Văn hóa văn minh đô thị sẽ đi về đâu khi Hà Nội chạm mốc 10 triệu dân?

Thứ Sáu, 17/06/2022, 18:23

Để hiểu thế nào về người Tràng An thì không phải ai cũng hiểu được, không phải lúc nào chúng ta cũng cắt nghĩa được đầy đủ về nó. Đôi khi sự văn minh, sự thanh lịch đó chỉ là sự cảm nhận chứ không phải có một khuôn phép nào để chúng ta định hình. Thủ đô có vẻ đẹp quyến rũ khác biệt, và ở đó là những người dân ở khu phố cổ, phố cũ họ đã từng sống, đã trải nghiệm ở đây và họ có niềm tự hào riêng.

Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội): Văn hóa không như một cái cây để mà có thể “khoanh vùng”, “bảo tồn”

Văn hóa văn minh đô thị sẽ đi về đâu khi Hà Nội chạm mốc 10 triệu dân? -0

- Người Huế thâm trầm, nhẹ nhàng, kín đáo. Người Sài Gòn hào sảng, phóng khoáng, tươi vui. Người Hà Nội để lại ấn tượng về sự thanh lịch, nhẹ nhàng, trong trẻo. Nhưng giờ đây xem ra Tràng An đã không còn như xưa, Hà Nội giờ như một lòng chảo mà ở đó ta thấy không ít chuyện “chướng tai, gai mắt” hay “văn hóa thôn xã” đã hiển hiện trên những con đường, tuyến phố...

+ Để hiểu thế nào về người Tràng An thì không phải ai cũng hiểu được, không phải lúc nào chúng ta cũng cắt nghĩa được đầy đủ về nó. Đôi khi sự văn minh, sự thanh lịch đó chỉ là sự cảm nhận chứ không phải có một khuôn phép nào để chúng ta định hình. Thủ đô có vẻ đẹp quyến rũ khác biệt, và ở đó là những người dân ở khu phố cổ, phố cũ họ đã từng sống, đã trải nghiệm ở đây và họ có niềm tự hào riêng.

Những năm gần đây, Hà Nội phát triển từng ngày, cùng với sự phát triển của đô thị là sự phát triển về văn hóa. Văn hóa Hà Nội được khẳng định qua rất nhiều giá trị và thẩm thấu trong mỗi con người Hà Nội, được thể hiện ra từ lời ăn tiếng nói, nét sinh hoạt, hành vi ứng xử. Trong thời gian khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, đô thị được mở rộng, dân số Hà Nội chạm ngưỡng 10 triệu người thì chúng ta chấp nhận sự giao thoa của các vùng văn hóa. Khi người dân di cư đến đây, người ta mang theo cả văn hóa bản địa. Bên cạnh sự tốt đẹp, những tinh hoa của các làng nghề, hay văn hóa ứng xử riêng của các vùng thì họ mang về đây cả những thói quen, đó là nếp sinh hoạt của người dân vùng miền.

Điều đó đang đặt ra cho những nhà quản lý và người dân Thủ đô một nhu cầu rất lớn, đó là đồng hành cùng với phát triển kinh tế xã hội là sự phát triển của văn hóa, vậy thì văn hóa Hà Nội sẽ phát triển như thế nào?! Đấy là câu hỏi mà ở các hội thảo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra. Chúng ta có thể bảo tồn một phần Hà Nội xưa được không? Văn hóa không như một sinh vật, một cái cây mà anh có thể khoanh vùng, anh có thể khu trú nó lại, anh rào nó lại để bảo tồn cái cây này. Mà văn hóa thì được thẩm thấu, được tiết ra ngoài, anh không thể dùng một hành vi nào để có thể ngăn chặn và phải chấp nhận nó. Vậy thì đặt ra cho chúng ta là phải giữ và phát triển nó thế nào để vẫn giữ được hồn cốt của người Thăng Long, của người kinh kỳ, Hà Nội.

Văn hóa văn minh đô thị sẽ đi về đâu khi Hà Nội chạm mốc 10 triệu dân? -0
Đô thị hôm nay.

- Người ta vẫn nói đến văn hóa ngoại lai, nghĩa là du nhập từ các nước trên thế giới, nhưng bây giờ đâu phải là văn hóa ngoại lai, mà Hà Nội Thủ đô đang tồn tại rất nhiều văn hóa nội lai. Hà Nội giờ như một nồi lẩu thập cẩm mà ai đi qua cũng có thể thêm gia vị...

+ Tôi cho đấy là một việc hết sức bình thường của xã hội, bởi vì trước đây chúng ta sống trong môi trường văn hóa của làng xã. Văn hóa làng xã có những cái ưu việt, song nó khó có thể tồn tại ở thế kỉ XXI. Bởi vì trong văn hóa làng xã thì có sự thăm hỏi lẫn nhau, lúc khó khăn có thể cho nhau vay đấu gạo, xin rổ rau, vay dăm quả trứng. Nhà tôi có khách có thể sang hàng xóm mang quả trứng, con cá về. Đấy là tình làng nghĩa xóm và nó không thể có được ở chung cư bây giờ, nhưng ngược lại nó có những bất cập như sự buông tuồng, sự dễ dãi, sự lệch chuẩn một chút so với tiêu chí của ngày hôm nay. 

Tôi ví dụ như thế này, một người đang cày cuốc ở trên một thửa ruộng thì họ sẽ có sinh hoạt của một người đang cày cuốc, sinh hoạt theo kiểu ở trên một thửa ruộng. Ngay như sáng nay tôi đi làm dừng lại ở đèn xanh đèn đỏ, tắc đường như vậy, thế nhưng vẫn có một anh chòi lên trước. Hay tôi thấy một cô gái trẻ đi một chiếc xe suzuki hạ kính xuống vứt rác ra. Vì là tắc đường nên tôi nhìn thấy tất cả. Làm người công tác trong lĩnh vực văn hóa nên tôi có chút chạnh lòng và đôi khi mỗi một hành vi của một cá nhân làm cho thành phố méo mó, xộc xệch đi. Nếu như không phải là người dân Thủ đô mà lại là một người khách nước ngoài, chứng kiến những hành vi ấy, họ sẽ đánh giá như thế nào về công dân Thủ đô của chúng ta?!

Đó là một thói quen thôi, chúng ta hãy thông cảm cho một thói quen, thế nhưng nếu cứ trượt dài như thế, dễ dãi buông tuồng với nhau như thế thì dần dần thói quen đấy sẽ lấn át, sẽ trở thành phổ biến và làm lu mờ đi những thói quen đẹp khác. Hai hành vi ở một ngã tư trong lúc xếp hàng, văn hóa trật tự trong lúc xếp hàng, anh đến trước đi trước, anh đến sau đi sau, nhưng anh đi sau lại chòi lên đi trước và chỉ mình anh thôi mà tắc cả khu phố.

- Đô thị càng phát triển thì kéo theo nó là sự giao thoa văn hóa của các vùng miền. Khi một người ở nơi khác đến sẽ mang văn hóa vùng miền của người đó đến đây và người Hà Nội di chuyển sinh sống học tập, làm việc ở nơi khác thì cũng mang một phần văn hóa Hà Nội đi. Sự giao thoa của văn hóa muôn đời vẫn thế... Thế nên, cũng đừng ngạc nhiên khi người ta phân định người Hà Nội gốc và người Hà Nội nhập cư...

- Trật tự cũ là trật tự của một nền văn hóa làng xã, điển hình là văn hóa của luỹ tre làng vừa sâu sắc vừa gần gũi, đan xen với nhau họ hàng, làng xóm. Điều đó mới lý giải tại sao những làng ở Thái Bình và một số làng ở Nam Định và cả ở Hà Nội, trong chiến tranh giặc dùng bạo lực, bom đạn, đại bác mà không phá được làng. Đấy chính là sức mạnh của luỹ tre làng. Nhưng luỹ tre làng lại có mặt hạn chế. Ngược lại, văn hóa của những khu chung cư bây giờ lại là văn hóa của những củ khoai lang tượng trưng cho mỗi một gia đình từ mọi miền đất nước... ra và nhét vào trong một bao tải, đấy là nhà chung cư. Nhét vào buộc lại rất chặt, đấm vào thì bị gẫy tay ngay, nâng rất nặng rất chặt chẽ, nhưng khi cởi túi đổ ra thì mỗi củ khoai lại lăn lóc về một phía và không chịu sự liên kết và gắn bó với nhau. Đấy là liên kết của những củ khoai lang.

Những củ khoai lang, khoai tây đấy từ mọi miền Tổ quốc di cư về Thủ đô bởi sức hút lao động, giá trị kinh tế, giá trị cống hiến vào đấy, người ta nói “ngồi lê Hà Nội” cũng ra tiền. Kiếm tiền ở Thủ đô hay ở những đô thị lớn luôn có sức hấp dẫn vì nó tạo ra một sức hút vô hình. Vậy khi về đây, họ sẽ mang theo tất cả những gì họ có bằng hành trang của mình, đó là văn hóa, ứng xử. Mà chúng ta không làm tốt chuyện này sẽ xảy ra những bất cập. Nhiều người thắc mắc sao ra đường người ta hay xử sự dùng nắm đấm với nhau thế?! Người Hà Nội xưa các cụ rất là lễ nghĩa, trẻ con thì thưa hỏi đàng hoàng. Giờ chúng ta không dặn con chúng ta là phải giữ lễ nghĩa như vậy, chấp nhận như thế để cho phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày hôm nay. Bởi vì áp lực về công việc, quỹ thời gian không nhiều. 6 giờ dậy ăn sáng sau đó đèo nhau đến trường, đường đông tắc nghẽn, bố mẹ vội vã đi làm cho kịp giờ, nhịp sống hối hả của ngày hôm nay cũng khác lối ứng xử sinh hoạt xưa nhiều rồi. 

PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái: Văn hoá gia tộc, văn hoá làng in sâu vào chúng ta

Văn hóa văn minh đô thị sẽ đi về đâu khi Hà Nội chạm mốc 10 triệu dân? -0

- Đô thị ngày nay với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo ngày càng có sự di dân từ nhiều vùng miền đến Thủ đô và tạo ra những sự đặc biệt nào?

+ Người Pháp đến, tạo ra một cuộc chiến xâm lược, đồng thời tạo ra một cưỡng bức văn hóa. Người Pháp buộc chúng ta Âu hóa, bằng cách học ngôn ngữ của họ, ăn, mặc theo cách của họ, và tư duy theo cách của họ, và thế là xảy ra một cuộc va chạm văn hóa Đông - Tây. Sự hình thành đô thị ở Việt Nam được tạo dựng trên cái nền tảng ấy. Cụ Đào Duy Anh, người đầu tiên nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói rằng: từ một xã hội tiểu nông âm tính với ba hằng số nông dân, nông nghiệp, nông thôn, chuyển sang xã hội dương tính, với đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tất nhiên theo cụ, sự chuyển đổi này sẽ là sự phát triển mang tính bi kịch…

Tôi muốn nhấn mạnh rằng kết cấu làng xã Việt Nam cổ truyền trước đây gắn liền với nguyên tắc căn bản và đầu tiên là kết cấu theo huyết thống của gia tộc chủ nghĩa. Thế nên người ta mới gia tộc hóa làng quê, lấy tên gia tộc định danh một làng, chẳng hạn như Đào xá, Nguyễn xá, Vũ xá, Trần xá... là nơi ở của cả một gia tộc họ Đào, họ Nguyễn, họ Vũ, họ Trần,… mà chúng ta vẫn thấy rất điển hình ở những ngôi làng châu thổ Bắc bộ. Điều này tạo nên một sức mạnh gia tộc cực kỳ mạnh mẽ, nhưng cũng để lại một mặt trái khủng khiếp về nếp nghĩ, nếp sống: đó là việc đặt quyền lợi gia tộc mình, làng mình lên trên hết. Chẳng thế mà có câu: “Của mình thì giữ bo bo/ Của người thì để cho bò nó ăn”. Hoặc “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cứ người trong gia tộc thì đùm bọc, còn người ngoài thì thôi, “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Chị ngã em nâng”…

Văn hóa gia tộc, văn hóa làng xã in sâu vào chúng ta đến mức ngay cả bây giờ, khi xảy ra một việc gì không may trong đời sống, nhiều người trong chúng ta vẫn kêu lên “Bớ làng nước ơi cứu tôi”, “Ôi làng nước ơi”.

Kết cấu làng nước ấy rất chặt chẽ, hài hòa, tạo nên sức mạnh gia tộc và lòng yêu nước, giúp chúng ta giữ nước cực tốt, vì khi chiến tranh xảy ra thì đất nước là tập hợp của các làng, trở thành siêu làng, siêu gia tộc. Trong thời bình thì kết cấu ấy một mặt sinh ra những nét ứng xử đẹp về gia tộc, như “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”, hoặc ứng xử đẹp của hàng xóm láng giềng với nhau, dù không cùng máu mủ, nhưng lại ở cùng làng, nên coi trọng “tình làng nghĩa xóm”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Song, mặt khác, điều này cũng đồng thời sinh ra những nét tính cách như so đo, đố kỵ, thích cào bằng, ghen ăn tức ở, con gà tức nhau tiếng gáy v.v...

Và còn điều nữa phải thẳng thắn thừa nhận: những người sống trong kết cấu làng nước, hứng chịu văn hóa làng nước thường là những người lấy tình cảm đặt lên hàng đầu trong ứng xử, nên thường trọng tình cảm, nghĩ bằng bụng, và coi “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Bây giờ là thời đại mới, toàn cầu hóa, nên những biểu hiện này là dễ thấy. Nhưng theo tôi cái sự tăng lên ấy của cách tư duy mới vẫn chưa theo kịp với những đòi hỏi rất mạnh của sự phát triển. Không khó nhìn thấy những biểu hiện của căn tính nông dân đang gây cản trở hoặc gây bi kịch cho sự phát triển xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI, ngay ở những người đang sống trong đô thị, thành phố và ở ngay những công việc đại sự, thí dụ về cải cách giáo dục, lối sống, ứng xử…

Tiến sĩ Đoàn Hương: Sự pha tạp của các vùng miền tạo cho Thủ đô một bộ mặt khác

Văn hóa văn minh đô thị sẽ đi về đâu khi Hà Nội chạm mốc 10 triệu dân? -0

- Xin được hỏi tò mò một chút, Hà Nội xưa và nay trong con mắt của Tiến sĩ khoa học Ngữ văn có gì đặc biệt?!

+ Có thể nói Bùi Xuân Phái là họa sĩ giỏi nhất khi lột tả linh hồn của phố Hà Nội. Phố Hà Nội thì không phải to lớn như những phố ở Thủ đô nước ngoài mà là những con phố nhỏ, xuất thân từ làng nghề. Và vì là làng nên trong làng có nhiều phường nghề, ví dụ phố Hàng Đồng, Hàng Chiếu, Hàng Bạc, Hàng Thiếc... cả dân cư ở khu phố ấy chuyên trị làm nghề ấy và kéo nhau ra Hà Nội mở một cái phố để chuyên nghề đấy, tính chuyên biệt về nghề rất cao. Vì thế người ta còn gọi Hà Nội ngày xưa là kẻ chợ, chữ “chợ” này hàm nghĩa tinh tuý, nơi tụ họp sầm uất, giao thông buôn bán, những làng nghề điêu luyện nhất cả nước thì về đây. Cả làng tập trung lại để làm nghề, cho nên đi từ đầu đến cuối phố là đều những người có họ hàng với nhau. Cứ người nọ kéo người kia ở quê ra và làm cùng một nghề. Nói Hà Nội là một thành phố làng nghề xuất thân là như thế. Cho nên Hà Nội không có tham vọng là thành phố to, ngày xưa Hà Nội chỉ có hai loại người ở.  Một là người thợ làm nghề, hai là những quan lại, đỗ đạt. Vì thế, Thủ đô có rất nhiều tiến sĩ, ví dụ phố Hàng Trống ngày xưa gọi là phố Tiến sĩ vì rất nhiều ông nghè đỗ tiến sĩ, xong làm ăn ở Thủ đô, các ông ấy thường làm nghề thầy đồ dạy học.

Cho nên cái thành phố này vừa kín đáo, chuẩn mực, đồng thời lại có phá cách của dân buôn bán. Chuẩn mực là sự chuẩn mực của ông nghè, ông tiến sĩ. Những ông cử nhân ở lại thành phố Hà Nội, trở thành thầy đồ dạy học, vợ con chỉn chu, hằng ngày bán hàng vải vóc, bán lụa, bán giấy bút. Đất kinh kì xưa là vậy, phá cách, tầng lớp buôn bán có thể nói là giàu có của Việt Nam tồn tại ở đây. Sự kết hợp giữa hai yếu tố khoa bảng và buôn bán. Vì thế dân Hà Nội đặc biệt rất chỉn chu, chuẩn mực, vì họ theo nếp nhà, vì nếp nhà có xuất phát từ ông nội này, ông chú kia là dân khoa bảng, nếp nhà phong kiến, nhưng đồng thời khi mà làm ăn thì rất là phá cách do rộng mở, có thể nói là dân đầu tiên buôn bán lớn ở Việt Nam xuất thân từ đất Thăng Long.

Hà Nội khi xưa với bốn cửa ô, nên Hà Nội be bé, xinh xinh, ngôi nhà đủ chui ra chui vào thế thôi. Thậm chí còn có những nhà rất nhỏ, dân sống tương đối là yên bình, êm ái, và họ thích sống một cách hòa thuận, hòa bình. Ngay cả làm ăn họ cũng không tham làm ăn lớn.

- Người ta thường nói vùng đất, vùng trời và giống người có liên quan mật thiết với nhau, vì Hà Nội êm đềm và mộng mơ như thế nên người Hà Nội cũng có những đặc tính rất riêng, không pha trộn. Nhưng giờ đây, Hà Nội đã không còn hương vị ấy, không còn êm ả mà ồn ào tấp nập và bon chen xô bồ. Những đại án kinh tế lớn, sự tha hóa của một bộ phận quan chức ồ ạt bước vào vòng lao lý như vừa qua, đó phải chăng là văn hóa đang suy thoái, xuống cấp ...

+ Đúng là người Hà Nội không có lối sống gấp và không ham chính trị, vì thế có những gia đình 3, 4 đời làm tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà chỉ về làm thầy đồ dạy học. Vì sao? Vì dân ở Thủ đô lâu đi qua các cuộc chiến tranh, đủ sức để đối phó.

Ngày xưa nói là: “Thăng Long phi chiến địa” nhưng Thăng Long luôn luôn có chiến tranh vì nó là Thủ đô nên vó ngựa quân thù thường phải đến Thủ đô nhưng người dân ở đây trải qua quá nhiều ba đào và nhìn thấy rất nhiều cảnh ngộ. Người này hôm trước vừa là ông hoàng đế lẫy lừng, hôm sau thành ông ăn mày hay chết đầu đường xó chợ. Người kia phú hộ, hôm trước giàu lẫy lừng cả phố, hôm sau giặc đến cho mồi lửa, cả nhà kho tan tành thế là xong. Họ thấy quá nhiều biến động nên họ bình tĩnh hơn. Vì khi đi qua rất nhiều cuộc chiến tranh thấy rất nhiều khói lửa, tan hoang thì lòng tự nhiên bình lại và không còn tham lam nữa.

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tràng An là chỉ nặng về cuộc sống thanh lịch là chính, vì xuất thân từ quan lại, đỗ đạt cao, đỗ đạt thì đương nhiên có tí tiền, vì ngày xưa đỗ thì vua cho ít ruộng, ruộng đấy thì thuê người cày cấy, không làm gì cũng đủ sống. Sống phong lưu và đàng hoàng. Hằng ngày, nằm võng, nghe hát ả đào thế thôi. Nếu tham lam giàu quá, một cuộc binh chiến đi qua chẳng còn gì. Người từng trải, tri thức cũng làm cho họ bình tĩnh.

Tri thức làm cho họ hiểu rằng đời nó là 3 chìm, 7 nổi, 9 cái lênh đênh, và không nên có tham vọng gì và những cái tham vọng về học hành văn hóa thì được, còn những tham vọng về quan trường thì không, chính tri thức làm cho họ sống bình tĩnh. Cho nên dân Hà Nội sống một cách bình tĩnh ung dung, sống một cách thanh nhã, thanh bình, không bon chen. Còn bây giờ sự pha tạp của các vùng miền về đất Thủ đô tạo cho Thủ đô một bộ mặt khác. Chỉ cần nhìn vào việc xây dựng nhà ở, nhìn vào lối sống sinh hoạt, cách ứng xử để phân định họ là ai và họ đến đây để làm gì?!

Ngày trước nhà cửa họ vẫn chẳng cần xây to, xây lớn làm gì. Họ chỉ cần xây đủ ở thôi. Bởi to lớn thể hiện tham vọng. Cái nhà của anh nó thể hiện cái tham vọng của anh. Đến nơi chỉ cần nhìn cái nhà mà biết con người. Vì nó không có tham vọng nên nó xây nhà to làm gì, xây nhà to để khoe khoang tao làm ăn phát đạt đây, tao xây cái nhà to tướng để doạ chúng mày. Nhưng người Hà Nội cần gì, họ chỉ cần ở đàng hoàng tử tế, có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ làm việc.

Ông tiến sĩ Hàng Trống nói một câu rất hay: “Ông bà tôi không dạy tôi làm quan, mà dạy tôi làm người”. Đi thi đỗ là việc phải thi để chứng tỏ mình học hành tử tế, nhà có văn hóa, nhưng không dạy mình đi làm quan, nên không làm quan bảng, quan đốc để làm gì, vì họ nhìn thấy vận người. Vận con người nó không đi theo đường quan lộ, biết bao vị quan lộ khốn nạn hôm nay chỉ mong là mình được ngồi vỉa hè ăn bát cháo về nhà mình ngủ cái giường của mình sống với gia đình mình thôi chứ. Vì thế cho nên họ ít tham vọng, tham vọng của họ chỉ đổ vào chuyện học hành thi cử, để không phụ ông cha. Cho nên thành ra nhà cửa họ cũng khiêm tốn, người khiêm tốn thì nhà cửa cũng khiêm tốn vừa độ đủ ở thế thôi, chân đi vừa giầy. Cái thằng huênh hoang đến mà xem những cái biệt phủ to tướng, rỗng tuếch ấy.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.