Văn học mạng - "vàng thau lẫn lộn"

Chủ Nhật, 16/07/2023, 09:52

Văn học mạng đang ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến với độc giả. Tuy nhiên, đi liền với sự phổ biến dễ dàng, thuận tiện thì nhiều tác phẩm kém chất lượng, thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người trẻ lại xuất hiện như "nấm sau mưa". Hơn bao giờ hết, cần những biện pháp hữu hiệu để có thể sàng lọc được những sản phẩm văn học "rác" trước khi đến với độc giả.

Nhiều sản phẩm "rác" văn học

Xuất hiện cách đây khoảng 20 năm, cùng với phổ biến của mạng Internet, văn học mạng ngày càng quen thuộc với độc giả. Thay vì đến hiệu sách mua tác phẩm yêu thích theo cách thông thường, ngày nay, độc giả ngồi một chỗ vẫn có thể đọc thông qua các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính.

Dù có nhiều nghiên cứu khác nhau, tuy nhiên, quan niệm cho rằng, văn học mạng Việt Nam được hình thành bởi 2 phương pháp chính vẫn nhận được sự nhất trí của số đông. Phương pháp thứ nhất là một số nhà văn, tác giả tên tuổi đã có nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến, cùng với việc in ra bản giấy thông thường, họ sử dụng Internet như một công cụ để đa dạng hóa hình thức truyền tải, mở rộng đối tượng độc giả. Phương pháp thứ 2 là hình thành bởi những cây viết "công nghệ số". Họ coi môi trường mạng là phương thức chính để phổ biến tác phẩm cũng như tương tác trực tiếp với độc giả.

những tác phẩm văn học tràn ngập yếu tố sex vẫn dễ dàng tìm thấy trên không gian mạng.jpg -0
Những tác phẩm văn học tràn ngập yếu tố sex dễ dàng tìm thấy trên không gian mạng.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, văn học mạng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn. Bất kỳ ai, với một thiết bị điện tử trên tay, chỉ cần gõ từ khóa "đọc truyện online" thì một loạt website, trang điện tử xuất hiện với những giao diện vô cùng hấp dẫn, bắt mắt. Sau cú nhấp chuột đó, độc giả chìm ngập trong hằng hà sa số tác phẩm văn học với đủ thể loại, đề tài. Có tác phẩm đã hoàn thành trọn vẹn nhưng cũng có những tác phẩm sáng tác theo ý muốn, nhu cầu của độc giả. Có tác phẩm miễn phí hoặc thu phí hoàn toàn những cũng có tác phẩm chỉ miễn phí mấy chương đầu.

Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều trong số đó có nội dung nhảm nhí, dễ dãi, thậm chí là cổ vũ, kích động lối sống buông thả, trụy lạc. Không ít ý kiến cho rằng, có tới 80% trong số đó có nội dung là truyện tình yêu, sex. Không khó để tìm thấy trên các trang web đó là vô số những sáng tác văn học có tiêu đề "ngôn tình sến sẩm" hay "nửa ta nửa Tàu" như "Giả ngoan", "Cô ấy bệnh không hề nhẹ", "Mê loạn tình dục", "Tình sắc dụ hoặc". Các trang truyện này cũng phân loại sẵn thành từng thể loại để người đọc dễ dàng lựa chọn: đề tài tổng tài (nam chính quyền lực, giàu có), tình yêu đồng giới thì có đam mỹ (đồng giới nam), bách hợp (đồng giới nữ), truyện tiên hiệp, kỳ ảo, xuyên không, ngôn tình đô thị, ngôn tình xuyên không…

Một điểm chung dễ nhận thấy ở những sản phẩm văn chương kiểu này là cốt truyện nghèo nàn, nội dung na ná nhau. Thường sẽ là những mô típ quen thuộc của những truyện ngôn tình Trung Quốc, Hàn Quốc như con nhà giàu yêu con nhà nghèo, tình tay ba tay tư, những mối tình chênh lệch tuổi tác, địa vị. Đặc biệt, đáng báo động là trong các sản phẩm này đều tràn ngập yếu tố sex… Từ tên tác phẩm đến hình minh họa cũng tập trung vào nội dung này và khơi gợi trí tò mò. Chỉ cần lướt qua vài trang đầu thì những cảnh làm tình gợi cảm được miêu tả khá cụ thể, chi tiết với tần xuất dày đặc. Bên cạnh nội dung nhảm nhí, tràn ngập câu view rẻ tiền thì ngôn ngữ của những sản phẩm này cũng báo động bởi làm tổn hại đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Cần "bộ lọc" cho văn học mạng

Không khó để lý giải tình trạng tác phẩm văn học kém chất lượng, thậm chí độc hại đối với độc giả trẻ đang tràn lan trên mạng. Ngoại trừ những tác phẩm do các nhà xuất bản chủ động đăng tải, sau khi đã ra mắt bản in giấy, còn lại đều là những tác phẩm không qua kiểm duyệt. Chưa kể, cũng như nhiều trang web khác, chủ nhân trang văn học mạng đang kiếm tiền thông qua quảng cáo nhờ lượt truy cập nên họ cũng sẽ đưa vào tác phẩm những yếu tố có khả năng kích thích trí tò mò như bạo lực, kinh dị, sex… sự “nổi tiếng” của tác phẩm không được tính bằng giá trị nghệ thuật, thông điệp nhân văn mà được tính bằng lượt truy cập, lượt thích của độc giả. Phần lớn tác giả của những sản phẩm này đều là những người trẻ. Không thể phủ nhận ở họ có năng khiếu và niềm yêu thích viết lách. Tuy nhiên, khi chưa có được sự trải nghiệm, chưa ý thức được trách nhiệm của người cầm bút thì tâm lý nghĩ gì viết nấy kéo theo sự tùy tiện, dễ dãi. Ngoài ra phải kể tới tâm lý muốn nổi tiếng nhanh.

Văn học mạng đang ngày càng bộc lộ nhiều bất cập "vàng thau lẫn lộn", thậm chí không ít sản phẩm có thể gọi là rác độc hại. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này lạ chưa có một giải pháp quản lý hữu hiệu nào được đưa ra để sàng lọc, góp phần mang đến môi trường lành mạnh cho không gian mạng. Theo con số thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới (68,7% số người sử dụng trong khi số lượng trung bình của thế giới chỉ là 51,4%). Từ con số đó, có thể đưa ra câu hỏi, vậy có bao nhiêu trẻ em sử dụng Internet vô tình bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tác phẩm văn học "rác" trên mạng?

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của văn học mạng khi nhờ nó mà có nhiều cây bút trẻ đưa tác phẩm đến với đông đảo độc giả và khẳng định được tên tuổi, tài năng của mình. Đã có một loạt những tác giả nổi danh do văn học mạng mang lại như Trần Thu Trang, Nguyễn Phong Việt, Anh Khang, Hamket Trương, Gào… Chưa kể tới những hội nhóm là nơi ra đời của không ít tác phẩm văn học được độc giả yêu mến. Tác giả văn học mạng có thể là nhà văn tên tuổi, nhưng cũng có thể là những em nhỏ cấp 2, cấp 3 hồn nhiên, có tài năng văn chương và yêu viết lách. Rõ ràng, văn học mạng hiện nay không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học. Nó là một loại hình có đặc thù riêng và xu hướng ngày càng phát triển. Vì thế, quản lý tác phẩm văn học trên nền tảng số không biên giới là một điều không dễ dàng.

những cuốn sách truyền thống đã có thêm bản điện tử phù hợp với hình thức đọc online.jpg -0
Những cuốn sách truyền thống đã có thêm bản điện tử phù hợp với hình thức đọc online.

Để có thể kiểm soát không gian mạng, mang đến một môi trường lành mạnh nhưng vẫn phát huy được ưu điểm nổi bật và tiềm năng to lớn mà Internet mang lại cho văn học là điều mà các nhà quản lý cần nghiên cứu. Theo các chuyên gia thì đơn vị chức năng phải từ cách tiếp cận khoa học, tổng thể để cho ra những phương pháp phù hợp.

Trong một bài viết của mình, PGS.TS Từ Thị Loan (Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, đối với một môi trường đặc thù như không gian mạng, rất cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng khoa học - kỹ thuật, "dùng công nghệ để quản lý công nghệ" như dùng tường lửa, phần mềm lọc thông tin, cảnh báo các ứng xử phản văn hóa, xây dựng mạng xã hội nội địa… Theo đó, cần có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, giáo dục bản lĩnh, hành xử văn minh và ý thức thẩm mỹ cho công chúng cũng như những người sáng tạo là điều quan trọng. Khi người đọc có ý thức, văn minh thì tự khắc họ sẽ biết gạn đục khơi trong, tự nhiên những tác phẩm "rác" sẽ không còn chỗ đứng.

Nhà báo Nguyễn Ánh Tuyết (Báo Điện tử Đảng Cộng sản) là người có nhiều kinh nghiệm xây dựng được văn hóa đọc cho các thành viên trong gia đình. Ngay từ khi các con còn nhỏ, chị đã gieo vào tâm trí các con niềm say mê những cuốn sách hay, phù hợp lứa tuổi.

Trước lo ngại việc văn học mạng có nhiều tác phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ, chị Ánh Tuyết cho rằng, cần xây dựng cho các bạn nhỏ một phông văn hóa và thẩm mĩ đọc từ nhỏ, khi trong mỗi người có một "sức đề kháng tự nhiên" thì những tác phẩm không phải văn chương đích thực khó có chỗ đứng với các độc giả nhí. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn cả là giáo dục ý thức, trách nhiệm cho những người cầm bút. Hơn bao giờ hết, những người viết văn phải hiểu được sứ mệnh của mình trong việc mang đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ chứ không phải là tác giả của những câu chữ phản cảm, xoàng xĩnh, mua vui chốc lát.

Tuấn Phong
.
.