Xử lý nội dung bẩn cách nào?

Thứ Sáu, 26/01/2024, 10:06

Suốt tuần vừa qua dư luận dậy sóng về một bài đăng của một hot TikToker xoay quanh chuyện anh ta và vợ bị đối xử không tử tế ở hàng phở tại Hà Nội. Chuyện đáng nói là sau khi kiểm tra lại camera của quán phở, không thấy có dấu hiệu nào của sự bạc đãi, coi thường. Dường như, câu chuyện được anh chàng này kể với mục đích tăng lượng tương tác trên trang cá nhân.

Ở thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, việc một chủ tài khoản nào đó trở nên thu hút cộng đồng là không hiếm. Nhưng chính áp lực duy trì các nội dung hấp dẫn đã khiến không ít người dễ dãi bịa đặt, tạo tin giả… Họ không ý thức được sự nguy hại của các thông tin ngụy tạo ấy là như thế nào. Và một trong các xu hướng thu hút tương tác đáng quan ngại hiện nay chính là “dìm hàng” một địa phương, vùng miền nào đó. Nó có thể gây ra các tranh cãi lớn mà nhờ đó tương tác mạng xã hội của bài đăng tăng vọt. Nhưng điều nguy hại là chính các tranh cãi vô ích kia đã tạo ra mâu thuẫn vùng miền rất tiêu cực.

Xử lý nội dung bẩn cách nào? -0

Dạng nội dung như bài đăng của hot TikToker kể trên là không thiếu trên không gian mạng hôm nay. Từ những bài viết mang ẩn ý theo kiểu ca ngợi một thời vàng son ảo tưởng của chế độ cũ (như của một KOL hành nghề MC) và ngầm ý chê bai xã hội Việt Nam hiện tại cũng như chê bai Hà Nội, cho tới các bài viết bôi nhọ thẳng thừng miền Bắc và người miền Bắc, tất cả đều nhắm tới khai thác tương tác từ tính kỳ thị vùng miền. Các nội dung bẩn như thế xuất hiện nhan nhản và nó cho thấy chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Thực chất, với mức phạt phổ biến là 7,5 triệu đồng như hôm nay, nhiều KOLs không xem đó là một răn đe đủ để họ chùn tay. Thu nhập từ một bài đăng quảng cáo, từ việc bán hàng online dựa trên tài khoản tương tác tốt thừa sức để họ nộp phạt hàng tuần. Chính vì thế nên họ bất chấp, dẫn tới chuyện mới bị phạt chưa lâu, đã lại có nội dung bẩn xuất hiện trở lại, thể hiện sự xem thường pháp luật.

Trong xu hướng thế giới hiện nay các Chính phủ luôn tạo ra một đòi hỏi kiểm duyệt từ phía các nền tảng mạng xã hội, chắc chắn trong tương lai sẽ có một hiệp ước chung giữa nhiều chính phủ để tạo sức ép lớn lên các tập đoàn truyền thông đang khai thác mạng xã hội. Tuy nhiên, để đạt tới một đồng thuận như thế là chuyện của tương lai lâu dài và không phải dễ dàng gì. Trong bối cảnh ấy, mỗi quốc gia cần thắt chặt hơn nữa các chế tài đối với những sai phạm trên không gian mạng, bởi chỉ có cách đó mới có thể làm suy giảm sự phổ biến của những nội dung bẩn.

Ở Việt Nam, chế tài chưa đủ mạnh tay nên các nhân vật mạng xã hội vẫn còn “nhờn”. Có lẽ, đã đến lúc cần điều chỉnh mức hình phạt mang tính răn đe hơn nữa, đặc biệt là đối với loại nội dung ''bẩn'' gây chia rẽ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Văn Đoàn
.
.