Đã có phương án xử lý máy bay nước ngoài bị “bỏ quên” suốt 18 năm tại Nội Bài
Cục Hàng không vừa có báo cáo Bộ Xây dựng về phương án xử lý máy bay B727-200 của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) mang quốc tịch Campuchia bị bỏ rơi tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài từ năm 2007 đến nay.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, máy bay Boeing B727-220 vốn thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) mang quốc tịch Campuchia với số hiệu đăng ký XU-RKJ, đỗ tại Sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.
Ngay sau đó, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành các thủ tục xử lý máy bay này. Đến ngày 11/11/2014, Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia phản hồi Giấy phép khai thác (AOC) của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi; máy bay đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia từ 13/10/2008, đồng thời đồng ý để Việt Nam xử lý máy bay theo pháp luật Việt Nam.

Ngày 15/12/2014, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo xác định máy bay bị bỏ và sẽ xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam và Bộ Tài chính có quyết định máy bay này xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Tuy nhiên, máy bay này chưa được xác định giao cho cơ quan, đơn vị cụ thể nào là đơn vị chủ trì quản lý tài sản.
Cục Hàng không đã có báo cáo đề xuất máy bay này bán đấu giá dưới dạng sắt vụn để nhanh chóng thực hiện việc di chuyển máy bay bị bỏ này, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Với việc bán đấu giá máy bay B727-200 bị bỏ quên, lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, Cục không đủ điều kiện, chức năng để định giá tài sản nên sẽ dựa vào kết quả định giá mà đơn vị định giá đưa ra làm căn cứ triển khai việc bán đấu giá.
Tuy nhiên, tài sản thẩm định giá là máy bay B727-200 do không có hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật hay các tài liệu liên quan đi kèm; Việt Nam không có hãng hàng không nào hiện đang khai thác dòng máy bay này; kết quả thẩm định giá được đưa ra trong điều kiện hạn chế về mặt thông tin giao dịch do tài sản thẩm định giá là tài sản đặc thù, chưa có tiền lệ giao dịch tại Việt Nam. Ngoài ra, trên thế giới, giao dịch các tài sản tương tự cũng ít khi xảy ra. Các tài sản được đưa vào làm tài sản so sánh có thời điểm xa nhất từ năm 2015, vì vậy, đơn vị thẩm định giá cũng gặp hạn chế trong việc xác minh, kiểm chứng thông tin về các tài sản so sánh thu thập.
Cục Hàng không nhận thấy, trường hợp tài sản mang bán đấu giá là một máy bay đã bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự. Do đó không đủ cơ sở và thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra.
Đưa ra giải pháp xử lý vướng mắc, Cục Hàng không Việt Nam đã trao đổi với Học viện Hàng không Việt Nam phối hợp trong việc xây dựng phương án xử lý đối với máy bay bị "bỏ quên" và Học viện Hàng không Việt Nam cũng rất muốn sử dụng máy bay này làm mô hình, giáo cụ thực hành, thực tập trong cơ sở đào tạo chuyên ngành về hàng không.
Theo đó, Học viện Hàng không Việt Nam phối hợp cùng với cơ quan có tài sản bàn giao tiến hành tiếp nhận máy bay Boeing 727-200, đồng thời thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án khả thi tháo lắp, di chuyển về cơ sở 3 của Học viện tại Cam Ranh.
Về chi phí mua máy bay làm mô hình dạy học phải nhập từ nước ngoài với các tiêu chuẩn hàng không, Cục Hàng không thông tin thêm chi phí ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Trong khi đó, Học viện Hàng không Việt Nam tính toán chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt, hoàn thiện bàn giao dự kiến (nếu được điều chuyển cho Học viện) chỉ từ 8,74-9,66 tỷ đồng.
Máy bay Boeing 727-200 bị bỏ lại tại sân bay Nội Bài mặc dù không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là một tài sản có ích để sử dụng làm giáo cụ trực quan cho sinh viên có điều kiện được tiếp xúc với loại máy bay, trang thiết bị máy bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại còn áp dụng trong ngành Hàng không... Ngoài ra, các thành phần cấu tạo chính của động cơ vẫn đầy đủ là một yếu tố rất quan trọng trong đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng vì đây là một dạng thiết bị rất khó tìm và mô phỏng rất phức tạp. Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho rằng, nếu không có giáo cụ trực quan sinh động thì việc dạy học trở nên lý thuyết hóa, xa rời các quy định pháp luật về hàng không dân dụng, không phù hợp với nền giáo dục hiện đại hiện nay. Do đó, mô hình máy bay là giáo cụ cần thiết cho việc đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với quy định pháp luật và giảm đáng kể chi phí mua thiết bị chuyên dụng tại nước ngoài về phục vụ công tác đào tạo.