Văn hóa từ chức

Thứ Năm, 13/10/2022, 07:00

Ngày 8/9/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký Thông báo số 20-TB/TW kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Thông báo nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện... Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Lâu nay, việc cán bộ trình độ yếu kém, năng lực hạn chế, không còn uy tín, tín nhiệm, tự nguyện xin từ chức ở ta rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, có người thậm chí "dính chàm" vẫn còn cố chạy tội, chạy thành tích để tiếp tục "bám trụ", "giữ ghế", vì chức tước luôn gắn liền bổng lộc thì rất khó từ chức được và chỉ khi không thể giữ được nữa thì mới xin về sớm để tìm cách tháo chạy, trốn tránh trách nhiệm, tránh bị xử lý kỷ luật.

hội nghị lần thứ 6 ban chấp hành trung ương đảng hoá xiii đã đặt ra nhieều vấn đề thiết thực trong văn hoá từ chức.jpg -0
Hội nghị lần thứ 6 ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã đặt ra nhiều vấn đề thiết thực trong văn hóa từ chức.

Nguyên nhân chính khiến việc từ chức, từ nhiệm rất khó khăn bởi mấy lý do sau: Thứ nhất, việc chạy lấy danh hay lấy lợi thì thực chất là phi vụ làm ăn và tất yếu mục đích phải thu hồi cả vốn và phải có lãi. Như vậy, chấp nhận từ chức là mất "cả chì lẫn chài", cả vốn lẫn lãi. Thứ hai, rất nhiều trường hợp, để giành được một vị trí béo bở thì buộc phải “đầu tư”, huy động sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần, quan hệ của một nhóm người. Do vậy, người giữ chức vụ được coi là tài sản chung, nên họ có làm gì cũng phải được sự đồng ý của nhóm lợi ích chứ bản thân họ cũng không tự mình quyết định được… nên việc từ chức cũng không dễ. Thứ ba, nếu không chạy thì phải phấn đấu gần như cả đời mới có tý chức quyền; giàu sang đâu thì chưa biết, nhưng chỉ hơn đời, hơn được người ở cái oai, cái oách, vậy thì dại gì mà đem... trả lại.

Tại Hội nghị lần thứ 6 khóa XIII, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật. Trên cơ sở đề nghị của cấp ủy, tổ chức đảng, ý kiến của các cơ quan chức năng và xem xét nguyện vọng của cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết, thống nhất để các ông: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Như vậy, việc tự nguyện từ chức không còn là việc hô hào nữa, mà nó đã được quy định rất cụ thể và lập tức được thực hiện vừa nghiêm minh, đồng thời rất nhân văn, có lý, có tình. Thông qua việc này, Đảng công bố và chứng minh với nhân dân rằng: Nói phải đi đôi với làm. Đây là bước để hạn chế, khắc phục hiện tượng cán bộ bị xử lý kỷ luật xong vẫn ngồi nguyên vị trí ấy hoặc được cất nhắc ở vị trí tương đương, thậm chí sau một thời gian ngắn lại được "nâng đỡ" thăng chức lên vị trí cao hơn sẽ không còn. Điều đó phản ánh đúng quy luật "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trong công tác cán bộ.

"Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định", điều này đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu gương thực hiện trước tiên. Có thể thấy rằng, đây chính là bước đi đầu tiên để xây dựng thói quen trọng danh dự, rồi hình thành "văn hóa từ chức", coi việc từ chức là chuyện hết sức bình thường đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhưng từ chức không phải là để tạo ra "lối thoát an toàn" cho người sai phạm. Mong rằng, tiền lệ tốt này sẽ lan tỏa, tạo thành hiệu ứng, được cấp ủy các cấp hưởng ứng và triển khai thực hiện.

Nhiều người tin rằng nếu chúng ta thực sự tạo ra được một môi trường xã hội lành mạnh, theo nghĩa thẳng thắn phê phán các biểu hiện sai trái, đồng thời ủng hộ và bảo vệ những tấm gương liêm chính thì câu chuyện xây dựng văn hóa từ chức có điều kiện và khả năng sẽ sớm thành hiện thực.

Đừng tham quyền, cố vị mà cản trở sự nghiệp phát triển chung khi mà năng lực yếu kém, uy tín giảm sút; đừng cố ở thêm để bạn bè, đồng nghiệp người ta khinh ghét và canh cánh nỗi lo "hạ cánh không an toàn".

Cù Tất Dũng
.
.