Văn học, nghệ thuật kết nối từ trái tim đến trái tim

Thứ Bảy, 17/05/2025, 11:00

Khi tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, văn học nghệ thuật 50 năm qua vẫn là tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng của quân và dân ta.

Sau 2 chương trình thảo luận: "Tiếng nói đằng sau tác giả: Văn chương và dòng chảy văn hóa" và "Văn chương di dân: Khám phá những lịch sử ẩn giấu", tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 5 thu hút đông đảo khán giả, Những ngày văn học châu Âu năm 2025 đã tiếp tục diễn ra ở TP Huế và vừa kết thúc tại Hà Nội, với các chương trình nổi bật như: "Cội nguồn cảm hứng: Văn hóa, trải nghiệm và con chữ", "Graphic Noel: Truyện tranh hay tranh truyện?"...

Những ngày văn học châu Âu năm 2025, được Viện Văn hóa Đức (Goethe-Institut), Pháp (Institut francais), Anh (British Council) cùng Đại sứ quán Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech và Ý thực hiện, với lựa chọn giới thiệu các nhà văn gốc Việt, thực sự ghi dấu ấn đặc biệt trong đời sống văn học nước nhà, đúng dịp cả nước có nhiều hoạt động chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), là dịp mà thuật ngữ HÒA HỢP được nhắc đến rất nhiều trên các diễn đàn.

quang-canh-50-nam.jpg -0
Hội thảo khoa học quốc tế "Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển" do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 28/4/2025.

Theo đại diện ban tổ chức Những ngày văn học châu Âu năm 2025, văn chương của những nhà văn châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn châu Âu. Họ góp phần làm nên một nền văn chương châu Âu đa dạng và đa thanh bằng những tự sự mới và góc nhìn mới. Họ tham gia ngày càng sâu hơn, tích cực hơn vào nền văn chương các nước châu Âu và khẳng định được vị trí của mình bằng nhiều giải thưởng.

Nhiều dẫn chứng cụ thể cho điều này, như tác phẩm của nữ nhà văn Linda Lê được yêu thích bởi đông đảo độc giả Pháp. Năm 2012, cuốn tiểu thuyết "Lame de fond" (Sóng ngầm) của bà là một trong 4 tác phẩm lọt vào vòng chung kết giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương số 1 tại Pháp. Hay, như Anna Mọi, năm 2018 được Chính phủ Pháp phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ về văn chương và nghệ thuật vì những đóng góp cho giao lưu văn hóa Pháp - Việt...

Tại hội thảo khoa học quốc tế "Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển", do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 28/4, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định nền văn học, nghệ thuật Việt Nam ngày nay có một bộ phận quan trọng. Đó là hoạt động văn học, nghệ thuật phong phú và đặc sắc của kiều bào ta ở nước ngoài. Đây là "cửa sổ văn hóa", mở ra cho thế giới cái nhìn về bản sắc, tâm hồn, trí tuệ và khát vọng của dân tộc Việt Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giai đoạn đầu sau những đợt di cư lớn, những văn nghệ sĩ thế hệ đầu tiên thường trĩu nặng nỗi nhớ quê hương, cảm giác mất mát, lạc lõng giữa xã hội mới. Các tác phẩm chất chứa nỗi bi thương cá nhân, hóa thành biểu tượng cho một cộng đồng ly tán. Theo thời gian, tâm trạng này đã chuyển biến mạnh mẽ.

Thế hệ các văn nghệ sĩ thứ hai, thứ ba - những người sinh ra hoặc lớn lên trong môi trường đa văn hóa - đã mang đến một cảm xúc và nguồn năng lượng sáng tác mới, khát khao kết nối với quê hương, chủ động tìm kiếm bản sắc dân tộc. Nhiều văn nghệ sĩ chủ động gác lại nỗi ám ảnh quá khứ để hướng về tương lai, nhấn mạnh khát vọng hòa giải dân tộc, hàn gắn những vết thương lịch sử. Nhiều tác phẩm mới ra đời, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, kể những câu chuyện "vượt lên, chữa lành" và hy vọng; tìm kiếm những giá trị chung của con người, về tình yêu, hòa bình.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Cần khẳng định các văn nghệ sĩ, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp không nhỏ cho nền văn nghệ nước nhà thống nhất trong đa dạng"; đồng thời, khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam coi văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tất cả vì mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với mục tiêu đó, "văn học, nghệ thuật cần trở thành biểu tượng cho sự kết nối từ trái tim đến trái tim của hàng triệu người Việt trong nước và trên khắp năm châu".

Khi tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, văn học nghệ thuật 50 năm qua vẫn là tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng của quân và dân ta, "đồng thời, nó cũng là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn và xoa dịu những đau thương, mất mát trong chiến tranh; tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc".

Trong bài viết mới đây, tựa đề "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chúng ta tin tưởng rằng, mọi người con đất Việt - dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào - đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Đảng và Nhà nước luôn nhất quán mở rộng vòng tay, trân trọng mọi đóng góp, lắng nghe mọi tiếng nói xây dựng, đoàn kết từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài - những người đang góp phần kết nối Việt Nam với thế giới".

Lương Duy Cường
.
.