Vì một nền bóng đá sạch
Đang có sự kiện rúng động trong giới cầu thủ, mà không chỉ giới cầu thủ, rất nhiều vận động viên và người dân cũng quan tâm, là vụ 5 cầu thủ đội bóng đá Hà Tĩnh hầu tòa vì “mở tiệc ma túy trong khách sạn”. Điều tồi tệ là 5 cầu thủ này lại rủ thêm 5 cô gái tham gia, có một cô mới 17 tuổi. Và, trong số cầu thủ, người ít tuổi nhất là 21 tuổi.
Thực ra, tin đồn về các cầu thủ và một số vận động viên có lối sống lệch lạc không phải bây giờ mới có, mà trước đấy đã có nhiều gương tày liếp, từ chuyện cầu thủ nổi tiếng bán độ tới “nhún nhảy trong trạng thái vô thức trên xe”, nhưng ồn lên một dạo rồi rơi vào im lặng. Cầu thủ phải chịu trách nhiệm, tất nhiên rồi, họ đều đã đủ tuổi tự chịu trách nhiệm. Nhưng, phần nào đấy, những người quản lý họ, nuôi dạy họ cũng có phần trách nhiệm.
Chúng ta biết, cầu thủ Việt Nam đa phần có xuất phát điểm khó khăn, họ đi đá bóng như một cách để đổi đời, trước mắt là thoát nghèo, là có lương để sống. Và họ phải đi ở tập trung từ khá sớm. Ở nhà thì có ba mẹ, gia đình, vào tập thể thì có ban huấn luyện, các cô chú quản lý. Những người này phải là những tấm gương trong cho các cầu thủ noi theo. Nhưng rồi, những tỉ số trận đấu bất thường, những khoản tiền thưởng lớn, cả chính đáng và ngầm... đã khiến cầu thủ choáng ngợp. Thêm vào đấy là sự quản lý lỏng lẻo trong sinh hoạt, đã khiến một số cầu thủ lún vào cá độ, vào ma túy như vụ cầu thủ Hà Tĩnh đang đề cập.
Nhớ hồi nào đấy, giải bóng thiếu nhi, người ta đã mặc sức tung hoành... gian lận tuổi, mà vụ nổi tiếng nhất là cầu thủ Trần Thế Vọng của đội nhi đồng Gia Lai. Vọng nổi tiếng tới mức được đánh giá ngang với cầu thủ siêu sao Owen của nước Anh không chỉ bởi có khuôn mặt khá giống mà ở phong cách đá “thần sầu” của em. Năm ấy, đội bóng nhi đồng Gia Lai đoạt giải nhì toàn quốc. Nhưng, sau đấy thì Vọng... vắng bóng.
Báo chí vào cuộc thì mới phát hiện, để khỏi bị lộ, người ta đã đẩy em ra khỏi đội bóng và em trở lại tên thật của mình là... Trần Minh Thành. Té ra, người mang tên Trần Thế Vọng để tham gia giải bóng đá nhi đồng toàn quốc là Trần Minh Thành sinh năm 1985, tức quá tuổi nhi đồng khá nhiều, nhưng vì em đá bóng quá hay, và cũng vì rất nhỏ con nên được mang tên một cháu có thật tên là Trần Thế Vọng, ở một làng vùng sâu vùng xa, vừa tuổi để đá bóng. Sau này, Trần Minh Thành bị tai nạn giao thông và mất khá đau đớn. Nếu không bị gian lận, biết đâu cháu cũng sẽ là một cầu thủ giỏi cỡ Văn Quyến, Công Phượng, Công Vinh... sau này.
Tìm kiếm trên mạng câu lệnh “cầu thủ gian lận tuổi”, ta có hàng ngàn kết quả ngay lập tức. Và, ta bàng hoàng, sao lại có thể có những việc làm xấu hổ đến nhục nhã như thế ở một nơi được cho là sân chơi cao thượng, trong sáng và đẹp đẽ. Và, những việc ấy toàn là từ, là do người lớn. Trần Thế Vọng khi bị tráo đổi, cháu cũng biết, được đá là sướng, mang “vinh quang” cho tỉnh là tự hào, được tung hô là vui, chưa kể có tiền cho mẹ nữa. Tới khi bị đẩy ra ngoài đời, không được đá bóng vô tư như khi mang tên giả nữa vì sợ bị lộ, bạn cùng đội tiếp tục được chơi bóng và lên tuyển, cậu bé Trần Minh Thành mới xấu hổ và ê chề. Rồi, cậu sa vào tệ nạn, hút thuốc, uống rượu, lăn lóc ở bến xe... Thì rõ ràng nó là do người lớn rồi, không những không thể vô can, mà ở đây người lớn đích thị là chủ mưu.
Cũng đang có một sự kiện tại giải Karate năng khiếu trẻ TP Hồ Chí Minh 2024. Một ông bố có đơn tố ban tổ chức và trưởng đoàn dàn xếp huy chương. Ông bố tố cáo trưởng đoàn của con ông nói cháu nhường huy chương cho đối thủ. Khi cháu và phụ huynh không chịu thì trọng tài... chịu. Kèm theo đơn, ông gửi clip cuộc thi đấu và trọng tài chấm điểm ra sao. Được biết, Liên đoàn Karate TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ xác minh độc lập, giám định nội dung này.
Những vụ việc điểm trên cho thấy, trong một số giải thể thao, người lớn tự “phơi trần” mình ra trước con mắt và tâm hồn ngây thơ trong sáng của trẻ em. Theo nội dung đơn của ông bố vận động viên Karate kia (con gái anh sinh năm 2013, tức 11 tuổi) thì trưởng đoàn của con gái anh (quận Tân Bình) nói quận Bình Thạnh ít huy chương nên họ... “xin một cái”. Và rồi đã xảy ra chuyện cháu bé thua và ông bố kiện. Mới nhất nữa là vụ huấn luyện viên các đội bóng đá trẻ Khánh Hòa bị thanh tra việc ăn chặn tiền ăn và tiền công của vận động viên. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra.
Trong khi đó, ở Olympic Paris vừa rồi, thể thao Việt Nam đã trắng tay. Với cái nền thể thao cơ sở, câu lạc bộ, vẫn xảy ra những câu chuyện thế này, việc “hội nhập” thể thao đỉnh cao thế giới quả là còn rất gian nan. Và, té ra, trong những trường hợp cụ thể, người ta đi đấu thể thao không phải vì sự trung thực, trong sáng, công bằng nữa mà vì những thứ khác ngoài thể thao. Tất nhiên là nó rất xấu, là tấm gương rất mờ cho các vận động viên.
Vì thế, việc các vận động viên hư hỏng, không chỉ lỗi ở mình họ, mà có phần quan trọng của người lớn, người quản lý, dạy dỗ, giáo dục vận động viên, cầu thủ...