Bản quyền tác giả: Để vẹn đôi đường
Tôi thật thà nghĩ vậy về cái quyền thông thường ấy của mình. Người bạn cười vui, nói ông không dám nhận lời vì theo ông được biết, nhà biên soạn nọ chỉ có thể... bán sách có trừ phần trăm phát hành phí chứ không có ý định biếu cho những người có bài được in trong ấy. Ông bạn còn nói, nếu tôi cần ông sẽ mua cho tôi một cuốn.
Tôi từ chối lòng tốt của bạn và rất không hài lòng với người làm sách. Tôi cho rằng đó là một sự vi phạm. Anh lấy bài của người ta đem in mà lại bắt người ta phải mua thì tác quyền của người có bài được in ở đâu? Hỏi chỉ là hỏi vậy rồi lắc đầu cho qua. Chuyện nhỏ ấy mà, đôi co làm gì! Tôi và bạn tôi chỉ biết thở dài.
Bạn tôi bảo: "Chuyện bây giờ nó thế mà, biết làm sao được". Sách dày, giá cao, người làm sách chi phí tốn kém - Đó là lý do họ viện ra để xin khất chịu bản quyền của tác giả nếu không may bị phát giác. Cũng có một số người làm sách đã làm tốt công việc tác quyền như liên hệ trước hoặc chu đáo với tác giả sau khi có bài in với một cuốn sách biếu và một tí chút nhuận bút.
Vậy là quý rồi. Thế mới là có trước có sau. Ngược lại, vẫn có một số người làm sách lấy câu "im lặng là vàng" để trốn tránh trách nhiệm. Việc thật trớ trêu và không phải chỉ trước đây mới có…
Hiện nay, có một số người làm tuyển theo đủ các loại chủ đề. Nào tình yêu. Nào quê hương, đất nước. Về biển, về rừng, về địa phương nọ địa phương kia. Cả các ngành các giới nữa. Văn học với nhiều sáng tác khác nhau của nhiều tác giả khác nhau có những bài vở đúng với mục tiêu của người làm sách, thế là họ được tuyển chọn.
Người có bài vở được tuyển chọn, có người được thông báo trước, bằng lời hoặc thư mời. Cũng có người bị lờ đi. Cũng có người tuyển chọn tự ý chọn, tự ý in, tự ý phát hành mà nhiều khi người có bài không hề hay biết. Thoảng có tác giả qua hiệu sách, qua những vỉa hè sách rong, vô tình giở quyển sách ra, gặp bài của mình mới ớ ra là mình đã có bài được in.
Cũng có người được thông báo rằng đã có bài in sách, lại được cả nhuận bút nữa, cỡ tiền chục nhưng phải mua sách với giá... hàng trăm. Chuyện trái khoáy vậy mà vẫn hiện hữu lâu nay ở nhiều nơi nhiều chỗ. Có nhà văn có bài được in sách, đến hỏi bản quyền thì được người nhà xuất bản nói tỉnh queo rằng: "Hãy đi tìm người làm sách mà đòi.
Chúng tôi chỉ cấp giấy phép, còn mọi chuyện người nhận giấy phép chịu". Như vậy là bản quyền tác giả được người cấp giấy phép "bán khoán" cho người làm sách. Còn người làm sách thì viện đủ lý do trốn tránh trách nhiệm của mình khi bị phát hiện hoặc đánh bài lờ cho qua chuyện nếu không bị ai nói tới.
Cũng có người chỉ muốn được in sách, có bài trong sách rồi bỏ tiền túi ra mua. Có người mua tới hàng chục, hàng trăm cuốn là khác, để đi giao dịch hoặc đem biếu. Các tác giả thuộc diện "hào phóng" này thường coi chuyện được chọn in bài là niềm vui và việc mua sách là trách nhiệm của mình. Cả tiền nhuận bút nữa, nếu có thì coi như một bữa nhậu "hồi âm".
Mỗi cuốn sách tuyển thường in bài của nhiều người. Có những người nổi tiếng, có những bài tốt thực sự. Nhưng cũng không phải không có bài yếu. Việc ấy rồi người đọc phán xét. Còn đa phần các tác giả có bài tốt trước hết là cảm ơn người tuyển chọn nhưng có đòi hỏi nghiêm túc là muốn bài mình được in chí ít cũng nên có lề có lối giữa người in sách và người được in sách. --PageBreak--
Câu chuyện về bản quyền cũng có nhiều nỗi niềm khác nữa mà thường thường người chủ của nó phải chịu. Tôi không phải là một ngoại lệ. Xin kể chuyện này: Tôi có một bài chủ đề về gia đình. Bài ngắn, dễ nhớ. Cũng chẳng thể ngờ rằng bài chỉ in ở báo thôi lại được người làm sách tìm đọc rồi chọn vào một tuyển tập. Sách ra đời một thời gian và đã được bán rồi, tôi mới được gặp mặt người làm sách.
Thật là cảm động về chuyện ông đã biết được chỗ tôi làm việc và tìm đến tận nơi để gặp tác giả. Ông nói rằng cuốn sách này làm ra bán rất tốt. Tương lai có thể phải in thêm và tái bản nữa. Rồi hai người thân mật chuyện trò. Cuối cùng cũng đến đoạn tôi được nhận bản quyền bài của mình bằng một cuốn sách biếu. Xin cảm ơn. Người ta có quý bài viết của mình người ta mới tuyển.
Thiên hạ thiếu gì người viết. Nhưng thật buồn lòng, khi đọc đến bài của mình thì ôi thôi, có những câu bị người soạn sách sửa chữa theo cách hiểu khác đi. Ông làm lạc văn của người viết. Tôi nói với ông về quan điểm của mình (cũng là của nhiều người) về công việc tuyển chọn, rằng khi đã có lòng tuyển chọn thì nên in nguyên văn. Người làm sách gật đầu và hứa lần tái bản sau sẽ in đúng nguyên bản.
Không dính dáng tới chuyện in sách nhưng vẫn dính dáng tới bản quyền của người sáng tác. Đó là chuyện lời của nhạc. Có nhạc sĩ khi đọc thấy bài thơ hay, gợi cho mình nhạc cảm đã phấn khích nâng lời thơ lên làm giai điệu cho các ca khúc của mình. Có nhiều bài thơ đã được nhạc chắp cánh hoặc cùng nhau chắp cánh thành điệu hát của muôn người.
Có bài hát khi ca sĩ cất lên là người ta biết ai góp lời và ai góp nhạc. Cũng có bài khi hát lên, người ta chỉ nhớ người làm nhạc mà quên mất người góp lời. Lỗi này có nhạc sĩ bảo không phải do mình mà do người giới thiệu. Họ tiết kiệm thời gian biểu diễn hay là không coi trọng lắm người làm lời?
Có nhà thơ kể: Một nhạc sĩ đến xin ông bài thơ để về làm bài hát theo một chủ đề. Ông vui vẻ đem năm, sáu "đứa con tinh thần" của mình ra cho nhạc sĩ "xem mặt". Nhạc sĩ đã chọn được "một đứa" trong đó và nâng nó lên thành ca khúc. Từ đấy cho đến lúc bài hát ra đời, được phát sóng, được biểu diễn, duy nhất có một lần nhà thơ được nhạc sĩ mời đến xem "báo cáo tác phẩm" và nhận được một phong bì với số tiền thuộc mệnh giá nhỏ.
Tiền này không phải là tiền nhuận lời mà là tiền chế độ của hội nghị. Nghe nói các bài hát khi được công diễn, được phát sóng, phát hình…các nhạc sĩ đều có tiền bản quyền. Không rõ trong số tiền bản quyền ấy, những người góp lời có được tí ti gì không? Bực lòng hơn, có những bản nhạc, có cả tên người viết nhạc lẫn tên người viết lời mà khi nghe giới thiệu, người xem chỉ biết được tên người hát…
Những chuyện trên ngỡ như đơn giản nhưng lại rối như canh hẹ về cái gọi là bản quyền, tác quyền. Người ta thán nhiều. Chung quy vẫn là cách làm ăn không luật. Tuy chuyện bản quyền, tác quyền ở ta chưa phải là "đại lộ hiện đại" nhưng nên có lối để biết phải trái mà đi. Trong công việc này có thể là:
Thông báo trước cho tác giả có bài được chọn trong cuốn sách mình định làm. Đối với những tác giả đã khuất núi nên thông báo cho những người thân của họ được biết. Đây cũng là cách ngỏ lời mang tính xã giao tối thiểu. Tin rằng người được tuyển chọn sẽ hài lòng và chắc chắn sẽ có lời cảm ơn đối với người tuyển chọn. Trong trường hợp đã làm sách rồi thì sau đó nên thông báo với các tác giả.
Có thể liên hệ trực tiếp qua thư, qua điện thoại nếu rõ địa chỉ và số phôn. Cũng có thể thông báo tên tác giả trên các phương tiện truyền thông nếu không biết nơi ăn chốn ở của người có bài được mình tuyển chọn. Đây là việc làm tự nhiên như lẽ nó phải có chứ chẳng phải là chuyện bắt bẻ làm khó dễ gì nhau.
Trong công cuộc làm ăn hiện nay, một số nhà làm sách tư nhân cũng giúp cho văn hóa đọc được phát triển phong phú hơn, nhưng việc muốn trốn trách nhiệm bản quyền với người có bài in trong sản phẩm của mình lại là điều nên suy nghĩ lại.
Sách mang giá trị tinh thần của người làm ra nội dung của nó.
Sách cũng là sản phẩm hàng hoá của người định giá nó và giao lưu trên thương trường. Đi buôn phải có lãi. Không ai nghĩ đến việc chỉ chịu lỗ. Một số nhà làm sách đưa ra lý do quên bản quyền đối với tác giả e chừng không thể xuôi tai mãi được.
Thiết nghĩ các cơ quan bảo vệ bản quyền tác giả nên can thiệp mạnh mẽ hơn nữa vào chuyện này để những tác giả không phải chịu thua thiệt. Còn người làm sách nên hạch toán lỗ lãi, trong đó có cả phần bản quyền của tác giả nữa. Nếu thấy thực sự sản phẩm của mình có lãi thì hẵng làm sách để tránh những chuyện "khó nghĩ" như trên.
Nếu được như trên thì sẽ vẹn cả đôi đường!