Văn học Chiến tranh cách mạng trong lựa chọn của người đọc trẻ hôm nay
50 năm thống nhất đất nước, cột mốc này như một dấu son của dân tộc ta. Kinh tế và xã hội đều đang trên đà phát triển một cách vững vàng. Tuy vậy văn hóa đọc ngày nay với dòng văn học về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng lại càng ngày càng không thu hút người đọc trẻ.
Giữa năm 2024 vừa rồi, Waka đã thống kê top 10 cuốn sách văn học bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử dựa trên ấn bản được đặt mua và giao dịch thành công, có thể thấy trong 10 cái tên đó, không có một cuốn sách nào mang đề tài chiến tranh và người lính. Điều này là một tín hiệu đáng lưu ý. Bởi sự khác biệt lớn nhất để các tác phẩm chủ đề chiến tranh và người lính trở nên gần gũi, có đời sống rộn ràng trong lòng công chúng đó chính là tính kết nối với thời đại và sự lan tỏa bằng nhiều phương thức.

Là một người viết trẻ, cũng như một độc giả trẻ, tôi nhìn dòng văn học với đề tài chiến tranh và người lính, nếu nhắc đến chỉ vỏn vẹn những cuốn sách đã cũ, những cái tên đã là thế hệ đàn anh, đàn chú của mình như: "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh, 1987), "Thời xa vắng" (Lê Lựu, 1986), "Ăn mày dĩ vãng" (Chu Lai, 1991), "Đội gạo lên chùa", "Mẫu Thượng Ngàn"(Nguyễn Xuân Khánh), "Biết đâu địa ngục thiên đường" (Nguyễn Khắc Phê), "Vùng sâu" (Tô Nhuận Vỹ), "Mình và họ" (Nguyễn Bình Phương), "Xác phàm" (Nguyễn Đình Tú), "Con chim Joong bay từ A đến Z" (Đỗ Tiến Thụy), "Chuyến đêm" (Phong Điệp), "Sóng gió Ô Cấp", "Những bóng người trên đất" (Trịnh Sơn), "Về từ hành tinh ký ức", "Viên đạn về trời" (Võ Diệu Thanh)…
Nhưng riêng lớp trẻ, chỉ vài cái tên được độc giả đón nhận như: "Đỉnh khói", "Giấc mơ đá vỡ" (Nguyễn Thị Kim Hòa), "Đợi đến lượt" (Đinh Phương), "Mộ phần tuổi trẻ", "Những vọng âm nằm ngủ" (Huỳnh Trọng Khang), "Ngụ ngôn tháng tư" (Trần Thị Tú Ngọc), "Bạc màu áo ngự" (Lê Vũ Trường Giang), "Chư Tan Kra mây trắng" (Lữ Mai)…
Tôi vừa đọc xong tập truyện ngắn “Trên núi Tưk-cot” của nhà văn Hồ Kiên Giang. Một tập truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, một thời bom đạn, một trang lịch sử hào hùng của dân tộc. Ấy thế mà khi trao đổi cùng những bạn văn trẻ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi nhà văn Hồ Kiên Giang sống và tham gia sinh hoạt văn chương tại đó thì hầu như ít người đã đọc tập truyện ngắn này.
Hay như trong một lần giao lưu cùng các bạn trẻ của Trường đại học Mở TP Hồ Chí Minh, khi tôi hỏi lần gần đây nhất các bạn có đọc tác phẩm về đề tài chiến tranh hoặc người lính là bao giờ. Các bạn không suy nghĩ mà đồng thanh đáp “Lớp 12”. Có nghĩa là các bạn đọc trong chương trình phải học chứ không trong tâm thế là sự lựa chọn cho nhu cầu đọc sách của mình.
Có thể nói, ở một vùng đất như TP Hồ Chí Minh, câu chuyện kinh tế phát triển đi đôi cùng xã hội rộng mở khiến việc người trẻ tiếp cận với nhiều hình thức giải trí mới mẻ và không ngừng cập nhật, văn chương cũng vì thế sôi động hơn nhiều nơi trên nước ta. Tuy vậy, một điều thừa nhận rằng bạn đọc trẻ bây giờ tìm kiếm tác phẩm văn chương để đọc, hầu như mảng đề tài chiến tranh và người lính khó được chọn lựa.
Cá nhân chính tôi từng có những cuộc giao lưu và chia sẻ với các bạn trẻ là học sinh, sinh viên về văn hóa đọc mới thấy nhu cầu lẫn thị hiếu đã rất khác biệt. Tỷ lệ người đọc trẻ lựa chọn các tác phẩm văn chương mảng đề tài đời sống xã hội luôn nhiều hơn, thậm chí là chiếm gần như 80% thị trường so với các ấn phẩm sách viết về đề tài chiến tranh, người lính.
Có lẽ việc công nghệ phát triển như vũ bão khiến văn hóa đọc - nghe - nhìn thay đổi khác xưa. Thế hệ giao thoa giữa thời xưa cũ và đang phát triển là thế hệ 8X chúng tôi. Ngày đó, kỳ thực rất ít phương tiện giải trí, hầu như nhà nào có tivi là phải rất giàu, dẫu chỉ là tivi trắng đen. Chúng tôi làm bạn cùng sách, báo là chuyện bình thường, bởi khi ấy ngoài sách, báo chúng tôi chẳng có gì.
Thời điểm đó, văn chương nước nhà vừa đi qua chiến tranh hơn chục năm nên ký ức và những nhân chứng lịch sử vẫn còn. Họ chính là những người viết nên những tác phẩm sống động, hấp dẫn và chính chúng tôi háo hức đọc bởi đâu đó vẫn còn gần gũi với đời sống thường nhật, những câu chuyện văn chương hồ như những câu chuyện mà thế hệ chúng tôi vẫn hay nghe ông bà, cha mẹ kể lại.
Tuy nhiên, bây giờ, 50 năm sau cuộc chiến kì vĩ của dân tộc, chúng ta đang sống giữa những tòa cao ốc chót vót, thụ hưởng các thiết bị tối tân, đường sá đã không còn ổ gà ổ voi, ngồi một nơi có thể kết nối cả thế giới. Thời đại 4.0 nên câu chuyện đời sống và xã hội luôn biến động, dịch chuyển từng khắc giây, đôi khi chỉ cần ngủ 1 đêm, sáng tỉnh dậy đã thấy biết bao điều mình ngỡ ngàng.
Vậy nên, hầu hết các tác phẩm văn chương mang hơi thở thời đại hối hả, mang những câu chuyện thời sự gần gũi, và hơn hết đi thẳng vào những trải nghiệm của thường thức dễ dàng thu hút người đọc trẻ. Họ tìm thấy chính họ trong dòng chảy của xã hội. Họ tìm thấy mình qua các tác phẩm ấy. Đây là phân khúc mua sách, đọc tác phẩm văn chương lớn nhất hiện nay.

Tôi từng hỏi các bạn học sinh của Trường THPT Hùng Vương ở TP Hồ Chí Minh , các bạn ấy có hay đọc sách văn học không? Trong 600 học sinh có mặt ở phòng giao lưu hôm ấy, chỉ phân nửa cánh tay giơ lên. Vậy các tác phẩm nào của Việt Nam mà các bạn đang đọc? Đó là của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thiên Ngân. Và thú thật, những tác phẩm được nêu tên lên không hề có một cuốn nào về đề tài chiến tranh, hoặc người lính. Người trẻ ngày nay đọc gì?
Xin khẳng định ngay đó là dòng sách viết gần với họ nhất Tình yêu - tuổi trẻ - chữa lành; và có chăng là một ít bạn đọc trinh thám và kinh dị. Với mảng chiến tranh và người lính, đọc để thêm yêu quê hương đất nước, ghi nhớ công ơn của thế hệ đã hy sinh giữ nước nhưng, nói thật, người trẻ không tìm thấy thứ gần gũi diễn biến song hành cùng đời sống của họ.
Điều này là thực tế phải thừa nhận. Dẫu nó khiến cho những người lớn chúng ta, những người đã sống trong thời bi hùng đó, hoặc các cây bút chuyên viết mảng này có thể buồn. Thậm chí chúng ta có thể phê phán sự “không tìm hiểu” về dòng văn học này của các bạn trẻ. Nhưng, chúng ta không thể thay đổi sự thật hiển hiện rõ ràng qua thông số chọn lựa sách đọc của người trẻ.
Khi ngồi cùng các bạn GenZ tức là các bạn sinh năm 2000 trở đi, trong một cuộc ngoại khóa môn văn ở một trường cấp 3 của tỉnh Long An. Tôi hỏi vì sao các bạn không chọn các cuốn sách viết về chiến tranh hay người lính để đọc. Đọc cũng là một cách yêu thêm đất nước này. Bởi chính chúng ta đang lớn lên, sống bình yên và thụ hưởng sự sung túc từ một quá khứ mà cha ông phải đánh đổi bằng xương máu.
Phần lớn các em chỉ cười nhẹ, vài em mạnh dạn thừa nhận đọc không nổi, chỉ vài trang là cảm thấy xa lạ và dễ thấy chán. Nhắc đến điều này, quả thật tôi chạnh lòng, nhưng chính chúng ta, những người cầm bút, phải thừa nhận một thực tế, văn học đề tài chiến tranh và người lính dường như loay hoay chưa biết cách làm mới mình trong sự phát triển của thời đại, nhất là thị hiếu đọc đang dịch chuyển thông qua nhiều phương thức tiếp cận văn chương. Đặc biệt văn chương bây giờ khá mở so với những thập niên 1980, 1990 ngày đó.
Tựu trung lại, chúng ta thấy rõ ràng, thời đại sống, hình thức giải trí và phương thức lan tỏa là 3 yếu tố tiên quyết dẫn đến sự chọn lựa tác phẩm văn học của người đọc trẻ. Chưa chắc các tác phẩm viết theo chủ đề đời sống xã hội hay hơn mảng đề tài chiến tranh và người lính. Thậm chí chúng ta đang sở hữu nhiều cây bút đã đi qua thời cuộc đó mà ký ức của họ luôn khiến người đọc ám ảnh. Chúng ta đang có một thế hệ trẻ khao khát viết nên các tác phẩm định danh. Chúng ta đang có một xã hội mà sự lan tỏa nhanh - sâu - và rộng bằng nhiều phương thức thì tại sao các tác phẩm văn chương chủ đề cực kỳ hay này lại chìm lẫn giữa bao dòng sách khác và không là lựa chọn ưu tiên của người đọc?
Câu hỏi này như gióng lên một hồi chuông cho không chỉ các cơ quan, ban ngành mà ngay cả với người viết chúng ta.