2021 năm thất bát của điện ảnh Việt

Thứ Năm, 20/01/2022, 14:54

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 khiến các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gần như đóng băng, trong đó lĩnh vực điện ảnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 2021 được coi là năm tồi tệ nhất của nghệ thuật thứ bảy khi hàng loạt bộ phim bị hoãn chiếu; hàng loạt nhà sản xuất, rạp phim đứng trước nguy cơ phá sản. Bước sang 2022, tình hình có vẻ không mấy sáng sủa hơn.

Nếu tính riêng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam - thị trường điện ảnh lớn nhất nước - thì các rạp chiếu chỉ mở cửa vỏn vẹn bốn tháng trong năm qua. Dịch bùng phát mạnh hồi cuối tháng 4 và cả nước bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 11 đã khiến số lượng phim ra rạp vô cùng ít ỏi. Số phim thành công trong năm 2021 chỉ có hai tác phẩm là "Bố già" và "Lật mặt: 48h".

Nhờ chạm vào cảm xúc của người xem và hiệu ứng từ web drama cùng tên trước đó, "Bố già" của Trấn Thành làm nên lịch sử doanh thu phòng vé khi chạm mốc 420 tỷ đồng. May mắn ra mắt trước khi dịch bệnh bùng phát, "Lật mặt: 48h" của Lý Hải cũng thắng lớn khi thu về 150 tỷ.

1 bo gia.jpg -0
“Bố già” là bộ phim hiếm hoi thành công trong năm 2021.

Các phim ra mắt sau đó như "Thiên thần hộ mệnh", "Trạng Tí phiêu lưu ký", "Sám hối", "Kiều", "Kiều @", "Cậu Vàng"… đều nhanh chóng đứt gánh giữa đường, phần vì do dịch, phần do chất lượng. Hai bộ phim được kỳ vọng "bom tấn" phòng vé là "Thiên thần hộ mệnh" và "Trạng Tí phiêu lưu ký" đang chiếu được vài tuần thì phải tạm ngưng vì dịch bùng phát mạnh. Riêng các phim có thời điểm ra rạp thuận lợi hơn như "Kiều", "Cậu Vàng", "Kiều @", "Võ sinh đại chiến"… thì "chết" là do chất lượng quá tệ.

"Cậu Vàng" có thể coi là thất bại nặng nề nhất trong năm qua với nhiều tình tiết được thêm thắt vô lý. Trong truyện ngắn "Lão Hạc" của Nam Cao, Binh Tư là nhân vật bất lương chuyên ném bả chó, còn trong phim, Binh Tư được xây dựng như một anh hùng thảo khấu. Cô vợ ba của Bá Kiến lại là người miền Nam, được Bá Kiến lấy về để đẻ con trai nối dõi tông đường trong khi ông đã có con trai là Lý Cường (!?). Xem phim, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm kêu trời: "Cậu Vàng" phá nát tinh thần của tác phẩm gốc, đặc biệt là những tác phẩm văn chương kinh điển như "Lão Hạc" và "Chí Phèo"!". "Kiều @" lẫn "Kiều" đều bị chê ở khâu kịch bản, diễn xuất lẫn sự cẩu thả khi làm hiệu ứng kỹ xảo.

Đây là số ít các phim may mắn ra rạp, còn hầu hết phải dời lịch chiếu liên tục do dịch. Danh sách này khá dài gồm: "Bẫy ngọt ngào", "Em và Trịnh", "1990", "Bóng đè", "Dân chơi không sợ con rơi", "Người tình", "Tim hằn vết sẹo", "Thanh Sói"… "Số nhọ" nhất là "Bẫy ngọt ngào" của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư. Phim bị dời lên dời xuống bốn lần mà vẫn chưa biết ngày nào mới ra rạp.

Dịp Tết dương lịch vừa qua, chỉ có duy nhất "Rừng thế mạng" công chiếu. Các phim đã lên lịch trở lại đường đua phim Tết như "Bẫy ngọt ngào", "1990", "Bóng đè"… đều quyết định tháo chạy vào phút chót khi hay tin Việt Nam có ca đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron. "Bóng đè" dời đến ngày 30/4/2022 mới công chiếu, còn "Bẫy ngọt ngào" thì dự kiến ra mắt vào dịp lễ Tình nhân 14/2.

Theo nhà sản xuất Nguyễn Phong Việt, lý do "Rừng thế mạng" là phim Việt duy nhất dũng cảm tả xung hữu đột giữa thời điểm này là bởi bộ phim có kinh phí sản xuất ít tốn kém nhất trong số các bộ phim trên. Phần nữa, ekip của "Rừng thế mạng" còn có một bộ phim khác đang chờ ra rạp là "Chuyện ma gần nhà" nên họ phải cho phim ra rạp để còn đẩy dự án tiếp theo.

2 em va trinh.jpg -0
Do dịch bệnh, bộ phim “Em và Trịnh” phải liên tục dời lịch chiếu sang tháng 4-2022.

Hiện nay, nhiều rạp phim vẫn đóng cửa hoặc hoạt động một nửa công suất. Theo thống kê, khoảng 40% số rạp trên toàn quốc hoạt động trong giai đoạn này. Chưa kể Hà Nội - thị trường lớn thứ hai của điện ảnh - lại đang tăng ca nhiễm nên rạp phim vẫn chưa được mở cửa. Đó là lý do khiến các nhà làm phim không dám mạo hiểm ra mắt đứa con mình đầu tư biết bao tiền của và công sức vào dịp Tết - thời điểm vốn được mặc định là giai đoạn "hốt bạc" của làng điện ảnh trước đây. Để bảo toàn doanh thu, họ chấp nhận dời lịch liên tục và khi nào dịch được kiểm soát hoàn toàn, rạp phim hoạt động hết công suất, phim mới được công chiếu. Bởi rất khó để thành công khi đưa phim quay trở lại rạp một lần nữa nếu phim đã trình chiếu lần đầu.

Điện ảnh Việt đã có tiền lệ. Đó là trường hợp "Thiên thần hộ mệnh" của đạo diễn Victor Vũ. Tác phẩm điện ảnh kinh dị này được giới chuyên môn lẫn công chúng kỳ vọng sẽ làm nên chuyện. Nhưng phim chiếu hơn một tuần thì bị hoãn do dịch. Khi "Thiên thần hộ mệnh" trở lại rạp thì sức nóng giảm sút, phim bị cũ khiến khán giả không mặn mòi nên doanh thu sụt giảm thảm hại. Để cứu nguy, ekip bán cho hãng Netflix phát hành trực tuyến nhằm vớt vát lại chút vốn đầu tư.

Thế nhưng việc "đắp chiếu", dời lịch quá lâu mới công chiếu cũng không phải là giải pháp tối ưu. Mỗi lần phim chuẩn bị ra rạp lại phải tốn mớ tiền cho công tác quảng bá, truyền thông. Dù chưa được xem toàn bộ nội dung như "Thiên thần hộ mệnh" nhưng việc quảng bá đi quảng bá lại khiến phim cũng bị nguội so với các đối thủ mới toanh và hấp dẫn hơn. Phim bị "ngâm" còn đẩy nhà sản xuất, hãng phim đến bờ vực phá sản. Để có tiền chi trả cho nhân viên và ekip làm phim, nhà sản xuất của "Rừng thế mạng" và "Chuyện ma gần nhà" phải cầm cố nhà vay ngân hàng. Đến khi không còn khả năng trả nợ, ông đành bán luôn căn nhà. Đạo diễn Khoa Nguyễn cũng cho biết, để có tiền làm phim "Người lắng nghe", anh phải bán một căn nhà.

Hồi tháng 9 năm ngoái, 20 hãng phim và đơn vị phát hành gồm Galaxy Play, BHD, Hoan Khuê, Đất Việt VAC, Chánh Phương, ABC Pictures, CJ HK, VietCom, Blue Productions (Hãng Phim Xanh), Đông Nam Á… cùng viết đơn khẩn thiết kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh để xin cơ chế được hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới vì họ đã quá kiệt quệ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại diện cụm rạp Galaxy, cho biết: "Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19". Giới chuyên môn thừa nhận đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của điện ảnh Việt trong 20 năm qua.

Số phim xếp hàng chờ ra rạp trong năm 2022 khá dài. Trong đó có rất nhiều dự án sớm gây tiếng vang về nội dung, kỳ vọng sẽ khuấy đảo phòng vé nếu như ra rạp đúng hẹn. Đầu tiên phải kể đến "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Từ khi bấm máy, phim đã được dư luận dồn sự chú ý vì nội dung tái hiện cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khỏi nói các fans của nhạc Trịnh mong mỏi tác phẩm về thần tượng như thế nào.

Cũng gây tiếng vang vì tầm vóc của nguyên mẫu thực, "Điệp viên hoàn hảo" (đạo diễn Charlie Nguyễn) sẽ đưa hình ảnh nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn lên màn bạc. "Quả bom" thứ ba chính là "Thanh Sói" của Ngô Thanh Vân. Phim có kinh phí đầu tư lớn lẫn thời gian tìm kiếm diễn viên công phu. Được coi như phần hai của "Hai Phượng", "Thanh Sói" là bộ phim hành động khai thác cuộc đời của nhân vật phản diện Thanh Sói. Sự thành công rực rỡ của phần đầu khiến công chúng tin tưởng phần hai sẽ không làm họ thất vọng.

Tuy vậy, không ai chắc chắn năm 2022, điện ảnh Việt sẽ lật ngược thế cờ. Ở kịch bản khả quan nhất là nếu dịch bệnh được kiểm soát thì thói quen, thị hiếu xem phim của khán giả không chắc vẫn còn như cũ. Trong bối cảnh bình thường mới, khán giả sẽ cân nhắc lựa chọn bộ phim phù hợp với mình theo kiểu "lựa cơm gắp mắm" vì túi tiền của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do COVID-19. Phim Việt chưa chắc đã là ưu tiên hàng đầu khi chất lượng luôn trồi sụt so với phim nước ngoài. Bên cạnh đó, mùa dịch đã khiến khán giả quá quen với các bộ phim công chiếu trên nền tảng trực tuyến. Do đó, việc kéo khán giả đến rạp là thách thức không nhỏ với các nhà làm phim khi nghệ thuật thứ bảy tìm đường hồi sinh.

Mai Quỳnh Nga
.
.