Ứng xử với di sản văn hóa

Thứ Sáu, 17/11/2023, 17:34

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch vừa tổ chức hội nghị xin ý kiến đóng góp cho hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến 44 điểm cầu trên cả nước. Đây là một thiện chí trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và càng ngày càng chứng minh vai trò tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng quốc tế.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 10 chương, 154 điều với một số điều khoản mới, trong đó có nhiều nội dung lần đầu tiên được đưa vào luật, với mong muốn giải quyết một số bất cập đang tồn tại của công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa.

Nói đến di sản văn hóa thì bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Gìn giữ giá trị di sản văn hóa vật thể như đền đài, cổ vật, bảo vật, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đã khó mà gìn giữ giá trị di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc, tri thức dân gian còn khó hơn. Vì vậy, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần đạt được mục đích huy động sự chung tay và sự chung lòng của toàn xã hội.

untitled-1.jpg -0
Vịnh Hạ Long mang vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ.

Ngoài những di sản văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, Việt Nam đã có 7 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể danh thắng Tràng An, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, thành nhà Hồ, vịnh Hạ Long -Quần đảo Cát Bà và quần thể di tích Cố đô Huế. Những di sản văn hóa thế giới kể trên đã thu hút hàng triệu du khách đến Việt Nam, nhưng cũng đặt ra trách nhiệm không nhỏ cho Việt Nam về công tác quản lý và tôn tạo. Bởi lẽ, nếu quá đặt nặng mục đích khai thác vì kinh tế thì rất dễ xảy ra tình trạng xâm hại di tích văn hóa. Vì vậy, Chính phủ đã triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản văn hóa theo đúng cam kết với UNESCO.

Một quy định đáng chú ý trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là khuyến khích tư nhân tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, mua cổ vật từ nước ngoài hiến tặng cho Nhà nước. Điều này xuất phát từ tình huống thực tế vào đầu năm nay có một tư nhân đã mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo với giá 154 tỷ đồng ở một phiên đấu giá tại Pháp và có kế hoạch đưa báu vật hồi hương. Tuy nhiên, khi đã đề cập đến báu vật quốc gia thì không thể trông cậy hoàn toàn vào nỗ lực riêng tư mà nhất định phải có chính sách quốc gia. Nhà nước cần ưu tiên dành ngân sách thích đáng để mua lại những di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam đang lưu giữ ở nước ngoài.

Hiện nay, câu chuyện nóng bỏng nhất bên lề dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là biện pháp tạo ra an toàn tuyệt đối cho di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Dư luận một phen sửng sốt khi thấy xuất hiện công trình lấn biển để xây dựng khu đô thị tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh với tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.232 tỉ đồng. Theo phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 của tỉnh Quảng Ninh, dự án có diện tích khoảng 31,8ha (trong đó có 3,88ha thuộc vùng đệm vịnh Hạ Long) với các hạng mục công trình biệt thự, nhà ở liền kề và trung tâm thương mại, khách sạn.

Hãy nhớ rằng, vào ngày 16/9/2023 vừa qua, tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới. Cho nên, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không chỉ có diện tích 1.553km2 bao gồm 1.969 hòn đảo, mà được mở rộng ra cả quần đảo Cát Bà. Việc mở rộng di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long tăng thêm giá trị vốn có của di sản, đảm bảo sự hài hòa về cảnh quan, địa chất, địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng về các loài động thực vật. Vì vậy, không ai có thể nhân danh phát triển hạ tầng mà làm ảnh hưởng quần thể vịnh Hạ Long, gồm cả vùng lõi và vụng đệm của một di sản thiên nhiên thế giới.

Di sản văn hóa không thể phục vụ lợi ích riêng. Di sản văn hóa phải được bảo tồn và phát huy hướng tới lợi ích chung của quốc gia và nhân loại. Đặc biệt, giữa bối cảnh Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu toàn cầu, thì hành lang an toàn cho di sản văn hóa càng nên củng cố để tránh các mối đe dọa khó lường. Từ dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc thêm tầm quan trọng của di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Bởi lẽ, đó là giá trị không chỉ phục vụ hôm nay mà còn để lại cho muôn đời sau. Thờ ơ với di sản văn hóa, sẽ có lỗi với tiền nhân và có tội với hậu sinh.

Lê Thiếu Nhơn
.
.