Vận hội mới cho vùng đất Chín Rồng cất cánh

Thứ Bảy, 01/07/2023, 09:59

Với việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 vào sáng 25/6, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBBSCL) - vùng đất Chín Rồng lại có thêm vận hội mới để cất cánh.

Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là tuyến trục ngang thứ 2 của vùng ĐBSCL, có tổng chiều dài 27,4 km; tổng mức đầu tư 5.800 tỉ đồng; dự kiến đến hết năm 2027 sẽ hoàn thành, kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo trục dọc, gồm: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau. Ở phía Tây, dự án nối vào cao tốc Bắc - Nam đang hình thành. Cho nên, công trình có tầm quan trọng đặc biệt nhằm kết nối mạng lưới cao tốc vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đến các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL.

thủ tướng phạm minh chính phát lệnh khởi công dự án tuyến đường bộ cao tốc sóc trăng-cần thơ-châu đốc giai đoạn 1. (ảnh- dương giang_ttxvn) .jpg -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc giai đoạn 1. Ảnh - Dương Giang - TTXVN

Khó nói hết niềm vui của người dân ĐBSCL khi chỉ trong vòng 10 ngày kể từ trung tuần tháng 6, hai tuyến cao tốc trục ngang của vùng ĐBSCL được Thủ tướng phát lệnh khởi công.

Còn nhớ, tại hội thảo với chủ đề "Xóa trắng cao tốc - Phát huy lợi thế ĐBSCL" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 31/5/2022, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ thẳng ra ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, dân số chiếm khoảng 19 triệu người, là vùng đất trù phú nhưng đến nay vẫn là vùng trũng của cả nước, mà một trong những nguyên nhân là do thiếu hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là ông Nguyễn Duy Lâm cũng nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL vẫn chưa cao, đời sống người dân còn khó khăn, tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ còn hạn chế, mà một trong những lý do quan trọng dẫn tới tình trạng trên là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, đặc biệt hệ thống đường bộ cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.

Thời điểm đó, toàn vùng ĐBSCL mới hoàn thành khoảng 91km đường bộ cao tốc (đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239km của cả nước, chiếm 7%.

Niềm vui của người dân ĐBSCL nay còn được tiếp nối khi tư lệnh của ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thông là Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã xắn tay đốc thúc việc lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đề án này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, và thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Ở ĐBSCL từng có một dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) thực hiện từ năm 2015 đến 2022, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Các hộ nông dân tham gia dự án này được đào tạo kỹ thuật và kết quả là lợi nhuận ròng tăng 30% so với canh tác truyền thống, chi phí lúa giống giảm 30-40%, chi phí phân bón giảm bình quân 35%, chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật giảm 48% và giảm lượng nước tưới sử dụng cho sản xuất lúa. Chưa kể ước tính dự án còn giúp giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2/năm.

Theo tính toán, nếu kết quả này được nhân rộng trên những diện tích sản xuất lúa gạo chủ lực ở ĐBSCL (triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCLvới tổng diện tích khoảng 1 triệu hecta chuyên canh lúa đến năm 2030, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long) thì chuyện nông dân đạt lợi nhuận trên 40% tổng doanh thu là hoàn toàn có thật.

Vấn đề không phải quá khó khi thực tiễn Dự án VnSAT cho thấy suất đầu tư trung bình cho mỗi hecta là 800 USD. Vậy thì với 1 triệu hecta sẽ cần khoảng 800 triệu USD (tương đương khoảng 19.000 tỉ đồng). Dự kiến, nguồn vốn ODA hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế chiếm khoảng 60%, nguồn vốn đầu tư đóng góp của doanh nghiệp và nông dân khoảng 20% và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 20%. Bài toán đã có lời giải.

Chuyện về cao tốc hay lúa gạo như đã nêu, là những chuyện thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bộ ngành chức năng đối với ĐBSCL. ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa sản xuất luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Và bây giờ, những vận hội mới sẽ tiếp thêm nguồn lực giúp vùng đất Chín Rồng tung cánh.

Lương Duy Cường
.
.