Ảo thuật Việt: Vẫn chưa thoát bóng nghiệp dư

Thứ Năm, 25/10/2018, 08:32
Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3 tại TP Hồ Chí Minh đã khép lại với nhiều tiết mục ấn tượng, sáng tạo, được trao huy chương vàng, bạc. Tuy nhiên, nhìn về chặng đường dài của loại hình này, các ảo thuật gia không giấu được nỗi trăn trở, lo âu. Bởi ngay tại liên hoan, bộ mặt xanh xao của ảo thuật lộ rõ.


Điều vui mừng nhất của những người tổ chức liên hoan chính là số lượng các tiết mục tham gia vượt trội so với hai mùa trước. Cụ thể, có đến 39 tiết mục. Đặc biệt các đơn vị xã hội hóa chiếm số lượng áp đảo: 16 đơn vị tham gia thì ngoài công lập chiếm tới 14 đơn vị. Điều đó chứng tỏ liên hoan ngày càng có sức hút, là nơi để các nghệ sĩ ảo thuật đua tài, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao sự sáng tạo, tài năng của các ảo thuật gia trẻ tuổi. So với hai mùa trước, năm nay chất lượng các tiết mục được đầu tư công phu, có nhiều tìm tòi, thử nghiệm. Thậm chí có nhiều tiết mục xây dựng kịch bản chặt chẽ như “Một thoáng hương Chăm” của Lê Tuấn Anh đến từ Quảng Trị.

Ảo thuật gia Phùng Tuấn Anh – Liên đoàn xiếc Việt Nam lại mang đến màn trình diễn lớn hồi hộp, thót tim không khác gì các màn ảo thuật mạo hiểm trên thế giới. Anh bị trói chặt tay chân và đứng dưới bàn chông treo lơ lửng trên đầu.

Các ảo thuật gia Việt vẫn chủ yếu mày mò tự học (Trong ảnh: Ảo thuật gia Việt Duy gây ấn tượng với màn ảo thuật tương tác khán giả).

Trong vòng mấy chục giây, anh phải tự giải thoát nếu không bàn chông sẽ rơi xuống. Hay “siêu trộm” Nguyễn Việt Duy, CLB Ảo thuật TP Hồ Chí Minh mang đến màn ảo thuật tương tác rất hài hước, bất ngờ với khách mời ngẫu nhiên. “Thôi miên người bay trên nước cao 4 mét” của Trần Anh Dũng, CLB Ảo thuật TP Hồ Chí Minh cũng là tiết mục nhận được tràng pháo tay giòn giã bởi sự sáng tạo đẹp mắt hòa cùng câu chuyện tình yêu lãng mạn.

Tuy nhiên, theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, liên hoan còn tồn tại nhiều tiết mục sơ sài, lạc hậu, bộc lộ sự nghiệp dư. Không hiếm ảo thuật gia thiếu am hiểu quy luật sân khấu, vẫn đứng xoay lưng về phía khán giả hoặc lúng túng khi chuyển sang trò diễn mới.

Số tiết mục quen thuộc như “biến” ra chim bồ câu, cây gậy, cái quạt, cái khăn, biến ra cô gái, cưa người… nhiều vô kể. Dù được gia giảm bằng một số tiểu tiết, bằng âm nhạc, diễn xuất nhưng những trò khéo liên hoàn này vẫn khiến khán giả nhàm chán. Vì giờ đây, chỉ cần lên YouTube, người ta có thể học được “mánh” để bắt chước.

Chính sự kết nối của Internet tạo điều kiện cho các ảo thuật gia học hỏi những trò mới nhất của thế giới nhưng cũng là thách thức buộc họ phải phát huy hơn nữa khả năng sáng tạo, bứt phá. Đáng tiếc số màn diễn có tính đột phá còn ít ỏi.

Ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú, CLB Ảo thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng để trở thành ảo thuật gia chuyên nghiệp, người đó phải hội tụ nhiều yếu tố như: tài năng bẩm sinh, vóc dáng, duyên nghề, kỹ năng biểu diễn, xử lý tình huống, óc sáng tạo, sự thông minh, can đảm đối mặt với các màn nguy hiểm…

Tất cả tạo ra phong cách riêng biệt của mỗi ảo thuật gia khi biểu diễn. Do đó, ngoài rèn độ khéo léo, các tiểu xảo cho nhuần nhuyễn, anh còn tham gia khóa học diễn xuất do nghệ sĩ Minh Nhí đứng lớp. Nên dù đứng trên sân khấu biểu diễn những trò đơn giản như biến ra bông hoa, chú chim bồ câu, lướt bài…, chàng ảo thuật gia điển trai này cũng tạo được sự lôi cuốn khó cưỡng bởi vẻ huyền bí, nhập tâm của mình.

Đòi hỏi nhiều kỹ năng như thế nên số người tâm huyết với nghề đã ít, số người tạo dựng được tiếng vang càng hiếm hoi. Thập niên 70 của thế kỷ trước, nhắc tới ảo thuật Việt Nam, người ta nhớ ngay đến loạt tên tuổi lừng danh như Z27, Nguyễn Khuyến, Tony Quang, Bảo Thu…

Tiết mục “Thôi miên người bay trên nước cao 4 mét” đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ 3.

Còn bây giờ, nhiều người sẽ lúng túng khi thử yêu cầu họ điểm tên các ảo thuật gia nổi tiếng hiện tại. Thế hệ tiếp nối không hề khan hiếm, thậm chí lực lượng trẻ theo ảo thuật khá đông đảo nhưng đỏ mắt vẫn chưa tìm được bao nhiêu tên tuổi ấn tượng. Phần đông coi ảo thuật là nghề tay trái, theo để thỏa đam mê. Việc chạy ăn từng bữa vẫn trông vào nghề khác.

Hơn nữa, đến bây giờ, muốn theo nghề họ vẫn phải tự học là chính, đạo cụ thì mua trên mạng hoặc mày mò tự làm. Người nào may mắn thì cắp cặp theo học bậc cha chú vì trường đào tạo ảo thuật chính quy ở Việt Nam vẫn chưa có. Do học hành không bài bản, hầu hết ảo thuật gia hiện nay vẫn biểu diễn theo kiểu nghiệp dư.

Riêng số người biết vài trò lặt vặt và tự nhận là ảo thuật gia nhiều vô kể, nhất là giới ảo thuật đường phố. Các tiết mục không được đầu tư đến nơi đến chốn mà manh mún, lẻ tẻ, diễn liên hoàn thành một tiết mục chứ không có câu chuyện, kịch bản chặt chẽ.

Cái khó của ảo thuật so với các loại hình nghệ thuật khác là ở chỗ nghệ sĩ mất cả năm trời sáng tạo, đổ biết bao tiền bạc, mồ hôi và cả máu để làm ra một tiết mục nhưng chỉ diễn đến lần thứ hai, thứ ba là khán giả đã nhàm. Chính điều đó khiến nhiều người thích trò lặt vặt đơn giản và ăn sẵn.

Ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy thừa nhận: “Chính những ảo thuật gia “tay mơ” lười sáng tạo và bắt chước người khác khiến ảo thuật bị xem rẻ. Nhiều khán giả coi ảo thuật là trò tạp kỹ vặt vãnh, thậm chí chỉ để diễn “cứu cháy” khi ca sĩ, diễn viên đến trễ nên cát xê cho ảo thuật luôn thấp hơn ca nhạc, vở hài. Show diễn đã ít, tiền cát xê lại bèo bọt không đủ để chúng tôi chi trả cho đạo cụ, trang phục biểu diễn ngày càng đắt đỏ”.

Trên con đường của mình, Nguyễn Việt Duy cố hết sức để đập tan định kiến ấy. Bởi ảo thuật thực chất là một môn nghệ thuật đầy quyến rũ, thú vị và kỳ bí, đòi hỏi ở người nghệ sĩ sự dấn thân và sáng tạo không ngừng. Anh thổi hồn vào ảo thuật, mày mò sáng tạo để biến tiết mục của mình thành một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa có chiều sâu, đầy huyền bí và nhân văn như: "Đứa con của rồng", "Giấc mơ kẹo ngọt"...

Qua liên hoan, ảo thuật gia Nguyễn Anh Tú nhận thấy trình độ của các ảo thuật gia Việt Nam không thua kém gì thế giới. Họ học hỏi rất nhanh chiêu trò mới lạ, thậm chí biến tấu nó thành một tiết mục độc đáo hơn.

Thế nhưng, họ chịu nhiều thiệt thòi vì ít tìm được môi trường chuyên nghiệp để trưng trổ tài năng mà chỉ diễn giải khuây ở các chương trình tạp kỹ, sự kiện hè phố. Vài năm trở lại đây, ảo thuật có thêm sân chơi khi các gameshow truyền hình bắt đầu dành nhiều “đất” để nghệ sĩ thi thố, đưa ảo thuật tiếp cận với đông đảo công chúng. Có thể kể đến các cuộc thi tiêu biểu như: “Tìm kiếm tài năng Việt Nam – Vietnam Got Talent”, “Ảo thuật siêu phàm”, “Đại hội ảo thuật”, “Kỳ tài lộ diện”…

Ngoài các màn biểu diễn, chương trình còn đi sâu khai thác đam mê nghề nghiệp, quá trình khổ luyện cũng như phút trải lòng của các ảo thuật gia. “Tuy vậy, các gameshow này cũng không phải là nơi để rèn nghề, đua tài một cách bài bản, chuyên nghiệp mà chỉ mang tính giải trí, vui là chính. Nếu mong theo kịp bạn bè quốc tế và hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm ra khu vực thì ảo thuật phải có trường lớp đào tạo đúng nghĩa” – Nguyễn Anh Tú nói.

Riêng thời gian tổ chức Liên hoan Ảo thuật toàn quốc cũng khiến nhiều nghệ sĩ buồn lòng. Bởi sau 6 năm, liên hoan mới trở lại trong khi nhu cầu được học hỏi, giao lưu, nghe những góp ý về chuyên môn của nghệ sĩ ảo thuật là rất lớn.

Ngoài ra, vì ít hội diễn chuyên nghiệp để tìm kiếm huy chương nên cơ hội cho nghệ sĩ ảo thuật được xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND gặp nhiều khó khăn. NSND Lê Tiến Thọ cho biết sắp tới Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cố gắng đưa liên hoan thành hoạt động định kỳ hai năm một lần, giúp các nghệ sĩ ảo thuật có sân chơi quy mô chuyên nghiệp để cọ xát, thể hiện tài năng nhiều hơn.

.
.