Ba nhà văn nữ cùng ra mắt sách: “Nữ quyền” văn chương

Thứ Bảy, 24/08/2019, 08:09
Hà Nội tháng Bảy thời tiết đỏng đảnh khó lường. Sáng ra trời đẹp, dự báo sẽ tiếp theo một ngày nắng đẹp, ấy thế mà mưa. Mưa xối xả vào đúng giờ đi làm, đúng lúc khai mạc cuộc tọa đàm ra mắt sách của ba nhà văn nữ nổi danh trên văn đàn lâu nay là Y Ban, Thùy Dương, Võ Thị Xuân Hà.


Chuyện gió mưa bất thường ấy có thể làm vắng, làm thiếu một vài bạn văn, nhưng không vì thế mà làm giảm “nhiệt” những câu chuyện văn chương của ba cá tính văn chương đang sung sức. Đơn giản, bởi họ không chỉ là bạn viết, mà ở ngoài đời, họ là những người bạn thân thiết, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với nhau...

Ba người bạn - 30 năm bền bỉ với văn chương

Nhiều năm nay, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương là những cái tên được nhiều người nhắc khi bàn đến mảng văn chương do các cây bút nữ tạo nên. “Văn chương nữ” - thật ra chỉ là một cách gọi, chứ đã là văn chương chỉ có văn hay, văn dở mà thôi chứ không có văn nam hay văn nữ. Ấy thế nhưng, gọi miết rồi cũng dễ xuôi tai, thành thử bây giờ đôi chỗ thành quen.

Cùng học chung khóa IV Trường Viết văn Nguyễn Du nhưng mỗi người có một miền quê, có một hoàn cảnh. Mỗi người, bằng các tác phẩm mang phong cách riêng đã mang tới cho văn đàn những tác phẩm khi là truyện ngắn, lúc là tiểu thuyết, là thơ.

Từ trái qua: Các nhà văn Thùy Dương, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà tại buổi tọa đàm ra mắt sách.

Và nhiều tác phẩm trong số đó đã mang lại các giải thưởng văn chương cho người viết, để bây giờ, nhắc tới Y Ban, người đọc có thể nhớ ngay tới “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, “Cẩm cù”, “Miếu hoang”, “Đàn bà xấu thì không có quà”, “Xuân từ chiều”… (một số tác phẩm đã mang về cho tác giả 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 2 giải Ba trong các cuộc thi văn chương từ năm 1989 đến nay). Nhắc tới Võ Thị Xuân Hà, nhiều người lại nhớ tới tiểu thuyết “Tường thành” hay truyện ngắn “Mặt trời ở lại” - giải Nhất cuộc thi viết về Người chiến sĩ Công an Thủ đô vì Tổ quốc bình yên, vì nhân dân phục vụ.

Còn nhà văn Thùy Dương lại gây ấn tượng với độc giả với những tiểu thuyết mà tựa đề thường chỉ đặt “tối giản” với hai chữ: “Ngụ cư”, “Thức giấc” - đoạt giải thưởng Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 và 2009, “Nhân gian” - giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010.

Thành danh với văn chương, nhưng đây là lần đầu tiên ba nữ nhà văn này cùng tụ lại trong một không gian để ra sách. Điều này cũng có nguyên do, bởi cả ba mới đây đều có tác phẩm được NXB Trẻ ấn hành. Y Ban ra tập truyện “Có thể có có thể không” vào hồi tháng 5, còn “Lạc lối” của Thùy Dương ra cuối tháng 6; “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời” của Võ Thị Xuân Hà rời nhà in cuối tháng 7.

Cuộc gặp gỡ không hẹn trước này hóa ra cũng có cái hay. Đây là cuộc hội ngộ để cả ba nữ nhà văn - ba người bạn ngồi lại, chia sẻ với độc giả những câu chuyện đời, chuyện nghề họ đã trải qua sau gần 30 năm theo đuổi văn chương.

Nhà văn Thùy Dương không giấu giếm: “Cơ duyên NXB Trẻ in ba tác phẩm của ba đứa bạn thân 30 năm qua - kể từ khi bước chân vào khoá IV Trường Viết văn Nguyễn Du. Ba thập niên của bao vui buồn sóng gió, ba đứa vẫn luôn bên nhau. Tiếng cười của đứa này làm đứa kia quên cực nhọc, hơi ấm đứa này làm vợi bớt cái lạnh đứa kia... Biết bao lần khóc cười bên nhau và một ngày nếu có giận dỗi thì vẫn biết ngày mai rồi sẽ chạy đến…”.

Nhà văn Y Ban cho biết, tập “Có thể có có thể không” gồm 9 truyện ngắn: “Ruộng xấu”, “Sách trắng về gia đình”, “Con phải sống sao đây?”, “Về nhà”, “Anh Quảng”… Tất cả đều được hoàn thành trong thời gian gần đây, khi chị đã chính thức “nhận sổ hưu”. Những truyện ngắn vừa dữ dội vừa dịu dàng, lôi cuốn ta bằng những tình tiết ly kỳ, đôi khi éo le, nhưng không phải là kiểu éo le của văn chương câu khách. Các truyện ngắn khác nhau về mô típ hoặc cách kể nhưng lại liên thông bằng những dự cảm, để kết nối thành một tổng thể hài hòa.

Tập “Chuyện của những nhân vật có thật ở trên đời” gồm 15 truyện ngắn với những cái tên nghe “rất thơ”: “Bên hàng trúc trên tầng thượng”, “Có cây ngô đồng”, “Ngoài song gió vẫn đang thổi”, “Bóng chiều nghiêng thấp”, “Đỉnh mù sương”, “Đỉnh núi hoa đào nở”…

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thừa nhận: “Những truyện của tôi là những lát cắt mỏng, không gây chảy máu nhưng rất đau. Tôi tự đặt mình vào làm nhân vật, và thấy các nhân vật khác trong cuộc đời này, trong đó có cả độc giả. Qua đó, tôi muốn truyền đến bạn đọc bức tranh cuộc sống chân thực, và mong muốn bạn đọc đặt mình cao hơn vị trí từng hình dung, để thấy rằng cuộc đời rất đáng sống”.

Nếu hai bạn văn xuất hiện bằng tập truyện ngắn thì nhà văn Thùy Dương lần này trình làng tiểu thuyết “Lạc lối”. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của Thùy Dương, được hoàn thành vào tháng 4 năm ngoái. Với 328 trang sách xoay quanh 3 nhân vật chính là bạn học cũ trong vòng xoáy tranh đoạt tình, tiền, quyền lực, Thùy Dương kể khéo, lạnh và tỉnh về những mưu toan của đấu đá chức quyền, những tinh quái của thương trường và những lắt léo của tình người. Để rồi khi nhìn lại, đâm đầu, va đập, giẫm đạp lên nhau để chạy đua trong cuộc đời, tưởng chừng chạy được đến nơi nào đó rồi lại ngỡ hóa ra không.

Các tác phẩm mới của ba nhà văn do NXB Trẻ ấn hành.

“Tôi thích viết truyện ngắn, những suy tư, trăn trở đòi hỏi không gian, môi trường lớn hơn để bày tỏ được những chiêm nghiệm về cuộc sống, lý giải theo cách nhìn của mình. Bởi vậy, tôi chọn viết tiểu thuyết và bền bỉ theo nó đến cùng. Trong “Lạc lối”, câu chuyện của 3 số phận, là hiện thực đầy rẫy bất trắc, ngổn ngang, nhưng niềm tin và hy vọng vẫn đan xen, và chính điều ấy làm nên cuộc sống này” - nhà văn Thùy Dương bộc bạch.

Câu chuyện “nữ quyền” trong văn chương

Lâu nay, có thể độc giả chỉ gặp nhà văn trên trang viết, rung động với những sáng tạo văn chương, chia sẻ với những nhân vật, hoàn cảnh trái ngang trên trang sách mà ít để ý đến chính “phận đời” của tác giả. Nhiều người vẫn nghĩ về một thứ hào quang lấp lánh quanh hai chữ “nhà văn”. Thế nhưng, sự thật thì có những đắng cay mà chỉ những người “trong chăn” mới thấu tỏ tận tường.

Nhà văn Thùy Dương bộc bạch: “Ba chúng tôi mỗi người một cuộc đời, một cách viết, nhưng có điểm chung là tình yêu với cuộc sống, với con người, sự chia sẻ với những người phụ nữ. Chính sự đau đáu với cuộc sống, những thân phận phụ nữ đã thôi thúc chúng tôi tiếp tục viết. Phận đàn bà đã khổ - đàn bà viết văn còn khổ gấp đôi”. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà bổ sung: “Với 30 năm theo nghiệp viết, cả ba chúng tôi đều phải trả giá và không phải ai cũng hiểu được điều đó. Có thể từ bỏ công việc ổn định bố mẹ cất công lo cho để rồi rơi xuống vực sâu, không biết đi về đâu nhưng chúng tôi vẫn trăn trở và viết ra những trải nghiệm bằng ngôn ngữ của mình”.

Còn nhà văn Y Ban thì thẳng thắn: “Phần đông nhà văn nữ đang phải cảnh cô đơn”. Tác giả “Iam… đàn bà” lý giải: “Các nhà văn nữ đều phải trả giá rất kinh hoàng. Cho dù có một chút thành đạt thì chúng tôi cũng đang phải trả giá chứ không phải là không, vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa viết văn, vừa đi kiếm tiền.

Cuộc đời quăng quật chúng tôi đến kinh hoàng, thế mà chúng tôi vẫn viết, bởi viết nó như cái nghiệp rồi. Mỗi lần tôi ra sách là bị quật một đòn đau đớn, nhưng nó không quật mình bằng nghèo khổ, nó quật vào con cái mình, quật vào gia đình mình, vào những điều mình trân trọng. Thế nên chúng tôi cứ đi trên ranh giới có thể có, có thể không”.

Với cá tính mạnh mẽ, Y Ban cũng một lần nữa thể hiện nữ quyền trong văn chương qua cách chị “thách thức” các nhà phê bình: “Hãy “đập” chúng tôi nhưng hãy “đập cho trúng”, hãy chỉ rõ các sáng tác của chúng tôi như thế nào, cái gì được, cái gì chưa được...

30 năm sau đổi mới, các tên tuổi nhà văn nữ được nhắc trên các tổng kết là nữ quyền, trong các trường học tác phẩm của chúng tôi được chọn làm đề tài của các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, nhưng nền phê bình đã có cái nhìn thấu suốt về đội ngũ nhà văn nữ chưa? Tôi cho rằng chưa! Nhưng dù cho có như vậy, tự thân dò dẫm từng bước, chúng tôi vẫn viết và tôn trọng độc giả”...

Nguyệt Hà
.
.