Văn hóa tri ân người hiền

Thứ Bảy, 03/08/2024, 06:27

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức được thực hiện từ sáng 25/7, nhưng từ hôm có thông báo Tổng Bí thư từ trần (ngày 19/7), rất nhiều người dân đã tự mình để tang ông, bày tỏ sự kính trọng một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn.

Mà dân thì đã thờ ai thường ít sai.

Ở xã Quảng Công, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế có một người, từng là Tỉnh ủy viên Thừa Thiên Huế, Trưởng ty Thủy sản, được dân lập đền thờ, tôn làm thành hoàng làng và có một ngôi trường mang tên ông, đó là Phan Thế Phương.

Ông Phương, sau cơn bão lớn năm 1985, đã về “ba cùng” rồi mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân vùng đầm phá này, là nghề nuôi tôm. Bà con làm ăn khấm khá lên từ nghề nuôi tôm thì ông Phương bị mất vì tai nạn giao thông khi đi công tác. Hàng ngàn người dân vùng này đã lên Huế chịu tang ông rồi rước ông về làng để thờ. Và, họ thờ ông đến nay như một vị thần của làng, một cách tự nguyện và thành tâm. Ông trở thành một phần quan trọng của làng, máu thịt hơn máu thịt, xương cốt hơn xương cốt.

1.jpg -0
Nỗi tiếc thương của người dân đối với sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Để thấy, dân ta có một văn hóa chịu ơn người hiền, người đã mang lại đời sống ổn định cho họ, người mà họ cho là tốt và họ kính trọng về nhân cách.

Nhiều người đánh giá có ba đám tang, ba sự mất mát của yếu nhân, của lãnh đạo đất nước khiến họ xúc động nhất, khiến họ thấy mất mát nhất, khiến họ yêu thương nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Rất nhiều người đã dùng từ “Cụ” để gọi ba người hiền trên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài được gọi là Cụ Trọng, còn được gọi là Cụ Tổng, là Bác Cả, Cụ Cả, là “người đốt lò vĩ đại”.

Hồi Cụ Hồ mất, tôi mới trên 10 tuổi, nhưng vẫn nhớ không khí thương nhớ Cụ khi ấy. Dù còn bé tí nhưng chúng tôi cũng đeo miếng băng tang tự cắt, tự khâu, nhiều bạn mắt đỏ hoe vì khóc. Mà hồi ấy chúng tôi ở nơi sơ tán tại Thanh Hóa, vẫn còn chiến tranh phá hoại, vẫn ầm ì tiếng máy bay và bom nổ.

Cụ Giáp mất, một anh bạn họa sĩ điêu khắc ở Pleiku rước pho tượng bán thân Cụ do anh làm, to như người thật, ra trước ngõ, lập bàn thờ và dân xung quanh coi đấy là một điểm đến thắp hương Cụ Giáp. Có người mang cả vòng hoa đến. Còn trên cả nước, chắc không ai quên ngày đưa Cụ Giáp về quê, người dân xếp hàng cả trăm cây số bên đường tại Hà Nội và Quảng Bình.

Theo dõi trước và trong lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cũng thấy được nhân dân yêu quý và tiếc thương ông như thế nào.

Tôi đã hết sức xúc động khi xem trên Facebook bức ảnh một chiếc xe đạp dựng ở Bờ Hồ, trên xe là một lá cờ rủ, có buộc dải băng tang. Cũng như thế, cũng trên Facebook, trước hôm quốc tang, một bạn thông tin đã làm xong lá cờ tang và treo trước nhà. Cờ có rồi nhưng chưa có vải đen làm băng tang, bạn kể việc đi tìm bằng được miếng vải đen như thế nào. Vấn đề không phải là miếng vải, mà là tấm lòng để có miếng vải ấy.

Lại còn một bức ảnh trên báo, anh Nguyễn Phú Huỳnh ôm bức tranh khảm trai cẩn ốc xà cừ hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước Dinh Thống Nhất chờ tới lượt viếng.

PGS.TS, nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh ở Đại học Thái Nguyên có ngay một bài thơ, với những đoạn, những câu rất xúc động viếng Tổng Bí thư:

Tháng 7 mưa nhiều tại nước mắt rơi
Áo bạc che trái tim giàu nhân nghĩa
Tóc bạc che dũng khí sau nụ cười trí tuệ
Người neo giữ con tàu Việt Nam trong bão tố...
...Sông núi gọi tên người trong nắng trong mưa...

Hàng vạn người kiên nhẫn xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quê nhà Tổng Bí thư. Nhiều người trong số ấy chống nạng, ngồi xe lăn hoặc phải có người dìu. Và, ngày đưa Tổng Bí thư ra nghĩa trang Mai Dịch, hàng vạn người đứng bên đường, dưới nắng nóng tiễn ông, những câu hát, tiếng hô rền vang tiễn người họ yêu quý.

Vượt lên trên nghi lễ quốc gia, nhân dân có cách bày tỏ tình cảm của mình với những người hiền, người có công với đất nước. Và, đấy chính là sự bền vững của danh dự (lại nhớ câu nói của Tổng Bí thư được nhiều người nhắc tới: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất"; nhân cách và sự trung thành với Tổ quốc của những người được dân tin yêu. Đó chính là ứng xử văn hóa sâu rễ bền gốc của nhân dân...

Hùng Văn
.
.