Xây dựng niềm tin của nhân dân

Thứ Năm, 13/01/2022, 11:55

"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" là câu nói chứa đựng tình cảm, sự tin tưởng của nhân dân dành cho đảng viên và cán bộ tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc, trong đạo đức, lối sống, trong tác phong, lề lối hằng ngày, luôn tiên phong trong mọi suy nghĩ và hành động.

Tuần qua, nổi lên những thông tin về việc khai trừ khỏi Đảng ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền; khởi tố ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh về tội đánh bạc; đình chỉ công tác đối với ông Vũ Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường vì đấm thẳng vào mặt người phụ nữ hàng xóm sau mâu thuẫn chuyện đỗ xe ở nơi cư trú… Đây là những cán bộ, đảng viên có trình độ, địa vị xã hội, nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện quá tồi tệ, làm cho nhiều người sửng sốt, phẫn nộ.

Xây dựng niềm tin của nhân dân -0

Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; trong đó rất đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên để quần chúng nhân dân noi theo, từ đó hình thành nếp sống văn hóa mới. Vậy mà vẫn liên tục có những cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống thì thật quá buồn lòng.

Thực tế là đã có không ít cán bộ, đảng viên trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo chỉ dừng lại ở việc hô hào, khẩu hiệu, hình thức, nói suông trong chương trình, kế hoạch mà không thực hành trong thực tiễn. Ở họ, chỉ là “nói một đằng, làm một nẻo”, “diễn gương”, chứ không phải “nêu gương”, không “tiền phong gương mẫu”; thậm chí không ít người đã suy thoái ở các mức độ khác nhau và vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Hạn chế lớn nhất trong xây dựng văn hóa, con người Việt Nam những năm qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có xu hướng phổ biến, đã gây bức xúc, khủng hoảng niềm tin và suy thoái đạo đức xã hội.

Sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ góp phần làm đẹp hơn những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc được hình thành và bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn trở thành những hạt giống tốt, là những điển hình mực thước trong rèn luyện đạo đức cách mạng để mọi người cùng phấn đấu, học tập làm theo. Nó mang một giá trị và ý nghĩa lớn lao góp phần lan tỏa, truyền tải giá trị tinh thần cao quý trong cộng đồng.

Việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên không tự nhiên mà có, mà phải do quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng, không nghỉ mới có. Điều đó cho thấy rõ rằng, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ học vấn, địa vị xã hội mà còn chịu ảnh hưởng không ít đến ý thức tu tỉnh đạo đức, tác phong, thái độ. Muốn có một phẩm chất cao đẹp đòi hỏi con người phải phấn đấu toàn diện. Có vị trí xã hội, học vấn cao mà đạo đức yếu kém, tác phong thái độ lệch lạc thì uy tín cũng không thể cao được.

Quả là khó khi làm người cán bộ gương mẫu, bởi vừa phải "làm gương" và vừa phải "làm mẫu". Rất nhiều lãnh đạo hiện nay đang thiếu 1 trong 2 yếu tố trên, thậm chí, có người không chỉ vừa thiếu ý thức "làm gương" mà còn thiếu luôn khả năng "làm mẫu". Làm người ta nghe mình đã khó, làm để người khác phục mình lại còn khó hơn.

"Làm gương" xem ra dễ hơn làm mẫu. Làm gương thì còn có thể nêu "gương giả", bằng cách bề ngoài thì ra vẻ sống giản dị, nhà cửa, xe cộ bình thường, luôn tỏ ra niềm nở, chân tình với mọi người, đi xuống địa phương thì luôn nói tới tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, nhưng bản thân thì tiếp tay cho các đối tượng tham nhũng, cất nhắc, bổ nhiệm con cái vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, xây dựng "sân sau" để nhận thầu các dự án kiếm lời… Nhà cửa, xe sang thì mua giấu ở chỗ khác. Nhưng "làm mẫu" thì buộc phải “thật”, không phải cứ xông ra trước, hô hào, tỏ vẻ mình là thế này, thế kia là đủ, mà khi làm mẫu, người cán bộ, đảng viên phải làm tốt hơn cả nhân viên của mình về cả mặt chuyên môn và hiệu quả mới được. Chứ không chỉ làm qua loa, làm chiếu lệ cho xong, rồi bảo "các đồng chí cứ thế mà làm theo" thì dẫn đến đổ vỡ và sai là điều hiển nhiên.

"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" là câu nói chứa đựng tình cảm, sự tin tưởng của nhân dân dành cho đảng viên và cán bộ tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc, trong đạo đức, lối sống, trong tác phong, lề lối hằng ngày, luôn tiên phong trong mọi suy nghĩ và hành động. Như vậy, gương sáng thì dân soi, gương mờ thì dân quay lưng lại. Như vậy, chúng ta cần sớm phát hiện và phải loại bỏ gương xấu, xử phạt nghiêm khắc những người nêu gương xấu. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải coi thực hành văn hóa nêu gương là nhu cầu tự thân, là đòi hỏi cấp bách nhằm củng cố uy tín của Đảng, từng bước xây dựng Đảng ta trở thành một “biểu tượng văn hóa” của dân tộc.

Cù Tất Dũng
.
.