Âm vang ngày Độc Lập
- Hiện vật “kể chuyện” Ngày Độc lập
- Khai mạc trưng bày chuyên đề “Ngày Độc lập 2-9”
- Những người bảo vệ Bác Hồ từ sau ngày độc lập
75 năm đã qua nhưng âm vang của ngày độc lập vẫn còn vang vọng mãi ghi lại dấu ấn khoảnh khắc lịch sử. Đó là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng – Quốc kỳ của Tổ quốc trong nắng thu vàng như là một biểu tượng linh hồn của Đất nước. Và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu với bộ ka ki, đôi dép lốp quen thuộc trên lễ đài với giọng trầm ấm khi đọc bản tuyên ngôn, người đã dừng lại hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”.
Ôi, chỉ một câu hỏi thân tình mà ấm áp biết bao rút ngắn lại khoảng cách giữa lãnh tụ với người dân một sự tin cậy thân thiết. Hai tiếng “đồng bào” như khẳng định một biểu tượng của sự đoàn kết sắt son dòng dõi “Con Lạc, cháu Hồng” từ bọc trứng mẹ Âu Cơ trường tồn mãi mãi.
Người dân vùng cao vui Tết Độc Lập. |
Lá cờ ấy đã tung bay trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1941) thấm máu bao anh hùng liệt sĩ. Hình ảnh lá quốc kỳ cũng chính là nguồn cảm hứng lớn lao để nhà thơ Xuân Diệu – Một thi sĩ vừa mới “thoát thai” từ phong trào thơ mới trước niềm vui vô tận được làm người tự do, ông đã viết tráng ca “Ngọn quốc kỳ” với những dòng thơ hào sảng: “Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay – Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây – Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ...”.
Hình ảnh Bác Hồ kính yêu trong ngày 2/9/1945 được nhà thơ Tố Hữu khắc họa rõ nét và thành kính trong trường ca “Theo chân Bác”: “Người đứng trên cao lặng phút giây – Trông đàn con đó vẫy hai tay – Cao cao vầng trán ngời đôi mắt – Độc lập bây giờ mới thấy đây”.
Lịch sử đất nước ta là lịch sử của 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta vẫn còn nghe vang vọng lời dặn dò của Bác Hồ với đại đoàn Quân Tiên Phong ở đền Hùng trước khi về giải phóng thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước – Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lịch sử đấu tranh anh dũng kiên gan của dân tộc ta đã có ba lần có ba bản tuyên ngôn độc lập. Đó là bài: “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt khẳng định cương vực nước non và bản lĩnh đấu tranh của người dân Việt ngàn đời. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang giọng thơ sang sảng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt chặn đánh quân giặc Tống, động viên sức mạnh tinh thần của binh sĩ được dịch nghĩa như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở - Rành rành định phận ở sách trời – Cớ sao quân giặc sang xâm phạm – Nhất định chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Và bản tuyên ngôn thứ hai là bài “Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến với quân Minh và khẳng định sự độc lập của Đại Việt. Nhưng phải đến bản tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 mới có thêm giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại.
Bản tuyên ngôn khẳng định những giá trị dân tộc, dân chủ và quyền con người. Với cả nhân loại, bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam là tiếng chuông báo sự khởi đầu tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam thắng lợi cũng tạo niềm tin và hy vọng động viên tiếp sức cho các dân tộc còn bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập cho mình.
Với nhân dân Việt Nam, bản tuyên ngôn độc lập đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, chấm dứt nô lệ thực dân, chấm dứt chế độ phong kiến... Đó là sự xác lập lần đầu tiên ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế cộng hòa – Một thành tựu phổ quát của nền chính trị nhân loại. Cách mạng tháng 08/1945 là cuộc cách mạng khẳng định quyền con người.
Đồng bào Mộc Châu, Sơn La hân hoan trong Ngày Tết Độc Lập. |
Nhớ lại ngày Thu lịch sử cách đây 75 năm dưới sắc nắng thu vàng, muôn dòng người như những dòng sông kết nối cờ đỏ sao vàng tuôn chảy về quảng trường Ba Đình hội tụ, tôi lại hình dung liên tưởng đến hình ảnh những dòng sông đã làm nên dáng hình tổ quốc và hình ảnh đất nước tượng hình qua những khúc dân ca.
Một dáng hình tổ quốc mềm mại mà quyết liệt như nhà thơ Huy Cận đã từng viết: “Sống vững chãi 4.000 năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa – Trong và thật sống hai bờ suy tưởng – Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”.
Tên của những dòng sông cũng mang dấu ấn, tâm trạng, khí phách, phong độ của con người Việt. Đó là một dòng sông Thương với những khúc ca quan họ, một sông Hồng “đỏ nặng phù sa” như thanh gươm cài bên hông thủ đô Hà Nội. Một sông Mã tung bờm vó ngựa đã cho ta điệu hò sông Mã khỏe khoắn; Một sông La mang tên nốt nhạc với bao điệu ví “giận thương”; Một sông Hương: “Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thu Bồn).
Và chín nhánh Cửa Long quặn sóng bồi đắp châu thổ màu mỡ với miệt vườn đồng bằng Nam Bộ để sinh ra câu vọng cổ đến nao lòng. Một dáng hình đất nước mà có nhà thơ đã ví: “Đất nước tôi giống như nàng tiên múa – Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”.
Đất nước ấy, dân tộc ấy chỉ với gần một tháng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản mà đứng đầu là Bác Hồ kính yêu đã nhất loạt đứng lên như tất cả các dòng sông cuộn chảy từ mạch nguồn truyền thống trầm tích lịch sử quá khứ làm cuộc cách mạng tháng 8 thành công dựng lên nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa.
Và cũng chỉ sau hơn 10 ngày cách mạng thành công, lần đầu tiên một đất nước thuộc địa từng bị áp bức đã long trọng khai sinh ra một tên mới, một chính thể chính trị mới đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thể hiện rất rõ trong tinh thần của bản tuyên ngôn độc lập. Đây là khát vọng ngàn đời của dân, tộc, là mục tiêu đấu tranh của nhân dân của hàng ngàn người con ưu tú đã ngã xuống. Và cũng từ đây: Nước Việt cất cánh bay lên từ thành phố rồng bay Thăng Long Hà Nội, thành phố Hòa bình thành phố của “niềm tin và hy vọng”...
Mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm, mùa Thu Hà Nội là mùa đẹp nhất của đất nước. Còn đó bóng dáng Tháp Rùa in xuống Hồ Gươm. Ôi cái tên Hồ Gươm, rùa vàng ngậm gươm báu từ tay người anh hùng dân tộc Lê Lợi như là một biểu tượng anh dũng bất khuất. Còn đây cột cờ Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ lộng gió nắng Thu - con đường mang tên một dịa danh chiến thắng lịch sử cả nhân loại ngợi ca. Và phút giây thiêng liêng này chúng ta thành kính hướng về Lăng Bác như một đài hoa bất tử và thiêng liêng trong lòng dân tộc.
Trước bãi cỏ rộng của quảng trường Ba Đình ta như còn nghe âm vang khúc “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”. Cứu quốc để giành độc lập; cứu quốc để ai cũng được cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành như mong ước giản dị mà thiết thực biết bao của Bác Hồ kính yêu.
Thưa Bác, 75 năm đã đi qua nhưng những dòng tuyên ngôn bất hủ vẫn còn vẹn nguyên đến hôm nay, vẹn nguyên tính thời đại. Và ngày quốc khánh 2/9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc từ các bản làng “Tết độc lập” đến các hội làng có “Ngày độc lập”.
Đó là ngày xóm thôn các làng quê tổ chức các lễ hội tưng bừng trong đó có truyền thống bơi chãi trên các dòng sông đỏ rực cờ hoa. Những con thuyền gỗ với những cánh tay chèo dẻo dai mạnh mẽ hòa nhịp cộng hưởng trong tiếng trống náo nức đã góp phần tạo ra những sức đẩy tinh thần đầy sinh khí cho con thuyền Tổ quốc vướt qua bao sóng gió cập bến bờ hạnh phúc cho cả dân tộc và cho mỗi con người bắt đầu từ: âm vang ngày độc lập...
Hà Tĩnh, ngày 25/8/2020