Xã hội hóa cần hiệu quả

Thứ Năm, 11/08/2022, 10:52

Khi đời sống xã hội đã trở lại bình thường sau thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều hoạt động văn hóa giải trí cũng hồi sinh trở lại. Các tụ điểm lại bắt đầu sáng đèn, đông khách; các sân khấu trở lại với sự tấp nập của nó. Trong xu hướng vận động chung ấy, các chương trình, chuỗi chương trình phục vụ công cộng cũng bắt đầu được tổ chức sản xuất đều đặn hơn, đặc biệt là ở những thành phố du lịch.

TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu cả nước về hoạt động văn hóa giải trí. Sau khi hoàn thành các hạng mục công trình ngầm ở khu vực trung tâm, các tuyến đường đẹp như Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã trở lại với vẻ lộng lẫy vốn có. Trong nỗ lực muốn xây dựng một hình ảnh thành phố sống động, trẻ trung nhằm thu hút khách du lịch, đồng thời nêu bật đặc trưng văn hóa, lịch sử của thành phố, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cũng quan tâm rất nhiều đến việc xây dựng những chuỗi chương trình nghệ thuật công cộng.

Hướng đi được lựa chọn là xã hội hóa, với mục tiêu không phải dùng đến ngân sách Nhà nước nhưng vẫn có được những nội dung cuốn hút. Đây là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, để xã hội hóa làm sao cho hiệu quả thì lại là chuyện khác. Việc đánh giá, thẩm định nội dung chương trình là tối quan trọng bởi một chương trình công cộng với khán giả mục tiêu là du khách sẽ khác hoàn toàn với một chương trình nhắm tới khán giả địa phương đại trà.

Trong tờ trình số 2010/TTr-SVHTT được soạn thảo hồi cuối tháng 5/2022 về một chuỗi chương trình nghệ thuật công cộng ở TP Hồ Chí Minh có tên “Thành phố tình yêu - Lively Sai Gon”, những người có năng lực và kinh nghiệm trong ngành giải trí đều giật mình khi nhận thấy nội dung thực sự không nêu bật được cái mong mỏi mà Sở Văn hóa- Thể thao đề ra là “tạo nên sự đa dạng, phong phú về hình thức biểu diễn”.

Thực tế, chuỗi chương trình ấy chỉ là 8 đêm diễn ca nhạc nhẹ đơn thuần, với chủ đề không xâu chuỗi, không xuyên suốt. Đó hoàn toàn là những chương trình diễn ra hàng tháng, rời rạc, với mỗi tháng là cái tên một ngôi sao nhạc nhẹ làm chủ đạo như Hồ Ngọc Hà, Vũ Cát Tường, Võ Hạ Trâm, Nguyên Hà… Rõ ràng, để tạo được cái gọi là nêu bật giá trị văn hóa và lịch sử của thành phố, những chương trình rời rạc này không đạt được hiệu quả. Và nếu nói việc xã hội hóa các chương trình văn hóa giải trí là một dạng “tài nguyên” thì tài nguyên này đã bị lãng phí một cách đáng tiếc.

Trao đổi với giới tổ chức chương trình ở TP Hồ Chí Minh, nhiều người có những ý tưởng rất đẹp cho các chương trình trình diễn công cộng. Tuy nhiên, điều ngăn trở họ chính là để được tham gia vào như một thành phần xã hội hóa lại không dễ chút nào.

Vẫn biết, chương trình diễn ra dù có dở đến mức nào đi chăng nữa thì Sở Văn hóa - Thể thao cũng không phải bỏ ra một đồng nào từ ngân sách để thực hiện. Song, nếu huy động xã hội hóa, hoàn toàn có thể tạo ra những chương trình có dấu ấn hơn, giàu ý nghĩa hơn, có sức sống bền bỉ hơn… Nếu quan tâm thực sự tới việc cần tạo dựng một chuỗi chương trình có các giá trị như trên cho thành phố, chắc chắn những người cầm cân nảy mực ở Sở Văn hóa - Thể thao cũng không thiếu cách thức, trình độ để thẩm định, lựa chọn, thậm chí đặt hàng để các đơn vị xã hội hóa thực hiện. Có chăng việc “làm cho có” nên vì thế sẵn sàng chấp nhận các nội dung còn non yếu một cách quá dễ dãi?

Xã hội hóa là tốt nhưng xã hội hóa thế nào cho thật tốt mới là bài toán khó. Không lẽ, một thành phố là cái nôi của thị trường văn hóa giải trí cả nước lại có thể dễ dãi với chính mình trong việc xây dựng các chương trình giải trí đến vậy?

Văn Đoàn
.
.