Bộ phim "Kiều" miêu tả Hoạn Thư ghen tuông như thế nào?
- "Truyện Kiều" qua góc nhìn hội họa
- Giải ngộ nhận về nguồn gốc Truyện Kiều
- Kể “Truyện Kiều” bằng ngôn ngữ ballet
Bộ phim “Kiều” chuyển thể từ danh tác ''Truyện Kiều'' của Nguyễn Du, đang được gấp rút hoàn tất phần hậu kỳ để công chiếu đầu năm 2021. Vai Hoạn Thư trong bộ phim “Kiều” được giao cho diễn viên Cao Thái Hà, cũng là một sự chọn lựa bất ngờ của đạo diễn Mai Thu Huyền. Bởi lẽ, diễn viên Cao Thái Hà chưa thuộc hàng ngôi sao nhưng cũng không xa lạ với công chúng, nên vai Hoạn Thư là một thử thách không nhỏ cho cả người hóa thân lẫn ê-kíp thực hiện.
Trong các nhân vật của ''Truyện Kiều'', thì Hoạn Thư là một biểu tượng đặc biệt. Từ trang thơ Nguyễn Du, hình ảnh Hoạn Thư bước thẳng vào đời sống với những cung bậc tình cảm khác nhau. Có kẻ thích Hoạn Thư, có kẻ ghét Hoạn Thư mà cũng có kẻ sợ Hoạn Thư. Nhan sắc của Thúy Kiều và Thúy Vân ít được ai đem ra ví von, nhưng câu cửa miệng đã thành quen thuộc với đám đông là “ghen như Hoạn Thư”.
Hình tượng Hoạn Thư trong bộ phim “Kiều”. |
Nhân vật Hoạn Thư “ở ăn thì nết cũng hay, nói điều ràng buộc thì tay cũng già” cực kỳ sinh động trong Truyện Kiều, sẽ xuất hiện trong phim “Kiều” như thế nào?
Bước chân vào showbiz từ một cuộc thi hoa khôi quy mô nhỏ, gương mặt Cao Thái Hà dần dần được biết đến qua các bộ phim truyền hình như “Tiếng sét trong mưa”, “Đồng tiền quỷ ám”, “Bão ngầm”, “Vũ khí sắc đẹp”, “Hậu duệ mặt trời”… Và với vai Diệu Ngọc trong bộ phim “Bán chồng”, Cao Thái Hà đã được trao giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc phim truyền hình của Cánh Diều 2019.
Đạo diễn Mai Thu Huyền nói về quyết định giao vai Hoạn Thư cho diễn viên Cao Thái Hà khá nồng nhiệt: “Hoạn Thư có thể nói là một vai diễn khó nhất trong phim nên ngay từ đầu tôi đã chú tâm tìm kiếm những diễn viên có nội lực tốt về diễn xuất để đảm nhiệm vai này.
Tôi đã để ý đến Cao Thái Hà từ năm 2016 khi cô ấy cùng tôi và Nhã Phương được đề cử hạng mục Diễn viên nữ ấn tượng trong giải thưởng VTV Awards, đồng thời tôi cũng rất thích khả năng diễn xuất đa dạng của cô ấy trong những bộ phim gần đây.
Nhưng có lẽ quyết định quan trọng nhất để tôi giao vai Hoạn Thư cho Cao Thái Hà đó chính là vì sự trân trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng của cô ấy cho vai diễn này ngay lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt.
Cao Thái Hà đã đầu tư trang điểm, làm tóc, phục trang giống như nhân vật để gây ấn tượng với tôi và đã thuyết phục tôi là sẽ dành 100% thời gian cho vai diễn nếu được chọn.
Đối với một nhà sản xuất và đạo diễn như tôi thì không có gì hạnh phúc hơn khi có được người diễn viên yêu và tâm huyết với nhân vật của mình như vậy. Quả thực Cao Thái Hà đã khiến tôi “nổi da gà” trong một số phân đoạn quan trọng”.
Trong ''Truyện Kiều'', khi Thúy Kiều muốn hạch tội Hoạn Thư “Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan/ Dễ dàng là thói hồng nhan/ Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”, thì Hoạn Thư đã tự giải thoát cho mình một cách ngoạn mục. Đó là bản lĩnh, và đó cũng là sự khôn ngoan của một phụ nữ sớm trưởng thành trong chốn lầu son gác tía.
Hoạn Thư đã phân bua với Thúy Kiều: “Rằng: Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình/ Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo/ Lòng riêng, riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai/ Trót đà gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”.
Rõ ràng, Hoạn Thư không chỉ biết ghen tuông và cũng không phải ghen tuông mù quáng. Làm sáng tỏ được vai Hoạn Thư trong bộ phim “Kiều” quả là một nhiệm vụ không đơn giản cho diễn viên Cao Thái Hà. Bằng thái độ cầu thị, diễn viên Cao Thái Hà chia sẻ: “Là một diễn viên đi lên từ con số 0, tôi trải qua 10 năm nỗ lực để khẳng định mình, cũng từng chịu nhiều lời phàn nàn về diễn xuất. Tôi rất trân trọng cơ hội này vì trong sự nghiệp của người diễn viên không phải lúc nào cũng nhận được một vai có nhiều đất diễn như vậy.
Hơn thế nữa, để chuẩn bị tốt nhất cho vai Hoạn Thư trước khi phim bấm máy, tôi đã được nhà sản xuất gửi đi học một khoá huấn luyện diễn xuất ở chỗ chị Kathy Uyên và tham gia rất nhiều buổi workshop phân tích tâm lí nhân vật cũng như tập luyện trước toàn bộ các phân đoạn trong kịch bản cùng tổ đạo diễn. Chính vì vậy, khi ra bối cảnh quay, tôi đã hoàn toàn nhập tâm và sống hết mình với cảm xúc của Hoạn Thư”.
Một nghi ngại nữa từ phía đám đông, chính là trang phục của nhân vật Hoạn Thư. Nhiều người nhận xét, tạo hình Hoạn Thư mà những nhà làm phim đã cho diễn viên Cao Thái Hà thể hiện, sao có nét vừa giống Nhật vừa lai Tàu?
Đạo diễn Mai Thu Huyền lý giải: Bộ phim “Kiều” không phải chuyển thể, mà chỉ lấy cảm hứng ''Truyện Kiều'' làm một tác phẩm theo thể loại cổ trang - fantasy để ekip có thể sáng tạo mà không bị lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể. Phần trang phục của Hoạn Thư cũng như các nhân vật khác trong phim được lấy ý tưởng từ thời Lê - Nguyễn. Ở giai đoạn này, bắt đầu xuất hiện nhiều kiểu trang phục khác nhau và các bộ váy áo đã thể hiện được nét văn hóa riêng.
Khi làm phim cổ trang Việt, sự so sánh trang phục này, chi tiết kia… là giống phim Trung Quốc, Nhật hay Hàn cũng khó tránh khỏi. Ai cũng biết rằng, sự giao lưu văn hóa, ảnh hưởng văn hóa giữa các nước phương Đông là điều tất yếu. Thậm chí nếu dòng phim cổ trang Việt phát triển, tạo được dấu ấn riêng thì khán giả các nước kia cũng có thể so sánh tương tự.