Xây dựng con người văn hóa để "Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc"

Thứ Bảy, 02/07/2022, 19:53

Ai đó đã từng nói, đại ý: Văn minh của nhân lại luôn đi qua ngõ của mỗi gia đình. Trong một xã hội, một quốc gia cũng thế, muốn có hạnh phúc, bình yên, an toàn... điều tất yếu rằng trong xã hội đó phải có nhiều gia đình hạnh phúc, bình yên, an toàn. Gia đình là hạt nhân, là nền móng để góp phần xây dựng nên một xã hội, vậy nên chăm lo xây dựng cho từng gia đình cũng chính là chăm lo xây dựng cho một xã hội ngày càng tốt đẹp.

Ngày nay, sống trong một xã hội hiện đại, có nhiều yếu tố phi truyền thống tác động không nhỏ đến từng gia đình. Công nghệ thông tin, thế giới phẳng đã nâng đời sống tinh thần và vật chất của con người lên một tầm cao mới, nhưng bên cạnh đó nó cũng có những tác động không hề nhỏ đến gia đình, đến tình cảm vợ chồng, con cái và sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Vậy thì hành động của mỗi chúng ta là gì để làm sao vẫn có được cuộc sống đủ đầy với những tiện ích mà cuộc sống hiện đại ngày nay đang mang lại mà vẫn giữ được gia đình bình an, xã hội hạnh phúc?

2706_family-1624782163543.png -0
Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) phóng viên Văn nghệ Công an đã có buổi trò chuyện với các nhà hoạt động trong các lĩnh vực xã hội học, quản lý văn hóa và chuyên gia tâm lý về vấn đề này.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Viện Xã hội học): Sau “tình” là “nghĩa” mới “giữ lửa” được cho các cuộc hôn nhân

Xây dựng con người văn hóa để

- Thưa ông, xã hội hiện đại như ngày nay đã kéo theo nhiều điểm mạnh nhưng cũng có những hệ luỵ không nhỏ, điển hình như những vụ ly hôn ngày càng cao, và ở giới được gọi là trí thức thì gia tăng mạnh. Phải chăng khi người ta càng có văn hóa thì càng khó để có thể chấp nhận nhau... 

+ Có rất nhiều nguyên nhân gây gia tăng hiện tượng ly hôn, những nguyên nhân mang tính chất cổ điển từ xưa nay như xung quanh câu chuyện khi tình yêu đã chết thì hôn nhân sẽ kết thúc. Nguyên nhân lý do rất là cổ điển, những xung đột trong đời sống văn hóa, trong làm ăn kinh tế, trong phát triển gia đình, nó là nguyên nhân phức hợp và luôn luôn trong giai đoạn nào cũng có những nguyên nhân đó. Những xung đột của các cặp vợ chồng về quan điểm sống, về vị thế gia đình, ngay kể cả về quan điểm nuôi dạy con cái... Và cái người ta hay nói đến là văn hóa của hai chủ thể trong gia đình giữ vai trò rất lớn nhưng đáng chú ý trong thời gian gần đây thì có thêm một khía cạnh khác, đó là trong xã hội hiện đại, vị thế của người phụ nữ đã được cải thiện, không còn "thấp" một cách tương đối như trước kia nữa trong mối quan hệ vợ chồng. Người phụ nữ nhìn vai trò của mình một cách thiết thực hơn, không chấp nhận sự phụ thuộc, sự bị xem thường cũng dẫn đến tỉ lệ ly hôn tăng lên.

Vị thế người phụ nữ tốt lên, bình đẳng giới mang lại những điều tích cực nhưng nó lại gia tăng tỷ lệ ly hôn vì người phụ nữ không chấp nhận vị thế bị phụ thuộc.

- Người ta vẫn thường bảo: "Hôn nhân là thứ bên ngoài thì muốn vào còn kẻ bên trong thì muốn ra", ông nghĩ sao?

+ Tình yêu phải là cốt lõi, phải là sự khơi gợi mới dẫn đến hôn nhân, mà hôn nhân muốn bền vững thì phải yêu nhau. Nhưng yêu nhau say đắm của tuổi trẻ bồng bột thì người ta thường nhìn nhau trong hào quang màu hồng, và người ta thường huyễn hoặc lẫn nhau, nghĩa là làm đẹp hẳn lên người mình yêu, nhìn đẹp hơn cái mức mà người ta đang có. Khi trong cuộc sống đời thường, người ta đụng chạm, va quệt, xung đột với nhau thì màu hồng ấy mất đi, lúc đấy hiện ra những cái trần trụi hơn, đời thường hơn. Nếu như vậy mà một trong hai bên vẫn diễn bài cổ xưa thì phía bên này lại càng thất vọng và càng nhận chân ra được sự giả dối của nhau. Lúc mà đã soi nhau rồi người ta nhìn những cái hay ho của nhau trước đây thì đều là những sự giả dối, chán chường, đặc biệt trong bối cảnh còn bị thúc ép chuyện mưu sinh dẫn đến xung đột không thể cứu vãn được.

Một tình yêu mà không căn cứ bởi sự vững chắc, không được chuyển hóa từ tình sang nghĩa thì sẽ đổ vỡ. Đặc biệt điều kiện kinh tế, điều kiện mưu sinh của mỗi gia đình khá lên rồi người ta không phụ thuộc lẫn nhau nữa. Trong trường hợp này, người phụ nữ không cam chịu, tỷ lệ đứng đơn ly hôn ở người phụ nư hiện nay đang có xu hướng tăng lên so với nam giới trước đây.

“Giữ lửa” cho các cuộc hôn nhân chính là con người ta chuyển hóa được từ tình sang nghĩa, thì mới có xu hướng vị tha. Và như vậy không phải đến với nhau bằng sự ào ạt, bằng sự đắm đuối, bằng sự quên mình nữa. Và quên mình nếu có là quên mình một cách có ý thức thực tại khách quan đời sống, nghĩa là biết vì nhau chứ không phải vì tiếng sét ái tình, không phải vì vẻ đẹp, không phải vì sự hào hoa, không phải vì sự chăm chút mang tính chất tiểu tiết. Trong tình yêu bao giờ cũng có xu hướng chiếm đoạt, thống trị, nhưng khi người ta biết vì nhau thật sự là người ta vì nghĩa chứ không phải vì sắc đẹp, không phải vì tiếng sét đánh thuở nào, không phải vì lợi ích mang đến trước mắt.

- Ngoại tình là căn bệnh khá phổ biến ở xã hội hiện đại, có vẻ như nhu cầu để giải tỏa tâm lý, để giải tỏa những chuyện X, Y, Z và điều này còn khẳng định sự chia sẻ, thấu hiểu nhau trong các cặp vợ chồng ngày càng suy giảm. Hoặc là họ vờ vịt hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đấy chỉ là giả tạm, ở họ cũng không có sự đồng điệu và tiếng nói chung.

+ Giờ mọi người cởi mở hơn trong chuyện đánh giá cá nhân thì chúng ta thấy việc ngoại tình, có thêm "gác xép cơi nới" đang trở nên phổ biến, điều ấy không chỉ đối với giới nam mà còn cả giới nữ. Trên thực tế đang hình thành nên mối quan hệ cộng cảm, người ta có những tri kỷ mới, những bạn tình mới, có thể chốc lát, thóang qua, giống như sự bổ sung cho những cái gì mà đời sống họ tạm coi là sự hy sinh, nín nhịn, thoả mãn sự vuốt ve, sự tự ái nào đó... Tôi dám chắc hiện tượng này không thể dẹp bỏ được và vẫn lớn lên hằng ngày trong xã hội hiện đại, rất phổ biến không chỉ ở đời sống đô thị mà còn cả ở nông thôn.

Ở những người tình này có thể tìm thấy tiếng nói chung, sự chia sẻ đấy, sự bổ sung đấy.

- Chà, thế thì gay to nhỉ! Đời sống hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại bấp bênh quá, đàn ông càng thể hiện được năng lực và bản lĩnh thì thường có nhiều "trà xanh" vây xung quanh. Và người phụ nữ trong gia đình thì người ta có lòng tự trọng, có học thức, vị thế xã hội thì dễ đứt lắm...

+ Chúng ta vẫn hay ca hát về tình yêu tuyệt đích, vẫn hay khen xóa nhòa khoảng cách, không phân biệt vị thế xã hội, không phân biệt tuổi, không phân biệt năng lực kinh tế để đến với nhau. Ca hát thế thôi, những trường hợp đó một cách tuyệt vời lý tưởng vô cùng hiếm.

Cái sự xa khác, những bất đồng, đầu tiên không hẳn là rạn nứt, những sai khác về phương diện văn hóa càng tinh tế bao nhiêu thì càng trở nên đối chọi khủng khiếp bấy nhiêu. Những người càng tinh tế khi người ta đã khó chịu với nhau, khi đã ghét nhau rồi thì người ta càng nhìn những khuyết điểm của nhau trở thành khủng khiếp. Ta vẫn hay nói chuyện vui, tình yêu của những cô thợ với những anh xích lô ba gác đơn giản hơn, còn đội trí thức khi nín nhịn được nhau nhưng khi đã khó chịu với nhau thì dứt khóat không đụng vào người nhau nữa. Người ta sẽ chán nhau, trong trường hợp nhất định thì người ta tìm câu chuyện bổ sung tình cảm, một bóng dáng ở đâu đấy, đôi khi chỉ là sự vuốt ve về mặt tình cảm thuần tuý lời nói, không nhất thiết là đụng chạm thân xác đâu, nhưng nhu cầu ấy cũng rất mạnh mẽ.

Ông Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội): Đừng nghĩ bạo lực là phải đánh đấm, bạo lực tinh thần còn kinh khủng hơn

Xây dựng con người văn hóa để

- Chúng ta có ngày 28/6 là Ngày Gia đình Việt Nam, ông có thấy câu chuyện bạo lực đang gia tăng ngày càng nhiều không. Trên các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây liên tục đăng tải những vụ bạo hành khủng khiếp. Có phải đời sống căng thẳng, áp lực cuộc sống khiến cho con người ta trở nên hung hãn, mất nhân tính, không thể hòa hợp...

+ Tháng 6 là tháng chống bạo lực gia đình và chúng ta đang ở trước thềm của Luật Sửa đổi của Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Hiện nay, Quốc hội đang bàn về vấn đề này và chúng tôi đang cùng với các cơ quan chức năng xin ý kiến để đóng góp vào việc sửa đổi của Luật.

Đối với những hành vi bạo hành gia đình, chúng ta phải đi vào bản chất của nó, tìm được căn nguyên để điều trị nó. Ngày nay chất lượng cuộc sống tốt hơn, con người ta có nhiều thứ để giải trí hơn, thế nhưng tại sao ngày xưa ít xảy ra những cuộc xung đột gia đình đến mức con phải giết cha, vợ phải giết chồng...

- Phải chăng đời sống vật chất nâng lên thì đời sống tinh thần hạ xuống.

+ Tôi cho là không phải. Đời sống tinh thần bây giờ không hạ. Khi cuộc sống no đủ, gia đình bây giờ thường chỉ có hai thế hệ sống chung, đó là khi con cái chưa trưởng thành sống cùng cha mẹ, ngày trước tam, tứ đại… đồng đường, vậy nên gia đình ngày nay áp lực sẽ ít đi rất nhiều, thế thì tại sao xảy ra những xung đột như vậy?! Tại sao họ bị bạo lực? Bởi bị tâm lý! Tại sao họ bị tâm lý? Bởi vì họ bị stress! Trong xã hội hiện đại rất nhiều người bị stress. Họ cô đơn, cô độc, cảm thấy không thoả mãn thì mới dẫn đến bạo lực...

Khi mà áp lực cuộc sống đè lên vai anh, đè lên gia đình anh, khi người ta bí bách trước cuộc sống, người ta không tìm được lối thóat, người ta bị ức chế. Đến cơ quan thì bị sếp mắng nhiếc, thậm chí có những lúc còn bị nhục mạ, hoặc đi làm ăn thì bị bạn bè lừa đảo, thất bát, thua lỗ không có đường về. Tất cả những cái đấy dẫn con người ta đến ngõ cụt và để giải toả tâm lý ấy thì người ta buộc phải phá phách, bạo lực. Đã có thực chứng về những việc đó.

Bạn phải thừa nhận với tôi là khi mình bức xúc một vấn đề gì đấy, mình cầm gậy mình vụt hoặc đập và khi nghe tiếng choang một cái thì tự nhiên mình bình thường trở lại.

- Khi bị stress thì người đàn ông và người đàn bà trong gia đình có cách giải toả khác nhau, ở độ tuổi và văn hóa khác nhau nên họ cũng có cách giải tỏa stress riêng...

+ Khi nóng giận người ta hay đập phá, la hét, rất may cho những người đó là họ còn có cơ hội để thể hiện ra. Còn có những stress không thể hiện được, người ta âm thầm chịu đựng, người ta lắng lại như màu phù sa bồi lắng mỗi hôm một tý và cuối cùng đến một lúc nào đó mà người ta không chịu được thì buộc người ta phải giết người thân rồi tự vẫn, như những vụ án gần đây.

Sự bế tắc trong cuộc sống, bế tắc trong gia đình, bế tắc trong tình cảm, bế tắc túng quẫn trong chuyện tiền nong. Xung đột với xã hội, với cộng đồng và xung đột với chính bản thân mình. Và khi người ta không giải quyết được thì người ta tạo ra bạo lực, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nhẹ hơn thì ngồi vào mâm cơm thì la hét mắng nhiếc, chì chiết, bưng mặt khóc, ăn cơm chan nước mắt. Bạo lực này bắt nguồn từ sự không chia sẻ được với bạn bè, vợ con, người thân, cái sự gắn kết từ trong gia đình đến ngoài xã hội không có. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều hành vi bạo lực gia đình, nhưng làm thế nào để giải quyết, đó chính là sự chia sẻ.

- Nhiều cặp đôi mới nhìn vào thì nghĩ họ rất ổn, họ là gia đình mẫu mực, nhưng thực chất nó đã bị mục ruỗng...

+ Nhiều chứ. Tôi đã gặp một người như thế, cô ấy là tiến sĩ, giáo viên của một trường có tiếng, chồng là một chủ thầu xây dựng, lấy nhau nhà ở phố cổ, và mua thêm được vài ba căn hộ, nếu như ở ngoài nhìn vào thì sẽ thấy là sang, họ sống với nhau cứ bình lặng bao năm nay. Mọi người đều đánh giá đấy là gia đình mẫu mực, không to tiếng với nhau bao giờ, cuối cùng vào một ngày đẹp trời cô ấy lại xin ly hôn. Và tòa đã bảo vệ cái quyền của phụ nữ là xét cho cô ấy ly hôn, mặc dù anh chồng lúc đầu cũng làm mình mẩy đủ thứ xong cũng chấp nhận.

Bởi chồng cô ấy sáng dắt xe ra cho vợ và anh ấy ghi số công tơ mét ở trên đồng hồ, chiều anh ấy lại dắt xe vào cho vợ và lại ghi lại số công tơ mét và anh ấy thực địa là từ nhà anh ấy đến địa điểm đấy là bao nhiêu km, và anh ấy đã chứng minh từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà tất cả có 10km và nếu hôm nào cô ấy đi 15km là cô ấy phải giải trình 5km  ấy là vì sao? Cô vợ nói rằng không thể chấp nhận sống trong môi trường nghẹt thở đến như vậy. 

Người ta đặt ra vấn đề là tại sao chồng cứ đánh vợ mới là bạo lực gia đình? Đấy là khái niệm rất mở, mà tôi là người làm quản lý, làm định hướng xây dựng pháp luật thì chúng ta phải xác định rằng đừng nghĩ bạo lực là phải đánh đấm. Bạo lực tinh thần còn kinh khủng hơn.

Tôi chứng kiến những cặp đánh nhau buổi sáng thì trưa họ lại đèo nhau đi ăn cơm, tôi hỏi thì họ bảo là: "Chúng tôi cứ chửi nhau, đánh nhau như thế nhưng tý nữa lại đâu vào đấy". Nhưng ở đây thì không hề đánh chửi nhau, anh em vẫn ngọt nhạt như vậy nhưng đùng cái ly hôn. Chúng ta đừng trói buộc vào bằng khái niệm là phải đánh đấm, đôi khi về đến nhà im lặng với nhau, không chia sẻ với nhau cũng là bạo lực. Cần nhất cuộc sống này để giảm bớt bạo lực, để giảm bớt những vụ án mạng, giảm bớt những vụ án ly hôn, giảm bớt những đau lòng trong cuộc sống thì đó là sự chia sẻ, sự cảm thông, sau nữa là có thể giúp đỡ được nhau thì sẽ hạn chế giảm được tỷ lệ chia tay, bạo lực. Chúng ta đang cần những giải pháp để giải quyết căn nguyên những vấn đề bạo lực.

TS, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu (Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương): Bệnh tâm thần chiếm một tỉ lệ cao trong cộng đồng

Xây dựng con người văn hóa để

- Cuộc sống nhiều áp lực, và những người thường xuyên căng thẳng, hay trầm cảm quá mức thường dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân... Văn hóa của một người thạc sĩ, tiến sĩ cũng chẳng thể cứu vãn được.

+ Ở đây ta nhìn thấy những khuôn mặt không được tinh nhanh, họ lờ đờ và thiếu sức sống. Họ mệt chăng? Thật ra, họ có nhiều đêm mất ngủ, sự căng thẳng hoặc áp lực cuộc sống kéo dài khiến cho họ quá mệt mỏi. Trạng thái đó lâu dần dẫn đến một ngày họ gặp phải sức khoẻ về tâm thần. Mà trong chính chúng ta đôi lúc mắc phải. Tỷ lệ bệnh tâm thần rất cao, không phải ai mắc bệnh tâm thần cũng mất trí đâu. Bệnh tâm thần mà gây mất trí chỉ chiếm số ít. Trong tài liệu khoa học thống kê hàng năm, bệnh tâm thần chiếm đến một tỷ lệ cao trong cộng đồng: bệnh có từ già đến trẻ, bất kể các ngành nghề nào, từ lao động chân tay đến giới trí thức, bệnh chuyển biến từ nhẹ đến nặng. Từ những bệnh tâm thần rất là rõ cho đến những bệnh tâm thần vẫn có khả năng sinh hoạt, làm việc được. Nhìn bề ngoài có vẻ bình thường nhưng không phải ai cũng có sức khoẻ giống nhau.

- Vậy thì rất nhiều người trong chúng ta có bệnh lý tâm thần, sự ghen tuông quá mức, sự ngột ngạt tù túng trong gia đình là một bạo lực tinh thần cho người chồng, người vợ đang ngày đêm phải chịu sự tra tấn, giày vò...

+ Mỗi người có trạng thái sức khoẻ tâm thần khác nhau, khi vượt qua ngưỡng bình thường là người ta có bệnh. Có một ca rất kì quặc, đó là có ông chồng ghen vợ. Sự ghen tuông đến mức bệnh hoạn mà người vợ cứ nghĩ chồng yêu mình, nhưng thực chất là do anh ta có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Lúc hai vợ chồng mới lấy nhau thì không có vấn đề gì. Khi vợ bước vào tuổi 40, còn chồng sang tuổi 45, dù đã lấy nhau được gần 20 năm, có với nhau hai mặt con nhưng chị thấy càng ngày chồng mình càng "cuốn" lấy vợ, nửa bước cũng không rời. Kì lạ nhất là mỗi lần anh ấy uống rượu là lại bảo chị đánh mắt đưa tình với những người đàn ông khác. Chị đang làm ở một công ty liên doanh với nước ngoài, có thu nhập ổn định, anh nhất quyết bắt vợ ở nhà. Chồng chị bảo: "Công sở là nơi dễ ngoại tình nhất. Vợ làm 8 tiếng ở cơ quan không biết sẽ xảy ra những chuyện gì. Vợ mình không thể là vợ thiên hạ". Tiếc chỗ làm thu nhập ổn định, chị không chịu nghỉ việc, hai vợ chồng cãi cọ giận dỗi suốt, cuộc sống gia đình như cực hình. Thấy vợ không nghe theo lời mình, chồng chị càng nghi ngờ vợ có bồ ở cùng công ty nên mới nhất quyết không chịu nghỉ việc.

Một ngày, anh ta lên công ty nơi vợ đang làm việc, xô cửa xông vào để bắt quả tang, thấy trong phòng làm việc của vợ có 5 người cả nam lẫn nữ. Vợ ngạc nhiên nhìn chồng, anh ta thấy vợ mình đứng gần người đồng nghiệp nam, chồng chị chạy ngay đến thụi cho anh kia mấy quả liên tiếp vào mặt. Mọi người phải chạy vào can ngăn, mới lôi được ông chồng có máu ghen quá mức ra. Chồng chị hổn hển nói: "Tao cảnh cáo mày không được lại gần cô ấy, tao cấm không cho mày liếc tình vợ tao". Người đồng nghiệp nam mặt mày thâm tím, vừa tức giận, vừa ngơ ngác vì bị oan thấu trời.

Những ngày sau đó, anh đưa chị đi làm, đến chiều là anh đã chờ sẵn ở cổng để đón chị về. Điện thoại của chị, anh cũng giữ. Bất kì một tin nhắn đến anh đều đọc trước. Chị nhận về những ánh mắt dò xét và chế giễu của đồng nghiệp. Cuộc sống bị tra tấn kìm kẹp, quá mệt mỏi nên chị xin nghỉ việc. Ở nhà, nghĩ phải nuôi hai con đang đi học nên chị làm thêm ở cửa hàng bán giày da của bà dì. Không ngờ chồng chị ngày nào cũng đến ngồi ở cửa hàng. Hễ cứ khách nam đến là anh chồng mặt mũi cau có đằng hắng. Có lần vì chỉ trót mời chào khách lâu mà chồng chị nổi điên liền liệng hai đôi giày ra ngoài đường và đuổi khách đi. Chưa hết, đêm đến chị đang ngủ thì bị lay dậy, nhìn đồng hồ mới hơn 3 giờ sáng. Mắt nhắm mắt mở chị chưa kịp nói gì thì đã bị chồng chị nghiến răng ken két bảo: "Sao sáng nay mặc áo hở ngực rộng thế, định chim chuột thằng nào...". Rồi có dạo, cứ tối đến là chồng chị bắt chị phải nói 1000 câu: "Vợ yêu chồng" rồi mới được đi ngủ. Nếu chị không thực hiện anh ta dọa sẽ phóng hỏa thiêu cả nhà. Chị sợ quá, nên đành phải nói, vừa nói chị vừa khóc.

Sự ghen tuông vô lí đến mức bệnh hoạn khiến cho chị lo lắng, lờ mờ cảm nhận được điều gì đó còn mơ hồ, chị đưa chồng đến bệnh viện khám. Bác sĩ kết luận chồng chị bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần, rối loạn hành vi, nhân cách, biểu hiện bằng sự ghen tuông cực kì bất thường. Tiếc rằng, sự ghen tuông vô lý, bệnh hoạn này thường thấy rất nhiều trong xã hội ngày nay. Chỉ khi nào chúng ta tìm được nguyên nhân gây bệnh thì mới mong chữa được bệnh tận gốc.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.