Phim ''Đại thi hào Nguyễn Du'': Nỗ lực làm mới thể loại phim tài liệu
Tôi xem phim ''Đại thi hào Nguyễn Du'' tại Hà Tĩnh nhân dịp tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm mất của cụ Nguyễn Tiên Điền. Người dân quê hương ông tự hào, đón nhận bộ phim với bao cảm xúc.
Lỗi hẹn tháng 7, hẹn chờ tháng 11…
Tôi xem phim ''Đại thi hào Nguyễn Du'' tại Hà Tĩnh nhân dịp tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm mất của cụ Nguyễn Tiên Điền. Người dân quê hương ông tự hào, đón nhận bộ phim với bao cảm xúc.
Đây là phim tài liệu màu, chất liệu kỹ thuật số do Công ty CP không gian văn hóa Việt Melia sản xuất. Thời lượng phim 180 phút chia thành ba phần: Gia thế và tuổi thơ (Nguyễn Du năm 6 tuổi trở về quê cha Tiên Điền); Phong trần và thanh cao (Nguyễn Du trưởng thành, ra làm quan và sáng tác) và Nghiệp văn và quan trường (giá trị Truyện Kiều, di sản Nguyễn Du).
Sau khi bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành (28/5/2021), êkip đã lên kế hoạch công chiếu vào tháng 7 tại Hà Nội và một số địa phương… Nhưng đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bộ phim đành lỗi hẹn tháng 7… chờ tháng 11 đến Huế dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII…
"Liên tài" người tâm huyết
Phim tài liệu ''Đại thi hào Nguyễn Du'' là cơ duyên tâm linh của TS. Phạm Xuân Mừng - người con quê hương Hà Tĩnh với vai trò nhà sản xuất trước thềm tưởng niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du. Khởi quay từ năm 2018, bộ phim hoàn thành tháng 5/2021 gửi gắm bao tâm nguyện của những người yêu văn hóa dân tộc.
Với tình yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà sản xuất đã nối kết những tấm lòng thiện tâm để có một êkip sáng tạo bộ phim này. Cuộc về thăm Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du cuối năm 2017 và gợi ý của Trưởng Ban Hồ Bách Khoa cứ thao thiết tâm can. Dù "ngoại đạo" với điện ảnh, nhưng TS. Phạm Xuân Mừng đã quyết tâm "liên tài" người có chuyên môn về văn học, lịch sử, điện ảnh… tham gia dự án. Ê kíp thực hiện gồm: Kịch bản (Trần Đình Tuấn, Phạm Xuân Mừng, Nguyễn Văn Đức, Lương Xuân Trường); đạo diễn (Nguyễn Văn Đức); quay phim (Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Phan Quý, Nguyễn Hoàng Long); ban cố vấn (Vương Trọng, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Khôi, Nguyễn Huy Toàn…); Giám đốc sản xuất-truyền thông (Hồ Quỳnh Như); âm nhạc (Đinh Khánh Ly); hơn 50 diễn viên chính (NSƯT Hồ Phong, NSƯT Tạ Tuấn Minh, Thiện Tùng, Hoàng Phượng, Sỹ Hưng, Phương My…) và gần 1.000 diễn viên quần chúng; đội ngũ họa sĩ phục dựng bối cảnh lịch sử; chuyên gia thời trang tư vấn trang phục…
Kinh phí sản xuất bộ phim khoảng 15 tỷ đồng theo phương châm xã hội hóa và nguồn hỗ trợ của các tỉnh Hà Tĩnh (quê cha), Bắc Ninh (quê mẹ), Hà Nội (tổ quán), Thái Bình (quê vợ), TP Huế (nơi làm quan) và các nhà hảo tâm. Bối cảnh chính bộ phim được thực hiện ở các địa phương: Hà Nội, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Huế…
Nỗ lực sáng tạo phim tài liệu
Ngay từ khi lên ý tưởng, chấp bút xây dựng kịch bản, nhóm tác giả đã kỳ công tìm hiểu các nguồn tư liệu từ gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền và các tư liệu đã công bố. Sáng tạo trên cơ sở văn hóa Việt, êkip chú trọng giải thích quá trình Nguyễn Du được thừa hưởng văn hóa Việt; truyền thống quê hương (nội/ngoại), dòng họ, gia đình… Nhờ tiếp nhận giáo dục từ gia đình đại quý tộc phong kiến có hai cha con đều làm quan Tể tướng đầu triều quyền cao chức trọng (cha Nguyễn Nghiễm, con Nguyễn Khản) và cuộc gặp gỡ, giao lưu của nhiều vùng văn hóa đã tạo nên thiên tài Nguyễn Du hội đủ tài năng, tâm tuệ. Sau 10 năm yên ổn, từ 11 đến 14 tuổi, Nguyễn Du liên tiếp đối mặt với chuỗi bi kịch. Ông liên tiếp chịu 4 cái tang của người thân: 10 tuổi chịu tang cha Nguyễn Nghiễm (1775), 13 tuổi mẹ đẻ Trần Thị Tần mất (1778), 15 tuổi mẹ cả Đặng Thị Dương qua đời (1780) và năm 9 tuổi anh trai ruột Nguyễn Trụ mất (1774). Được anh cả Nguyễn Khản tài giỏi, triều đình trọng dụng thay cha chăm sóc em cũng bị bắt giam. Gia đình tan tác, chia lìa do những chính biến lịch sử…
Dù chỉ đỗ tú tài, dù chỉ đam mê sáng tác, nhưng con đường quan lộ đến khi ông được triều đình nhà Nguyễn tin dùng, thăng chức: Tri huyện Phù Dung, Tri phủ Thường Tín (1802); Cai bạ Quảng Bình (1809); thăng Cần chánh điện học sĩ, đi sứ Trung Quốc (1813); thăng Hữu tham tri Bộ Lễ (1815). Năm 1819, ông từ chối không đi làm Đề điệu trường thi Quảng Nam. Năm 1820, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ đi cầu phong, nhưng bệnh dịch đã cướp đi một con người tài hoa, nhân đức.
Ý tưởng làm phim tài liệu - tài liệu dàn dựng (qua diễn xuất của diễn viên) đã được ê kíp đồng thuận. Theo đạo diễn Nguyễn Văn Đức, hình thức làm phim này không xa lạ với thế giới, nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam (dù trước đó đã có thể nghiệm thể loại này). Về nguyên tắc, thể loại phim tài liệu phải đảm bảo tính khách quan, trung thực. Một mặt, phim tuân thủ theo thể loại tài liệu quen thuộc là có lời bình, phỏng vấn, hình ảnh minh họa… Mặt khác, phim sáng tạo ngay trên nền cốt sự thật, có cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, diễn viên… Năm 1922, đạo diễn Robert Flaherty là người đặt nền móng cho thể loại phim tài liệu - tài liệu dàn dựng với phim Nanook of the North về những thổ dân Eskimo vùng Bắc Mỹ. Robert quyết định tạo bối cảnh và xây dựng cốt truyện cho bộ phim đã tạo nên sức hấp dẫn và cảm xúc cho người xem…
Với tinh thần cầu thị, học hỏi, cả ê kíp làm phim đã tham khảo những bộ phim tài liệu nước ngoài và phim tài liệu về Nguyễn Du; cùng chung quan điểm tìm hướng đi mới cho phim tài liệu. Một mặt, bộ phim bám chắc nguyên tắc, thể loại phim tài liệu truyền thống, mặt khác đã nỗ lực làm mới với mục đích đạt chất lượng nghệ thuật, tính hấp dẫn và cảm xúc cho công chúng vốn yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Theo đó, phim được dựng lại một cách sáng tạo trên tư liệu nghệ thuật. Thông qua những lát cắt lịch sử qua ba triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn và thời kỳ đầu Nhà Nguyễn, phim ''Đại thi hào Nguyễn Du'' đã tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du từ lúc sinh ra ở phường Bích Câu (Thăng Long) năm 1765 cho tới khi ra làm quan chức Hữu tham tri Bộ Lễ (hàm Nhị phẩm) thời Gia Long và mất tại Huế năm 1820. Trong quá trình thực hiện, đoàn làm phim đã bám sát những tư liệu từ gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền, niên biểu cuộc đời Nguyễn Du đã được công bố. Phim triển khai hai hệ thống nhân vật gắn với cuộc đời của Nguyễn Du. Tuyến nhân vật thứ nhất có quan hệ trực tiếp với Nguyễn Du, như: Nguyễn Nhiễm, Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Trần Thị Tần, Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Đoàn Thị Tộ, Đoàn Nguyễn Tuấn… Một số cảnh trong phim kết hợp giữa lời bình như: Cảnh cha Nguyễn Nghiễm và mẹ Trần Thị Tần dạy con những phép tắc ứng xử; cảnh Nguyễn Khản đưa Nguyễn Du tới gặp Trịnh Sâm; đoạn Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc trao tặng Nguyễn Du thanh bảo kiếm; cảnh mối tình văn chương giữa Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương… Bộ phim thể hiện một góc nhìn về những tác động quan trọng của hoàn cảnh lịch sử tới cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du.
Tuyến nhân vật thứ hai là những nhận vật trong Truyện Kiều, như: bố mẹ Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan, Kim Trọng, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải… Tạo hình nhân vật, tính cách, ngoại hình các nhân vật trên trung thành với nguyên mẫu.
Phim Đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện khá công phu từ kịch bản, đạo diễn, quay phim, đến xây dựng bối cảnh, dàn dựng, âm nhạc, diễn xuất, truyền thông… Phim được dựng lại một cách sáng tạo hoàn toàn mới, xử lý hài hòa tư liệu gia phả và tư liệu truyện nhuần nhuyễn trên cơ sở sáng tạo nghệ thuật. Bộ phim là một kênh tài liệu tham khảo, giúp việc học tập, nghiên cứu, công chúng yêu mến tài năng ''Đại thi hào Nguyễn Du''. Mong muốn hơn nữa êkíp triển khai tiếp mạch sáng tạo tiếng Việt qua kiệt tác Truyện Kiều để thấy "Truyện Kiều còn tiếng ta còn…" vẫn hiện diện, nhắc nhớ trên tấm văn bia tri ân Nguyễn Du hiện hữu ở vị trí khiêm tốn bên Hồ Gươm mà ít người biết đến...
Phim ''Đại thi hào Nguyễn Du'' đến LHP Việt Nam XXII góp một phần lan tỏa văn hóa Việt; tôn vinh di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều. Khán giả vẫn Phiêu bồng trần gian (Đinh Khánh Ly sáng tác, thể hiện) khi bộ phim ''Đại thi hào Nguyễn Du'' đã khép lại Ngược dòng sông Lam/ Ngàn đời còn mãi tiếng thơm/ Theo gió chuông vang vọng đến mãi ngàn năm…