Ý nghĩ từ một di sản

Thứ Bảy, 10/08/2024, 15:32

Những giá trị văn hóa bao giờ cũng sống trong tâm hồn mỗi người. Dù đó là một ngôi chùa, một cây cầu, hay câu hát thì đều là một phần không thể thiếu để mỗi khi kể về quê hương, đất nước mình, ai cũng ngẩng cao đầu, cất tiếng hào sảng mà ngợi ca. Lúa gạo có thể chất thành núi, vàng bạc châu báu có thể chật trong rương nhưng điều duy nhất đọng lại sau biến thiên của thời gian là các giá trị văn hóa. Tự thân di sản sẽ cất tiếng, nói với chúng ta những bí mật của quá khứ.

Các cụ ta thường nói: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Nhưng, "nước sơn" ấy là nghĩa bóng bẩy, chỉ nước mạ trên những đồ vật, chỉ cái hình thức, chiêu "làm hàng" chứ không phải nước thời gian toát lên từ kí ức, từ quá khứ vàng son, kiểu như: "Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/ Nước thời gian gội tóc trắng bạc phau" (Đoàn Văn Cừ).

cần có thêm nhiều ngày hội để người dân được sống trong nền văn hóa của mình.jpg -0
Cần có thêm nhiều ngày hội để người dân được sống trong nền văn hóa của mình.

Bởi lẽ đó, trong đời sống hôm nay, những "nước sơn" của thời gian cũng trở thành một di sản chứ đâu chỉ có di sản mà nó bao phủ. Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc tranh luận về màu sơn của Nhà hát Lớn, của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội); của dinh thự cổ Hoàng A Tưởng (Lào Cai); bia Quốc học Huế và gần đây nhất là chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam). Ở mỗi di tích có một thực trạng khác nhau, xuất xứ và "cuộc đời" khác nhau nhưng điểm chung là đều khiến dư luận (nhất là cư dân mạng xã hội) bàn tán, tranh biện và hoang mang. Điểm chung của những bàn luận này ở nước sơn, ở diện mạo mới đã làm mất đi vẻ đẹp hàng trăm năm, đó chính là bản sắc, là hồn vía của di sản.

Đương nhiên, trước những ý kiến đó, các nhà quản lý đã lên tiếng giải trình về những tham vấn khoa học của họ, về quá trình hồi phục lại sắc màu cũ và những cơ sở khoa học khác. Người viết cho rằng đó là hành trình mà hai bên tìm tiếng nói chung về một tình yêu di sản. Tuy nhiên, tình yêu ấy cũng cần đến sự tỉnh táo, hiểu thấu đáo vấn đề chứ không phải bảo tồn, gìn giữ là sự khiên cưỡng, bất chấp những nguy cơ. Trên VOV2, tác giả Minh Tâm từng có nhận nhận định rất khoa học: "Có lẽ, người ta quên mất một điều, di tích chỉ "sống" được khi nó có một "sức khỏe" thực thụ theo đúng nghĩa. Và, việc tiếp nối di sản phi vật thể là những thực hành văn hóa tín ngưỡng, đôi khi, còn quan trọng hơn việc bảo tồn di sản vật chất. Tiếc nuối, xót xa, thậm chí khó chấp nhận, song âu cũng là việc chẳng đặng đừng khi mà sự xuống cấp của công trình được đánh giá là đã đến mức báo động và ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến cả tính mạng con người" (Trùng tu để di tích "sống").

Ngẫm ra, suy nghĩ này của tác giả còn đúng với cả với những giá trị văn hóa khác chứ đâu chỉ có các di sản hữu vật thể. Làm sao để các di sản ấy có sức khỏe, được sống thực sự chứ không phải luôn ngấp nghé tình trạng cần cứu vớt. Tại sao những giá trị lớn lao như thế lại luôn lâm nguy?

Có nhiều nguyên nhân để lý giải về thái độ ứng xử của chúng ta với các giá trị văn hóa nhưng trước hết cần phải xác lập một quan niệm: Các giá trị văn hóa không chỉ là tài nguyên hay còn là sinh mệnh của một dân tộc? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định điều đó trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...". Bởi thế, điều cốt yếu không chỉ là lưu giữ, phục dựng mà đi xa hơn nữa là phải làm sao để những điều đó đồng hành với chúng ta. Nếu theo dõi trên báo chí, bạn sẽ thấy cách đây chưa lâu trên báo chí xuất hiện hình ảnh vận động viên mặc áo dài ngũ thân tham dự giải Marathon; cải biên di sản phi vật thể (các điệu hát); giữa bảo tồn di sản và khai thác tiềm năng du lịch.

Người viết cho rằng, để làm được điều đó thì chính bản thân chúng ta phải dấn thân, phải sống trong lòng di sản, phải tận cảm từng giá trị văn hóa được tiền nhân truyền lại từ lời ăn, tiếng nói, điệu hát, cách gọi tên, cử chỉ, sinh hoạt. Đành rằng, giữa quá khứ và hiện tại là những trạng thái khác biệt. Các di sản, giá trị văn hóa truyền thống đa phần sinh ra từ thực tiễn đời sống sản xuất nông nghiệp. Trong khi, chúng ta đang sống theo nhịp sống công nghệ. Ngay cả nền nông nghiệp ngày nay cũng đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp. Bởi thế, để sống với các di sản, tận cảm, thực hành những giá trị ấy vào thực tiễn đâu có dễ dàng. Tuy nhiên, không ít ý kiến tâm huyết, xoay quanh chủ đề này. Tác giả Giang Nam trên Báo Nhân dân cho rằng: "Mỗi di sản đều nằm trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc. Do đó, bên cạnh nắm vững nội hàm giá trị của di sản cụ thể, còn phải có nhận thức sâu sắc về những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Nếu hai yếu tố nêu trên là điều kiện cần, thì đây là điều kiện đủ để sáng tạo di sản bảo đảm được yếu tố kế thừa, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền, hình thành nên những giá trị văn hóa mới, có tính dân tộc và tính thời đại". 

di sản chùa cầu ở hội an sau khi trùng tu đã có nhiều ý kiến bàn luậnjpg.jpg -1
Di sản chùa Cầu ở Hội An sau khi trùng tu đã có nhiều ý kiến bàn luận.

Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi: Bạn đã sống trong nền văn hóa của mình hay chưa? Nhiều người sẽ phản đối: tại sao lại không chứ, từ khi trong nôi đã nghe lời ru, nghe tiếng gà gáy sáng, dưới bóng tre xanh, theo cha mẹ đi xem hội hè đình đám... Người viết không hề phủ nhận điều đó, chỉ có điều, chúng ta không thể mãi thưởng lãm mà hãy trở thành chủ nhân của chính nền văn hóa, hít thở bầu không khí trong lành của văn hóa bản địa và ngộ ra những chân lý cuộc đời. Ngắm một công trình kiến trúc hàng trăm năm, nghe một làn điệu cổ, bạn cố cảm nhận bằng một ám thị: Phải yêu bằng được vì đó là di sản cha ông. Không, bạn không cần khiên cưỡng như thế, tình yêu phải đến từ sự thấu hiểu. Bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu các giá trị, dành tâm trí để tận hưởng, để bạn thực sự là chủ thể của nền văn hóa này. Lúc ấy, bạn sẽ nhận ra những tranh cãi kia sẽ có thực sự cần thiết hay không?

Một di sản không chỉ hiển hiện trước mắt mà tồn tại trong tâm hồn mỗi người. Giá trị của nó đâu phải chỉ được cất giữ trong viện bảo tàng, được giới buôn cổ vật săn lùng, được thị trường này, thị trường kia ưa chuộng mà ở sự trân trọng của những cư dân của nền văn hóa đó. Danh dự của chúng ta chính là nền văn hóa dân tộc, một nền văn hóa tựa như bầu sữa mẹ đã nuôi dưỡng dân tộc lớn khôn và kế thừa những phẩm chất tốt đẹp từ thuở ban sơ. Ngày nay, khi xây dựng nền công nghiệp văn hóa, chúng ta càng chú ý đến sức sống này. Mọi giá trị truyền thống chỉ có thể phát huy hết những ưu thế của mình khi được nhìn nhận từ nhiều góc độ, được tiếp cận đa dạng, linh hoạt thay vì chỉ cần nó thật cũ kĩ, thật bí ẩn bởi một bức tường vô hình với cảm thức của con người hôm nay.

Nhà sử học người Anh Thomas Fuller (1608-1661) từng nói: "Chúng ta chẳng bao giờ biết được giá trị của nước cho tới khi giếng cạn khô". Sự lo lắng, thảng thốt của mỗi người trước sự đổi thay đột ngột của một di sản, hiện vật là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để giá trị ấy có chỗ đứng thực sự trong lòng chúng ta, sống trong tâm hồn ta như một sinh thể thì cần sự thay đổi nhận thức theo hướng mở với quan niệm mới, hình thức mới... 

Lâm Việt
.
.