Ca sĩ người Mỹ Kyo York: Tết này làm... Táo ngoại quốc

Thứ Ba, 29/01/2013, 08:00

"Xuân Quý Tỵ là lần thứ tư tôi ăn Tết ở Việt Nam. Đón giao thừa, mặc bộ áo dài đi hái lộc, du xuân... tôi cảm giác như mình đang trở lại tiền kiếp". Đã bao lần Kyo York bảo rằng tiền kiếp của mình là người Việt. Câu nói vui thôi nhưng chứa chan biết bao tình của chàng trai New York với miền đất có những con người chân chất hồn hậu, có những ca khúc trữ tình thấm đẫm hương đời mà anh đắm mình cất giọng từ khi mê mải bước chân...

1. Tôi ngồi chờ Kyo khi mưa giăng giăng bên cửa sổ quán cà phê quen. Trời Sài thành rục rịch vào xuân với những cơn mưa bất chợt. Mưa to quá, sợ Kyo không đến, lại ngại Kyo đến. Đúng hẹn, nụ cười quen thuộc đối diện chào tôi. Một ly cà phê sữa… Đã hẹn rồi, có bận bao nhiêu cũng đến. Mà Kyo bận thật, bận tối tăm mặt mũi. Chưa kịp thở phào vì vừa xong vai trong phim truyền hình "Cát nóng" của đạo diễn Lê Hoàng và "Bìm bịp kêu chiều" của đạo diễn Trung Dân, Kyo lại được mời tham gia gameshow "Gương mặt thân quen" phát trên VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình truyền hình thực tế mới toanh này buộc người chơi phải thể hiện bài thi của mình bằng cách hóa thân thành các nghệ sĩ qua cách thể hiện, bắt chước từ hình thức bên ngoài đến điệu bộ, lời ăn tiếng nói sao cho thật giống để người xem liên tưởng đến nghệ sĩ đó. Rồi còn hàng loạt các chương trình truyền hình lăm le "bắt cóc" anh chàng làm nhân vật trò chuyện đầu năm. Đã vậy, Tết này Kyo còn đóng… hài.  Anh rất háo hức khi được nghệ sĩ Xuân Hương mời vào vai Táo Ngoại quốc cho chương trình "Táo quân" tối 30 Tết của Đài Truyền hình Tp HCM.

Trước nay người ta chỉ toàn gặp Kyo ở các phòng trà, các chương trình ca nhạc với vai trò ca sĩ. Rồi người ta lại biết đến một Kyo là một thầy giáo dạy tiếng Anh nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc khiến học trò nể sợ của Trung tâm ngoại ngữ Elite. Thế nên nghe Kyo đóng phim, diễn hài, tham gia các gameshow, lắm người ngạc nhiên. Chẳng ngờ anh chàng kỹ sư công nghệ thông tin lịch lãm, điển trai ngày nào lại sôi nổi, đa tài đến vậy. Kyo bảo đến với mọi thứ vì lòng đam mê, vì cái duyên. Cũng như cái duyên lứa đôi dang dở với cô gái miền Tây sông nước 3 năm trước đã đưa đẩy anh đến với âm nhạc. Lang thang trên đường vắng, "Riêng một góc trời" da diết của Ngô Thụy Miên làm dậy lên trong lòng chàng trai xa xứ những xốn xang của mối tình năm cũ. Lời bài hát nói hộ lòng anh. Và anh hát. Anh tìm về những ca khúc của Ngô Thụy Miên, của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… nghe lời hát như lời tâm sự của cõi lòng mình.

Một ngày, anh nói với học trò rằng: "Chúng ta có thể làm được bất kỳ điều gì chúng ta muốn, miễn là chúng ta quyết tâm thực hiện". Học trò lắc đầu: "Thưa thầy, có những thứ chúng ta không thể". Kyo mỉm cười: "Các em có tin thầy sẽ hát chung với ca sĩ Siu Black không?". Học trò lại lắc đầu. Kyo khăn gói đến Siu Black Coffee xin song ca cùng Siu Black để chứng minh lời nói của mình. Nhìn cậu Tây nói tiếng Việt sõi quá, lại rất bạo dạn nên chị Siu đồng ý. Đó là lần đầu tiên Kyo lên sân khấu.

Nhớ dạo khai mạc triển lãm ảnh "Tâm và tài - Họ là ai?" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, một giọng ca nam trầm ấm, đầy cảm xúc cất lên: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi… / Để gió cuốn đi…". Bước ra từ đám đông, người thể hiện ca khúc của cố nhạc sĩ họ Trịnh không phải là một ca sĩ Việt Nam như mọi người đang mường tượng mà là một anh chàng Tây cao to, tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ, lịch lãm trong bộ vest đen. Tiếng vỗ tay vang lên. Những khán giả lần đầu tiên nghe anh Tây hát không khỏi xuýt xoa thán phục.

Kyo York (ngoài cùng bên phải) trong một buổi tập kịch “Táo quân” cùng các nghệ sĩ hài miền Nam.

Vậy là đến nay, Kyo York đã đi hát được gần 2 năm. Anh được biết đến là một ca sĩ đắt show, chuyên hát dòng nhạc trữ tình của các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Thanh Tùng, Phạm Duy, Phú Quang… một cách sâu lắng tại các phòng trà nổi tiếng của Tp HCM. Đến nay anh đã thể hiện thành công 120 bài hát Việt. Những ca khúc ấy anh tự mày mò, nghe, đánh dấu lời và tập hát theo.

Đầu tiên, người ta dừng lại nghe anh hát vì thấy lạ. Người Tây hát nhạc Việt tròn vành rõ chữ thì lạ quá, lại là những bài mà ngay cả người Việt ít ai thể hiện thành công. Có lần Kyo tâm sự rằng: "Hát là một điều tự nhiên xuất phát từ tâm hồn. Có những bài hát tôi nghe không hiểu hết lời nhưng tôi cảm được nó. Nghệ thuật không có ranh giới và ngôn ngữ chỉ là nhịp cầu đưa ta về cùng tận cái ta muốn biết, cảm được sâu sắc bài hát". Để "kể" câu chuyện của người nhạc sĩ bằng âm nhạc, anh không ngại nhờ bạn bè cắt nghĩa từng câu từ, cất công tìm hiểu, gặp gỡ cha đẻ của những ca khúc ấy.

Hát rất hay nhạc trẻ, nhạc quốc tế nhưng Kyo hiếm khi thể hiện bởi anh không thích những bài có ngôn từ hời hợt, dễ dãi. Những bài hát anh chọn đều có phần lời ý nghĩa, trong sáng và mang chất thơ…

2. Tôi hay bắt gặp Kyo quàng khăn rằn. Mặc áo thun, anh khoác hờ hững trên vai, nhìn bụi bụi. Mặc áo vest, anh dùng nó làm chiếc cà vạt lịch lãm và sang trọng. Kyo bảo anh yêu chiếc khăn ấy lắm. Phải chăng chiếc khăn gợi nhớ về miền Tây sông nước - nơi đầu tiên của dải đất hình chữ S chào đón bước chân chàng trai bên kia Thái Bình Dương?

Và Tết, hễ rảnh lịch, Kyo lại khoác ba lô du xuân giữa bao la sông nước, miệt vườn. Đi như một thói quen. Đi như một nỗi nhớ. Như trở lại quê nhà. Bởi tình yêu với cô gái Hậu Giang và ân tình của bà con nghèo đất chín rồng đã gieo vào lòng chàng kỹ sư Kyle Cochran tình yêu Việt Nam sâu nặng, sinh ra nam ca sĩ mang tên Kyo York. Kyo sang Việt Nam cuối năm 2009 trong một dự án dạy tiếng Anh ở Hậu Giang. Tình yêu với cô gái miền Tây có giọng nói mà anh ví "ngọt như nước phù sa" giúp Kyo yêu thích học tiếng Việt, hát nhạc Việt dù chưa hiểu hết ý nghĩa. Bập bõm được vài tiếng của người bản xứ, Kyo vui lắm. Cái Tết đầu tiên của chàng trai Tây lạ lẫm, háo hức với cành mai vàng, chợ Tết tấp nập, gia đình quây quần bên bếp lửa trông nồi bánh tét…

"Mồng một Tết, mấy bạn sinh viên tặng tôi những bao giấy màu đỏ có hình hoa mai, ông thần tài. Mình tò mò mở ra thì tá hỏa khi thấy bên trong chứa tiền. Bao thì 5.000 đồng, bao thì 10.000 đồng. Tôi tự ái kinh khủng, mắng một trận nảy lửa: "Các em tưởng tôi nghèo túng hay sao mà đưa cho tôi tiền như thế này. Các em là sinh viên, tiền bạc có bao nhiêu mà lại cho người khác". Ai ngờ một cô sinh viên bưng mặt khóc nức nở. Tôi càng thêm lúng túng, không hiểu ra sao. Khi đó, cũng may một bạn nam nhanh nhảu giải thích cho tôi về phong tục lì xì ngày Tết. Nghe xong, tôi mới ngớ người ra…" - Kyo tủm tỉm nhớ lại. Cũng chính vì kỉ niệm khó quên đó mà anh rất thích phong tục lì xì. Cô bạn gái đưa anh đi thăm nhà dân, vào nhà nào anh cũng không quên lì xì cho mọi người và bập bẹ tiếng Việt chào hỏi. Anh chàng Tây bị bà con "bắt" nếm đủ mọi thứ, nào là bánh tét, bánh in, nào là mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao... rồi nằng nặc mời anh dùng cơm cho kỳ được.

Mỗi lần về miền Tây, anh lại được bà con đón tiếp nồng hậu như đứa con xa quê lâu ngày. Họ không ngờ chàng Tây ngày nào còn bập bõm đôi ba câu tiếng Việt nay đã nói sõi như vậy. Lại còn rất am hiểu các phong tục ngày Tết như xông đất, hái lộc, khai bút, trò chơi dân gian…

Ngồi với Kyo, trò chuyện với anh, nếu ai đó không để ý, chắc tưởng tôi đang trò chuyện với một cậu bạn người Việt. Hồn nhiên và hay cười, Kyo khoái nhất món canh chua cá lóc và tự hào nhất khi mặc áo dài. Kyo khoe, Tết năm ngoái anh mượn được bộ áo dài, khăn đóng của MC Thanh Bạch. Thế là anh chàng tung tăng xuống phố làm ngay bộ ảnh xuân. "Lần đầu tiên được mặc chiếc áo dài, lúc ấy Kyo thực sự xúc động. Dường như mình là người Việt 100% vậy".

Không biết Kyo sẽ ở lại và hát ở Việt Nam bao lâu. Anh mỉm cười: "Tùy duyên". Anh tin vào chữ duyên. Như duyên kỳ ngộ đưa anh đến đất nước bé nhỏ xinh đẹp này, duyên trở thành ca sĩ của nhạc Việt đầy mê hoặc. Khe khẽ ngân nga giai điệu "Lắng nghe mùa xuân về", anh mơ màng nghe nhịp mùa xuân đang chạm ngõ tâm hồn mình, chạm ngõ con người và vạn vật trên miền đất mà anh coi như quê hương thứ hai

Mai Quỳnh Nga
.
.