Vi phạm có hệ thống: Do đâu?
Tổng kết năm 2024 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã đưa ra những con số bất ngờ. Đầu tiên, con số 400 tỷ tiền tác quyền đã được VCPMC thu về và phân bổ cho các tác giả cho thấy mảng tác quyền là một thị trường nhỏ với nhiều tiềm năng trong tổng thể ngành công nghiệp âm nhạc hiện nay.
Nhưng, bên cạnh đó, có 2 con số cũng khiến không ít người phải giật mình. Đó chính là 2 chuỗi chương trình đình đám vi phạm quyền tác giả (nói nôm na là chưa chịu thanh toán tiền tác quyền theo luật định) kéo dài. Thứ nhất là chuỗi "Mây lang thang" với hơn 300 chương trình vi phạm, thứ hai là chuỗi "Lululola" với hơn 200 chương trình vi phạm.
Đây là 2 chuỗi chương trình có mô hình hoạt động khá tương đồng và nhận được nhiều ngợi khen trong nỗ lực chung vực dậy thị trường biểu diễn sau đại dịch COVID. Cách làm trẻ trung với nội dung đa dạng, khai thác tốt các sản phẩm gia tăng (sản phẩm số), quảng bá đúng xu hướng quan tâm... của nhà tổ chức khiến 2 chuỗi chương trình này trở thành thương hiệu chỉ sau một thời gian ngắn. Thậm chí, cách thức hoạt động của họ còn được xem như là một dạng kiểu mẫu của thị trường biểu diễn quy mô nhỏ ở thời hiện đại. Chính từ kiểu mẫu đó, nhiều chuỗi tương đồng cũng đã ra mắt khán giả và gặt hái được thành công đáng kể.
Tuy là quy mô nhỏ nhưng giá trị kinh tế của các chuỗi chương trình này không nhỏ chút nào. Có những chương trình, ban tổ chức sẵn sàng trả cho ngôi sao mức thù lao khủng, lên tới nửa tỷ đồng một đêm diễn. Các mức giá vé của những chương trình này cũng không rẻ, trong tương quan so sánh với lương của những người thuộc tầng lớp trung lưu. Vậy mà, không hiểu sao họ lại có thể bỏ qua trách nhiệm tác quyền và việc bỏ qua một cách kéo dài như vậy có thể được xem là dạng vi phạm có tính hệ thống chứ không phải do vô ý tức thời. Nguyên nhân của vi phạm mang tính hệ thống này là do chưa có một khung quy chuẩn cho việc cấp phép các chương trình quy mô nhỏ hoạt động theo kiểu sân khấu phòng trà.
Thực tế, theo quy định của pháp luật, nếu muốn xin cấp phép tổ chức một chương trình biểu diễn ca nhạc, đơn vị tổ chức bắt buộc phải gửi kèm nhạc mục và chứng từ hợp lệ cho thấy họ đã chu toàn mọi nghĩa vụ pháp lý về tác quyền, bản quyền. Chứng từ này thường là các hóa đơn nộp tiền theo nhạc mục được cung cấp bởi hoặc VCPMC, hoặc đơn vị trực tiếp, gián tiếp được ủy quyền khai thác quyền tác giả. Ngoài ra, các văn bản cho phép sử dụng miễn phí được xác nhận bởi chính tác giả cũng được xem là chứng từ hợp lệ trong trường hợp này. Tuy nhiên, thủ tục kể trên chỉ áp dụng được với các chương trình không định kỳ. Còn đối với các sân khấu ca nhạc, các tụ điểm, phòng trà, nơi mà các sự kiện biểu diễn diễn ra hằng tuần, thậm chí là hằng đêm với nhạc mục nhiều khi là ngẫu hứng, không được xác định cụ thể trước bởi nghệ sĩ trình diễn, cơ sở để nộp phí bản quyền trước cũng không chi tiết và bản thân các cơ quan cấp phép cũng không thể tiến hành cấp phép hằng ngày được. Kẽ hở này đã dẫn đến chuyện biểu diễn tùy tiện và vi phạm tác quyền. Chỉ khi các tác giả âm nhạc lên tiếng hoặc VCPMC thu thập được chứng cứ bằng video, việc khiếu nại mới có thể tiến hành.
Như vậy, để giải quyết vấn đề này, chỉ có cách các cơ quan cấp phép phải thắt chặt việc cấp phép cho các tụ điểm theo tháng hoặc quý. Ví dụ, với "Mây lang thang", đơn vị quản lý có thể tiến hành cấp phép cho hoạt động biểu diễn từng quý với điều kiện nhà tổ chức phải có khoản ký quỹ cam kết với VCPMC để đảm bảo tác quyền. Kết thúc quý, VCPMC và nhà tổ chức sẽ đối soát các tác phẩm thuộc diện thu phí, cấn trừ vào ký quỹ.
300 chương trình vi phạm của “Mây lang thang” và 200 chương trình vi phạm của “Lululola” là tồn đọng của quá khứ chưa có một quy chuẩn cấp phép. Nhưng, nếu hôm nay, quy chuẩn đó không được thiết lập, tồn đọng ở thì tương lai sẽ lớn hơn nhiều với số lượng đơn vị vi phạm cũng lớn hơn nhiều.