Bất hạnh trên phim, hạnh phúc trong đời

Thứ Hai, 10/08/2009, 09:00
Gặp Đỗ Kỷ ngoài đời, tôi thấy anh trẻ và... đẹp hơn nhiều so với trên truyền hình và trên sân khấu. Có lẽ vì những vai anh đóng thường có hoàn cảnh éo le và xuất thân từ nông dân nên anh đã phải làm cho khuôn mặt mình xấu hơn, già hơn. Đỗ Kỷ đùa bảo: "Nhân vật của tôi thường là bị vợ bỏ, người yêu không chấp nhận và trẻ con nhận làm bố"…

Khi tôi cất tiếng hỏi "Thưa nghệ sĩ Đỗ Kỷ" thì bị anh gạt đi ngay. Anh bảo, với anh, danh hiệu "nghệ sĩ" là một điều gì đó rất thiêng liêng, không phải ai cũng có thể đạt tới.

Đỗ Kỷ quan niệm, nghề diễn viên cũng như biết bao nghề khác. Bởi ai sinh ra trên cõi đời này cũng đều phải sống, phải làm việc. May mắn thì chọn được nghề mà mình đam mê, như vậy công việc sẽ đạt hiệu quả hơn.

Nói vậy song từ thời trai trẻ, Đỗ Kỷ không nghĩ rằng cuộc đời mình rồi sẽ gắn liền với sân khấu, với điện ảnh. Còn nhớ, hồi đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Bách Khoa, thấy người ta tuyển diễn viên, thế là anh cũng đăng ký dự tuyển. Cũng chả phải vì thích hay vì một phút thăng hoa của tuổi trẻ, mà chỉ đơn giản vì hồi đó nghèo quá. Nếu đỗ vào lớp diễn viên kịch nói do Nhà hát kịch Việt Nam đào tạo thì sẽ không phải đóng tiền học, mà thậm chí còn có học phí. Vì học diễn viên cũng coi như đi học nghề. Thi vu vơ thế mà Đỗ Kỷ lại trúng tuyển. Đúng như mong muốn, Đỗ Kỷ đã bỏ ngang Bách Khoa để sang trường Sân khấu.

Từ đó đến nay đã mấy chục năm trong nghề, nghệ sĩ Đỗ Kỷ luôn cố gắng hết mình với môn nghệ thuật này. Anh tâm sự: "Mình luôn lấy bốn câu thơ của nghệ sĩ nhân dân Đào Mộng Long làm kim chỉ nam trong nghiệp diễn: "Phải biết yêu, ghét, phải có tài/ Đừng lười ỷ lại van xin ai/ ánh đèn sân khấu soi chân lý/ Khán giả quan tòa dõi đúng sai".

Khi tôi hỏi nhân vật nào khiến anh cảm thấy hài lòng nhất, Đỗ Kỷ cho hay: "Với một người diễn viên, khi nhận bất cứ một vai nào, dù lớn hay nhỏ, dù dài hay ngắn đều phải đổ công sức và tâm huyết của mình vào đó. Phải hết lòng cho nhân vật thì nhân vật của mình nó mới sống được. Nếu mình không dành tâm huyết cho nó thì mọi nhân vật rồi sẽ bàng bạc như nhau cả thôi".

Nói như thế nhưng anh không phủ nhận là nhân vật thầy giáo trong "Mùa lá rụng" và nhân vật Ron trong phim "Ngõ lỗ thủng" là những thành công trong nghiệp diễn của mình. Đã có những phân đoạn diễn xong anh cảm thấy rất mệt, nhưng đó là cái mệt tinh thần. Như phân đoạn trong phim "Mùa lá rụng", anh phải thể hiện sao cho đạt diễn biến tâm lý của một người chồng ở nhà ngủ cùng con trong khi biết chắc vợ đang đi với nhân tình. Vén màn, nhìn đứa con thơ đang hồn nhiên ngủ, đó là nỗi đau xót tột cùng trước nhân tình thế thái. Nhưng trong cảnh huống đó thì người diễn viên chỉ có thể thể hiện cảm xúc của mình bằng ánh mắt mà thôi. Làm thành công điều này quả không dễ dàng gì. Nhưng Đỗ Kỷ đã làm được.

Nghệ sĩ Đỗ Kỷ (bên trái) trong phim "Ngõ lỗ thủng".

Được hỏi, nhân vật Ron trong phim "Ngõ lỗ thủng"  là một vai diễn khá thành công và anh đã làm gì để đạt được thành công đó, Đỗ Kỷ tâm sự: "Tôi rất may mắn khi được đạo diễn Quốc Trọng giao cho vai diễn này. Vì đây là một nhân vật mà tôi yêu thích. Tôi đã bắt được cái thần thái, sự đồng điệu trong cách nghĩ cách làm nên tự nó cứ bật ra cách thể hiện mà không mất mấy công sức để tìm tòi".

Trong phim có những cảnh khắc họa sự đớn đau của nhân vật khi đứa con gái đầu mất. Khán giả sẽ không thể quên được một ông bố đứng trước bàn thờ cô con gái, đôi mắt vô hồn và đôi bàn tay vô thức vẫn vén mái tóc  của con gái lên (mặc dù chỉ là trong tấm ảnh) vì Ron vẫn nghĩ rằng con mình không thể chết. Không thể! Hay phân đoạn Ron ra mộ hóa vàng cho con. Đứng trước mộ, anh như lặng đi, nước mắt cứ thế tuôn trào. Đỗ Kỷ bảo anh không cần một sự hỗ trợ kỹ thuật nào để diễn xuất cả. Tất cả đều xuất phát từ sự đồng cảm của diễn viên với nhân vật. 

Làm nghệ thuật thì phải dấn thân! Và đã làm diễn viên thì phải hóa thân được vào các kiểu nhân vật. Nghề diễn viên là một nghề đầy vinh quang nhưng cũng quá nhiều vất vả và hy sinh. Đỗ Kỷ bảo, khán giả xem phim sẽ chỉ cảm nhận được là phim hay hay không, diễn viên này diễn tốt hay không tốt chứ không bao giờ biết được người diễn viên đã phải chịu cực khổ thế nào để hoàn thành vai diễn của mình. Còn nhớ, trong phim "Ngõ lỗ thủng", bối cảnh phim là mùa hè nhưng phần lớn thời gian quay phim lại quay vào mùa đông. Trong phim có cảnh Ron và Khoái (Dũng Nhi đóng) ngồi nói chuyện với nhau. Cả hai đều mặc áo may ô, ngồi trước cái quạt con cóc, trong khi nhiệt độ lúc ấy chỉ vào khoảng 10 độC. 

Đỗ Kỷ có một quan niệm rất lạ về tình yêu. Nếu như mọi người cho rằng, giai đoạn trước khi một đôi trai gái có ý định kết hôn thì gọi là yêu nhau. Nhưng với anh thì khác: Trước khi cưới chỉ là "tìm" và "hiểu". Kết hôn rồi mới thực sự gọi là tình yêu. Không biết có phải vì thế không mà suốt mấy chục năm qua, cặp vợ chồng diễn viên Đỗ Kỷ - Lan Hương đã sống rất hạnh phúc. Chuyện tình cảm vợ chồng của họ chưa bao giờ gặp phải sóng to gió lớn. Khi tôi đặt câu hỏi  nghi ngờ về sự không chung thủy của giới nghệ sĩ thì anh bảo: "Không thể phủ nhận môi trường góp một phần tạo nên tính cách, nhưng cái quan trọng vẫn là tự thân".

Đỗ Kỷ cho rằng mình là người rất tôn trọng truyền thống văn hóa gia đình. Gia đình là một điểm tựa vững chắc nhất cho mỗi con người. Và đã là con người, nhất lại là nghệ sĩ thì không thể không tránh khỏi những phút rung động. Một khi đã hóa thân vào nhân vật thì phải rung động trước bạn diễn thì mới thành công được. Nhưng phải biết làm sao phân định rạch ròi: Sân khấu là sân khấu. Và khi đã rời khỏi sân khấu thì phải trở lại với đời thường một cách nghiêm túc.

Đỗ Kỷ có may mắn vì được sinh ra trong một gia đình nền nếp và khi trưởng thành thì lại cưới được một người vợ rất phù hợp với mình. Hai yếu tố đó khiến Đỗ Kỷ không bao giờ cho phép mình được bước qua ranh giới giữa phim và đời.

Thực ra không ít người có được may mắn như anh nhưng họ vẫn bị "dính" vào cái gọi là "chuyện tình nghệ sĩ". Tôi cho rằng, một phần nào đấy Đỗ Kỷ mang trong mình một quan niệm truyền thống. Và chính quan niệm truyền thống ấy đã ngăn mọi cảm xúc thái quá khi nó mới bắt đầu phát sinh nơi anh. Hơn nữa, Đỗ Kỷ lại luôn ý thức  "mình là người của công chúng". Anh đùa rằng: "Bây giờ tôi ra đường, đi đâu cũng dễ bị "bắt".

Thì ra, do đặc thù làm phim, nhất là những phim do anh làm trợ lý đạo diễn, có lúc phải đi đón diễn viên từ rất sớm. Có khi mới chỉ 6 giờ sáng thôi là đã chở một cô nào đó đến trường quay rồi. Và thế là người ngoài nhìn vào, không hiểu, sẽ nghĩ ngay rằng anh đang đi "bồ bịch". Thông tin này sẽ nhanh chóng được chuyển đến vợ anh - NSƯT Lan Hương (còn có biệt danh là Hương "bông" để phân biệt với NSND Lan Hương nổi tiếng với vai diễn "Em bé Hà Nội"). Cũng may vợ anh lại là người cùng nghề nên chị hiểu hơn ai hết đặc thù công việc. Hơn thế, cái quan trọng nhất là giữa hai người đã tạo được cho nhau một niềm tin vững chắc.

Muốn anh nói đôi chút về người vợ của mình, nhưng Đỗ Kỷ nhất quyết không. Anh bảo: "Vợ tôi thì cũng giống bao người vợ khác mà thôi. Biết phải nói thế nào bây giờ. Nếu khen là chuyện đương nhiên rồi. Chồng thì phải khen vợ chứ. Còn chê á? Việc này thì chỉ 2 vợ chồng biết thôi. Nói hài hước vậy thôi chứ trong câu chuyện của Đỗ Kỷ, luôn luôn có bóng dáng của người vợ hiền. Anh không khen chị bằng lời, nhưng bằng những câu chuyện anh kể đã khiến cho tôi hiểu anh yêu và tôn trọng vợ mình đến nhường nào.

Với anh, hạnh phúc thực sự chính là lúc được xum vầy bên mái ấm gia đình. Nơi ấy có người vợ hiền và 2 cậu con trai An Nguyên và Hoài Nam đang tuổi trưởng thành. Nơi ấy chính là nền tảng vững chắc để anh bước xa hơn nữa trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình

Ngọc Anh
.
.