Xác lập nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn
Thành phố ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) đang trong những ngày sôi động của một sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Đó là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, khai mạc đêm 21/11.
Cũng như mọi hoạt động kinh tế - xã hội khác phải trải qua những năm tháng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, và tiếp đó là suy thoái kinh tế, Điện ảnh Việt Nam vừa trải qua những ngày tháng chật vật, mà dễ thấy nhất là cảnh đìu hiu ở các rạp phim từ Bắc chí Nam.
Trước Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 1 năm 2023 cũng đã diễn ra từ ngày 27 đến 29/10, với 96 tác phẩm phim dự thi, gồm: 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình.
Những hoạt động thời sự như vậy chứng minh rằng Điện ảnh Việt Nam đang sống lại. Công chúng cũng chứng tỏ tình cảm của mình qua việc góp phần đưa lại doanh số có khi là con số trên trăm tỉ đồng cho những phim mới trình làng trong suốt 1 năm qua.
70 năm trước, vào ngày 15/3/1953, tại thôn Bản Bắc, xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức vào ngày 25/3/2023, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: “Kể từ dấu mốc lịch sử - ngày 15/3/1953 ấy, ngành Điện ảnh Việt Nam sinh ra từ Cách mạng, phụng sự lý tưởng của Đảng và gắn bó mật thiết với nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn trên thế giới, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vì lẽ sống cao đẹp của con người”.
Lịch sử điện ảnh Việt Nam luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong chiến tranh, nhiều nhà quay phim, biên kịch… đã bám sát chiến trường để điện ảnh có được hàng ngàn bộ phim thời sự, phóng sự và tài liệu có giá trị hiện thực sâu sắc về cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta, thức tỉnh nhân dân thế giới xuống đường ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ điện ảnh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, để lại hình ảnh sáng ngời về người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng.
Trong công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt là thời kỳ Đổi mới, Điện ảnh Việt Nam luôn bám sát thực tiễn, kịp thời phản ánh các hoạt động sôi động về kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều tác phẩm điện ảnh đã được sản xuất bằng nguồn lực xã hội hóa. Điều đó cho thấy Điện ảnh Việt Nam đang từng bước tiệm cận để hòa nhập vào đời sống của nền kinh tế thị trường.
Cách đây 10 năm, vào ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Một trong những mục tiêu thực hiện chiến lược này chính là phát triển điện ảnh theo hướng vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
Từ đó đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi rõ nét trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh; sản xuất phim; phát hành - phổ biến phim; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công nghệ; hợp tác quốc tế... Điểm dễ thấy nữa là ở các đô thị, hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn tăng trưởng mạnh mẽ; số lượng phim tăng về lượng và chất đa dạng hóa các thể loại, dòng phim...
Dù vậy, để điện ảnh Việt Nam phát triển thành một ngành công nghiệp thì còn cần phải hoàn thiện nhanh chóng về nhiều mặt, cả cơ chế, chính sách lẫn sự đầu tư và cách thức sản xuất, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng.
Nhưng ngay cả khi chưa đủ để trở thành một ngành công nghiệp thì điện ảnh Việt Nam vẫn phải luôn giữ gìn bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn. Vì đó là thông lệnh của thực tiễn đời sống, là mục tiêu mà Điện ảnh Việt Nam hướng tới để góp phần vào việc xây dựng các giá trị CHÂN – THIÊåN - MỸ, xây dựng đời sống văn hóa Việt Nam trong thời đại mới, mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra.