Văn học dịch: Nhìn từ câu chuyện của “Châu Phi nghìn trùng”

Thứ Năm, 03/03/2022, 16:05

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 ở hạng mục Văn học dịch đã trao cho tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” của dịch giả Hà Thế Giang - một cuốn sách được Hội đồng dịch và Ban Chấp hành đánh giá cao. Tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” đã ra mắt độc giả lần đầu từ năm 1937, cách đây gần 100 năm, trở nên vô cùng nổi tiếng và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nhưng đến tận năm 2015 độc giả Việt Nam mới được tiếp cận qua bản dịch của Hà Thế Giang - một kỹ sư dầu khí đã chuyển ngữ khá nhiều tác phẩm sang tiếng Việt nhưng đến nay vẫn tự nhận mình là một “người dịch nghiệp dư”...

“Châu Phi nghìn trùng” - Sự lộng lẫy của ngôn từ!

Ở hạng mục Văn học dịch của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, đã có 3 tác phẩm lọt vào chung khảo đó là: “Ngày tàn để lại” (Kazuo Ishiguro - dịch giả An Lý), “Mông Cổ bí sử” do Ngô Trần Trung Nghĩa dịch và “Châu Phi nghìn trùng” (Isak Dinesen - dịch giả Hà Thế Giang). Trong đó, “Châu Phi nghìn trùng” là cuốn hồi ký đặc sắc mà tác giả của nó đã 2 lần được đề cử giải Nobel Văn học vào năm 1954 và 1957.

Nhà văn Earnest Hemingway sau khi nhận giải Nobel Văn chương đã từng phát biểu và được tờ New York Time đăng tải ngày 7/11/1954 rằng: “Hôm nay tôi cũng sẽ hạnh phúc - hạnh phúc hơn nữa - nếu giải thưởng này được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak Dinesen”. Điều này đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng sâu sắc và những giá trị nghệ thuật - nhân văn của tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” đối với văn học thế giới. Ở quê hương Đan Mạch của bà, ngôi nhà nơi bà sinh ra và lớn lên đã trở thành một bảo tàng Isak Dinesen để nhiều người lui tới. Vùng đất châu Phi nơi tác giả từng sinh sống 17 năm để viết nên tác phẩm này, đã hình thành một vùng du lịch “ăn theo” sự nổi tiếng tác phẩm.

Văn học dịch: -0
“Châu Phi nghìn trùng” do Hà Thế Giang - một kỹ sư dầu khí dịch - được giới chuyên môn đánh giá là một bản dịch hoàn hảo.

“Châu Phi nghìn trùng” trước hết là một tác phẩm phi hư cấu. Đó chính là một cuốn hồi ký về những năm tháng tác giả sống tại châu Phi. Câu chuyện của tác giả xoay quanh một đồn điền cà phê rộng 4.00 mẫu Anh gần Nairobi của đất nước Kenya, nhưng qua đó, người đọc có thể hình dung được về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa độc đáo của châu Phi và nhất quán một cái nhìn nhân văn, chan chứa tình người. Nghệ thuật đặc sắc nhất của “Châu Phi nghìn trùng” là nghệ thuật tả cảnh: Thiên nhiên hoang dã đẹp đẽ nhưng cũng khắc nghiệt và tàn nhẫn; con người châu Phi có vẻ đẹp hình thể, nguyên sơ và đáng yêu.

Theo đánh giá từ Hội đồng chung khảo, cuốn “Châu Phi nghìn trùng”, bản dịch của dịch giả Hà Thế Giang đã “chuyển ngữ rất thành công tác phẩm này khi chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương chau chuốt, tinh tế. Đây là một trong những tác phẩm dịch mà không nhìn thấy sự vấp váp của ngôn từ và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả”. 

Theo nhà văn Kiều Bích Hậu - thành viên Hội đồng dịch của Hội Nhà văn Việt Nam - một người đã rất nỗ lực trong việc giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra với thế giới thì: “Đọc xong tác phẩm này, tôi khao khát muốn được đến châu Phi. Chính tình yêu thiên nhiên, con người và thả hồn vào vùng đất ấy của tác giả đã tạo nên một tác phẩm lớn và có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tận ngày hôm nay, dù tác phẩm đã ra đời từ cách đây gần 100 năm!”. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam thì chia sẻ rằng bà “rất hạnh phúc khi giới thiệu đến công chúng một tác phẩm văn học đặc sắc của thế giới thông qua một bản dịch hoàn hảo!”.

Cần có đãi ngộ xứng đáng đối với dịch giả!

Trong buổi giao lưu và trò chuyện trực tuyến xung quanh tác phẩm này mang tên “Châu Phi nghìn trùng - Sự lộng lẫy của ngôn từ” do NXB Phụ nữ tổ chức, dịch giả Hà Thế Giang đã chia sẻ rằng:

“Tôi chỉ là một người dịch nghiệp dư, chỉ khi nào có sách hay tôi mới dịch được. Với người dịch chuyên nghiệp, người ta có thể làm theo đơn đặt hàng, còn tôi thì không làm được như vậy. Ban đầu, dịch đối với tôi như một quá trình tự nhận thức, tự đi kiếm tìm bản ngã của mình nên tôi đã dịch “Giấc mơ Mỹ”, “Sau mưa”... Về sau, tôi bắt đầu hứng thú với những vùng đất mới như châu Phi, Nam Mỹ và đã bắt gặp “Châu Phi nghìn trùng” trong hành trình tìm kiếm ấy của mình.

Tôi bắt đầu dịch cuốn sách này từ năm 2012 và phải mất 3 năm mới dịch xong vì tôi còn đi làm, chỉ có thể dịch được vào thời gian rảnh rỗi. Trong quá trình dịch, tôi đã hơn một lần bỏ dở vì cảm giác bất lực trước câu chữ quá phức tạp và quá đẹp của tác phẩm. Tác giả là người Đan Mạch, nhưng tác phẩm lại viết ra bằng tiếng Anh, sau đó mới được dịch ra tiếng Đan Mạch cho nên có nhiều câu, nhiều đoạn rất khó cho người dịch hiểu được thực sự tác giả muốn nói gì... Về châu Phi, còn có nhiều cuốn sách hay mà người Việt còn chưa biết. Tôi hi vọng sẽ được quay lại với những cuốn sách như thế!”.

Văn học dịch: -0
Những đầu sách văn học nước ngoài mới xuất bản vẫn là lựa chọn không thể thiếu của độc giả hiện nay.

Dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Trong bối cảnh tình hình dịch thuật đang có những dấu hiệu “ăn xổi ở thì”, dịch bất chấp dẫn đến nhiều sai sót đáng tiếc đã xảy ra như hiện nay, bản dịch “Châu Phi nghìn trùng” là sự nỗ lực lớn của tác giả và bản dịch đặc biệt thành công khi giữ gìn được sự trong sáng và vẻ đẹp lộng lẫy của tiếng Việt. Không phải cứ giỏi ngoại ngữ là có thể có một bản dịch hay, mà phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ và phải hiểu được các sắc thái của ngôn từ. Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho bản dịch tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” là trao cho sự nỗ lực, dũng cảm, tự tin, trân trọng và bảo vệ cái đẹp trong tiếng Việt. Chính vì là một dịch giả không chuyên, nên Hà Thế Giang không gặp phải bất cứ một áp lực nào mà chỉ dịch thứ anh ấy thích, nên độc giả Việt Nam đã được tiếp cận với một tác phẩm đặc biệt của văn học Đan Mạch qua một bản dịch chất lượng, để có thể thấy được hết vẻ đẹp của châu Phi như trong nguyên bản tác phẩm đã diễn tả!”.

Khoảng 10 năm trở lại đây, độc giả Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với các tác phẩm văn học nước ngoài qua các bản dịch khác nhau. Nhiều cuốn sách nổi tiếng, “best-seller” của thế giới đã đến Việt Nam khá nhanh qua hoạt động khai thác bản quyền của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách. Tuy nhiên, cũng có thể do áp lực về thời gian, mong muốn giảm chi phí, thói quen “ăn xổi”... nên cũng đã có những “thảm họa dịch thuật” xuất hiện và bị dư luận lên án gay gắt như trường hợp  sai sót trong các cuốn “Mật mã Da Vinci” (của Dan Brown),“Lotlita”(của Vladimir Nabokov),“Xứ Đông Dương”(của Paul Doumer),  “Madam Nhu Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng”(của Monique Brinson Demery)... Cá biệt, có cuốn sách đã phải thu hồi như trường hợp của “Bản đồ và vùng đất” (NXB Văn học liên kết với Nhã Nam).

Dịch giả Lê Bá Thự từng chia sẻ rằng: “Để tìm cho được một từ hoặc một cụm từ tiếng Việt tương đương đắc địa trong khi dịch, lắm khi người dịch phải trăn trở, mất ăn mất ngủ. Người ta bảo “nghề dịch lắm công phu” có lẽ là vì như vậy.Cũng cần phải nhận thức rằng, một dịch giả chuyên nghiệp phải biết cách thích nghi với mọi cách tân, mọi bút pháp mới, mọi thể nghiệm của nhà văn. Để làm được vậy, người dịch phải qua nhiều trải nghiệm, phải chịu học, chịu đọc, chịu dấn thân. Ngoài ra, người dịch cũng rất cần người đọc thấu hiểu và thông cảm với công việc nhiều công phu, lắm nhọc nhằn, đó là dịch văn học!”.

Một trong những vấn đề cần được nhắc đến trong bài viết này, đó là vấn đề “đãi ngộ” đối với dịch giả hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập cho nên hầu hết người dịch sách, dịch văn học đều thuần túy là... vì đam mê, thuần túy là vì giá trị tinh thần mà cuốn sách đem lại chứ không có ai sống được bằng nghề.

Tham khảo ý kiến của nhiều dịch giả về mức thù lao dịch thuật cho một cuốn sách thì chỉ nhận được một nụ cười hiền hòa: “Thôi không nói chuyện tiền nong, bởi nhiều khi nói ra lại... sợ mang tiếng, còn “giữ ý”, giữ mối quan hệ xã giao với các NXB!”. Chính vì thế, những cuốn sách được “ra đời từ đam mê” như trường hợp của “Châu Phi nghìn trùng”, thực sự là một may mắn lớn cho độc giả Việt khi được tiếp cận với một tác phẩm đặc sắc của văn học thế giới.

Cơ chế đãi ngộ dành cho dịch giả hay văn học dịch cần có sự thay đổi, cần được Hội Nhà văn quan tâm, đưa vào danh mục “ưu đãi” hoặc “đầu tư sáng tác” như đối với các sáng tác của nhà văn trong nước để khích lệ các dịch giả Việt chuyển ngữ nhiều tác phẩm phục vụ nhu cầu của độc giả nước nhà.

Nguyệt Hà
.
.