Cần thay đổi hướng tiếp cận khán giả
Một thông tin rất vui với những nhà làm phim hoạt hình Việt Nam là Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tổ chức dưới sự hỗ trợ của Cục Điện ảnh Việt Nam, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Viện Phát triển văn hóa thông tin Gangwon sẽ được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16/8/2015. Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu các tác phẩm của mình ra nước ngoài, đồng thời học hỏi kinh nghiệm làm phim của các nghệ sỹ Hàn Quốc. Hy vọng, với cầu nối ra thị trường quốc tế, phim hoạt hình Việt Nam sẽ bước qua được cái "dớp" giậm chân tại chỗ trong rất nhiều thập niên qua.
Thua ngay trên sân nhà
Mùa hè này, chùm 6 phim hoạt hình Việt Nam được trình chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là: "Cầu vồng chắn mưa", "Anh và em", "Càng to càng nhỏ", "Trái bóng lạc đường", "Chẫu chàng chẫu chuộc" và "Đuôi của thằn lằn". Những bộ phim này có thời lượng ngắn (khoảng 10 phút). Mặc dù đã cố gắng sử dụng công nghệ tiên tiến 3D và tập trung khai thác những mảng đề tài xã hội, gần gũi với các em nhỏ nhưng chùm phim này chưa làm thỏa lòng mong đợi của khán giả nhí.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng những bộ phim hoạt hình Việt Nam ra rạp thời gian gần đây không nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả nhí. |
Cùng thời điểm mùa hè này, các hãng phim nước ngoài tung ra rất nhiều sản phẩm hoạt hình "bom tấn" như: "Lọ lem", "Anh hùng lên cạn", "Cừu quê ra phố", "Hành trình trở về"… nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều đối tượng khán giả, không chỉ có khán giả nhí. Theo quan sát của chúng tôi, trong đợt chiếu phim hè, phim hoạt hình Việt Nam bị lép vế hoàn toàn. Những phòng chiếu phim hoạt hình Việt hiếm khi kín chỗ và chủ yếu là do những cơ quan, đơn vị đặt phòng chiếu cho con em nhân dịp Tết thiếu nhi 1-6. Giờ chiếu phim hoạt hình Việt hầu hết chỉ trong buổi sáng, còn khung giờ đẹp vẫn là những bộ phim nước ngoài ăn khách, trong đó có nhiều phim hoạt hình.
"Thua ngay trên sân nhà" là câu nói "cửa miệng" của nhiều người khi đề cập đến tình trạng chung của phim hoạt hình Việt. Hàng năm, những bộ phim hoạt hình do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất thường giành giải thưởng tại các Liên hoan phim nhưng lại xa lạ với khán giả. Những kênh giải trí giành cho trẻ em như CN (Cartoon Network), Disney Chanel…. thường xuyên cập nhật phim hoạt hình mới, hấp dẫn thì những kênh truyền hình lớn của quốc gia như Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), Đài Truyền hình Hà Nội… lại có rất ít phim hoạt hình mà phim hoạt hình thuần Việt thì lại càng hiếm.
Không chỉ "đuối" hơn về số lượng, chất lượng của phim hoạt hình Việt vẫn còn thua xa so với phim nước ngoài. Mặc dù hoạt hình Việt Nam đã có những bộ phim 3D hình ảnh đẹp mắt bên cạnh phim cắt giấy vi tính, phim 2D nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ "xem được", thời lượng phim ngắn. Một trong những nguyên nhân nữa là hãng phim hoạt hình Việt Nam làm khâu truyền thông cho các bộ phim mới không tốt, nên các em nhỏ không biết đến mức độ hấp dẫn của những bộ phim nội để có thể tới rạp xem.
Tư duy cũ trong thời đại mới
Mỗi năm, Hãng phim truyền hình Việt Nam cho ra đời từ 12 - 15 phim hoạt hình do nhà nước đặt hàng và phần lớn phim mang tính giáo dục thông qua đề tài lịch sử, bài học về tình yêu thương ông bà, cha mẹ, việc học hành… Những đề tài dường như quá cũ, nặng tính giáo dục, ít tính giải trí chính là nguyên nhân khiến phim truyền hình Việt không đủ sức hút khi ra rạp.
Tôi cho rằng, một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của hoạt hình là trí tưởng tượng. Tuy nhiên, những câu chuyện ngắn, cốt truyện đơn giản, miêu tả trực diện của hoạt hình Việt ít khơi gợi trí tưởng tượng bay bổng của các bạn nhỏ. Mặc dù phim hoạt hình Việt Nam đã cố gắng để ẩn sau mỗi câu chuyện là những thông điệp giáo dục sâu sắc nhưng cách kể chuyện, dựng chuyện, "hình thức" để chuyển tải tư tưởng nghệ thuật lại không thực sự hấp dẫn.
Nhìn sang hai bộ phim hoạt hình "làm mưa, làm gió" trên các rạp chiếu Việt hồi tháng 4 năm nay là "Footsball" (tựa đề tiếng Việt: Vua banh bàn) và "Asterix và Vùng đất Thần Thánh" mới thấy, cách tư duy, công nghệ sản xuất phim hoạt hình của nước ngoài đã đi quãng đường khá xa so với Việt Nam. "Vua banh bàn" đưa khán giả vào cuộc phiêu lưu đầy vui nhộn về trò chơi bi lắc bóng đá thông qua nhân vật nhút nhát nhưng tài năng Amadeo. Đây là bộ phim hoạt hình hài hước của Pháp được chuyển thể từ phần thứ 17 trong series truyện tranh nổi tiếng "Asterix" của Goscinny và Uderzo.
Khi công chiếu tại Pháp, "Asterix và Vùng đất Thần Thánh" đã thu về con số mơ ước: gần 8 triệu USD cùng 780 nghìn lượt xem ngay tuần đầu công chiếu. Qua "Footsball" và "Asterix và Vùng đất Thần Thánh" có thể thấy rằng, phim hoạt hình nước ngoài thiên về giải trí nhưng vẫn có tính giáo dục nhẹ nhàng và đặc biệt là gợi được trí tưởng tượng của người xem. Cách tiếp cận này phù hợp với đối tượng khán giả trẻ và tất yếu sẽ được khán giả trẻ đón nhận.
Cách nhìn về việc sản xuất phim truyền hình ở nước ta dường như đã lỗi thời, không bắt nhịp kịp với sự phát triển của công nghệ sản xuất phim trên thế giới. Phim hoạt hình hiện nay không chỉ dành cho thiếu nhi mà còn có thể thu hút cả người lớn. Phim hoạt hình Việt Nam chủ yếu được chuyển thể từ truyện cổ tích hoặc chuyện loài vật, nặng tính giáo điều, thiếu tính sáng tạo trong xây dựng nhân vật nên khó khăn trong việc tiếp cận khán giả nhí trong nước chứ chưa nói đến việc chinh phục khán giả nước ngoài. Những nhà sản xuất phim hoạt hình Việt cần thay đổi tư duy làm phim và cách tiếp cận khán giả. Nhiều đề tài và nội dung xã hội phù hợp với tâm lý, tư duy của các bạn nhỏ có thể khai thác, đưa vào phim hoạt hình chứ không nhất thiết phải là truyện thiếu nhi. Những nhà làm phim hoạt hình cần có tư duy đi trước thời đại, đón đầu mọi xu hướng phát triển của giới trẻ.
Tạo nhân vật điển hình và xây dựng bản sắc riêng
Thật khó so sánh phim hoạt hình Việt với phim hoạt hình nước ngoài khi chúng được đầu tư kinh phí lớn, kỹ thuật tốt và quảng bá rầm rộ. Muốn tạo lợi thế cạnh tranh, phim hoạt hình Việt Nam cần tạo được bản sắc riêng. Đó là sự đột phá, sáng tạo, độc đáo mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt. Thiết nghĩ, bản sắc hoạt hình Việt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định vẫn là con người. Tư duy của các nhà làm phim phải đi trước khán giả, có ý thức xây dựng bản sắc, nét riêng trong nhân vật, cốt truyện, cách thể hiện tác phẩm.
Phim hoạt hình Việt thiếu những series phim dài hơi và nhân vật điển hình. Những bộ phim ngắn với thời lượng khoảng 10 phút chưa thể diễn tả hết những ý đồ nghệ thuật mà tác giả muốn gửi gắm. Cách đây vài năm, các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào bộ phim dài tập "Cuộc phiêu lưu của ong vàng". Tuy nhiên, sau một thời gian phát sóng trên VTV3, bộ phim này phải dừng sản xuất vì không thu hút được khán giả. Bên cạnh đó, để tìm một nhân vật hoạt hình tiêu biểu cho Việt Nam hiện nay quả là bài toán quá khó. Trong khi đó, ở những quốc gia có nền công nghiệp sản xuất phim hoạt hình phát triển có thể dễ dàng kể tên những nhân vật hoạt hình tiêu biểu như Pororo (Hàn Quốc), Hello Kitty (Nhật Bản), Vịt Donald, Chuột Mickey (Mỹ)…
Kinh nghiệm ở một số quốc gia như Hàn Quốc cho thấy, để tạo được những nhân vật hoạt hình tiêu biểu, các nhà sản xuất thường chọn kịch bản, tạo hình nhân vật đưa lên mạng để trắc nghiệm với khán giả. Nếu nhận được sự yêu thích của khán giả với cốt truyện, nhân vật mới đưa vào sản xuất. Đây có lẽ là điều mà hoạt hình Việt Nam cần phải học hỏi, thử nghiệm nếu muốn có được những bước tiến dài trong thời gian tới.