"Bà mối mát tay" của nhiều giải thưởng văn chương
Vừa có duyên với giải thưởng văn học, nhà văn Trần Đức Tiến vừa tỏ ra "mát tay" trong việc giới thiệu sách để "ăn giải". Với tư cách Ủy viên Ban chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam, ông chính là người đề cử cuốn sách "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" của tác giả Nguyễn Trí vào những phút chót của cuộc bình xét Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2013 và cuốn sách đã "ẵm" giải thưởng. Nhân dịp này, VNCA đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Đức Tiến...
- Thưa nhà văn Trần Đức Tiến, sau khi đọc ngót 100 cuốn sách, Hội đồng Văn xuôi đã không chọn được cuốn nào đề cử cho Hội đồng chung khảo xét giải thưởng năm 2013 của Hội Nhà văn. Vậy ông dựa trên những căn cứ gì để có thể tự tin giới thiệu "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" của Nguyễn Trí - một người viết nghiệp dư hoàn toàn chưa có tiếng tăm - vào một giải thưởng lớn nhất của giới cầm bút chuyên nghiệp?
+ Từ năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam có bổ sung mấy điểm vào quy chế giải thưởng, trong đó có việc các nhà văn Ủy viên BCH được quyền giới thiệu các tác phẩm mà họ cho là xứng đáng vào xét giải hàng năm, bên cạnh những cuốn sách đã được các Hội đồng chuyên môn đề cử. Có điểm mới này nhằm khắc phục thêm phần nào tình trạng bỏ sót tác phẩm hay.
Năm nay, khi biết tin Hội đồng văn xuôi (sơ khảo) không chọn được cuốn nào, tôi nhớ ngay đến cuốn của Nguyễn Trí. Trong năm tôi đã biết có cuốn sách này qua một số bài báo khá ấn tượng. Tôi không quen biết tác giả, chưa từng gặp hay chuyện trò qua thư từ, điện thoại… với ông ta lần nào. Chỉ nhớ mang máng ông ta ở một nơi cách tôi chừng sáu, bảy chục cây số. Tôi đành nhờ một người bạn nhắn ông gửi sách cho tôi. Để chắc ăn, tôi gọi cho cả một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, nơi xuất bản cuốn sách của ông Trí, để xin sách. Ngay hôm sau, tôi nhận được cuốn của nhà xuất bản, còn cuốn của Nguyễn Trí thì… gần 1 tuần sau mới tới! (dường như vấn đề "tài chính" của nhà văn này eo hẹp đến nỗi ông chỉ có khả năng gửi bưu phẩm theo đường chuyển phát… chậm).
Đọc xong cuốn đó, tôi gọi cho Nguyễn Trí, xin phép được đề cử cuốn sách của ông vào giải thưởng Hội Nhà văn. Nguyễn Trí rất mừng, ông nói "Chỉ cần được các anh đọc là tôi vui rồi". Rút kinh nghiệm những vụ ì xèo của các lần trao giải trước, tôi đề nghị ông Trí chính thức xác nhận việc ông đồng ý tham gia giải thưởng của Hội.
Sau đó, tôi gọi cho nhà văn Lê Minh Khuê, hỏi nhận xét của chị về cuốn sách. Chị Khuê nói đã đọc cuốn này và rất thích. Rồi lại gọi cho nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi, báo cho ông biết là tôi đề cử "Bãi vàng, đá quý, trầm hương". Ông Trường cũng khen cuốn này và cho biết thêm: Chính ông đã đề nghị đưa nó vào giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Sau khi nghe những ý kiến đáng tin cậy về tác phẩm của Nguyễn Trí, tôi báo cho Nhà xuất bản Trẻ, đề nghị họ gửi ngay một số bản sách cho Hội đồng văn xuôi và Hội đồng chung khảo đọc.
- Ông có thể cho biết rõ hơn vì sao ông đề cử cuốn sách của Nguyễn Trí?
+ Gây ấn tượng mạnh cho tôi trước hết là vốn sống thực tế của tác giả cuốn sách. Người viết này đã nhiều năm lăn lộn với cuộc đời, đã trải qua nhiều công việc khác nhau, từ việc đào vàng, tìm trầm, tìm đá quý, chạy xe ôm, làm đồ tể cùng lúc với việc dạy ngoại ngữ. Đời riêng của ông chịu nhiều mất mát, bất hạnh... Nghĩa là Nguyễn Trí rất từng trải, từng trải ở những tầng thấp nhất của đời sống. Ông đưa tất cả những thứ đó vào văn chương. Dường như đó là sự bổ sung đích đáng vào thứ văn mà theo tôi là còn nghèo chất "đời sống" của chúng ta lâu nay.
Thứ hai, quan trọng không kém, nếu không muốn nói là quan trọng hơn: tôi thích văn Nguyễn Trí. Tự nhiên, thô mộc, mạnh mẽ. Một thứ văn rất "đàn ông", mà là đàn ông phu vàng! Mạch văn phát triển nhanh. Đối thoại "ra vấn đề". Đôi khi giễu cợt cay đắng. Một số truyện của ông kết thúc bất ngờ, không giống với kiểu kết thúc của nhiều nhà văn chuyên nghiệp đầy ý thức về chuyện "có đầu có đuôi"… Tất nhiên tôi cũng nhận ra một số thứ mà tôi cho là nhược điểm: đôi khi ông hơi tham chuyện, tham kể, tham chi tiết. Hay một điều dễ làm cho bạn đọc ở những vùng miền khác bị "vấp", ấy là chưa thật chọn lọc khi dùng phương ngữ Nam bộ (không phải để đối thoại, mà là để dẫn chuyện).
Văn Nguyễn Trí tự nhiên, tự nhiên như đời sống là hay, nhưng đôi khi ông cũng mấp mé ở ranh giới giữa tự nhiên và hồn nhiên thiếu kiểm soát… Tuy vậy, thành công trong cuốn sách vẫn là chủ yếu.
- Vậy khi đưa ra Hội đồng xét giải, "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" nhận được sự quan tâm như thế nào, thưa ông?
+ Có một chi tiết bên lề: Trước cuộc họp Hội đồng chung khảo về việc xét giải thưởng, tôi ngồi quán café với hai nhà văn Trung Trung Đỉnh và Khuất Quang Thụy. Hai ông đều nói về cuốn sách của Nguyễn Trí với một niềm say mê đặc biệt. Ông Đỉnh bảo: Lâu lắm mới được đọc một cuốn sách sống động, hấp dẫn như vậy. Ở Hội đồng văn xuôi thì còn những ý kiến khác nhau, nhưng ở Hội đồng chung khảo thì thống nhất, và cuốn sách đã đạt được số phiếu thuận cực đẹp.
- Qua câu chuyện về việc xét giải thưởng của Hội Nhà văn năm nay, rõ ràng bộc lộ một điều: Các Hội đồng của Hội vẫn có khả năng bỏ sót những cuốn sách hay trong năm để xét giải. Theo ông, phải làm gì để hạn chế "lọt lưới" những cuốn sách hay?
+ Lâu nay, những cuốn sách được đề cử là do các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân liên quan đến văn học… gửi tới Ban Sáng tác của Hội. Ban Sáng tác phân loại chuyển lên các Hội đồng. Các thành viên trong từng Hội đồng chuyên ngành sẽ "làm việc" chủ yếu với số sách đó. Có lẽ ít ai trong Hội đồng tự mình chủ động tìm ra những cuốn sách có giá trị. Việc này thực ra cũng không dễ, nhất là trong biển sách mênh mông được xuất bản hàng năm. Chính vì vậy mà từ cuối năm ngoái, Hội đã bổ sung điều lệ, về việc các nhà văn trong BCH được quyền đề cử các cuốn sách mà họ cho là xứng đáng (ngoài những cuốn đã được các hội đồng xem xét và bỏ phiếu). Nhưng tôi cũng xin nói luôn: Ngay cả khi bổ sung điều lệ, ngay cả khi các thành viên các Hội đồng và BCH chăm chỉ đọc và chọn đi nữa, thì khả năng bỏ sót sách hay vẫn còn. Vậy theo tôi, vấn đề chính là ở các nhà xuất bản. Sách nào cũng được in ra từ một nhà xuất bản. Vì vậy, mỗi nhà xuất bản phải có một bộ lọc tốt, chính xác và hiệu quả, để có thể chọn ra những cuốn hay nhất của nhà mình giới thiệu cho Hội.
- Tôi cho rằng, giải thưởng ở đâu đó cũng có chuyện này chuyện khác, và vẫn có những cuốn sách không hay nhưng ăn may lại được giải thưởng. Mặt khác, bệnh đố kỵ trong nghề nào cũng là một trở ngại lớn để đưa những giá trị thực lên đến vinh quang mà nó xứng đáng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
+ Có lẽ nói như thế này là đúng hơn cả: Cuốn sách được giải là cuốn sách hay theo ban giám khảo, tức là theo đánh giá, "gu" thẩm mỹ của một số người nhất định. Nó hoàn toàn có thể chưa hay, không hay với ai đó. Chuyện đó xảy ra ngay cả với những ban giám khảo công tâm, vô tư nhất. Ngoài ra, với tư cách một người từng là "thí sinh" trong nhiều cuộc, cũng từng là giám khảo trong vài ba cuộc, tôi xin nói thẳng: Ở nơi này nơi khác, cũng có những tác phẩm, những cuốn sách được giải không phải là do "ăn may" đâu, mà là do "chạy".
Mặt khác, đúng như chị nói, sự đố kỵ cũng là thứ rào cản cho những tài năng xứng đáng lên ngôi. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, tôi có nói đố kỵ và thành kiến là hai thói xấu thường gặp ở nhiều nơi, nhưng trong văn chương thì nó đáng ghét hơn nhiều lần. Chẳng hạn trong trường hợp Nguyễn Trí. "Tay này ngoài năm mươi tuổi mới tập tọng viết lách, tay nghề lạng quạng, lại sống ở cái xó xỉnh ít người biết đến"- Khối người trước khi đọc ông đã sẵn trong đầu cái ý nghĩ như vậy…
- Thế còn ông, những giải thưởng văn chương có vai trò quan trọng đối với ông như thế nào? Ý tôi muốn nói, chúng có tác động gì đáng kể đến sự nghiệp viết lách của ông?
+ Chị hỏi thật thì tôi nói thật nhé. Bằng này tuổi cũng chẳng phải giấu làm gì. Thời còn tương đối trẻ, tôi đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn về kinh tế. Nhưng đây chính là giai đoạn tôi được nhiều giải thưởng hơn cả. Để có thể duy trì được đời sống tương đối ổn định cho cả gia đình, tôi chỉ biết làm có mỗi một việc là viết (chủ yếu viết báo). Và tham dự khá nhiều cuộc thi. Trong đó có nhiều cuộc không ký tên thật, hoặc có cuộc ký hai, ba cái tên khác nhau. Có cuộc tôi được giải với bút danh lạ hoắc. Có cuộc tôi được mấy giải. Lại có cuộc gửi hai, ba tác phẩm, cái ký tên thật chỉ vào chung kết, cái ký tên giả thì được giải… Tôi cam đoan cho đến tận hôm nay, một số tờ báo, nhà xuất bản cũng không biết cái người được giải năm ấy năm nọ là ai. Buồn cười lắm. Mục đích chính chỉ là để có tiền. Cho nên tôi thường vắng mặt ở những buổi lễ trao giải. Tiền giải thưởng được ban tổ chức gửi qua đường bưu điện. Còn bằng chứng nhận thì cất kỹ vào cái va ly cũ trên nóc tủ. Các cuộc thi nhanh chóng trở thành kỷ niệm đối với tôi.
Tất nhiên cũng có những giải thưởng tôi rất trân trọng về giá trị tinh thần. Đó là những giải mình không chủ động tham dự. Khi viết những tác phẩm đó, tôi không hề nghĩ là viết để dự giải. Nhưng ít khi được những giải như thế. Rất ít.
Với thứ lao động sáng tạo như viết văn, được nhiều giải chưa chắc đã hay ho gì, trừ một thứ "hay ho" là… có tiền. Khi viết một tác phẩm để dự thi, ít nhiều tôi đã có ý thức "làm hàng", tức là phải đoán trước cái "gu" của tờ báo, của nhà xuất bản, và nhất là của ban giám khảo để mình làm vừa ý họ. Lặp lại nhiều lần như thế là hỏng, là tự làm cho ngòi bút của mình cùn đi, thành thói quen…
- Xin cảm ơn nhà văn Trần Đức Tiến! Cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở của ông!