Doanh nghiệp Việt ứng phó với thuế quan của Hoa Kỳ như thế nào?
Để ứng phó với mức thuế quan mới của Hoa Kỳ, duy trì khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng xem xét lại thị trường, chuỗi cung ứng và chiến lược của mình.
Điều chỉnh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Trao đổi với PV Báo CAND ngày 3/4, TS Nguyễn Quốc Việt, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, “ Vấn đề này đã được nghiên cứu từ trước cả tháng. Các chuyên gia cũng đang phán đoán và đưa ra các giả định khác nhau về cách Mỹ tính toán và đưa ra các con số. Song, mức áp thuế này ảnh hưởng lớn đến khả năng xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong năm 2025 và các năm tới”, ông Việt cho hay.
Về tác động của chính sách thuế vừa được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra, Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, mức thuế quan mới đặt ra thách thức đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn. Các ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: Điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản – những ngành đóng vai trò trung tâm trong thành công xuất khẩu của Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt cho biết, “Tôi và các đối tác phía Hoa Kỳ cũng có chút lo lắng, song đây chỉ là phương thức đàm phán với Mỹ, như Bộ trưởng Thương mại Mỹ vừa đưa ra là các nước hãy khoan đánh thuế trả đũa với Mỹ vì còn cơ hội đàm phán. Thuế áp cho Việt Nam mức 46% mới chỉ là mức chung, một phương thức đàm phán của Tổng thống Mỹ. Với ngành gỗ, chúng tôi thấy không quá nhiều lo lắng vì ngày 31/3 vừa rồi, phía Việt Nam đã giảm thuế đối với đồ từ Mỹ xuống 0%”, ông Lam nói. Ông cho biết thêm, “theo quan điểm của chúng tôi, thuế đối ứng sẽ áp dụng với từng mặt hàng theo mã số HScode, vì vậy không có gì lo lắng quá, cấp Chính phủ sẽ làm việc với phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp nếu thuế đối ứng phía Mỹ áp mạnh cho ngành gỗ Việt Nam khoảng 10%, các đối tác làm ăn với chúng tôi sẽ chia đôi, mỗi bên chịu thuế 5%. Hiện tại, mọi thứ vẫn đang bình thường, không có gì đáng lo ngại. Về kim ngạch xuất hàng sang Mỹ, hiện doanh nghiệp đang xuất đi Mỹ với đơn hàng chiếm 50% và hiện tại chúng tôi nhận các đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9, hết quý III/2025. Về đa dạng thị trường xuất khẩu, công ty và các doanh nghiệp hiệp hội đã làm hàng năm qua rồi, không đợi đến khi Mỹ đưa việc đánh thuế. Chúng tôi hướng đến Hàn Quốc, Australia và Trung Đông”, ông Lam nói.
Đối với doanh nghiệp dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, hàng dệt may Việt Nam đang có mức thuế trung bình khoảng 15%. Thêm thuế đối ứng 46%, hàng Việt Nam chịu mức thuế tới 61%, Trung Quốc 84% nhưng nhiều nước thấp hơn như Mexico. Điều này khiến Việt Nam khó khăn. “Thị trường Mỹ chiếm 34-35% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Mỹ đánh vào minh bạch xuất xứ vì 60% nguyên liệu từ Trung Quốc. Chúng ta phải đa dạng chuỗi cung ứng, chuyển đổi vùng nguyên liệu khác. Dệt may phải mất 2-3 năm mới được thị trường mới đón nhận”, ông Việt nói.
Chủ động thích ứng
Để ứng phó với đòn thuế của Mỹ với doanh nghiệp Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, các ngành hàng của Việt Nam chịu tác động lớn, cần có các giải pháp để đàm phán trì hoãn. Nếu không đàm phán được, việc ứng biến, đối phó rủi ro, doanh nghiệp cần có đội ngũ tính toán dự phòng rủi ro. Doanh nghiệp thay đổi nhanh chóng chiến lược mới trong sản xuất kinh doanh, có bước chuẩn bị cho kịch bản. Nhiều doanh nghiệp không ai nghĩ đến kịch bản xấu như hiện tại. Chúng ta từng vượt qua giai đoạn COVID-19, xung đột địa chính trị, tôi mong cộng đồng doanh nghiệp tăng năng lực, sức chống chịu và đồng hành các bên liên quan để giảm nhẹ gánh nặng, sức ép sản xuất kinh doanh và chiến lược đầu tư của doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó, ông Phạm Văn Việt cũng cho biết thêm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong khoảng quý 2, bước sang quý 3, sau khi đàm phán, mức thuế có thể giảm nhưng doanh nghiệp chuẩn bị tư thế mở rộng thêm thị trường khác, khai thác tốt 17 FTA đã ký. Hiệp hội Dệt may có giải pháp phát triển thêm thị trường ngách, xây dựng chuỗi phục vụ ngành dệt may Việt Nam. Đồng thời, dệt may Việt Nam cần mở rộng thị trường, đẩy mạnh công nghệ để giảm giá, phát triển thị trường ngách như thị trường Trung Đông.
Theo PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, mục tiêu chính của việc Mỹ đánh thuế với hàng hóa từ các đối tác thương mại trong đó có Việt Nam nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại. Việc đánh thuế sẽ làm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khó khăn hơn, phải tìm thị trường mới hoặc quay về thị trường nội địa.
Do đó, cách thức ứng phó của Việt Nam có thể là: Tiếp tục tiến hành đàm phán ở cấp độ Chính phủ, tăng cường mua sắm công như: Máy bay, tàu biển, nông sản… Về phía doanh nghiệp, nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Tiến sĩ Scott McDonald cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này. Trong đó, doanh nghiệp có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng. Doanh nghiệp có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có. “Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng –kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Mỹ hiện tại bất kể chi phí thuế quan mới”, TS. Scott McDonald nhấn mạnh.