Từ sai phạm của nghệ sĩ: Nghĩ về vai trò cơ quan quản lý

Thứ Sáu, 12/07/2024, 10:15

“Cơ quan chức năng cho biết, hiện vẫn chưa liên lạc được với vợ chồng ca sĩ Ngọc Mai - Quốc Nghiệp. Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch làm việc khi cặp đôi này về nước sau ngày 26/6”. Đó chính là một dòng tin được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông trong những ngày đầu tháng 7. Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mời họ lên làm việc sau khi họ trở về vào ngày 26/6 từ Mỹ.

Cái khó mà đại diện Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đưa ra là Ngọc Mai, Quốc Nghiệp là nghệ sĩ tự do, không nằm dưới sự quản lý của một đơn vị nghệ thuật nào và hiện nay chưa có quy định về việc nghệ sĩ hoạt động tự do ra nước ngoài. Lý giải của Sở VHTT TP Hồ Chí Minh là chính xác. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước có thể không quản lý việc nghệ sĩ tự do ra nước ngoài lưu diễn nhưng hoàn toàn có thể xử lý đối với những nghệ sĩ tự do có vi phạm.

Từ sai phạm của nghệ sĩ: Nghĩ về vai trò cơ quan quản lý -0
Vợ chồng Ngọc Mai - Quốc Nghiệp.

Thực tế, tỷ lệ nghệ sĩ tự do trong giới văn hóa, nghệ thuật hiện nay là rất lớn, có thể nói là áp đảo so với những nghệ sĩ thuộc biên chế các đơn vị nhà nước. Quản lý nghệ sĩ vốn đã khó, quản lý nghệ sĩ tự do lại càng khó, song không phải là bất khả. Nếu khó đến mức không thể can thiệp xử lý khi cần, chắc chắn thị trường giải trí sẽ vô cùng hỗn loạn.

Về cơ bản, nghệ sĩ vẫn cần sân khấu để trình diễn, cần chương trình để xuất hiện. Và, cơ quan quản lý cấp phép các chương trình trình diễn vẫn là Sở VHTT hoặc cao cấp hơn là Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhu cầu xuất hiện trên sân khấu biểu diễn của nghệ sĩ là rất lớn và chính vì thế, dù có tự do đến mấy, họ vẫn phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, các quy định mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT các địa phương đề ra.

Trong trường hợp của Ngọc Mai - Quốc Nghiệp, cái khó của Sở VHTT TP Hồ Chí Minh không phải không có hướng ra. Chỉ cần một thông báo chính thức đại ý “tạm ngưng cấp phép các chương trình có sự xuất hiện của Ngọc Mai - Quốc Nghiệp cho đến khi hai nghệ sĩ làm việc xong với Sở VHTT TP Hồ Chí Minh” và đề nghị các sở cùng ngành ở các địa phương khác cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương cùng hỗ trợ thực hiện, chắc chắn không cần phải nhờ đến báo chí để đánh động ý thức tuân thủ quy định cũng như chấp hành pháp luật của họ.

Rất tiếc, sau hơn chục ngày Ngọc Mai - Quốc Nghiệp về nước và im hơi lặng tiếng, tảng lờ cả lời mời của cơ quan quản lý nhà nước, Sở VHTT TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có một động thái cứng rắn tương tự.

Chuyện của cặp nghệ sĩ trên không phải là trường hợp duy nhất cho thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý văn hóa cấp địa phương. Trước đó không lâu, khi Đàm Vĩnh Hưng vướng phải lùm xùm liên quan đến bộ trang phục phản cảm, cách xử lý của Sở VHTT TP Hồ Chí Minh cũng chưa thuyết phục.

Việc Đàm Vĩnh Hưng bị nhắc nhở, bị xử lý và buộc phải sửa lỗi ở show diễn tại Hà Nội chỉ thể hiện thái độ chấp hành của một cá nhân mà thôi. Trong khi đó, sai phạm này không chỉ thuộc về cá nhân Đàm Vĩnh Hưng mà nó còn có trách nhiệm của những người tham gia hội đồng phúc khảo chương trình tại TP Hồ Chí Minh. Ấy vậy mà chưa hề thấy có một lời nhận trách nhiệm công khai nào của bộ phận quan trọng ấy chứ đừng vội nói đến xử lý sai phạm mà họ mắc phải.

Thị trường giải trí ở TP Hồ Chí Minh vô cùng sôi động, với nhiều nghệ sĩ tự do hoạt động. Và, cũng nhiều sai phạm phát sinh ở đây, ví như ca khúc với ca từ gợi dục gần đây của Tlinh. Phải chăng, đang có một sự bất lực từ cơ quan quản lý văn hóa của địa phương và chính sự bất lực ấy đã càng khiến giới nghệ sĩ xem thường các nguyên tắc ứng xử nghề nghiệp và ứng xử cộng đồng hơn?

Văn Đoàn
.
.