Xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp

Thứ Năm, 01/12/2022, 09:23

Một trong những cuộc hội thảo thu hút sự tham dự của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và văn nghệ sĩ... diễn ra vào ngày 29/11/2022, bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, là Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức.

Có thể nói, hội thảo này là một trong những cơ hội rất đặc biệt để chính chúng ta nhìn nhận lại ở nhiều khía cạnh của những vấn đề thuộc các hệ giá trị về quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam trong thời đại mới. Tuy nhiên, vấn đề tựu trung vẫn là các hệ giá trị thuộc về con người. Bởi, con người như thế nào thì sẽ từ đấy mà qui chiếu, nhận diện ra các giá trị về gia đình, văn hóa, hay quốc gia.

 Không có con người văn minh, tiên tiến, nhân ái… thì cũng không thể có một nền văn hóa vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, cũng không thể có một quốc gia vẫn giữ được hồn cốt tinh túy của cha ông mà vẫn song hành được với những chuẩn mực của thế giới văn minh hiện đại.

ảnh trang 2.jpg -0
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nền văn hóa của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở (Ảnh tư liệu)

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng và Bác Hồ kính yêu đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và con người. Các văn kiện của Đảng, đặc biệt là văn kiện Đại hội XIII đã đặt ra vấn đề xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi và cũng là khâu đột phá, tạo thành sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Ở thời điểm hiện nay, yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta là phải nghiên cứu sâu, xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong thời kỳ mới. Điều này được cụ thể là phải tiếp tục thống nhất cao trong hệ thống chính trị, trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và sứ mệnh văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp tục nhận thức, làm tỏa sáng hơn nữa quan điểm của Đảng, Bác Hồ là "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" và "văn hóa còn thì dân tộc còn", văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" khẳng định 5 quan điểm cơ bản, trong đó có việc "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Theo đó, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".

Đây cũng chính là điển hình hóa con người mới Việt Nam hiện nay mà mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ và tổ chức, đoàn thể hoặc nhóm xã hội... phải lưu tâm trong hướng hoạt động của mình vào việc tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng con người mới thời hiện đại.

Hệ giá trị quốc gia về văn hóa, gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, văn kiện Đại hội XIII của Đảng và điều đó được cụ thể hóa, khẳng định trong phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức ngày 24/11/2021.

 Trong bài phát biểu tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Nhiều người đang nhận xét con người Việt Nam bây giờ đã khác rất nhiều với những thời kỳ trước. Sức khỏe tốt hơn, tài giỏi hơn nhưng về nhiều giá trị, chẳng hạn như sự nhân ái, bao dung đang bị mai một dần nhìn từ hàng loạt những vụ việc đau lòng xảy ra trong xã hội. Điều đó có đúng hay không? Cũng có người nhận xét kinh tế đi lên nhưng đạo đức thì đi xuống, có phải vậy không? Những chuẩn mực về văn hóa có đang bị lệch chuẩn?...

Phân tích, đánh giá một cách khoa học các hệ giá trị, để từ đó đưa ra được những định hướng, hoạch định trong các chiến lược về con người, về văn hóa... là những vấn đề phải thường xuyên được quan tâm trong hành trình phát triển của mỗi quốc gia.

Lương Duy Cường
.
.