Xây dựng văn hóa giao thông

Thứ Sáu, 29/03/2024, 07:59

Phương án cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ được báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thông tin này được đa số người dân quan tâm và đồng tình. Thời gian qua, hệ lụy từ việc uống rượu, bia dẫn đến những hậu quả đáng sợ, trong đó nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do rượu, bia. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và của lực lượng CSGT, mỗi ngày cả nước trung bình vẫn có gần 30 người tử vong vì tai nạn giao thông và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, mỗi năm có một tỉ lệ không nhỏ số ca tử vong do va chạm giao thông có liên quan đến rượu, bia. Bên cạnh đó, nhiều vụ bạo lực gia đình và các vụ việc gây mất trật tự, an toàn xã hội cũng xảy ra từ nguyên nhân do bia, rượu. Cùng với đó, hàng triệu người đang phải điều trị những căn bệnh nan y do rượu, bia gây ra.

img-9110.jpg -0
Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông.

Đây thực sự đang là thảm họa cho đất nước chúng ta, ngoài thiệt hại về tính mạng và sức khỏe con người rất to lớn và không thể bù đắp được, thì những tổn hại về tinh thần, thiệt hại về kinh tế cũng không hề nhỏ. Điều này đe dọa đến sự sinh tồn và phát triển của giống nòi, đồng thời ảnh hưởng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế - xã hội và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè quốc tế.

Việt Nam là dân tộc có truyền thống uống rượu từ lâu đời. Rượu gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám; rượu gắn với bạn hiền, với những lời thề ước. Đặc biệt, văn hóa uống rượu của giới trí thức rất tao nhã, rất thú vị, họ uống rượu để lấy cảm hứng sáng tác, bàn luận văn chương, thơ ca, khoa học... Nếu như trước kia rượu là để đàm đạo, hội ngộ tri kỷ, nhưng ngược lại, một khi đã bị sử dụng như là công cụ để đạt các mục đích thực dụng “mượn bia, rượu để thiết lập, duy trì quan hệ; lấy mức đầy vơi của rượu và độ say của người uống để đo cái tình”... thì nét văn hóa ấy không còn.

Nhiều cuộc cãi cọ, mối bất hòa, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, gây thương tích, án mạng cho cha, mẹ, vợ, con bắt nguồn cũng từ bia, rượu. Rồi những tai nạn giao thông, những căn bệnh nan y như một tai ương, mà những người hiền lành, tử tế nhất vẫn không thể tránh được. Hậu quả do “ma men” để lại hết sức nặng nề, nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân một cách tức tưởi, những sang chấn tâm lý không dễ chữa, nhiều hoàn cảnh rơi vào khánh kiệt vì phải chạy vạy điều trị cho người thân.

Không chỉ có vậy, con đường trở lại làm người bình thường của những nạn nhân của rượu, bia không hề dễ dàng chút nào. Nhiều gia đình phải bỏ dở việc điều trị giữa chừng vì kinh tế hạn hẹp, không đủ theo một quá trình chữa trị, phục hồi sức khỏe kéo dài và tốn kém. Cũng có người dù đã điều trị thành công nhưng thất bại trong việc trở lại cuộc sống bình thường. Họ khó khăn trong sinh hoạt, khổ sở trong vận động và đặc biệt là những sang chấn tâm lý, tinh thần không dễ lành được.

Chính từ những hành vi thiếu ý thức trong sử dụng rượu, bia mà mỗi ngày trôi qua, lại có những người mãi mãi ra đi hay bị tàn tật, sống đời thực vật chỉ vì tai nạn giao thông, vì những căn bệnh nguy hiểm. Những tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng và người đầu bạc tiễn người đầu xanh làm cho chúng ta nhói lòng. Cứ thế, nỗi đau mang tên “tác hại của rượu, bia” cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Giải pháp quan trọng để đẩy lùi hậu quả của rượu bia, trước hết là xây dựng cho cộng đồng một cách quan niệm mới, một lối sống mới, một ứng xử mới thật văn hóa trong mọi quan hệ xã hội, mà trong đó rượu, bia không phải là công cụ, không nên là công cụ trong các mối quan hệ, giao tiếp. Rượu, bia là một nét văn hóa nhưng nó chỉ có văn hóa khi con người ứng xử nhận thức và sử dụng nó một cách có văn hóa.

Mỗi người hãy tự ý thức rằng, đã uống rượu, bia thì không lái xe và không nên uống quá đà, không nên uống vào buổi trưa. Việc ép nhau uống rượu là không phù hợp với xã hội hiện đại, nếu có người ép uống thì từ chối khéo, lúc đó người mời có thể không hài lòng nhưng sau đó nghĩ lại thấy đúng và tự cảm thấy hành vi ép rượu của mình là sai, từ đó xây dựng thói quen sử dụng rượu, bia lành mạnh.

Cù Tất Dũng
.
.