Ứng xử văn hóa trong thời hiện đại

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:18
Chúng ta bàn về văn hóa ứng xử của lớp trẻ đối với từng sự việc cụ thể. Nhưng để có được một hành vi đúng, đòi hỏi cả một quá trình rèn dưỡng của gia đình và nhà trường. Chỉ cần một hành vi ứng xử nhỏ cũng có thể nói lên nhân cách của một con người. Ứng xử văn hóa là biểu hiện của một người có đạo đức. Nhưng cũng không nên chỉ nhìn vào một vài sự việc tiêu cực để thất vọng về lớp trẻ...

Một giây và một trăm năm

Nguyễn Quang Thiều

Cách đây hơn 50 năm, cổng làng tôi bị phá vì một lý do đặc biệt. Và nửa thế kỷ sau, người làng tôi đã dựng lại cái cổng làng đó.

Khi kêu gọi dựng lại cổng làng, những người già trong làng nói: Làng ta không phải dựng lại cổng làng mà là dựng lại bốn chữ có trên cổng làng. Bốn chữ đó là: Vọng tự nhập xuất. Một người già làng tôi giải thích: "Vọng tự nhập xuất" có nghĩa là nhìn chữ để ra vào. Và trong cách dịch của tôi: Chữ ở đây là văn hóa, Ra Vào ở đây là hành xử. Và chỉ có văn hóa mới biết cách hành xử với cuộc đời.

Người làng tôi từ xưa đã nói: "thuộc một câu thơ thì quên đi một câu chửi". Họ đã thấu hiểu sứ mệnh của văn hóa trong sự tồn tại và phát triển nhân tính của nhân loại. Khi văn hóa chết trên toàn bộ thế gian này thì con người ngay tức khắc trở thành hoang thú bởi không còn nhân tính nữa.

Thế nhưng bây giờ, trong đời sống đương đại, phép hành xử văn hóa của con người Việt Nam với cuộc đời mà trong đó là hành xử với con người và hành xử với thiên nhiên đã và đang rung lên những hồi chuông báo động gấp gáp hơn bao giờ hết. Ngày ngày, chúng ta phải đau lòng thừa nhận những hành động phi văn hóa đang diễn ra ở quá nhiều nơi trong xã hội chúng ta. Chúng ta lấp những ao hồ, chúng ta làm ô nhiễm những con sông, chúng ta chặt phá những cánh rừng, chúng ta giết chết những cái cây, chúng ta đổ rác quanh những ngôi nhà chúng ta đang ở, chúng ta phạm thượng và thô tục ở những chốn linh thiêng, chúng ta chen đẩy nhau để tranh một món ăn miễn phí, chúng ta chửi rủa, đánh đấm nhau khi chen lấn lúc tắc đường, chúng ta đập chết nhau vì ăn cắp một con chó, chúng ta dửng dưng nhìn một kẻ móc túi, chúng ta thờ ơ với người già trong chính ngôi nhà của mình, chúng ta chiếm hết không gian của trẻ nhỏ….

Những người Việt trẻ hôm nay chuẩn bị gì cho một tương lai tốt đẹp hơn?

Có những lúc tôi đứng như một kẻ ngớ ngẩn nhìn mãi một tấm biển "Xin đừng ngắt hoa", "Xin đừng giẫm lên cỏ" hay "Xin đừng đái bậy"... Một cái biển nhỏ tưởng như bị nuốt chửng bởi những ngôi nhà chọc trời đang ngày một mọc lên như nấm nhưng làm cho không ít người trong chúng ta nhức nhối. Nhức nhối bởi cái biển nhỏ ấy đã có ở những nơi đó hết năm này đến năm khác mà nó sẽ còn ở đó rất lâu. Chẳng lẽ không có dấu hiệu gì về sự thay đổi của chúng ta sao? Cái gì đã làm cho chúng ta trở nên như vậy? Đó chính là chúng ta đã đánh mất lòng tự trọng, đánh mất khả năng rung động trước những vẻ đẹp, đánh mất khát vọng về một thế gian yên bình và đẹp đẽ và vì chúng ta chứa đầy sự ích kỷ, tham lam và vô cảm trong con người chúng ta.

Chúng ta đang rời xa văn hóa. Cái duy nhất để xác lập "căn cước người" của chúng ta là văn hóa đang bị hành động của chúng ta làm mờ dần đi những "chữ" ghi trên đó. Nó cho chúng ta một dự báo: Nếu cứ như thế, đến một ngày chúng ta sẽ không đọc nổi một dòng chữ nào trên cái "căn cước người" ấy của chúng ta. Và vì lẽ đó, chúng ta sẽ không còn nhận ra mình là ai nữa.

Có nhiều lúc, tôi thực sự hoang mang và đôi lúc choáng váng khi bị những hiện thực trong đời sống văn hóa của chúng ta như bị một kẻ nào đó bất ngờ ném mình vào bóng tối hay bị giáng một cái tát vào mặt. Nhiều lúc tôi đứng trước một cái cây, một hè phố, một con đường, một khu vườn, một con người ở xứ khác và buồn bã hỏi: tại sao những vẻ đẹp ấy lại không tràn ngập trên xứ sở chúng ta. Và ngay lúc đó, chiếc gương ký ức lớn lại hiện ra trước tôi và tôi nhìn thấy những vẻ đẹp ấy đã từng ngự trị trên mảnh đất của chúng ta.

Những năm tháng đó, con người chúng ta thật lộng lẫy, thật kiêu hãnh, thật nhân ái, thật hiến dâng, thật chia sẻ… Tổ tiên, ông bà chúng ta đã để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại và vô giá là văn hóa. Chính văn hóa là sức mạnh lớn nhất đưa dân tộc chúng ta đi qua mọi thách thức trong chiều dài lịch sử. Chính văn hóa làm nên nhân cách Việt và minh triết Việt. Nhưng lúc này, quá nhiều người trong chúng ta đang bỏ quên di sản ấy để đi tìm nhưng thứ thỏa mãn dục vọng thấp hèn của chúng ta. Lúc này, chúng ta thường mở một đôi mắt lo sợ và ngờ vực với chính con người chúng ta. Vật chất không thể chữa nổi căn bệnh vô cảm và ích kỷ của chúng ta mà nó chỉ làm căn bệnh ấy trở nên trầm trọng.

Một lần nói chuyện với sinh viên một trường đại học, một sinh viên hỏi tôi: "Bí mật lớn nhất làm nên hạnh phúc của nhà thơ là gì?". Tôi trả lời: "Bí mật lớn nhất mang cho tôi hạnh phúc là càng được sống nhiều thời gian với ông bà, cha mẹ mình càng tốt". Như thế nghĩa là chúng ta sẽ được sống trong tình thương yêu, trong chia sẻ, trong ấm áp, trong hiếu thảo và dâng hiến. Đấy chính là hành xử văn hóa. Được yêu một con người cụ thể và một cái cây cụ thể thì ta gặp những điều kỳ diệu.

Đến đây, tôi lại nhớ đến cách đây một năm, Bộ VHTT&DL đã phát động một chương trình hành động có tên "Bữa cơm ấm áp yêu thương". Tôi đang nói về một số khía cạnh của văn hóa và tôi muốn lấy những ví dụ thật giản dị. Những ví dụ mà ai cũng có thể thực hiện nhưng nó lại có một sức mạnh kỳ diệu.

Một bữa cơm tối hay cuối tuần của gia đình có đủ ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu luôn luôn mang lại cho con người trong gia đình ấy những nguồn cảm xúc và yêu thương bất tận từ những câu chuyện của mỗi thành viên thông qua bữa cơm đó. Nó gắn kết các thành viên, nó tạo dựng một không khí yêu thương, nó tái hiện quá khứ của những người thân yêu trong gia đình đã khuất hoặc ở xa. Nhưng quả thực, những bữa cơm như thế đã vơi đi rất nhiều trong đời sống hiện đại này.

Gia đình là một trong ba ngôi nhà lớn nhất và quan trọng nhất làm nên một xã hội mơ ước. Ba ngôi nhà ấy là: Nhà chùa (linh thiêng), nhà trường (tri thức) và nhà mình (nguồn cội và tình yêu thương). Nhưng cả ba ngôi nhà ấy đang bị đe dọa ở một cấp độ cao. Chúng ta đã và đang gặp những trục trặc không nhỏ trong hệ thống ba ngôi nhà ấy. Và chính thế, những sản phẩm khởi xuất từ ba ngôi nhà ấy đã có lỗi. Đó là sản phẩm người. Gần mười năm trước, tôi cùng một nhóm sinh viên đã làm khảo sát với khoảng 50 gia đình ở mọi thành phần trong xã hội. Mục tiêu khảo sát là để xem trong một ngày ngôn ngữ chính dùng trong gia đình là ngôn ngữ gì. Kết quả cho thấy: ngôn ngữ chính được dùng trong những gia đình này là ngôn ngữ thực dụng. Và một đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà ấy trong thế giới của ngôn ngữ ấy suốt tuổi thơ của nó sẽ dễ dàng biến nó trở thành một kẻ thực dụng. Và những hành vi văn hóa của giới trẻ hiện nay mà chúng ta lo lắng và cảnh báo là những con người thực dụng chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mình mà quên đi lợi ích cộng đồng.

Ngay cả bây giờ, những ai đọc bài báo nhỏ này của tôi thử dành ra ít phút kiểm tra lại ngôn ngữ thường được sử dụng trong gia đình mình là ngôn ngữ gì thì tôi cam đoan sẽ không ít người giật mình cho dù chỉ là cái giật mình khe khẽ. Ngôn ngữ của cái đẹp, của tình yêu thương, của những giấc mơ đẹp, của trí tưởng tượng kỳ diệu, của lẽ phải mà những thế hệ trước kia thường được nghe trong ngôi nhà của mình thông qua những câu chuyện cổ tích, những cuốn sách, những dạy dỗ, những an ủi, những chia sẻ, những tha thứ, những nhân ái… đã vơi vắng đi quá nhiều trong khi đồ đạc và phương tiện sống hiện đại, đắt tiền ngày càng ngập kín ngôi nhà.

Chúng ta không thể sống trong đói nghèo. Chúng ta phải tạo dựng một đời sống no ấm và văn minh. Nhưng chúng ta không thể dùng lồng son, chuồng ngọc để biến một con vật nuôi thành một con người. Vật chất làm cho thân xác chúng ta tồn tại. Còn văn hóa làm cho linh hồn chúng ta đẹp đẽ và kỳ vĩ.

Để một con người có được những hành xử văn hóa chúng ta phải mất một thời gian dài với kiên nhẫn trong yêu thương và khai mở trong trí tuệ. Và lúc này trong tôi lại hiện lên một hình ảnh về một kẻ thản thiên vứt một cái rác bẩn xuống nơi công cộng và một người cúi xuống nhặt một cái rác bẩn lên. Hành động vứt một cái rác bẩn mất một giây còn hành động cúi xuống nhặt một cái rác bẩn lên mất một trăm năm. Một trăm năm chỉ là một cách nói về con đường hình thành một hành xử văn hóa của con người. Và đấy chính là điều tôi muốn cảnh báo.

Hoa "Ưu đàm" vẫn đang nở giữa cuộc đời

Ngọc Yến

Bỏ qua câu chuyện buồn ở Công viên nước Hồ Tây mới đây, khi hàng nghìn người leo rào để trèo vào bên trong, bỏ qua những hình ảnh chen lấn, giành chỗ chỉ để được nhìn các ngôi sao đến viếng người đã khuất trong đám tang người mẫu Duy Nhân mới đây, cuộc sống quanh chúng ta còn rất nhiều hành vi đẹp đẽ, biểu hiện của những tấm lòng nhân hậu, và là cách ứng xử giữa người với người rất đáng học tập.

Nhiều người vẫn than vãn lớp trẻ bây giờ vô cảm, ứng xử văn hóa kém với những ví dụ đầy rẫy trên các kênh thông tin đại chúng phản ánh xung quanh cuộc sống hằng ngày vẫn diễn ra. Nhiều người vẫn thường chê giới trẻ bây giờ sống hời hợt, không lý tưởng, chỉ biết hưởng thụ… Tôi không nghĩ thế. Hãy song hành với những người trẻ kia, chúng ta sẽ thấy vô vàn đóa hoa "ưu đàm" quý báu đang nở giữa cuộc đời.

Công cuộc "giải cứu" dưa miền Trung ở Hà Nội khó có thể thành công nếu không có sự tham gia của hàng nghìn sinh viên tình nguyện. Lăn xả theo các xe dưa "cập bến" lúc nửa đêm, thay vì cuộn mình trong những căn nhà cao ốc phủ chăn mềm ngủ một giấc êm ái, các cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi ấy đã làm lan lửa nhiệt tình đến cộng đồng xã hội, làm dấy lên một phong trào thiện nguyện vì cộng đồng trong cả nước.

Những nét đẹp trong ứng xử văn hóa rất cần trong cộng đồng xã hội hôm nay.

Không chỉ có lớp trẻ, những người trung tuổi ở các vị trí khác nhau trong xã hội, từ nhà báo, cô giáo, đến cán bộ công nhân viên chức, một bộ phận không nhỏ những người Việt hôm nay đã lăn xả vì phong trào thiện nguyện trong cộng đồng. Với các bạn trẻ sinh viên, họ bốc dỡ dưa, người đầy bụi rơm từ 2-3h sáng đến 7-8h lại vội vàng đến giảng đường, không kịp cả ăn gói xôi mà tôi chuẩn bị từ trước. Nhìn các bạn trẻ vừa bê dưa vừa hát, cảm giác vừa yêu, vừa thương, vừa ấm áp, thân thiết dù trước đó một ngày, chúng tôi còn là những người xa lạ. Có bạn còn ngượng nghịu: "Chị ơi, đây là lần đầu tiên em đi bê dưa, em hồi hộp mãi không ngủ được".

Khi tôi muốn gửi các bạn một chút chi phí xăng xe, tất cả đều lắc đầu kiên quyết không nhận với lý do giản dị: "Bọn em muốn giúp một tay với các chị, mong là bán được nhiều dưa giúp nông dân miền Trung thôi ạ". Với những cô cậu sinh viên tôi đã gặp trong đợt giải cứu dưa hấu này, chẳng có lý do gì để phụ huynh của các em phải lo lắng rằng "lũ trẻ trâu" ấy sẽ không thành người tử tế. 

Nhìn thấy một người cơ nhỡ, một người vô gia cư đang ngồi co ro hay ngủ lăn lóc trước cửa một ngôi nhà, sẽ có một vài người trong số cả ngàn người hối hả trên đường dừng lại, cho họ vài nghìn bạc lẻ. Đó cũng là một cử chỉ đẹp. Nhưng tôi đã gặp một nhóm các bạn trẻ, cứ đêm thứ Sáu hằng tuần, chính tay các bạn ngâm gạo, đồ xôi, đơm ra từng hộp, mua bánh mì, nước uống mang đi phát cho từng người vô gia cư ngủ trên hè phố, dưới gầm cầu Long Biên, ga Hà Nội.

Chương trình "Đêm ấm" của Hội Sinh viên tình nguyện lưu động miền Bắc đã âm thầm diễn ra nhiều năm nay như thế. Ông cha ta có câu "của cho không bằng cách cho". Các bạn lặng lẽ đặt bên cạnh từng người gói thức ăn chứ không gọi họ dậy để tránh làm mất giấc ngủ của họ. Sớm mai thức dậy, những con người khốn khổ ấy đã có sẵn gói xôi lót lòng. Làm được như các em, có mấy người?

Chúng ta bàn về văn hóa ứng xử của lớp trẻ đối với từng sự việc cụ thể. Nhưng để có được một hành vi đúng, đòi hỏi cả một quá trình rèn dưỡng của gia đình và nhà trường. Chỉ cần một hành vi ứng xử nhỏ cũng có thể nói lên nhân cách của một con người. Ứng xử văn hóa là biểu hiện của một người có đạo đức. Nhưng cũng không nên chỉ nhìn vào một vài sự việc tiêu cực để thất vọng về lớp trẻ. Những ứng xử bầy đàn, a dua luôn chỉ là thiểu số. Văn hóa ứng xử là nét đẹp truyền thống của cha ông ta, vĩnh viễn sẽ là bài học chân mỹ cho thế hệ trẻ hôm nay. Xin hãy tin tưởng ở họ.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển: Cội rễ vẫn phải là câu chuyện giáo dục

Khánh Linh (thực hiện)

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về các vấn đề xã hội, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đã có những kiến giải sâu sắc về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử của người Việt.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng.

- Liên tục những câu chuyện đáng buồn xảy ra trong thời gian qua, sự vô cảm của con người trước nỗi đau của người khác, chen lấn xô đẩy nhau cướp hoa trong lễ hội, giẫm đạp lên nhau nhận quà miễn phí và mới đây nhất là chen nhau tắm miễn phí ở công viên nước. Phải chăng, văn hóa ứng xử của người Việt đã đi đến tận cùng của sự xuống cấp?

- Những câu chuyện về sự vô cảm, lợi dụng sự khó khăn của người khác để trục lợi cho mình, thấy người bị tai nạn không giúp đỡ, tranh cướp, chen lấn xô đẩy nhau... thể hiện tính ích kỷ, thiếu sự chia sẻ, đồng cảm trong xã hội. Liệu chúng ta có quá chủ quan khi nói rằng, người Việt giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Nếu chúng ta đã từng có truyền thống như vậy thì có lẽ chúng ta đã quên mất nó rồi. Và chúng ta cũng nên xem lại nền giáo dục của mình. Việc thưởng phạt đã rõ ràng chưa, để người tốt được vinh danh, tưởng thưởng và kẻ xấu bị xử phạt. Chúng ta không khen thưởng và chúng ta cũng không lên án.

Tôi thấy  bây giờ, chúng ta nhìn thấy kẻ xấu còn không dám vạch mặt, tố cáo. Về mặt luật pháp chúng ta có vấn đề, luật pháp không được thực thi, người dân mất lòng tin vào luật pháp và người dân không tin luật pháp sẽ bảo vệ mình, không tin sự trừng phạt thích đáng, tạo nên một lối ứng xử "tránh voi chẳng xấu mặt nào", để được an toàn cho mình.

Bên cạnh luật pháp còn vấn đề đạo đức.  Đó là văn hóa, là những kỹ năng ứng xử.

- Vậy căn nguyên của những câu chuyện buồn đó bắt nguồn từ đâu thưa chị?

- Chúng ta phải quay trở về câu chuyện giáo dục thôi. Chúng ta đang thiếu những kỹ năng ứng xử để hóa giải những mâu thuẫn. Trẻ con đến trường không được dạy kỹ năng sống, để sống an lành, tử tế mà chỉ nhồi nhét kiến thức. Còn trong gia đình, người lớn không làm gương cho trẻ con, sẵn sàng có những hành vi xấu. Câu chuyện giáo dục vừa là nguyên nhân vừa là giải pháp. Văn hóa, đạo đức là những quy ước bất thành văn trong cộng đồng, xã hội để lựa nhau mà sống. Trong xã hội, chúng ta không tuân thủ những điều đó, vì chúng ta thiếu giáo dục, thiếu kỹ năng, thiếu niềm tin vào sự công bằng.

Thực thi pháp luật và văn hóa đạo đức phải được song hành. Nó đi từ người dân mà ra. Tất cả những hành động chen lấn, xô đẩy nhau, tranh cướp nhau, tôi nghĩ, không phải vì thiếu, mà vì tâm lý không muốn kém người khác, không muốn thua thiệt người khác. Thấy người ta có mà mình không có thì không chịu được. Những năm bao cấp đã tạo ra tâm lý đó, sợ mất phần. Chúng ta phải nhìn lại, nghiêm khắc với bản thân mình. Bên cạnh giáo dục, chúng ta phải có phong trào phản tỉnh, tự nhìn thấy thói hư tật xấu của mình để cảm thấy xấu hổ mà thay đổi.

- Nhưng vì sao những câu chuyện về ứng xử đó thưởng xảy ra trong đám đông, vì một xã hội chạy theo trào lưu, vì tâm lý đám đông?

- Đúng thế, trong đám đông người ta được cổ vũ bởi những người khác và luôn có tâm lý, mình không thể kém thằng bên cạnh. Trong đám đông chả ai biết mình là ai, không biết xấu hổ nữa và quan trọng là không phải chịu trách nhiệm. Không có trách nhiệm cá nhân trong đó nữa. Ở nhiều nước, trách nhiệm cá nhân rất quan trọng, mỗi cá nhân phải luôn chịu trách nhiệm về hành xử của mình. Ở đây có một vấn đề về sự trưởng thành như một công dân, tôi sợ có những người Việt đã già nhưng chưa/không trưởng thành, chúng ta không tự kiểm soát được hành vi của mình, dễ bị lôi kéo bởi đám đông. Rồi tâm ý ăn thua, sợ thiệt thòi, không dám chịu trách nhiệm, cộng thêm việc thiếu kỹ năng ứng xử các tình huống trong cuộc sống, tạo nên những thứ rất xấu và tồi tệ hiện nay về văn hóa ứng xử của người Việt.

- Nhưng tôi nghĩ, sâu xa của vấn đề văn hóa ứng xử, phải chăng người Việt của chúng ta đang thiếu lòng tự trọng. Thiếu tự trọng, họ mới chen lấn, xô đẩy để cướp bằng được cái ấn đền Trần, để chiếm một chỗ trong công viên nước nhung nhúc người, để rồi đánh nhau, đâm chém nhau, tạo nên sự bất an như bây giờ?

- Tôi muốn đặt một câu hỏi rất lớn về lòng tự trọng của người Việt, vì lòng tham, vì tính đố kỵ, chúng ta không còn lòng tự trọng. Và câu hỏi cuối cùng đặt ra là những quy ước về văn hóa, đạo đức của chúng ta đang như thế nào. Nếu một vài trường hợp đơn lẻ thôi thì là sự tình cờ, ngẫu nhiên, nhưng liên tục xảy ra, nó là vấn đề của toàn xã hội. Nó đang tạo thành một lối sống mà ở đó, "luật rừng" đang lên ngôi, cái tốt đang im lặng, né tránh.

- Vậy liệu chúng ta còn có cái nhìn lạc quan về văn hóa ứng xử của người Việt hay không?

- Đâu đó vẫn có những người tử tế, vẫn có nếp nhà giữ được sự an hòa. Nhưng làm sao để chia sẻ những điều đó ra xã hội, để người ta có niềm tin hơn. Mọi người phải lên tiếng, tạo ra áp lực đấu tranh với cái xấu. Chúng ta không tự nghiêm khắc với mình, nhìn lại bản thân mình. Ai chạm đến lòng tự hào dân tộc là chúng ta nhảy xồ lên. Chuyện người Việt đi ăn cắp ở Nhật, đó là nỗi xấu hổ, phải nghiêm khắc nhìn lại mình, đừng ảo tưởng, huyễn hoặc mình. Chúng ta cứ mải mê với những thành tích ở đâu, nhưng chúng ta đang có những vấn đề về hành vi ứng xử. Và cuối cùng sẽ là mỗi người dân phải nhận ra và thay đổi. Truyền thông phải lên tiếng, tạo sự áp lực về thay đổi.

- Cảm ơn TS Khuất Thu Hồng về cuộc trò chuyện này.

Nguyễn Quang Thiều-Ngọc Yến-Khánh Linh (thực hiện)
.
.