Xin đừng đánh mất ước mơ

Thứ Năm, 18/08/2022, 11:35

Cách đây chừng hai mươi năm, khi mới dọn đến sống ở khu phố này, tôi thường tỉnh giấc bởi tiếng đập cửa lúc khuya khoắt. Khi có tiếng mở cửa, lần nào tôi cũng thấy tiếng người đàn ông dặn dò gì đó rồi phóng xe lao đi.

Dần dà tìm hiểu mới biết nhà cậu bé ở phố khác nhưng vì bố mẹ kinh doanh hàng ăn đêm khách khứa ồn ào nên cậu thường sang căn nhà này để học. Sợ con mải học và ngủ quên khi bụng đói, ông bố thường mua cái bánh mì ba tê mang sang để cậu con trai ăn khuya. Một người còn trẻ nhưng ham học đến mức ngủ gục trên bàn quên cả cơn đói thì cũng hiếm.

ngủ quên trong giờ thi -nguồn ảnh báo ttvh.jpg -0
Ngủ quên trong giờ thi.

Bẵng đi môt thời gian, tôi lại được nghe người ta kể cậu bé ấy giờ đang làm cho một công ty nước ngoài. Cậu có hai bằng đại học và lập gia đình, cuộc sống rất êm ấm. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu như cậu không dũng cảm bỏ căn nhà đầy ắp khách hàng ở tầng 1 và ồn ã tiếng nhạc ở tầng 2 để tự "đày" mình vào căn nhà chật hẹp để nuôi giấc mơ lập nghiệp thì giờ sẽ như thế nào? Nếu cậu đi làm thợ, làm công nhân hoặc buôn bán… thì cậu vẫn có tiền, vẫn được tôn trọng nhưng những hoài bão và ước mơ sẽ đi về đâu? Giữa mưu sinh và ước mơ đôi khi không chung đường, không phải lúc nào đi con đường vòng ta cũng đến được với ước mơ bởi cuộc sống luôn có những thời điểm, những cơ hội không đến hai lần.

Lại nhớ, cách đây chưa lâu, khi bộ phim về một nhạc sĩ nổi tiếng được công chiếu, một nhân vật trong phim từng lên tiếng về sự sai lệch giữa hiện thực mà bà đã trải qua so với những hư cấu trong phim. Khi đó, đã có người bình luận rằng: Rồi thế hệ con cháu sẽ có cách hiểu riêng của mình, tất cả mọi sự lên tiếng, mọi sự hư cấu sáng tạo chỉ là tham khảo. Cũng như hôm nay, việc cậu học sinh giỏi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển ngủ quên trong giờ thi tiếng Anh để nhận về điểm 0 khiến nhiều người cảm thấy ấm ức. Có người trách các giám thị đã thiếu trách nhiệm và tiếc cho một học sinh H.N.T; có người lại băn khoăn: dù có thương nhưng cũng không thể vì thế mà tạo ra tiền lệ, làm mất đi sự nghiêm túc của khảo thí. Trong bài viết của mình trên Báo Tuổi trẻ, tác giả Đức Phong đã kết luận: "Liệu trong trường hợp này có thể áp dụng sự bao dung hay làm đúng quy chế?".

giáo dục cần sự bao dung-nguồn ảnh báo giáo dục và thời đại.jpg -0
Giáo dục cần sự bao dung.
đừng bao giờ đánh mất ước mơ-ảnh cafeland.jpg -1
Đừng bao giờ đánh mất ước mơ.

Nhắc đến thi cử, người viết chợt nhớ đến vài câu chuyện nhỏ nhưng không kém phần thú vị. Ngày trước, bên nhà hàng xóm có ba anh em. Sáng ra, hai cô em gái dậy sớm giặt quần áo, gánh nước tưới rau, xong xuôi mới cắp sách đến trường. Trong khi cậu cả chỉ việc dậy ăn cơm rang rồi ngồi ôn bài trước khi đến lớp. Sau này, cậu cả đỗ đại học chính quy nhưng khi ra trường công việc rất bấp bênh còn hai cô em dù phải học liên thông nhiều lần nhưng đã có công việc và cuộc sống ổn định. Có lẽ giữa trường ốc và trường đời có sự khác biệt đến thế chăng, khi anh chưa thật sự trưởng thành ở trường đời, chưa là một thành viên có trách nhiệm trong gia đình thì anh sẽ khó lòng trở thành cá nhân xuất sắc trong xã hội.

Giáo dục là sự bao dung hay nghiêm khắc như bấy lâu nay chúng ta từng tranh luận? Ngành giáo dục cũng như mỗi thầy cô giáo đều cần lắng nghe để không là một công cụ vô cảm nhưng cũng đâu thể là anh thợ "đẽo cày giữa đường" ai bảo gì cũng làm theo. Chuyện các giám thị không hỏi han và đánh thức thí sinh là một ứng xử thiếu trách nhiệm, thiếu công bằng với một học sinh giỏi như em học sinh H.N.T. Nhưng còn chính em học sinh ấy cũng có được một bài học về sự công bằng. Hãy tự chủ điều tiết bản thân trước khi nói đến những kiến thức, kĩ năng.

Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2022 diễn ra trong hai ngày 7 và 8 tháng 7 năm 2022 với 4 buổi thi tương ứng với bốn môn thi. Xét về phương diện thời gian, kì thi này còn diễn ra ngắn hơn so với các Kỳ thi Trung học Phổ thông từ 2014 trở về trước (3 ngày với 6 môn thi). Như thế có nghĩa là người thi không chỉ cần ôn luyện tốt các nội dung mà còn cần tính toán, cân đối cả về mặt thời gian, phân phối sức lực. Điều lớn hơn cả chữ nghĩa ấy là sự tỉnh táo, sự tính toán cho một "chiến dịch" dài hơi. Hẳn không riêng gì H.N.T mà rất nhiều em học sinh khác đã lường trước được điều đó nhưng ở cái tuổi ăn, tuổi ngủ, nếu như không được người lớn để mắt tới sẽ dễ dàng sơ sảy.

Trước câu chuyện ngủ quên của thí sinh H.N.T, chúng ta lại nhớ đến kì thi năm 2021 khi em Lê Hoàng Quốc (lớp 12D1, trường THPT Số 1 Lào Cai) đã ngủ quên đến mức Cảnh sát giao thông phải đến tận nhà phá cửa gọi dậy đi thi. Quốc mặc nguyên chiếc quần ngủ đến điểm thi. Nếu đem so sánh, nhiều người sẽ cho rằng việc đưa Lê Hoàng Quốc đến trường còn vất vả, khó khăn hơn việc đánh thức  H.N.T ngủ quên ngay trong phòng và thấy các giám thị đã vô cảm hay quá cứng nhắc trong quá trình coi thi.

Người viết cho rằng, ở tuổi 18, không khó khăn gì để một học sinh giỏi có thể vượt qua ấm ức làm lại tất cả nhưng liệu khi đó em có thực hiện được giấc mơ của mình. Một năm không đến trường với một đứa trẻ sẽ không hề nhẹ nhàng, khoảng hẫng đó có thể "giết chết" những hứng khởi, khát vọng và khiến cuộc đời em rẽ theo hướng khác.

Trong cuốn sách "Tư duy phản biện" của Zoe McKey, đã từng nhắc đến điều này và đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tóm lược (trong số 150 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam), cụ thể như sau:

"Trong giấc mơ, chúng ta cảm thấy thật tuyệt, nhưng khi bạn quay trở lại với thực tế và bắt đầu suy nghĩ về việc phải hiện thực hóa ước mơ thì cảm giác bất hạnh xuất hiện. Chúng ta cảm thấy buồn chán và bồn chồn không yên… Mọi người đều có tài năng - nhưng một vài người không bao giờ khám phá ra nó. Nhiệm vụ của chúng ta chính là tìm ra, chấp nhận con người thật của mình và tận dụng tối đa giá trị đó… Điều tuyệt vời nhất mà một cá nhân có thể đóng góp cho xã hội là vận dụng tối đa những tài năng trời phú cho mình. Đó chính là thành công chứ không phải bất kỳ điều gì khác".

Có lẽ "chấp nhận con người thật của mình" cũng là một thực tế mà chúng ta phải đối diện. Mỗi người có một hạn chế mà đôi khi chỉ cần khắc phục được hạn chế đó thì sẽ thành công. Miễn là bạn đừng "ngủ quên" với những gì tưởng như sẽ mãi duy trì, đã sẵn có để đánh mất chiến thắng của mình.

Có thể, sẽ có một đặc cách nào đó tạo cơ hội cho em học sinh ngủ quên có cơ hội hoàn thành bài thi của mình. Cũng có thể em sẽ phải làm lại vào kì thi năm sau cũng như thật khó để đổ lỗi cho một ai trong sự cố đáng tiếc này. Câu chuyện của thí sinh H.N.T dù rất đáng tiếc, dù không ai muốn điều đó xảy ra ở một thí sính nào khác nhưng cũng là bài học cho chính em: Ngủ quên cũng là đánh mất một phần ước mơ của mình, có những thử thách đầy nghiệt ngã mà ai cũng phải đối mặt. Kì thi chính là cánh cửa để các em bước ra cuộc đời nơi không còn vòng tay che chở, nâng đỡ, còn sự nhân nhượng từ người lớn. Trong mỗi con người chúng ta cũng đang diễn ra nhưng cuộc đối đầu, những thách thức mà không ai có thể trợ giúp, có thể chỉ bảo được.

Một cậu bé ngủ quên và bao thí sinh hàng năm bước vào các kì thi. Vì lẽ công bằng cho tất cả chúng ta sẽ phải chấp nhận luật chơi cuộc chơi có tên là lập nghiệp này. Mỗi người sẽ có những giới hạn, những nỗi lo sợ, chỉ mong rằng dù có thế nào, các em dẫu có mệt mỏi ngủ quên hay "ngủ quên" với những gì đã chắc trong tay cũng đừng từ bỏ ước mơ của mình.

Mai Phương
.
.