Văn học về đề tài LGBT+: Cởi bỏ những định kiến

Chủ Nhật, 15/09/2024, 10:49

Nếu cách đây chừng 25 năm về trước, văn học viết về đời sống của những người đồng tính (nay khái niệm được mở rộng hơn gọi là cộng đồng LGBT+) dường như là một đề tài cấm kị, thì đến nay, cái nhìn của bạn đọc đã thay đổi rất nhiều.

Bên cạnh sự nỗ lực của các tổ chức xã hội đứng ra bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT+ đang phát huy hiệu quả tích cực, sự ra đời của các tác phẩm văn học viết về cộng đồng LGBT+ đã góp phần quan trọng vào việc cởi bỏ những định kiến, để cộng đồng LGBT+ có được cái nhìn thiện cảm, nhân văn hơn...

Nhiều hoạt động xã hội cởi mở và nhân văn

Vừa qua, NXB Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “LGBT+ và góc nhìn của giới trẻ hiện nay” với sự tham gia của diễn giả Huỳnh Minh Thảo - người được biết đến với nickname Sas Ri - là nhà hoạt động xã hội chuyên làm về thúc đẩy quyền cho cộng đồng LGBT+ tại Việt Nam.

Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện booktour “Người trẻ và Giới” do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức, bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, có cả học thuật chuyên sâu lẫn phổ cập kiến thức như: bài giảng công cộng, bàn tròn thảo luận và không gian tương tác giữa các bạn trẻ, học sinh, sinh viên với chuyên gia về các vấn đề giới và nữ quyền đang được quan tâm hiện nay.

Thông qua các sự kiện, các bạn trẻ được nói lên những trăn trở, băn khoăn về bản thân, gia đình và xã hội, để cùng nhau tìm ra câu trả lời. Ngoài ra, chuỗi chương trình mong muốn góp phần thúc đẩy sự trao đổi và thực hành về bình đẳng giới, ủng hộ văn hóa đọc trong người trẻ cũng như độc giả trên toàn quốc.

2.jpg -1
Nhà văn Bùi Anh Tấn là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về đề tài đồng tính.

Diễn giả Huỳnh Minh Thảo tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật, được đào tạo về phát triển, truyền thông xã hội, giới và tính dục. Đồng thời, anh có chuyên môn hơn 15 năm trong lĩnh vực truyền thông lẫn các tổ chức phi chính phủ như Hiểu về trái tim, Viện nghiên cứu iSEE, Trung tâm ICS...). Huỳnh Minh Thảo cũng tham gia phát động và tổ chức nhiều chiến dịch xã hội như Flashmob “Yêu là yêu” (2012, thúc đẩy cho sự hiện diện của cộng đồng LGBT+), chiến dịch “Tôi đồng ý” (2013, cho hôn nhân cùng giới), chiến dịch “Đừng bỏ sót” (2015, thúc đẩy cho Luật chuyển giới).

Từ năm 2013, diễn giả Huỳnh Minh Thảo là người phát động và tham gia, hỗ trợ tổ chức sự kiện VietPride (Tự hào LGBT+ Việt Nam), sự kiện sau đó đã diễn ra trên hơn 35 tỉnh, thành tại Việt Nam. Từ năm 2020, anh Huỳnh Minh Thảo sáng lập mạng xã hội LOMO, đây cũng là ứng dụng điện thoại đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho cộng đồng LGBT+. Đến nay, anh đã đoạt giải thưởng Tiên phong dành cho dự án cộng đồng xuất sắc nhất của Đài Truyền hình Việt Nam năm 2014 và là một trong những đại sứ của We Choice Awards 2018.

Tại Việt Nam, từ “LGBT” trở nên phổ biến hơn vào giữa năm 2015 và được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Những phong trào của cộng đồng LGBT dần nhận được sự ủng hộ của xã hội. Thuật ngữ “LGBT” được thêm dấu “+” để cho thấy sự đa dạng giới, sự khám phá bản thân không ngừng của loài người với sự tồn tại của: đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, vô tính, liên giới tính.

Trong nhiều năm, “LGBT+” chưa thực sự được nhiều người, kể cả người trẻ, hiểu một cách đầy đủ. Vì thế, trong khoảng 20 năm qua, tại Việt Nam cùng với đại diện tổ chức quốc tế hoạt động tích cực, là các tổ chức xã hội trong nước, sự hỗ trợ của một số cơ quan đoàn thể về văn hóa - truyền thông và các cá nhân. Nhờ đó, đã có sự ra đời của khá nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ở các hình thức: truyện ngắn, tiểu thuyết, phim truyền hình, phim điện ảnh, tác phẩm sân khấu...

Điều này đã góp một tiếng nói quan trọng cho cộng đồng “LGBT+”. Trong đó, sự ghi nhận đầu tiên đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài “LGBT+” phải kể đến đó là “Hội thảo văn học - nghệ thuật và LGBT” do CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) tổ chức để ghi nhận sơ lược về các sáng tác nghệ thuật tiêu biểu ở mảng đề tài này và những đóng góp của nó trong việc thay đổi nhận thức của xã hội đối với cộng đồng LGBT+.

Văn học góp phần xóa bỏ định kiến

Ở Việt Nam, từ khi Hội thảo văn học - nghệ thuật và LGBT do CSAGA tổ chức, đến nay có lẽ cũng chưa có một tài liệu nào tổng kết hay thống kê cụ thể về mốc thời gian xuất hiện cũng như vị trí, vai trò, những đóng góp của văn học nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng về đề tài LGBT. Không giống như 25 năm trước, hiện nay, đề tài về người đồng tính hay LGBT+ đã trở thành một đề tài văn chương phổ biến, có thể là mối quan tâm của bất kỳ nhà văn nào. N

hà văn Bùi Anh Tấn hiện vẫn được cho là người đi tiên phong với đề tài LGBT của văn chương Việt Nam sau đổi mới với 4 tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, “Les-vòng tay không đàn ông”, “Phương pháp của A.C.Kinsey”, “Bí mật hậu cung” và 2 tập truyện ngắn “Cô đơn”, “Bướm đêm”. Trong đó, tác phẩm “Một thế giới không có đàn bà” đã đoạt giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (1999-2022) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Sau đó, tiểu thuyết này được chuyển thể thành bộ phim truyền hình cùng tên do Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú có 2 tiểu thuyết “Nháp” và “Kín” về đề tài này, nhưng anh chia sẻ rằng chỉ coi đồng tính là một trong những đề tài của cách viết tiểu thuyết "đa đề tài" mà anh đang theo đuổi. Một số tác giả khá cởi mở với đề tài này như Vũ Đình Giang có “Song song”, “Ngôi nhà Mondrian”, “Cây rắn lục”; Trang Hạ có “Những đống lửa trên vịnh Tây Tử”; “Lạc giới” của Thủy Anna; “Đời callboy” của Nguyễn Ngọc Thạch, tập truyện ngắn “Dị bản” của Keng,...

1.jpg -0
Sự ra đời của một số tác phẩm văn học về đề tài LGBT được đánh giá là góp phần xóa bỏ những định kiến về giới.

Ngoài ra, còn có một số tác phẩm phi hư cấu tiêu biểu như:“Không lạc loài” - tự truyện Thành Trung (Lê Anh Hoài chấp bút), “Bóng” - tự truyện của Nguyễn Văn Dũng (Hoàng Nguyên, Đoan Trang chấp bút)... Trong những tác phẩm này, độc giả nhận ra sự chân thật trong nhiều câu chuyện, tình tiết đã tạo nên sự tò mò, cuốn hút nhất định cho người đọc. Một số tác phẩm vì vậy đã tạo được thiện cảm, sự cảm thông, chia sẻ của độc giả đối với những số phận con người thuộc cộng đồng LGBT.

Ngoài ra, tiểu thuyết lịch sử “Bí mật hậu cung” của Bùi Anh Tấn cũng gây tranh cãi khi xây dựng mối tình giữa Ngô Thuấn (sau này là Lý Thường Kiệt) và Thái tử Nhật Tông - vốn là khía cạnh khá nhạy cảm trong khi đề cập đến nhân vật là danh nhân lịch sử. Bên cạnh những tác phẩm đã được cấp phép xuất bản công khai, in thành sách lưu hành trên thị trường đã qua các khâu kiểm duyệt trước khi xuất bản, còn có không ít các tác phẩm văn học về đề tài đồng tính được xuất bản tự phát trên không gian mạng. Sự tồn tại song hành này đã tạo nên một đời sống văn học khá sôi động về mảng đề tài LGBT. Sự đa sắc màu ấy đã góp phần quan trọng, tích cực làm thay đổi nhận thức, hạn chế tối đa sự kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT trong vòng 2 thập niên qua.

Hiện nay, cộng đồng LGBT+ rất đa dạng, bao gồm đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, vô tính, liên giới tính... Nỗi trăn trở về việc cộng đồng LGBT+ có được một không gian an toàn để tìm hiểu bản thân và được gia đình, xã hội đón nhận vẫn là một câu hỏi lớn được thế giới quan tâm hiện nay, bởi những hiểu biết chưa đủ, chưa đúng có thể vô tình tạo ra những tổn thương cho những người trong cộng đồng LGBT+.

Dù còn có nhiều quan điểm trái chiều về những tác phẩm văn học viết về đề tài LGBT+, tuy nhiên đến nay độc giả và cả các nhà nghiên cứu đã “chấp nhận” sự có mặt của đề tài này trong đời sống văn chương như một sự tất nhiên. Điều quan trọng là, làm sao để có thể có được những tác phẩm văn học đúng nghĩa, được viết ra để “vì con người” và chứa đựng những sáng tạo nghệ thuật. Văn học nghệ thuật, trong đó chủ đạo là văn học, không thể chỉ đề cập đến đề tài LGBT như cách bứt phá để gây/thu hút chú ý, mà phải chứa đựng những thông điệp nhân văn, hướng đến xóa bỏ sự kỳ thị, giải phóng con người khỏi những áp đặt, định kiến và có được hạnh phúc cá nhân.

Nguyệt Hà
.
.