Văn minh đô thị và cá tính phương Nam

Thứ Năm, 28/04/2022, 10:44

Thực sự, với thử thách COVID-19, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh càng chứng minh được bản lĩnh một đô thị lớn, một đô thị trung tâm với những đặc trưng riêng biệt về văn hóa. Và không ai phủ nhận, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có vẻ đẹp cá tính phương Nam. 

Trong đại dịch toàn cầu, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có nhiều tháng là tâm điểm chú ý của cả nước. Người Việt Nam hướng về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh với tất cả sự chia sẻ và thương yêu. Và không phụ lại sự chờ đợi và hy vọng, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh đã thích ứng bình thường mới bằng sự phục hồi nhanh chóng trên mọi lĩnh vực.

Thực sự, với thử thách COVID-19, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh càng chứng minh được bản lĩnh một đô thị lớn, một đô thị trung tâm với những đặc trưng riêng biệt về văn hóa. Và không ai phủ nhận, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh có vẻ đẹp cá tính phương Nam. 

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) dành cả cuộc đời để nghiên cứu về miền Nam, đã có những đúc kết khá thú vị: "Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là địa đàng… Xưa kia, người Khơ me bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, không xông xáo "phá sơn lâm, đâm Hà bá" như dân Việt. Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng… Vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định ngày nay, công ơn của tổ tiên thật là to lớn".

mot di tich lich su sai gon.jpg -0
Một góc bến Bình Đông, quận 8, TP Hồ Chí Minh.

Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh là mảnh đất hội tụ. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh dung nạp tất thảy mọi khác biệt. Vì sao dám khẳng định như vậy? Có hai lý do rất dễ phát hiện. Thứ nhất, đặc sản của địa phương nào cũng có thể tìm thấy ở Sài Gòn. Thứ hai, người tỉnh nào cũng có hội đồng hương ở Sài Gòn. Do đó, nói đến phong cách Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là nói đến những con người năng động, hiếu khách và nghĩa tình. Để có Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh hôm nay, không thể không nhắc đến người có công xác lập đất Gia Định là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700).

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đánh giá: "Ông thuộc lớp khai cơ - theo nghĩa người đầu tiên bố trí hệ thống quản lý Nhà nước trên miền đất mới. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc làm này nằm ở chỗ dân lưu tán được thừa nhận là công dân của Việt Nam, ruộng đất khai phá được vào sổ bộ chính thức, làng mạc được bảo vệ như mọi làng mạc của lãnh thổ Việt Nam. Sự xác lập cương vực quốc gia đã tránh ít nhất về mặt pháp lý những mối đe doạ an toàn từ bên kia biên giới. Cho nên dân khai hoang xem ông như người đại diện của Tổ quốc. Ông thoả mãn cả yêu cầu quyền lợi, lẫn tình cảm của dân lưu tán. Có thể nói, ý thức quốc gia, dân tộc của dân lưu tán đã tôn vinh Nguyễn Hữu Cảnh".

Những người đã từng sống ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh một thời gian đủ lâu, đều cảm nhận được họ bị "Sài Gòn hóa" từ từ qua các dấu hiệu như không còn tính cục bộ, biết chấp nhận người không giống mình và thích giúp đỡ người bất hạnh hơn. Đó là thứ phẩm chất được tích lũy qua nhiều đời của những số phận tha hương. Lịch sử "Nam tiến" của người Việt đã tạo nên hồn vía Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể hơn, Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh đã tương tác và cộng hưởng tinh thần tích cực của người tứ xứ mà làm nên giá trị người phương Nam. Có nhiều tổng kết về lối sống của người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, nhưng cái câu nôm na mà có vẻ chí lý nhất là "làm thì làm chết thôi, chơi thì chơi xả láng".

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng: "Sài Gòn đã có lịch sử hơn 300 năm, với đặc điểm là sự di dân từ Bắc vào đó, kết hợp với văn hóa di dân người Hoa, sự chồng lên của chính trị và văn hóa Thực dân Pháp đã sinh Sài Gòn hiện đại. Văn hóa Mỹ cũng có chút ảnh hưởng, nhưng lại theo lối võ biền, nên cũng chưa sâu sắc, nhưng tính kỹ thuật và giản đơn, thực tế của người Mỹ, cũng đã làm hành chính và lối sống Nam bộ có quy củ.

untitled-5.jpg -0
Một di tích lịch sử khu vực Chợ Lớn.

Ngược dòng thời gian, có thể thấy tính cách người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh và người Nam bộ đã được thể hiện rất rõ trong ca dao. Đó là tính cách rộng rãi với thân hữu "Bắt con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa". Đó là tính cách lấy lòng thành hồi đáp lòng thành "Tiền tài như phấn thổ/ Nhân nghĩa tựa thiên kim/ Bởi đứt dây nên gỗ mới chìm/ Tại ai ở bạc nên mới tìm nơi xa".

Là người viết cuốn sách "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hoài Đức (1765-1825) nhận xét: "Ở Gia Định có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều khoan nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo. Nhân dân ở đây khinh rẻ tiền của, nhưng rất mộ công lý".

Theo năm tháng, tính cách người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh được soi rọi ở nhiều góc độ khác nhau. Nhà thơ Á Nam - Trần Tuấn Khải (1895-1983) là người Nam Định khi di cư vào Nam từng tha thiết: "Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương", có một hồi ức khá thú vị: "Một chiều thứ bảy, tôi được thấy cảnh thầy thông, thầy phán, anh em thợ máy, anh em phu xe ngồi quây quần trong các quán ăn ở trong chợ Bến Thành cùng nhau bàn chuyện phiếm, chuyện đời hay chuyện thời sự một cách tự nhiên, thẳng thắn. Bầu không khí cởi mở giữa những hạng người khác nhau ấy làm tôi càng thích lối sống trong Nam". Còn nhà thơ Bùi Chí Vinh sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn lại khẳng khái: "Người Sài Gòn thấy việc nghĩa không làm là không phải người trí dũng, thấy người lâm nguy không cứu là không phải anh hùng. Người Sài Gòn rất hào sảng, thẳng như ruột ngựa".

Cùng với sự thẳng thắn và sự bộc trực, người Sài Gòn lại rất nhạy bén về sự thay đổi. "Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu". Nhờ sự năng động, người Sài Gòn dễ tiếp nhận cái mới từ ẩm thực cho đến trang phục. Do đó, tính sáng tạo cũng được người Sài Gòn đề cao. Tác giả Phạm Công Luận mấy năm gần đây liên tục xuất bản các cuốn sách viết về Sài Gòn có tên gọi "Chuyện đời của phố" chia sẻ: "Tôi cho rằng môi trường, địa thế, lịch sử có tác động đến việc hình thành những nét tính cách chung của một đô thị. Chẳng hạn, với Sài Gòn, theo tôi đó là kiểu tính cách của người sống ở đô thị với nhiều cuộc giao dịch, tiếp xúc đa dạng, trong không gian làm ăn rộng lớn và sôi nổi, trong nếp sống cởi mở của thành phố cảng và đa văn hóa từ khi hình thành, là thành phố có tuổi đời không dài trên vùng đất mới, không bị vướng những quy tắc xưa cũ".

Vẻ đẹp Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là phép cộng của văn minh đô thị và cá tính phương Nam. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Văn Chung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo thuộc Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, văn hóa Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh luôn đầy bản lĩnh để tiếp thu chọn lọc những giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời giải mã thành công những thách thức về văn hoá, lối sống. Trên cơ sở xem xét sự chuyển động, tiếp biến, dung hợp và tích tụ từ truyền thống đến hiện đại của toàn bộ nền văn hoá Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, có thể rút ra ba đặc trưng quan trọng. Thứ nhất là "tính chất văn hóa toàn cầu". Thứ hai là "tính cởi mở, khoan dung, năng động và không kỳ thị văn hóa". Thứ ba là "bản lĩnh cao, nội lực mạnh mẽ".

Nhờ bản lĩnh cao mà văn hóa Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh có thể tự tin rộng mở, tiếp thu mọi luồng văn hóa, tôn giáo ở khắp mọi nơi mà không sợ bị vong bản hoặc mai một, chủ động, sáng tạo trước mọi thách thức, mọi va chạm về văn hóa, tôn giáo cũng như dám thay đổi, làm mới bản thân trước các cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa. Bản lĩnh, nội lực văn hóa ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh đã được thử thách, tôi luyện trong lịch sử các cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa. Bản lĩnh, nội lực còn có khả năng tỏa sáng và lan rộng khắp nơi, vì vậy, các trào lưu văn hóa mới có thể du nhập hoặc xuất hiện ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh dễ dàng song chúng sẽ phải chịu sự nhào nặn của văn hóa bản địa ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.

Tuy Hòa
.
.