Văn đàn Việt: Vì đâu thiếu vắng tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi?

Thứ Năm, 05/01/2023, 09:12

Dạo một vòng trong các nhà sách, chúng ta thấy nguồn sách thiếu nhi vô cùng phong phú cho trẻ em lựa chọn, từ sách học đến sách khám phá, du lịch, giải trí, truyện tranh, truyện đọc... Nhưng một thực tế mà chúng ta nhận thấy là sách cho thiếu nhi của tác giả trong nước đang có sự chênh lệch rất lớn về số lượng so với sách thiếu nhi của tác giả nước ngoài. Vì đâu trên văn đàn Việt hiện nay thiếu vắng tác phẩm văn học thiếu nhi, và thiếu vắng nhà văn viết cho thiếu nhi?

Thị hiếu đọc sách của thiếu nhi ngày càng phát triển đa dạng và phong phú cùng số lượng độc giả nhí cũng ngày một tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay số lượng tác giả viết sách văn học thiếu nhi ở Việt Nam vô cùng ít ỏi.

Ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyên viết truyện cho trẻ em và các tác phẩm văn học cũ dành cho trẻ em của các nhà văn thế hệ trước có tên tuổi như: Tô Hoài, Trần Đăng Khoa, Thế Hùng…  những năm gần đây, chúng ta chưa được thấy cây bút chuyên viết cho thiếu nhi nào nổi bật. Tuy nhiên, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không hẳn dành cho lứa tuổi trẻ em. Sách của ông hướng tới những người "đã từng là trẻ em" và những lứa tuổi thiếu niên, tuổi gần trưởng thành mà ta vẫn hay gọi là "Tuổi ô mai, tuổi mực tím, tuổi hồng". 

Chính vì sự thiếu hụt các tác giả và tác phẩm trong nước chuyên viết cho thiếu nhi đã khiến các nhà xuất bản ồ ạt dịch và phát hành sách thiếu nhi nước ngoài để đáp ứng cho nhu cầu đọc của trẻ em Việt Nam. Từ hiện trạng đó, dẫn tới thị trường sách ngoại lấn át sách nội tại các hiệu sách cũng như các hội chợ sách.

ảnh-1-để-xây-dựng-văn-hóa-đọc-cho-trẻ-em-cần-có-nhiều-sách-thu-hút-các-em-đọc,-trong-đó-có-dòng-sách-van-học-thiếu-nhi.jpg -0
Để xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em cần có nhiều sách thu hút các em đọc, trong đó có dòng sách văn học thiếu nhi.

Đa phần trong các sách văn học thiếu nhi dịch của nước ngoài là truyện tranh, truyện chữ chiếm số lượng không nhiều. Có thể nói, nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi dịch của nước ngoài đều có giá trị nghệ thuật và tính giáo dục, hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi của các em. Tuy nhiên, do cốt truyện và bối cảnh của tác phẩm là ở nước ngoài nên vẫn còn có sự xa lạ, khó gần gũi với tâm hồn của trẻ em Việt Nam. Và khi thiếu vắng các tác phẩm văn học thiếu nhi của Việt Nam thì việc giáo dục bồi dưỡng tâm hồn, nhận thức cho các em  thông qua các tác phẩm đó sẽ bị thiếu hụt, bị "bỏ trống" mà các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài không thể bù trừ được, bởi lẽ chúng chỉ phản ánh đời sống của đất nước, dân tộc khác.

Sự thiếu vắng này, ít nhiều gây ra sự "hụt hẫng" cho các độc giả nhí và những ai quan tâm đến chúng. Nhìn ở góc độ kinh tế, nói không quá lời, nhìn và cảm nhận về hiện tượng này cứ thấy một nỗi buồn, tiếc nuối cho một thị trường tiềm năng chưa được chúng ta khai thác hiệu quả.           

Nhiều nhà văn chia sẻ rằng viết sách cho thiếu nhi rất khó. Bởi chúng ta không thể viết sách như kiểu ta dạy dỗ những đứa trẻ phải thế nọ, thế kia, khiến cho trẻ con đọc vài trang sẽ thấy chán. Và giọng văn cũng hồn nhiên, hòa hợp với cách sống, hành động của độ tuổi trẻ nhỏ quả là không phải việc dễ dàng với các nhà văn muốn viết truyện cho thiếu nhi. Nếu viết phức tạp hơn một chút sẽ thành giả trân, giáo điều. Nhưng nếu nghĩ trẻ con quá thơ ngây, nhà văn hành văn kiểu con nít quá sẽ không đem tới tính hấp dẫn cao. Do sự đặc thù này mà không có nhiều cây bút trẻ, cây bút mới dám mạo hiểm bắt tay vào chinh phục "khu vườn" văn học thiếu nhi, dù biết nó còn rất nhiều chỗ trống, ít người khai thác.

Lúc còn sống, nhà văn Tô Hoài cũng đã trăn trở về việc sách thiếu nhi thiếu vắng hẳn những câu chuyện hay. Ông từng nói "Nếu trao thưởng 1 tỷ đồng thì sách thiếu nhi sẽ hay ngay".  Nhưng, liệu như thế đã đủ thu hút người cầm bút viết cho thiếu nhi? Thực tế cho thấy, số người trẻ viết dòng văn học thiếu nhi kế thừa hiện nay rất ít ỏi, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì thế, dòng văn học này ít có tác phẩm mới phản ánh các số phận trẻ em mang hơi thở của thời đại, của cuộc sống hiện tại.

Từng có nhiều cuộc thi viết truyện thiếu nhi diễn ra, cũng có những cây bút đoạt giải tiềm năng. Nhưng sau đó hầu như họ không viết tiếp nữa. Bởi nhiều nhà văn trẻ thổ lộ rằng: Nhuận bút viết truyện thiếu nhi nước mình quá thấp. Kể cả khi nhà văn đó có tên tuổi mà viết tác phẩm văn học cho thiếu nhi cũng khó sống nổi với nghề. Họ cho biết thêm, nếu có bản thảo truyện thiếu nhi thì còn có nhà xuất bản để ý, chứ chào hàng bản thảo thơ thiếu nhi thì hầu hết các nhà xuất bản đều không chịu nhận bản thảo, vì thơ giờ không ai mua. Thực tế, trong các nhà sách cũng chỉ thấy truyện thiếu nhi là nhiều, thơ thiếu nhi chỉ tái bản một vài tập thơ cũ của tác giả cũ.

ảnh-2-văn-học-thiếu-nhi-việt-đang-thiếu-trầm-trọng-số-lượng-tác-phẩm-lẫn-tác-giả.jpg -0
Văn học thiếu nhi Việt đang thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhiều cây viết trẻ hiện nay không mặn mà với việc viết văn học thiếu nhi. Lo ngại cho sự thành công từ tên tuổi cho đến… thu nhập, không ít cây bút trẻ có khả năng viết tốt chỉ đầu tư cho việc viết  truyện mạng với các kiểu: Tiểu thuyết ngôn tình, vấn đề tình dục, đồng tính để hút giới trẻ, để "nhanh chóng nổi tiếng và có nhiều tiền hơn".

Tuy nhiên, cũng có một số cây bút trẻ lại có đam mê viết cho thiếu nhi. Chuẩn bị ra mắt cuốn sách dành cho thiếu nhi đầu tay, cây bút trẻ Vân Anh hào hứng chia sẻ: "Khi viết sách cho thiếu nhi, tôi nghĩ chúng ta hãy khoan nghĩ tới mức nhuận bút cao đi. Hãy cứ viết tác phẩm đó bằng tâm huyết cho đến khi hay, để có thể chạm tới mọi trái tim thiếu nhi Việt Nam, chắc chắn là sách đó bán chạy. Vậy lợi nhuận thu được từ những cuốn sách đó đâu phải là nhỏ. Đó là cách mà các nhà văn thành công của nước ngoài vẫn làm. Vậy tại sao các nhà văn trẻ Việt Nam lại không thể?".

Có thể nói, nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển tri thức đối với trẻ em luôn là quan tâm hàng đầu của nhân loại. Bởi thế mà các loại sách đọc cũng như những ứng dụng học trên Internet dành cho trẻ nhỏ ngày càng thêm phong phú để phục vụ cho mục đích trên và phục vụ cho nhu cầu giải trí của độc giả nhí lẫn người lớn. Thế nhưng, hàng chục năm qua, văn đàn Việt lại đang thiếu vắng trầm trọng các tác phẩm và tác giả của dòng văn học này. Đây là một khiếm khuyết mà chúng ta vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.

Một đất nước hơn 90 triệu dân mà đầu sách viết cho thiếu nhi chỉ đếm trên đầu ngón tay thì đúng là một thực trạng buồn. Không phải các nhà văn không viết sách cho thiếu nhi là không quan tâm đến thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Nhưng các nhà văn có cách quan tâm theo cách riêng của họ. Nhưng chúng ta lại đang cần lắm những nhà văn trẻ có thực lực, tâm huyết viết cho trẻ em. Mang đến những câu chuyện, cái nhìn mới mẻ nhưng đậm chất đời sống Việt trong ngòi bút của họ để khơi gợi, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ em Việt Nam. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nói: "Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…".

Chúng ta luôn bàn, trăn trở về văn hóa đọc đang xuống dốc và suy tư về việc xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em. Nhưng để giải quyết được vấn đề này thì điều đầu tiên là phải có nhiều tác phẩm văn học và các thể loại khác, thu hút được trẻ em.

Để "bổ khuyết" cho hiện trạng này, vừa qua Hội Nhà văn Việt Nam đã mở cuộc thi văn học viết cho thiếu nhi, thu hút đông đảo văn giới chuyên và không chuyên cùng sự quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, kết quả cuộc thi ra sao; có chăng sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của dòng văn học thiếu nhi Việt, thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Nguyễn Thịnh - Vân Anh
.
.