Xâm hại di tích: Cần xử lý mạnh tay

Thứ Năm, 31/03/2022, 15:28

Trong những ngày qua, liên tục nhiều vụ xâm hại di sản được phát hiện, khiến dư luận một lần nữa lại đặt ra những câu hỏi, đến bao giờ chúng ta mới biết trân quý những di sản mình đang có. Xâm hại di tích trở thành một vấn nạn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của pháp luật và sự chung tay bảo vệ của cộng đồng.

Hình ảnh Đình Chèm, ngôi đình 2000 năm tuổi, là di tích Quốc gia đặc biệt đang được chỉnh trang, làm mới và cây đa hàng trăm tuổi trước cửa đình bị đốn chặt khiến cộng đồng xót xa. Theo thông tin từ ban quản lý, đình đang được tu bổ với kinh phí 10 tỷ đồng, đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp nhận. Nhưng chỉnh trang, tu bổ thế nào để không làm mất đi vẻ đẹp cổ kính và những giá trị lịch sử mà ngôi đình này đang có là một vấn đề.

Mới đây nhất, đền An Liệt ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1995, qua thời gian, đền xuống cấp nên được nhân dân địa phương xã Thanh Hải đề xuất trùng tu lại di tích. Năm 2019, di tích được trùng tu, tuy nhiên phần cổng đền cổ kính có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và kiến trúc đã bị địa phương này phá bỏ hoàn toàn, sau đó cánh cổng sắt được dựng lên thay thế cho đến tận ngày nay.

Người dân xã Thanh Hải cho rằng, việc phá bỏ cổng không phải duy tu, bảo vệ một phần di tích khiến họ xót xa. Thế nhưng, sự việc xảy ra nhiều năm qua, xâm hại đến di tích vẫn không thấy cơ quan chức năng phản hồi hay ý kiến gì.

Trước đó, cũng tại Hải Dương, ngôi đình Tư Đông là ngôi đình từ thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) còn gần như nguyên bản, bỗng dưng một ngày đẹp trời, ngôi đình xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia này được sơn phết cả một mảng tường bên ngoài bằng một bích họa lớn, không ăn nhập gì với những nét cổ kính vốn tồn tại mấy trăm năm qua.

trang 7 - bức bích họa không ăn nhập gì với không gian cua ngôi đình cổ.jpg -0
Bức bích họa không ăn nhập gì với không gian của ngôi đình cổ.

Cũng trong thời gian này, dự án trùng tu tôn tạo đền Lê Văn Hưu ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng gây bức xúc dư luận. Ngôi đền này thờ nhà sử học Lê Văn Hưu đời Trần, tác giả bộ "Đại Việt sử ký". Điểm độc đáo ở đền thờ Lê Văn Hưu là giếng Ngọc - suốt hàng trăm năm nay luôn đầy nước dù trong vùng có hạn hán. Vậy mà giếng Ngọc bị phá bỏ, xây mới thành giếng nhỏ hơn trước nhiều. Ngay sau khi báo chí lên tiếng phản ảnh, đơn vị thi công đã dừng thi công, nhưng đáng tiếc thay, giếng Ngọc đã bị phá bỏ và vĩnh viễn chúng ta mất đi một giá trị văn hóa, lịch sử. Theo người dân, cách tu bổ, tôn tạo giếng Ngọc bằng việc phá bỏ cái cũ làm cái mới là không tôn trọng yếu tố lịch sử, di tích và tâm linh.

Cũng trong thời gian qua, báo chí tốn không ít giấy mực trước việc tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít, cụm tháp Chăm ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thay vì dùng phương pháp thủ công, sử dụng máy dầm đất cầm tay, nhà thầu lại sử dụng máy đào để đào một khối bê tông ở phía Đông và san gạt sân trước cũng như khuôn viên của tháp chính. Tháp Bánh Ít là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1982. Cách đây 3 năm, cũng tại di tích này và tháp Đôi, cơ quan quản lý di tích tỉnh Bình Định cũng khiến dư luận hết sức bức xúc khi họ cho thợ khoan thẳng lên tường tháp, mặt tháp, bắt vít các khung sắt để treo biển quảng cáo du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải ra văn bản yêu cầu bảo vệ di sản.

Điều đáng nói là những công trình này khi tôn tạo, tu bổ đều có sự đồng ý, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Như dự án vẽ bích họa ở Hải Dương được sự đồng ý của chính quyền địa phương, vụ phá giếng cổ ở Thanh Hóa do chính quyền sở tại là chủ đầu tư, còn dự án tháp đôi Bánh Ít được UBND phê duyệt với kinh phí đầu tư lớn. Các vụ việc đều do báo chí hoặc người dân phát hiện, còn phía chính quyền chỉ có những giải thích rất thiếu trách nhiệm như đây là sự việc ngoài mong muốn, còn nhiều thiếu sót khi chưa nhìn nhận được vấn đề. Hậu quả cuối cùng là di sản đã bị xâm hại, không bảo vệ được những giá trị lịch sử mà di sản có. Và cũng không ai chịu trách nhiệm hay bị xử phạt để răn đe.

Những gì đang diễn ra tại đình Tự Đồng, đình Lê Văn Hưu, tháp Bánh Ít lại một lần nữa cảnh báo về trình trạng xâm hại nghiêm trọng đối với các di tích lịch sử, văn hóa ở nước ta, một vấn đề không hề mới và có "thâm niên" nhiều năm nay. Lấy danh nghĩa "trùng tu, tôn tạo", song cách làm thực tế chẳng khác nào xâm hại di tích. Việc trùng tu, tôn tạo di tích cần được giữ gìn nguyên trạng các di tích, điều này trong Luật Di sản đã quy định rõ.

trang 7 - giếng ngoc trong đền thờ nhà sử học lê văn hưu bị phá làm mới.png -0
Giếng Ngọc trong đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu bị phá làm mới.

"Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích và một trong những yêu cầu nghiêm ngặt được quy định rõ trong luật là "Các tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề (đối với tổ chức) và chứng chỉ hành nghề (đối với cá nhân). Đã có không ít di tích lịch sử - văn hóa sau khi được trùng tu, bảo tồn lại chẳng khác gì "bị" làm mới, thậm chí làm cho biến dạng, khiến giới chuyên môn phải thốt lên: làm như thế là trùng tu hay xâm hại? Dư luận và các nhà khoa học từng bức xúc về việc ngôi chùa Trăm Gian, một di tích văn hóa cấp Quốc gia bị phá dỡ nhà Tổ và Gác Khánh để xây mới, (năm 2012). Rồi chuyện các pho tượng La Hán tại điện chùa Đậu sau trùng tu có tình trạng móng chân, móng tay đỏ chót và nước sơn bóng loáng... Rất nhiều vụ việc xâm hại di tích nghiêm trọng thế nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa có cơ chế quản lý và xử phạt một cách nghiêm minh.

Thời gian qua, việc giao di tích về địa phương đã thể hiện sự phân cấp quản lý khá sát sao. Nhưng nó cũng lộ ra những bất cập xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, buông lỏng quản lý, lơ là, thiếu trách nhiệm của chính các cấp quản lý ở địa phương. Trong Hội nghị về di sản vừa tổ chức gần đây, những vướng mắc, bất cập trong việc phân cấp quản lý ở địa phương cũng đã được đưa ra nhưng chưa có giải pháp.

Chính Cục Di sản khẳng định: "Nhiều nơi, những hiểu biết của cán bộ về di sản không có, nhiều tổ chức, cá nhân khi bị xử lý mới biết đến quy định". Tất nhiên, cũng không tránh khỏi cả việc cố tình lập dự án, làm mới di tích để trục lợi. Khi phát hiện ra thì mọi sự đã rồi, di tích dù làm thế nào cũng không trả lại được sự vẹn nguyên của nó. Đó là những vấn nạn đau lòng xảy ra nhiều năm nay nhưng hiện các cơ quan quản lý vẫn chưa tìm ra giải pháp. Di tích dần biến mất trong công cuộc mang danh "trùng tu" di sản.

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, di sản thuộc về tài sản của xã hội, của nhân dân, phải bảo vệ đúng Luật Di sản Văn hóa. Nhưng rõ ràng, các vụ việc liên tục xảy ra cho thấy sự phớt lờ luật, không hiểu gì về luật của những người làm công tác di sản. Sự thiếu hiểu biết về di sản cộng với sự thiếu trách nhiệm, làm theo phong trào đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, khiến di tích càng ngày càng bị bóp méo, đánh mất những giá trị của nó.

Giáo sư Nguyễn Văn Huy, cho rằng: "Chúng ta nên tập huấn, nâng cao tri thức, hiểu biết cho những người làm công tác di sản. Bảo tồn di sản là cả một nghề nghiệp, một quan điểm về mặt khoa học, không thể làm theo phong trào và tùy tiện được".

Hơn nữa, cần có những chế tài, quy định chặt chẽ hơn về việc bảo tồn, trùng tu di tích, không để di tích rơi vào tình trạng "sự đã rồi" mới đổ lỗi trách nhiệm. Hiện đã có những văn bản pháp luật như Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Tuy nhiên, việc xử phạt vẫn chưa đến nơi đến chốn, hiếm trường hợp bị xử lý hình sự hành vi xâm hại di tích, thế nên dù đây là một vấn đề nghiêm trọng liên tục xảy ra trong nhiều năm qua nhưng chưa có ai bị xử lý hoặc chỉ xử phạt hành chính. Có vẻ chúng ta đang coi nhẹ việc phá hỏng di tích. Đáng buồn hơn, vấn nạn này vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Vấn đề quan trọng là thực thi pháp luật cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm minh các hành vi hủy hoại, xâm hại di tích, di sản mới mong ngăn chặn được tình trạng xâm hại di tích.

V. Hà
.
.