Văn mẫu - Không chỉ là chuyện riêng của giáo dục
Chưa bao giờ chúng ta mong đợi ngày 5/9 đến thế, bởi đó là ngày khai trường sau một kì nghỉ hè “kỉ lục”. Đó cũng là ngày trở lại không gian giáo dục sau nhiều tháng thầy và trò học online, phụ huynh thành “trợ giảng” và bài học ấn tượng hằng ngày của các em chính là sự đồng lòng chống dịch của toàn xã hội.
Ngày khai trường trong hoàn cảnh đặc biệt này khiến người viết chợt nhớ đến thế hệ học trò thời chiến đội mũ rơm, đi dưới giao thông hào đến lớp, đến thế hệ học trò sau chiến tranh đầy gian khó đạp những chiếc xe cà tàng hay đi bộ đến trường với bụng đói, trong chiếc cặp đơn sơ thiếu sách giáo khoa, thiếu bút, thiếu vở nhưng tâm hồn ắp đầy những khát vọng học tập và kiến thiết đất nước. Chúng ta từng học cho những khát vọng vượt qua thực tại bằng chính nghị lực và sáng tạo của mình. Và, đó còn là một thời học không cần… văn mẫu.
Ít ngày trước, sau khi Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng tải quan điểm của mình trên trang Facebook cá nhân với chia sẻ: “Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong các việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò”.
Sau đó, trên báo chí đã xuất hiện các ý kiến phân tích, chia sẻ, thể hiện sự đồng thuận với vị “tư lệnh” ngành Giáo dục. Nhà giáo Minh Tuấn viết: “Muốn “chấm dứt” nạn văn mẫu, hãy chấm dứt việc coi một quan điểm nào đó là chân lý tuyệt đối. Sai lầm là một trong những “quyền” của con người, và sự trưởng thành chính là một quá trình “thử và sai” liên tục không dừng nghỉ. Chúng ta phải chấp nhận cả những cái nhìn phiến diện, những nhận định non nớt của học trò đúng với lứa tuổi của các em; để từ đó, tham gia vào hành trình trưởng thành của người học”.
Trong một bài viết đăng trên Báo Dân trí điện tử có nhan đề: “"Chiếc vòng kim cô" mang tên Văn mẫu”, TS. Trịnh Thu Tuyết (Nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) chia sẻ: “Tâm lí thông thường của hội chứng đám đông khiến con người thường mong tìm thấy sự an toàn trong đồng phục, thích bắt chước đám đông, thích làm theo khuôn mẫu hơn là sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân, thể hiện cái tôi cá nhân, bản ngã cá nhân. Ngoài ra, nguyên nhân khá quan trọng đưa tới hiện trạng khuôn mẫu trong nhà trường hiện nay chính là tâm lí vị thành tích, lười biếng tư duy, sợ đổi mới, sợ khác biệt…”.
Đằng sau những chia sẻ ấy đâu chỉ là vấn đề của một cuốn sách tham khảo, là cách dạy, cách học của riêng môn Ngữ văn mà còn là sự lên tiếng về triết lý giáo dục. Nhưng, liệu văn mẫu có phải chỉ là câu chuyện riêng của thầy và trò? Giáo dục không phải là một quy trình sản xuất khép kín mà là một sự phối hợp chặt chẽ. Việc phối hợp giáo dục cần tới ba môi trường: Gia đình - nhà trường - xã hội, mỗi môi trường lại đang tồn tại một quan niệm khác nhau.
Tôi từng nói chuyện với một người cha có ba cậu con trai làm công nhân kĩ thuật cao, có thu nhập ổn định và cuộc gia đình hạnh phúc. Những tưởng ông sẽ rất vui vì “tam nam” mà không “bất phú” nhưng ông lại trăn trở: “Tôi vẫn thích hai thằng con tôi đi dạy học như cái bằng của nó vì trên đời chỉ có nghề giáo, nghề y được thiên hạ gọi là thầy”.
Ở một khía cạnh khác, trong 7 sai lầm phổ biến trong quan niệm của nhiều người về hệ thống giáo dục mà ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra có những điểm đáng lưu ý như: “Thành công trong giáo dục không còn nằm ở chỗ đầu tư bao nhiêu tiền, mà là đầu tư như thế nào cho đúng”; “Quan trọng không phải là dạy nhiều, học nhiều mà là học sâu và hiểu kỹ”; “Thành công đi liền với tài năng... ai cũng có thể học tốt miễn là cố gắng”…
Thứ “văn mẫu” chắc nịch trong quan niệm của gia đình và xã hội vừa kể trên tưởng như luôn đúng nhưng lại làm mất đi một thứ quý giá nhất của con em mình đó là sự tự chủ. Sự tự chủ từ ngòi bút, từ câu văn đến cách lập ngôn, đến sự lựa chọn cách sống và hướng nghiệp.
Trong tọa đàm “Hướng nghiệp cho con trong thế giới biến động: Kế nghiệp hay lập nghiệp”, bà Đỗ Thùy Dương (CEO Công ty Hội tụ Nhân tài Talentpool) chia sẻ: “Nếu tôi thất bại trong nghề mình thích và lựa chọn, ít nhất tôi cũng thích vì sự lựa chọn của mình. Còn nếu tôi thỏa hiệp do tính toán hoặc do ai đó ảnh hưởng đến và sau đó lại thất bại thì đó chính là “double fail” – 2 lần thất bại. Thà đi theo tiếng gọi của trái tim hoặc bản thân và thất bại, việc trả giá cho lựa chọn của mình rất dễ. Nhưng khi anh phải trả giá cho sự lựa chọn của người khác lại khó hơn, liệu bố mẹ có dám chịu trách nhiệm với con hết cuộc đời, bên con mọi lúc khi con thất bại?”.
Sau những góc nhìn tham chiếu ấy, chúng ta có thể nhận ra điều gì?
1. Giáo dục không trùng khít với một khoá học, một tấm bằng mà là quá trình liên tục vươn lên để nhận thức bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào. Khái niệm “học tập suốt đời” đâu phải chỉ là việc mỗi ngày bạn đọc mấy trang sách, học thêm một tấm bằng, một chứng chỉ mà là sự nhận thức những gì khoa học, tiến bộ của thời đại. Hay nói cách khác, việc bạn nhận thức về xã hội, về con em mình thay vì chỉ nghĩ một chiều là nhận xét, là định hướng cho con cái theo ý chủ quan của mình chính mới sự học như thế.
2. Tư duy “văn mẫu” không chỉ triệt tiêu con đường sáng tạo từ “thử và sai” của học trò được các nhà giáo đã nêu ở trên mà còn khiến phụ huynh, khiến xã hội sa lầy vào những công thức giáo dục con trẻ, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực cho xã hội. Hằng năm, vào mỗi kì thi tuyển sinh vào lớp 10 hay tốt nghiệp THPT, chúng ta coi những dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook, những lời than thở của các thí sinh, phụ huynh chính là “hàn thử biểu” của tâm lý xã hội, là một kênh để tham khảo cho xu thế phát triển của xã hội, để thấy xã hội đang kì vọng vào điều gì, đòi hỏi gì ở giáo dục? Đáng tiếc là điều đó chỉ nói lên xu thế đi tắt, đón đầu theo trào lưu hiện tại, thay vì sự phân tích xu thế phát triển.
3. Khát vọng thay đổi giáo dục của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một PGS.TS văn học như một tín hiệu mới mẻ, như một nguồn cảm hứng lan toả. Lâu nay, chuyện “văn mẫu” chỉ của riêng môn Ngữ văn, của riêng những người dạy và học; người thi và người chấm thi, còn giờ đây nó đang dấy lên một sự phản biện mạnh mẽ: Cần thay đổi khuôn mẫu, sai lầm, kém hiệu quả đến từ những căn bệnh thành tích, những tiêu chí đánh giá lỗi thời…
Người viết còn nhớ ngày 9/4/2021, trong tâm thư gửi các thầy cô giáo với nhan đề “Ngành và nghề của chúng ta”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng viết: “Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng. Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta. Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục dần nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến...”. Niềm tin ở chính mình mà ông nhắc đến cũng chính là giải pháp, là động lực để dũng cảm từ bỏ muôn vàn thứ “văn mẫu” thâm căn cố đế trong nhận thức của mỗi người.