Âm nhạc dân gian trên màn ảnh Việt, những thước phim duy mỹ

Thứ Năm, 13/05/2021, 11:10
Âm nhạc dân tộc ít khi xuất hiện trên màn ảnh Việt. Nhưng mỗi khi được vào vai "kép chính", chúng đều mang đến cho khán giả những thước phim duy mỹ đầy hấp dẫn.


Hai điểm sáng về những âm điệu dân tộc

Trong những năm trở lại đây, chất liệu văn hóa dân gian, dân tộc dần được các nhà làm phim để ý và tích cực khai thác, vậy mà âm nhạc dân tộc vẫn là xứ sở chưa được khai hoang. Số lượng phim làm về các thể loại nhạc dân tộc rất ít, đảm bảo được chất lượng thì lại càng hiếm. 

Nhưng trong 2 năm vừa qua, chúng ta đã đón nhận 2 tác phẩm sở hữu những thước phim duy mỹ tuyệt vời, khiến khán giả, báo chí lẫn giới chuyên môn trong và ngoài nước không tiếc lời khen ngợi. Với hai niềm tự hào ấy, đây hẳn là một dấu hiệu tích cực.

Bộ phim “Song lang” đưa khán giả về thời kì huy hoàng của cải lương.

2018, "Song lang" - đứa con tinh thần đầu tiên của đạo diễn Việt kiều Leon Lê ra mắt khán giả. Phim lấy bối cảnh những năm 80, khi đất nước vừa giải phóng, xoay quanh Dũng "thiên lôi" (Liên Bỉnh Phát), một tay giang hồ lầm lì, chuyên đi đánh đấm để đòi nợ thuê. Một ngày nọ, trong khi đến thu tiền của đoàn cải lương, Dũng đã gặp Linh Phụng (Issac), kép chính đầy kiêu hãnh, lương thiện và trong sáng của đoàn. Chính cuộc gặp gỡ này đã kéo Dũng quay trở về với những quá khứ liên quan đến truyền thống cải lương của gia đình gã, mở ra bao biến cố thay đổi cả cuộc đời ở phía trước.

Phải nói, tuy còn non nớt trong cách xây dựng nhân vật nhưng "Song lang" vẫn là một bộ phim đậm chất nghệ thuật với những khung hình như biết nói, các câu thoại được chắt chiu, tinh lọc hết sức, màu sắc, đạo cụ mang đậm tinh thần bối cảnh thập niên 80 và đặc biệt sự chuyển biến tâm lý, sự kiện vô cùng mượt mà. 

Bộ phim khai thác vở tuồng Mỵ Châu, Trọng Thủy, vào hoàn cảnh cải lương đạt đến đỉnh cao và chuẩn bị bước vào giai đoạn thoái trào. Ở những phân đoạn này, từng câu hát, cử chỉ, thần thái của người diễn viên nổi lên như âm thanh vọng về từ một thời quá khứ sáng ngời. Không chỉ dừng lại ở đó, nó còn đi sâu vào khai thác từng chi tiết nhỏ như lối sinh hoạt trong phòng trang điểm, cảnh nhắc tuồng và hình ảnh những nghệ sĩ đạo cụ, đánh đàn. Tất cả đều được đầu tư một cách chính xác và chỉn chu, đầy tâm huyết đến ngạc nhiên. 

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn cả là ekip sản xuất đã đưa "nhân vật chính" lên màn ảnh vô cùng tiết chế với số lượng cảnh quay vừa phải, hòa hợp và giao thoa với các tuyến truyện khác. Nhờ vậy, "Song lang" trở thành thước phim diễm lệ về cải lương với cách khai thác vô cùng mới lạ, khéo léo.

2 năm sau "Song lang", khán giả lại một lần nữa phải ra rạp và trầm trồ trước một bộ phim tài liệu lấy chất liệu âm nhạc dân tộc mang tên "Đoạn trường vinh hoa". "Đoạn trường vinh hoa" là hành trình kéo dài từ tháng 3/2019 đến tháng 7/2020 của đạo diễn Lê Mỹ Cường theo đuôi gánh cải lương tuồng cổ Phương Ánh - một trong những gánh tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại cho tới nay. 

Anh đã cùng họ rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây, ghi lại thước phim tuyệt đẹp và đầy cảm xúc để rồi tóm gọn lại chặng đường 1 năm hơn đó bằng 50 phút tinh túy nhất, bao hàm cả âm điệu của những vở tuồng cổ với các sân khấu lưu động rộn rã, tình yêu nghề đến xót xa của những người nghệ sĩ kể cả khi họ đuối sức trên giường bệnh lẫn những nỗi lo bình dị về bộn bề cơm áo gạo tiền.

Chia sẻ bởi đạo diễn Lê Mỹ Cường, tuồng cổ chỉ được sử dụng như đường dây dẫn dắt câu chuyện, nhưng nó vẫn tỏa sáng và trở thành yếu tố giúp những thước phim trở nên thăng hoa. Nó không chỉ thăng hoa vì những sân khấu đầy nhiệt huyết, nó còn thăng hoa vì từng âm điệu xiết gan xiết ruột được lồng ghép vô cùng khéo léo để khắc họa cuộc đời của những người "ông hoàng bà chúa"  thời điểm nghề tuồng cổ "lao đao, suy sụp".

Quả ngọt đến từ sự thông minh trong cách khai thác

Trước đây, âm nhạc dân tộc, đặc biệt là cải lương đã không ít lần bước chân vào sân khấu của loại hình nghệ thuật thứ 7. Trong giai đoạn hậu chiến tranh, những bộ phim Việt luôn được điểm xuyết những vài trường đoạn biểu diễn Đờn ca tài tử như một dấu ấn đặc trưng về văn hóa con người. 

Tiêu biểu trong giai đoạn này ta có thể kể đến các tác phẩm như: "Mùa gió chướng", "Cánh đồng hoang", "Vùng gió xoáy", "Hòn Đất" được đạo diễn bởi NSND Hồng Sến hay các phim truyền hình dài tập "Nợ đời" của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, "Đất phương Nam" của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Nhưng âm nhạc dân tộc không đi song hành với nhân vật, nó chỉ xuất hiện như thứ gia vị kéo nhân vật vào một sự kiện đồng thời kéo cảm xúc của người xem đi lên cao trào.

Biết đâu một ngày chúng ta sẽ có tác phẩm kinh điển như “Bá vương biệt cơ”.

Lẳng lặng 1 thời gian, đến 2016, ta lại có "Sài Gòn anh yêu em" có câu chuyện về một cặp vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng luôn vun vén giữ gìn nghệ thuật cải lương trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống. 

2018, có tới 3 dự án phim điện ảnh về đề tài Nghệ thuật cải lương được giới thiệu đến công chúng gồm: "Gạo chợ nước sông" của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, và "Nửa đời hương phấn" của đạo diễn Đỗ Thành Anh và tất nhiên là "Song lang" của đạo diễn Leon Quang Lê. Thế nhưng, điều khiến "Song lang" và sau này là cả "Đoạn trường vinh hoa" nhận được nhiều sự khen ngợi đến như vậy là nhờ cách khai thác "mảnh đất trù phù" vô cùng thông minh. 

Dù có âm nhạc dân tộc là tuyến truyện chính nhưng cả hai tác phẩm này đều không lợi dụng cái mác này để làm cần câu thu hút khán giả, càng không biến mình trở thành tấm pano tuyên truyền, kêu gọi sáo rỗng. Sự tiết chế này khiến mọi thứ tự nhiên và gần gũi, "cải lương" hay "tuồng cổ" không khiến những khán giả chưa từng biết về nó phải ngần ngại, lắc đầu từ chối.

Tất nhiên, việc đầu tư công sức để tạo nên sự chỉn chu trong câu chuyện, âm nhạc, hình ảnh và tinh thần của phim cũng là yếu tố lớn giúp cả hai tác phẩm nhận được sự công nhận. Nhiều người khẳng định đề tài âm nhạc dân tộc rất khó để thực hiện vì nó yêu cầu ekip sản xuất phải có hiểu biết nhất định về điện ảnh lẫn âm nhạc nhằm tạo ra một sản phẩm có thể làm hài lòng cả khán giả yêu phim lẫn người yêu nhạc dân gian. Các phân đoạn cải lương "Song lang" đều được anh và soạn giả Hoàng Song Việt viết mới hoàn toàn, để tránh bị trùng lặp và so sánh với những nghệ sĩ gạo cội từng biểu diễn các vai diễn đó. 

"Chỉ riêng phần hóa trang, từ độ dày của bộ lông nheo giả, độ đỏ của son môi, cách vẽ nhân trung, cằm chẻ đều được theo dõi kỹ để tái hiện đúng nhất về cải lương của 30 năm về trước", đạo diễn Leon mô tả. 

Trong khi đó, đạo diễn Lê Mỹ Cường thì đi theo đoàn tuồng cổ suốt 1 năm dài, sống, sinh hoạt, ăn uống hệt một người nghệ sĩ trong đoàn, xem đi xem lại không biết bao lần những vở tuồng cổ đoàn diễn để thuộc cả cái sân khấu, biết đâu là góc quay đẹp nhất để tái hiện được cái đặc sắc của sân khấu truyền thống đó. Nhờ vậy, "Song lang" và "Đoạn trường vinh hoa" đều trở thành hai tác phẩm sáng giá, hài lòng cả người yêu điện ảnh lẫn người mê cải lương, tuồng cổ.

Sau khi công chiếu, "Đoạn trường vinh hoa" như một cú đánh mạnh mẽ, tấn công vào lớp vỏ cứng rắn của những người đi xem rạp, khiến ai đi về cũng phải rớt nước mắt vì xúc động, xót xa và kính nể. Còn với "Song lang" thành công của tác phẩm này tại các giải thưởng, liên hoan phim lớn nhỏ, trong và ngoài nước thật sự khiến người ta phải tự hào. Hai tác phẩm này là minh chứng cho việc, nếu âm nhạc dân tộc được khai thác một cách hiệu quả, nó sẽ là chất liệu quý giá để tạo nên những thước phim nghệ thuật đầy giá trị.

... Xem "Song lang" hay "Đoạn trường vinh hoa", không ít người nhắc lại về tác phẩm kinh điển "Bá vương biệt cơ" một thời. Khai thác chất liệu kinh kịch thấm đẫm trong văn hóa nghệ thuật cũng như lịch sử đất nước, "Bá vương biệt cơ" đã tạo nên những thước phim diễm lệ khiến cả thế giới phải rung động. 

Âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng là "mảnh đất trù phú" với bề dày về thời gian phát triển, sự cầu kì đến từ bản chất, số lượng tác phẩm đồ sộ cùng nhiều câu chuyện bên lề, mở ra vô số khía cạnh thú vị để nhà làm phim có thể khai thác. Với những kết tinh đầy tính nghệ thuật ấy, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể tạo nên những tác phẩm đậm chất duy mỹ, nghệ thuật, tương xứng hay thậm chí vượt qua cả "Bá vương biệt cơ".

Khải An
.
.