Từ những hạt giống...

Thứ Bảy, 26/04/2025, 21:29

Nhà văn Turgenev (1818-1883) có một câu nói rất hay: "Hãy tin vào chính mình trước, rồi người khác sẽ tin vào bạn". Sự tin tưởng ấy chính là niềm hy vọng mà chúng ta gieo vào tâm hồn mình để rồi sự thành công sẽ là vụ mùa bội thu.

Nhưng, phải hiểu khái niệm đó thế nào cho thấu đáo trong một xã hội đầy thách thức. Có lẽ, hãy lắng nghe những tâm sự, chia sẻ, mách bảo, bạn sẽ nhận ra một mạch nguồn âm thầm như một nét đẹp văn hóa. Nét văn hóa đó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực mà thấm thía với mỗi người chúng ta.

ngu%3fi tr%3f c%3fn l%3fa ch%3fn hu%3fng di cho riêng mình-%3fnh internet.jpg -0
Người trẻ cần lựa chọn hướng đi cho riêng mình

Sau 45 năm gây dựng thành công thương hiệu bút bi Thiên Long, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long đã có những chia sẻ trên báo điện tử vnexpress.net, trong chuyên mục 50 năm thống nhất đất nước. Những dòng tâm sự khá dài nhưng người viết tâm đắc nhất là chia sẻ này: "Qua mấy chục năm, tôi nghiệm ra việc tin tưởng người khác rồi nhận về những thất bại xảy ra không đáng kể so với những thành công mang lại. Tất nhiên, niềm tin không chủ quan, phải có sự nhìn nhận lý tính''.

Sự tin tưởng mà ông Thọ dành cho các cộng sự và có lẽ cả với con mắt xanh của khách hàng đã giúp ông thành công. Như Santosh Kalwar từng nói: "Tin tưởng chính mình và bạn sẽ dần tin tưởng những người khác", có lẽ sự tin tưởng mà ông dành cho bản thân còn là một thái độ sống: sống là tự thắp sáng lên chính bản thân, sống là đi tìm con đường riêng cho mình.  

Mỗi hy vọng sẽ tạo ra cho chúng ta cơ hội tìm thấy một con đường như thế. Không phải ngẫu nhiên mà tôi thích đọc những mẩu chuyện về thuở hàn vi của các doanh nhân. Dĩ nhiên, không phải ai từng nghèo khó và mạnh dạn khởi nghiệp cũng đều thành công. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, lâm vào cảnh huống nào, với họ, sự tự tin như ngọn hải đăng dẫn đường, ánh sáng khát vọng đã soi lối. Điều đó đối lập với thói quen bằng lòng với cái đã có, với sự chấp nhận thất bại. Con đường mà mỗi người lựa chọn cũng sẽ nói lên tương lai của cộng đồng, dân tộc, của đất nước mai sau. Khát vọng của người trẻ là một bản lĩnh sống...

tinh th%3fn kh%3fi nghi%3fp là s%3f c%3fng hi%3fn-%3fnh internet.jpg -1
Tinh thần khởi nghiệp là sự cống hiến.

Mới đây, tại buổi khai mạc Ngày hội học sinh, sinh viên khởi nghiệp - SV Startup, tại Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, sáng 20/4/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói: "Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ" và "Các em cần biết thế nào là khởi nghiệp, cần có lý luận, học tập, được sống trong môi trường khởi nghiệp thì mới phát triển được" (theo: Lệ Nguyễn-vnexpress.net).

Người viết cảm nhận được, "tinh thần khởi nghiệp" ấy không chỉ là phẩm chất cần có của một cá nhân bắt đầu bước vào kinh doanh, tạo ra sản phẩm cung cấp cho xã hội mà ngay từ lúc tiếp thu lý thuyết, kĩ năng và vận dụng. Điều này cũng tương đồng với triết lý "học để khẳng định mình" (sự phát triển cá nhân) của UNESCO. Tinh thần ấp ủ qua những năm tháng thử thách, vất vả trong mỗi người trẻ, đủ sức giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu. Hành trình khởi nghiệp cũng là hành trình trả lời câu hỏi: Bạn có thật sự yêu cuộc sống này, bạn có phải người sâu sắc hay không?

Câu hỏi buộc mỗi người phải tự nhận diện: học để được khẳng định hay học như một sự tự khẳng định bản thân? Theo quan điểm của người viết, tự khẳng định bản thân mới là điều quan trọng nhất. Mỗi công dân đều thể hiện khát khao khẳng định sẽ tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Giá trị ấy không chỉ mang tính nhân văn, giáo dục thế hệ trẻ mà còn giúp con người vượt qua những thách thức của thời đại mà kỷ nguyên AI là minh chứng rõ nét nhất. Hay, nói cách khác, bạn có ý tưởng gì vượt ra ngoài những suy nghĩ thông thường.

Lịch sử thế giới đã chứng minh, những đứa trẻ chưa đầy 18 tuổi làm thay đổi thế giới bằng những phát minh của mình như: robot thu gom rác thải nhựa trên biển, máy phát hiện nước nhiễm chì, thiết bị phát hiện trẻ em bị bỏ quên trong xe, phương pháp chẩn đoán ung thư... Đó là dư địa để con người tiếp tục đặt niềm tin ở mình thay vì bị lấn át bởi chính AI.

Hãy thử nghe một phân tích của giới chuyên môn: Trong bài viết có nhan đề "Kỹ năng của con người trong kỷ nguyên AI", (Tia Sáng, số 4/2025), TS. Lưu Vĩnh Toàn nhận định: "Trong lĩnh vực AI, kỹ năng này là tiền đề cho các các mô hình đa tác nhân (Multi-Agent Systems) và lý thuyết trò chơi (Game Theory), giúp AI có thể tương tác với nhiều tác nhân khác trong môi trường phức tạp, như trong trò chơi chiến lược, xe tự lái hoặc chatbot hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, AI vẫn còn hạn chế trong việc hiểu cảm xúc sâu sắc và phản ứng linh hoạt như con người". AI chưa thể (và có lẽ là không thể) tạo ra một xã hội với đầy đủ thuộc tính và sự tương tác đa chiều, với tình cảm, tinh thần đa dạng như thế.

Muốn hợp tác và tương tác xã hội hiệu quả, con người nên tham gia các hoạt động nhóm, học cách lắng nghe chủ động, rèn luyện trí tuệ cảm xúc (EQ) và thực hành đàm phán. Việc quan sát hành vi của người khác, học cách điều chỉnh giao tiếp phù hợp với từng đối tượng và thực hành giải quyết xung đột cũng giúp nâng cao kỹ năng này. Ngoài ra, việc đọc sách về tâm lý, tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc các buổi hội thảo giao tiếp cũng giúp con người mở rộng khả năng tương tác xã hội".

untitled-13.jpg -0
Tương tác xã hội giúp con người sống sâu sắc hơn.

Có lẽ, "tương tác xã hội" với những kĩ năng, sự tinh tế như điều chỉnh giao tiếp, giải quyết xung đột đều thuộc về tính xã hội. Con người có xã hội, tốt đẹp hơn nhờ xã hội, hạnh phúc hơn bởi chính xã hội đó. Sự thành công của ông Cố Gia Thọ với Tập đoàn Thiên Long nằm ở sự tin tưởng, trao cho những người dưới quyền mình sự tin tưởng và trọng trách như ông tâm sự: "Một doanh nghiệp không phải lúc nào người chủ đứng ra điều hành tất cả là tốt. Mỗi bộ phận trong công ty đều được trao toàn quyền trong phạm vi chuyên trách của họ. Và, trong bộ máy của Thiên Long, mỗi bộ phận đều chuẩn bị một người kế cận, một "hạt giống" cho tương lai". Có lẽ, chính bản thân mỗi cộng sự, mỗi công dân cũng đã tự trao cho mình quyền sẽ trở thành hạt giống cho tương lai.

Có người nói với tôi rằng: "Con người ngày nay có nhiều cách để kết nối với xã hội nhưng lại luôn đơn độc và đôi khi độc ác với chính bản thân mình. Bằng chứng là họ luôn tạo ra áp lực khủng khiếp cho bản thân theo kiểu: Trước 20 tuổi phải có gì, sau 30 tuổi phải có gì'. Người viết cho rằng, thời nào con người cũng chịu sự tác động từ tương tác xã hội như những đối thoại văn hóa.

Con người, từ góc độ bản thể văn hóa dù rơi vào hoàn cảnh éo le nhất như Robinson Crusoe ở hoang đảo cũng chưa bao giờ từ bỏ khát vọng sống, khát vọng tìm thấy sợi dây liên lạc với xã hội. Dù một mình đứng trước muôn vàn khó khăn ở giữa trùng khơi vẫn là cuộc đối thoại âm thầm nhưng gay gắt.

Hơn ai hết, chính chúng ta đang nắm giữ những hạt mầm hy vọng, những cơ hội để thực hiện khát vọng và trả lời câu hỏi với chính mình, với cuộc đời mình là ai, đã thực sự vượt qua những thách thức để thành công hay chưa? Điều đó phụ thuộc vào chính bản lĩnh, nghị lực và cảm quan về xã hội trong mỗi con người chúng ta hôm nay.

Kiến Văn
.
.