Phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống":

Cần có thêm nhiều "người gieo hạt"

Thứ Sáu, 11/08/2017, 08:00
Ngày 15-8 tới đây, cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" giai đoạn 2017 - 2020 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ chính thức được phát động. 


Đây là lần thứ 4 cuộc thi được tổ chức trên quy mô lớn, vì thế Ban tổ chức - Hội đồng Chỉ đạo cuộc thi kỳ vọng cuộc thi sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm, chú ý và tham gia của đông đảo các nhà văn, các cây bút chuyên và không chuyên trong và ngoài lực lượng Công an. Sau nhiều năm cày xới, đây vẫn là mảnh đất màu mỡ cần có thêm nhiều "người gieo hạt"...

3 cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" trước đây lần lượt được tổ chức vào các giai đoạn 1999 - 2002; 2007 - 2010, 2012 - 2015. Như vậy, trong vòng 20 năm, tính trung bình cứ 5 năm lại có một cuộc thi được tổ chức và từ các cuộc thi đã có được nhiều thành quả đáng mừng. Nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi và đoạt giải trong các năm qua được độc giả chú ý, góp phần hình thành nên diện mạo ngày càng rõ nét dòng văn học đi sâu về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" trong dòng chảy chung của văn học nước nhà, như các tiểu thuyết "Đêm yên tĩnh" của cố tác giả Hữu Mai, "Một thế giới không có đàn bà" của Bùi Anh Tấn, "Hoa bay" của Chu Thanh Hương, "Sát thủ online" của Nguyễn Xuân Thủy, "Bão ngầm" của Đào Trung Hiếu; ký "Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời" của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, truyện ký "Đơn tuyến" của Phạm Quang Đẩu...

Với cuộc thi được tổ chức tiếp nối lần thứ 4 này, không chỉ khẳng định sức sống, sự hấp dẫn của mảng đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" mà còn là dịp để tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà văn chuyên nghiệp và các cây bút trong cả nước sáng tạo nên những tác phẩm văn học phản ánh trung thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ Công an, những chiến công xuất sắc của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ngoài những đề tài đã trở nên quen thuộc với các nhà văn, các cây bút cũng như độc giả như hình sự, ma túy, phản gián, trinh thám... Hội đồng chỉ đạo cuộc thi mong muốn trong cuộc thi này sẽ mở rộng biên độ tiếp cận đề tài văn học.

Theo đó, sẽ xuất hiện những tác phẩm mới phản ánh những dấu ấn của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh tới sự xuất hiện của tội phạm phi truyền thống, những diễn biến của biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ...

Lễ trao giải cho các nhà văn đoạt giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức.

Để có được điều này, Hội đồng Chỉ đạo cuộc thi đã thống nhất quan điểm, sẽ tạo điều kiện hết mức để các nhà văn, các cây viết tiếp cận với những nguồn thông tin về các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tội phạm an ninh phi truyền thống các loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia; tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm mạng công nghệ cao…

Thực ra, đây cũng chính là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, đòi hỏi vốn sống của các nhà văn và nhu cầu phản ánh trong các tác phẩm của mình. Nhưng bằng những cách làm cụ thể như tổ chức các trại sáng tác, các đợt đi thực tế đến các đơn vị chiến đấu, tiếp cận với hồ sơ lưu trữ, cán bộ lão thành, nhân chứng..., Ban tổ chức sẽ đồng hành, cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho các nhà văn để tiếp tục có những sáng tác mới trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập và khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của các văn nghệ sĩ.

Đại diện Hội đồng Chỉ đạo cuộc thi cam kết, nhà văn nào có nhu cầu đi thâm nhập thực tế hay tiếp cận các hồ sơ vụ án, chuyên án đã khép lại đều có thể đề xuất. Bộ Công an đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương sẵn sàng tạo điều kiện, cung cấp cho các nhà văn tư liệu về các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm đã kết thúc với nhiều tình tiết và diễn biến phức tạp, phản ánh những âm mưu thâm độc của kẻ thù, người phạm tội và những chiến công, sự hi sinh thầm lặng của lực lượng CAND để các nhà văn làm tư liệu phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm của mình.

Thời hạn nhận bản thảo cuộc thi: từ ngày 15-8-2017 đến hết ngày 30-6-2020. Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi dự kiến tổ chức vào tháng 8-2020, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của lực lượng CAND.

Hội đồng chỉ đạo cuộc thi:

1. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an: Chủ tịch Hội đồng

2. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Đồng Chủ tịch Hội đồng

3. Trung tướng Nguyễn Xuân Mười - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng

4. Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND: Ủy viên thường trực

5. Nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng Biên tập Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam): Ủy viên

6. Thiếu tướng Đào Gia Bảo - Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Bộ Công an: Ủy viên

7. Thượng tá Trần Cao Kiều - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB CAND: Ủy viên

Cơ cấu giải thưởng (các giải thưởng được chấm chung cho 3 thể loại tiểu thuyết, truyện, ký):

- 3 giải A cho tiểu thuyết, trị giá mỗi giải 50.000.000 đồng; 2 giải A cho truyện và ký mỗi giải 30.000.000 đồng

- 3 giải B cho tiểu thuyết trị giá mỗi giải 30.000.000 đồng, 2 giải B cho truyện và ký mỗi giải 20.000.000 đồng

- 4 giải C cho tiểu thuyết trị giá mỗi giải 15.000.000 đồng, 2 giải C cho truyện và ký mỗi giải 10.000.000 đồng

- 7 giải khuyến khích mỗi giải 10.000.000 đồng

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB CAND: Sẽ là bạn đồng hành tin cậy

Thưa Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, được biết cuộc thi Cây bút Vàng do Chi hội Nhà văn Công an phối hợp với NXB CAND tổ chức còn chưa kết thúc thì cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" (2017-2010) đã được phát động. Với tư cách là Ủy viên thường trực Hội đồng chỉ đạo, Trưởng ban thường trực cuộc thi, xin ông chia sẻ đôi nét về lý do của việc này?

+ Thực ra, cuộc thi "Cây bút Vàng" đã có thể kết thúc trong năm nay, nhưng vì còn vướng một trại sáng tác nữa dành cho các nhà văn ở khu vực phía Nam vẫn chưa được tổ chức nên Ban tổ chức lùi thời gian tổng kết, trao giải lại 1 năm.

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" dường như đã trở thành hoạt động mang tính "truyền thống văn học", vì được tổ chức gần như định kỳ 5 năm/lần trong gần 20 năm qua.

Thông qua các cuộc thi, ngoài việc tạo cho các nhà văn trong và ngoài lực lượng CAND tiếp cận mảng đề tài mà từ trước tới nay ít được nói tới, mà còn thông qua các tác thẩm, độc giả sẽ hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu, những hi sinh thầm lặng của lực lượng Công an. Vì thế, tôi cho rằng cần có thêm những cuộc thi như thế này để thu hút các nhà văn, các cây bút có nhiều cơ hội tham gia.

- NXB CAND vẫn luôn là "bà đỡ" tin cậy của các nhà văn yêu thích mảng đề tài trinh thám - phản gián, an ninh - trật tự... Trong cuộc thi này, việc xuất bản các tác phẩm tham dự, đoạt giải cuộc thi tới đây sẽ được tiến hành như thế nào thưa ông?

 + Sự hưởng ứng của các nhà văn Việt Nam với mảng đề tài này cũng đã thể hiện tình cảm yêu mến, gắn bó của nhà văn với lực lượng Công an và ngược lại, thông qua các cuộc thi nhà văn cũng được Bộ Công an quan tâm thông qua NXB CAND, tổ chức in ấn, sử dụng các tác phẩm có chất lượng của mình.

Tôi xin khẳng định, NXB CAND sẽ là người bạn đồng hành tin cậy với các nhà văn. Trong qua trình diễn ra cuộc thi, nếu nhận thấy tác phẩm nào có chất lượng tốt, nội dung đặc sắc, chúng tôi sẽ sớm triển khai công tác biên tập, in ấn sớm. Các tác phẩm lọt vào chung khảo, chúng tôi sẽ có sự cân nhắc để có thể lần lượt giới thiệu đến bạn đọc. Các tác phẩm nếu đoạt giải cuộc thi sẽ được NXB in thành sách và các tác giả đều được hưởng chế độ nhuận bút.

Thực tế, đã có gần 70 tác phẩm tham dự cuộc thi lần thứ 3 đã được in thành sách. Đây chính là nguồn động viên, khích lệ tinh thần to lớn đối với các nhà văn. Bởi vì đã là người cầm bút, ai ai cũng đều móng ngóng đến ngày được cầm trên tay "đứa con tinh thần" mà mình yêu thương, ấp ủ.

Xin cảm ơn Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái!

Nguyệt Hà
.
.