê, K'Bồn còn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ khác, như rơkel, m'boăt, kwao... Khoảng năm 1961 - 1962, lúc còn ở đất Hòa Trung (xã Hòa Trung, huyện Di Linh), ông cậu K'Bồn đã truyền dạy cho tôi cách thức chơi những loại nhạc cụ trên".
Theo chia sẻ của già Bro, khác với cồng chiêng chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của luật tục và hoàn toàn xa lạ với việc cá nhân hóa, cá thể hóa người biểu diễn, brê thì ngược lại, ít chịu sự ràng buộc của tín ngưỡng đa thần. Người K'Ho sử dụng brê ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trạng thái tình cảm, khi vui cũng như lúc buồn. Trong những lúc làm nương rẫy hay đi rừng mệt nhọc, người K'Ho cần một thứ âm thanh để xua đuổi mệt nhọc, để khỏe khoắn và thoải mái tinh thần, thì âm thanh của brê lại được cất lên. Trong lúc chăn trâu hoặc ngồi canh rẫy, âm thanh của brê không những làm vui tai mà còn xua đuổi được chim chóc ăn lúa. Cũng có khi người K'Ho sử dụng brê để ru con...
"Ở đây, brê mang tính cá nhân hơn so với các nhạc cụ khác là ở chỗ, khi con người ta có điều gì buồn chán hoặc rất hứng khởi, không có người chia sẻ, thì chiếc sáo bầu là người bạn tâm tình", già Bro nói. Nhờ đó, mà brê được rất nhiều người, nhất là thanh niên ưa thích. Thanh niên K'Ho nhờ 5 âm của chiếc brê để tâm sự nỗi niềm. Người già cả thì dùng brê để gợi nhắc một thời "oanh liệt", trẻ trai. Đàn ông K'Ho sử dụng brê để chứng tỏ sự hào hoa, lịch thiệp. Phụ nữ K'Ho dùng brê để nói rằng mình cũng không hề kém cạnh và ngầm "khoe" với cánh mày râu đức tính vừa đảm đang, lại vừa dịu hiền tiềm ẩn nơi người phụ nữ.
"Brê tuyệt đối không được sử dụng trong đám tang. Bởi theo quan niệm của người K'Ho, nếu sử dụng brê trong đám tang, các cha (ma) sẽ bắt mất hồn brê", già Bro lưu ý.
Gắn bó máu thịt với đời sống tinh thần K'Ho nhiều đời là vậy, nhưng giờ đây thỉnh thoảng trong các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ địa phương hoặc những lần các giáo xứ tổ chức hội diễn văn nghệ, thảng hoặc lắm tôi mới thấy chiếc brê xuất hiện. "Nếu trong thôn, xã, hay giáo xứ tổ chức hội diễn văn nghệ, được mời, tôi lại mang brê đi biểu diễn phục vụ bà con", già Bro chia sẻ.
Ai sẽ là người viết tiếp giấc mơ đại ngàn
Trời sẫm tối, tôi vội chia tay già Bro cùng người dân thôn 1B, xuôi hướng quốc lộ 20 để về lại phố thị B'Lao. Trong nhá nhem ánh đèn điện hắt ra từ những ngôi nhà của người dân sống dọc đường, tôi vẫn nhận rõ sự đổi thay nơi miền sơn nguyên này, qua cái cách mà thế hệ 8X, 9X người K'Ho hành xử. Nam thì phóng xe gắn máy ầm ầm và xăm trổ đầy mình. Nữ thì tóc xanh, tóc đỏ và xài smartphone (điện thoại thông minh) trên cả mức sành điệu.
K'Brík, một thanh niên K'Ho thế hệ 9X, tay cầm chiếc iphone 6, miệng đang nhẩm theo những bản nhạc "hit" nhất tuần qua, hồn nhiên trả lời: "Đấy là ở thời ông bà, cha mẹ thôi. Giờ ai thèm chơi brê nữa. Chơi keyboard piano (dương cầm điện tử) dễ và hay hơn nhiều. Vả lại, chúng ta đang sống trong thời đại digital music (nhạc số) cơ mà, học chơi brê chi cho khổ!", khi tôi hỏi về chiếc sáo bầu.
Rõ rồi, hội nhập là xu thế tất yếu. Thời đại đã đổi khác, không lý gì con người không đổi mới để tồn tại và phát triển. Càng không thể ngồi yên một chỗ để mà phản kháng hay ngăn chặn. Giờ đây, trên trái đất này, trong xu thế toàn cầu hóa, không còn gì là riêng tư, bất khả xâm phạm nữa, mỗi cộng đồng, mỗi vùng đất đang dần trở thành ngôi làng thế giới. Do đó, đã đến lúc đòi hỏi mỗi sắc dân, tộc người phải tự tìm cách ứng xử mới.
Sắc dân K'Ho cũng cần tìm ra một phương thức ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, trong diễn tiến có phần đa tạp và vô nguyên tắc của các dạng thức văn hóa đương đại, người K'Ho nếu không biết cách tổng hợp được cái cũ - cái mới, tích hợp được yếu tố nội - ngoại, trong dung hòa các mối liên kết giữa bản sắc văn hóa tộc người và xu thế toàn cầu hóa, rất dễ đánh mất khuôn mặt văn hóa riêng mình, lãng quên quá khứ, xem thường những di sản tinh thần cha ông. Chiếc brê đang bị chính giới trẻ K'Ho quay lưng ít nhiều đã là lời cảnh báo cho thấy trên bước đường dấn thân vào quá trình đối ứng không hề giản đơn giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, sắc dân K'Ho vẫn chưa tìm được khuôn mặt văn hóa chính mình giữa vô vàn khuôn mặt văn hóa thế giới.
Đã đành, giờ đây chúng ta có thể lên mạng và download (tải về) cả phí lẫn không phí bất cứ bản nhạc nào mà mình yêu thích. Nhưng không vì thế mà brê mất đi tính độc đáo. Ngược lại, brê cùng với m'boăt và kuong cing (cồng chiêng) chính là khuôn mặt của văn hóa Tây Nguyên trong hệ thống những di sản văn hóa nhân loại. Ít nhất, trải qua bao biến cải xã hội, brê vẫn giữ nguyên sự thuần khiết, gắn chặt với tự nhiên về mặt chất liệu (nứa, bầu, sáp con ong muỗi) và cả về đặc tính âm nhạc thì âm thanh của brê chính là âm thanh của núi rừng.
Brê là sản phẩm tinh thần của cư dân nông nghiệp, sống bằng nghề lúa cạn và nền văn minh thảo mộc. Nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với thế giới siêu nhiên, sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng trên tinh thần tự nguyện.
Cũng cần nói thêm rằng, do đặc tính là một dạng thể âm nhạc dân gian, còn mang nhiều yếu tố ngẫu hứng, chưa có những chuẩn tắc nhất định, nên việc lưu truyền brê (cả cách chơi lẫn cách thức chế tác) xưa nay vẫn theo kiểu tâm truyền. Nghĩa là ai hợp tính hợp nết thì truyền, ai không hợp tính hợp nết thì còn... khuya. Các bài bản, điệu thức của brê đều có sẵn. Tuy nhiên, phương pháp truyền dạy lại hoàn toàn dựa vào khả năng cảm thụ của người học, không hề có văn bản ký âm, thành thử gây khá nhiều lúng túng cho cả người dạy lẫn người học.
Người dạy chỉ có mỗi phương pháp thị phạm, tức cầm tay chỉ việc. Người học chẳng còn cách nào khác ngoài việc phải có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt rồi để trong cái đầu và nhớ. Hệ lụy nhãn tiền mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là ngày càng hiếm người biết chơi brê. Bởi vậy, căn tính tộc người K'Ho cũng vì thế mà bị mai một.
Ai là người sẽ viết tiếp giấc mơ đại ngàn?